Bút Lông
-
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 1-2011 tăng 1,74%.
Đáng lưu ý là con số này so với tốc độ trung bình quý IV-2010 không giảm, dù từ tháng 11-2010 Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp kìm giá như giữ tỉ giá, giữ giá xăng dầu, tăng tiền hỗ trợ hàng bình ổn…
Có vẻ như “con ngựa” giá đã trở nên bất kham, bởi trong tháng 1 này có tới 10/11 nhóm hàng vẫn tiếp tục tăng giá so với tháng 12-2010. Dù rất thận trọng, các chuyên gia thống kê vẫn phải cảnh báo, giá cả các nhóm hàng sẽ lên cao hơn nữa trong những ngày tới, khi người dân mua sắm tết.
Đã có nhiều phân tích về các nguyên nhân tăng giá như giá nhập đầu vào, tỉ giá tăng, nhân công tăng… song có một nguyên nhân dù đã cũ vẫn không thể không nói. Đó là sự “gương mẫu” của các “đầu tàu” (là doanh nghiệp Nhà nước) trong vai trò dẫn dắt thị trường. Đặc biệt là khi sự “dẫn dắt” ấy chẳng phải có được từ giá thành rẻ, chất lượng cao, hậu mãi tốt mà có được từ sự… độc tôn trên thị trường!
Vậy họ đã hành xử thế nào?
Vừa vào đầu năm mới 2011, ba ngành than, điện và xăng dầu đồng loạt kêu lỗ và đòi… tăng giá! Dường như với họ chỉ có tăng giá mới tránh khỏi lỗ, chứ không phải là tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhân công, giảm hao hụt (hiện mức hao hụt điện năng, hao hụt xăng dầu và thất thoát trong khai thác than của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới). Nghĩa là từ vị thế độc tôn, họ bắt cả nền kinh tế và xã hội “gánh giùm” những yếu kém về mặt quản lý cho họ. Thật không gì so sánh chính xác hơn ví dụ mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra: Hơn mười năm trước thị trường điện thoại di động chỉ có một nhà cung cấp, giá cước luôn cao ngất ngưởng. Nhưng chỉ sau mấy năm xuất hiện nhiều nhà mạng mới thì giá cước di động liên tục hạ nhiệt.
Phá vỡ thế độc tôn đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng được hưởng lợi. Hơn thế, nhờ cạnh tranh mà đồng vốn đầu tư mà ngành viễn thông chi ra đã mang lại sản phẩm, dịch vụ rõ rệt chứ không còn là các dự án lãng phí. Do đó, theo bà Phạm Chi Lan, “vấn đề phá vỡ thế độc quyền của ngành điện, xăng dầu, than hiện nay càng đặt ra cấp thiết”.
Thậm chí đó còn giống như việc “đóng cương” cho chú ngựa mang tên giá cả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét