Kiên trì vận động dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí do EU áp đặt, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc "trường chinh" mới nhằm tiếp cận công nghệ quốc phòng hiện đại.
>> TBN giúp TQ tiếp cận CNQP châu Âu
>> Quân sự Trung Quốc mạnh lên nhờ EU?
Chuyến thăm châu Âu của phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy, thậm chí tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Bắc Kinh từ 1989. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử và căn cứ vào các vấn đề thời sự, chuyến đi của ông Lý Khắc Cường khó có thể là đoạn cuối của cuộc trường chinh tiếp cận công nghệ vũ khí hiện đại, nhằm "thổi hồn" cho kho vũ khí của Trung Quốc.
Vấn đề lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc đã được đưa ra thảo luận trong một thời gian khá dài. Các nước Tây Âu từng hy vọng có được một phân khúc trong thị trường vũ khí Trung Quốc, vốn lâu nay là thị trường chính của Nga.
Nội bộ EU vẫn không thống nhất được trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, lệnh cấm vận chỉ được dỡ bỏ khi có sự đồng ý của tất cả 27 nước thành viên EU. Đây là khó khăn đầu tiên mà Trung Quốc phải vượt qua, tuy nhiên, điểm mấu chốt có tính quyết định cho vấn đề dường như lại thuộc về một quốc gia nằm ngoài châu Âu, đó chính là Mỹ.
Năm 2004, Pháp chủ động đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc. Tuy nhiên, kiến nghị này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ.
Năm 2005, Mỹ tuyên bố nếu EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc, Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU. Trong một thời gian dài, EU đã tìm kiếm các cơ hội thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề này.
Một số nước kiến nghị thay thế lệnh cấm vận vũ khí bằng các quy tắc xuất khẩu đặc biệt, áp đặt những hạn chế nhất định về nguồn cung cấp vũ khí cho Trung Quốc, cũng như công nghệ sản xuất thiết bị. Đáp lại, Washington cho rằng, không có gì đảm bảo hiệu quả của một hệ thống kiểu như vậy.
Về phía mình, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ không mua số lượng lớn vũ khí từ EU, nếu lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ. Tuy nhiên, tuyên bố nhằm xoa dịu sự quan ngại của Washington đã không thành công. Thời kỳ đó, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố sẽ không đề cập đến vấn đề này cho đến năm 2007.
Đến tháng 4/2008, Nghị viện châu Âu nhất trí tuyên bố duy trì lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc.
Sẽ còn rất lâu các chuyên gia Trung Quốc mới có thể "sờ tận tay" những chiến đấu cơ tiên tiến của Châu Âu.
Phía Trung Quốc cho rằng lệnh cấm vận vũ khí của EU là một sự phân biệt đối xử mang động cơ chính trị, không phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra, cản trở lợi ích quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và EU.
Năm 2010, thêm một lần nữa Tây Ban Nha với tư cách là Chủ tịch luân phiên của EU đưa ra kiến nghị dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc. Rõ ràng, các khó khăn về kinh tế trong khu vực đồng Euro khiến các nước này mạo hiểm tìm đến Trung Quốc để cứu vãn nền kinh tế của mình. Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc đưa vấn đề cấm vận vũ khí lên bàn đàm phán.
Theo TSAMTO nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của vũ khí Trung Quốc, và Nga cần phải chuẩn bị cho điều này. Đồng thời các nước EU sẽ phải rất thận trọng trong quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc.
Thực tế cho thấy rằng, Trung Quốc đang tích cực sao chép các mẫu vũ khí từ Nga. Để giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, các nhà sản xuất phương Tây có lẽ sẽ cần một thời gian rất dài để tìm ra giải pháp cho vấn đề vốn làm đau đầu các nhà sản xuất của Nga.
Ngoài ra, các yếu tố thời sự đang ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc vận động của Trung Quốc. Đó là tình hình an ninh trong khu vực Đông Á đang xấu đi, đặc biệt là tình hình bất ổn leo thang trên bán đảo Triều Tiên, các vấn đề xung quanh Đài Loan. Kèm theo đó là sự phản đối kịch liệt của Mỹ và Nhật Bản. Do đó, lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc không chỉ được giữ nguyên mà thậm chí có thể được nâng lên cấp độ mới, chuyên gia TSAMTO dự báo.
Quốc Việt (theo Armstrade)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét