Năm nay, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu báo cáo khả thi dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT). Hiện nay, đơn vị tư vấn của Nhật Bản đang tiến hành các thủ tục cần thiết để ký hợp đồng nghiên cứu khả thi dự án với phía Việt Nam. Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng đã dành cho báo chí một cuộc trò chuyện về vấn đề này. Bộ trưởng cho biết, hiện nay Việt Nam và Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ giữa hai bên, đầu năm 2011 sẽ triển khai nghiên cứu.
- PV: Thưa bộ trưởng, cụ thể kế hoạch nghiên cứu ra sao?
Bộ trưởng HỒ NGHĨA DŨNG: Đề cương nghiên cứu nhiều nội dung lắm. Bây giờ sẽ làm lại báo cáo tiền khả thi trước đó đã trình Quốc hội, bổ sung một số vấn đề cho rõ thêm; đồng thời lập 2 dự án khả thi tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn. Trên cơ sở đó lên quy hoạch chi tiết để cắm mốc giới tuyến nhằm giữ đất về lâu dài.
- Những vấn đề mà vừa qua Quốc hội lo ngại có được giải quyết trong báo cáo khả thi tới đây?
Báo cáo sắp tới không giải quyết được hết vấn đề đó, mà chỉ khi nào làm báo cáo đầu tư mới nói rõ. Lần này, báo cáo về 2 đoạn dự kiến làm trước sẽ nói rõ cụ thể những vấn đề mà Quốc hội quan ngại; còn trên toàn tuyến thì chưa giải quyết được hết. Tinh thần sẽ làm ĐSCT và nghiên cứu công nghệ thế nào, bước đi thế nào, nguồn vốn thế nào cho hợp lý, lộ trình thực hiện, khả năng, thời điểm nào sẽ thực hiện được... báo cáo khả thi sẽ làm rõ hơn.
- Chính phủ vẫn quyết tâm xây ĐSCT?
Dứt khoát là phải làm. Nhưng mà thời điểm như thế nào thì phải tính kỹ, phải theo đúng thủ tục, quy định, rồi phải báo cáo Quốc hội. Chính phủ quyết tâm để chuẩn bị dự án chứ không phải là Chính phủ cứ làm mà không báo cáo Quốc hội như mọi người ngộ nhận.
- Chính phủ quyết tâm lập dự án này thì cũng đã dự định thời điểm trình lại Quốc hội?
Bây giờ nếu làm báo cáo dự án này cũng phải mất từ 2 - 3 năm. Rồi còn xem tính khả thi của nó đến đâu đã rồi mới trình chứ không phải làm xong là trình. Có thể dự án khả thi nhưng cũng phải cân nhắc thời điểm đó nguồn lực của đất nước như thế nào, tình hình kinh tế của đất nước thế nào nữa.
- Bộ trưởng lo ngại nhất điều gì khi làm ĐSCT?
Nguồn lực. Cơ bản vẫn là nguồn lực của đất nước. Bản thân của dự án một phần nhưng còn phải xem sức chịu đựng của nền kinh tế.
- Bộ trưởng từng nói sẽ không thể giải phóng mặt bằng nếu tiến hành nâng cấp đường sắt hiện hành, vì vậy phải làm ĐSCT. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng hoàn toàn làm được, lại đỡ tốn kém. Bộ trưởng giải thích thế nào?
Chúng ta phải phân tích thế này: Đường sắt bây giờ đang là khổ 1m, bây giờ nâng hết lên 1m45 thì phải ngưng toàn bộ hệ thống này vài ba năm để làm. Như vậy việc giải quyết giao thông đường sắt như thế nào đây, chúng ta chưa lường được hết. Bây giờ hành lang hai bên đường sắt đều đô thị hóa hết rồi, làm đường sắt 1m45 là làm đường đôi chứ không thể làm đường một được, mà đường đôi thì không còn mặt bằng trên tuyến này để làm. Tôi khẳng định không thể nào giải phóng mặt bằng được để làm. Vì vậy, tuyến đường sắt bây giờ mình chỉ nâng cấp lên để vận chuyển hành khách trong phạm vi ngắn và chở hàng Bắc - Nam. Còn lâu dài và lớn hơn phải làm 1m45 đường đôi, thì phải trên tuyến mới.
- Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thay vì đầu tư ĐSCT, nếu tập trung đầu tư đường bộ cao tốc sẽ hiệu quả hơn?
Đường bộ cao tốc là ưu tiên số 1, giờ đang làm rồi.
- Nhưng đang triển khai rất chậm, thưa bộ trưởng?
Chậm vì phụ thuộc vào nguồn lực. Bây giờ có mấy tuyến đang làm, nếu làm tốt, 5 năm nữa đã có khoảng 1.000km đường bộ cao tốc. Tôi cho rằng, với nguồn lực đất nước như vậy là không chậm.
- Nếu làm ĐSCT, có nối mạng với đường sắt cao tốc trong khu vực không thưa bộ trưởng?
Có chứ. Sẽ nối mạng ASEAN, nối đường sắt Singapore, Côn Minh (Trung Quốc). Mạng ĐSCT của Việt Nam nằm trong dự án ĐSCT ASEAN, Côn Minh. Nói chung là phải làm, còn làm thế nào, thời điểm nào, cân nhắc nguồn lực ra sao thì sẽ tùy điều kiện thực tế để thực hiện. 130 năm trước đây, người Pháp đã làm đường sắt như bây giờ. Chúng ta làm ĐSCT không phải cho 5 - 10 năm mà làm cho 100 - 200 - 300 năm sau. Tôi khẳng định, đây mới là bước nghiên cứu, còn thời điểm làm, làm như thế nào Chính phủ phải tính, nhưng không thể không làm.
- Xin cảm ơn bộ trưởng!
Lâm Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét