,
- "Làm đường sắt cao tốc theo phương án BOT nghe thì hay nhưng không đủ hiệu quả để thu hút nhà đầu tư nước ngoài", Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đáp lại câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh, trong phiên chất vấn chiều nay (10/6).
Bằng nhiều câu hỏi "gần, xa" về hiệu quả các dự án giao thông hiện tại, về tuyến đường Hồ Chí Minh, hàng loạt công trình trì trệ... một số ĐBQH "tranh thủ" phiên chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng để nhờ giải đáp thắc mắc quanh dự án xây đường sắt cao tốc.
Chưa chọn đối tác
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi: "Quốc lộ 1A ngày càng chắp vá. Đoạn đi qua Đà Nẵng nói là thu xếp vốn 10 năm nay chưa xong mà lại lo đàm phán để có 56 tỷ USD xây đường sắt cao tốc. Nếu đường bộ làm theo kiểu BOT được thì đường sắt có làm được BOT không? Liệu ta có thể năn nỉ nhà đầu tư là thôi ông ơi, tài trợ ODA cho chúng tôi làm đường bộ trước, còn lại một ít cho xây thử một tuyến ngắn đường sắt được không?".
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu): Bộ trưởng đã đi thực tế chưa hay nghe báo cáo? Xin mời Bộ trưởng về Bạc Liêu, tôi sẵn sàng đi thực tế cùng Bộ trưởng
Đây cũng là câu hỏi mà ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt ra tại phiên thảo luận về đường sắt cao tốc hôm 8/6: "Mời nhà đầu tư vào làm kiểu BOT, miễn thuế 10 năm xem có ai làm không?".
Bộ trưởng GTVT quả quyết: "Không một nhà đầu tư nào nhận làm đường cao tốc theo hình thức BOT. Chỉ làm BOT với các tuyến quy mô nhỏ kèm điều kiện nhà nước phải giải phóng mặt bằng. Không có chuyện làm dự án quy mô lớn".
Ông Dũng cho hay, Bộ GTVT từng kêu gọi BOT cho đường sắt cao tốc song chẳng ai mặn mà vì "không khả thi".
Tiếp tục trăn trở với đường sắt cao tốc, ông Thuyết đặt giả thiết, cứ cho là QH đồng ý chủ trương, Nhật Bản và WB không cho vay tiền nhưng có nước khác sẵn sàng cho vay với giá rẻ hơn thì Chính phủ có sẵn sàng chọn đối tác khác?
Ông Dũng giải thích: "Ta chưa chọn đối tác, phải đợi QH đồng ý chủ trương. Phía Nhật giúp ta chuẩn bị dự án. Ta từng trao đổi với họ về vốn, công nghệ nhưng chưa thỏa thuận cụ thể".
Theo Bộ trưởng, vẫn đang bỏ ngỏ cho bất kỳ nước nào có vốn tương thích, công nghệ hợp lý.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) muốn Bộ trưởng so sánh hiệu quả kinh tế đường Hồ Chí Minh trong báo cáo nghiên cứu khả thi với thực tế "vì sắp thông qua dự án đường sắt cao tốc nên chúng tôi muốn có thông tin để đối chiếu".
Ông Dũng nói ngay: "Con số cụ thể về hiệu quả kinh tế đường Hồ Chí Minh tôi không trả lời ngay được".
Theo ông Dũng, đường Hồ Chí Minh đạt hiệu quả tổng hợp kinh tế, chính trị, quốc phòng. Một số đoạn đi qua Bắc Miền Trung tuy lưu lượng giao thông thấp nhưng tác động lên phát triển kinh tế vùng. "Hiệu quả giao thông đúng là không có", ông Dũng chốt lại.
Đu dây qua sông: Sáng tạo không ai ngờ
Đáp lời ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc đồng bào đu dây qua sông Pôkô là “một sáng tạo không ai ngờ tới”.
ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình): Ta cung ứng vốn cho Vinashin rất lớn
Như phản ánh của báo chí, cơn lũ lịch sử tháng 9/2009 đã cuốn phăng hàng loạt cầu treo bắc ngang qua sông Pôkô. 8 tháng qua, hàng nghìn người dân, phần lớn là học sinh ở xã Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang... huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vượt sông Pôkô bằng cách “đu mình” trên sợi dây thép ròng rọc mỏng manh.
Không trả lời ngay vào câu hỏi của ĐB Thuyết "Bộ trưởng đã đi kiểm tra tình hình chưa", ông Hồ Nghĩa Dũng kể từng đích thân đến Kon Tum ngay sau khi cơn bão tan.
Song ông thừa nhận, đến lúc này, địa phương vẫn không báo cáo gì về tuyến cầu treo bị cắt đứt ở sông Pôkô.
“Khi báo chí nêu, tôi đã điện hỏi Sở Giao thông Kon Tum nhưng họ không biết”, ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng lại nói thêm, về sau Sở giải thích, nơi đây trước kia từng bắc các cầu tạm vì cư dân sống bên sông chủ yếu là dân tái định cư, thưa thớt, không có dân bản địa.
Ông Dũng cho rằng, về lâu dài nên tiếp tục xây cầu treo.
"Đang chờ báo cáo"
Tình hình thua lỗ của Vinashin cũng được nhiều ĐB quan tâm.
ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) gửi câu hỏi tới ông Dũng về việc Vinashin bỏ ra ngót nghét 1.000 tỷ đồng mua tàu Hoa Sen chở khách nhưng giờ đắp chiếu để đó và việc Thủ tướng giao trách nhiệm xử lý việc TCT Vinawaco làm ăn thua lỗ "có tên trong danh sách giám sát đặc biệt của Bộ Tài chính".
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Vẫn đang chờ báo cáo
Chưa hài lòng với văn bản trả lời của Bộ trưởng Dũng, ĐB Hải tiếp tục đứng lên chất vấn mong làm rõ trách nhiệm.
Theo ông Dũng, Vinashin sắm tàu Hoa Sen "rơi" đúng lúc thế giới đang khủng hoảng kinh tế, giá cước giảm hàng trăm lần, thị phần hàng hoá giảm.
Đây là hướng đi mới nên Tập đoàn này chưa lường hết khó khăn, chưa tính tới sự đồng bộ của hệ thống cảng, đường bộ. Tàu mua về chưa được khai thác hết công suất.
Bộ GTVT đã vào cuộc kiểm tra và xác định DN phải chịu trách nhiệm về thua lỗ, "nhưng xử lý thế nào, chúng tôi chưa được báo cáo".
Về thua lỗ ở TCT Vinawaco, ông Dũng trần tình: "DN này mua ba con tàu lớn hút bùn, trong tính toán có cái do sự yếu kém của DN, nhưng cũng vì họ hy vọng có được một số dự án lớn để khai thác, rồi thực tế từ năm 90 đến nay chỉ khai thác được 30% công suất. Đi vay bằng euro nên lãi cứ đẻ thêm, kéo theo lỗ dai dẳng".
Theo ông Dũng, đã có nhiều phương án như cổ phần hoá, mua bán nợ. Nhưng xử lý tài chính phức tạp, phải có thời gian.
"Thời gian trôi, nhiều người trong Hội đồng quản trị, báo cáo thực với QH là họ đã nghỉ. Hội đồng quản trị mới đang phải xử lý", ông Dũng nói.
Ông Dũng khẳng định "đang tiếp tục tìm hiểu".
Đây cũng là cách "đáp từ" quen thuộc của Bộ trưởng Giao thông trong suốt buổi chất vấn, vì "đụng" đến bất kỳ vấn đề nào được ĐB nêu, dù là một dự án cấp địa phương hay những công trình lớn thì với ông, mọi chuyện vẫn "đang được tìm hiểu, chưa được báo cáo, không có con số chi tiết"...
Ngày mai, đến lượt Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch đăng đàn.
Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét