Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Uốn lưỡi mấy lần? ........... Nguyễn Vĩnh

Uốn lưỡi mấy lần?
Nguyễn Vĩnh

Câu chuyện bô-xít đã trở lại và nhanh chóng là tâm điểm trên nhiều website cá nhân và blog Việt. Sự kiện bùn đỏ Hungari được ví như “giọt nước tràn ly” và hối thúc những lời can ngăn chính phủ trở nên quyết liệt hơn. Cảnh báo đưa ra là nên dừng khai thác bô-xít. Lợi ích nếu đưa lại cũng không thể bù cho thiệt hại nhiều bề mà nhỡn tiền là trái bom bùn đỏ treo trên nóc nhà Tây Nguyên. Điều này được coi là mối đe dọa hiện thực đối với vùng hạ cao nguyên rộng lớn nếu chúng ta cứ quyết lao vào khai thác bô-xít và chế nhôm lúc này.

Ngay báo viết và mạng luồng quốc doanh cũng đã xuất hiện những bài vở mà nội dung không dè dặt khép nép như lần báo nguy dư luận năm trước. Các cây bút giờ đây đã mạnh dạn trình bày rõ về lợi - hại của việc khai thác bô-xít đồng thời phô bày một nội dung phản biện khá đa diện và khúc chiết về các vấn đề nêu trên. Thi thoảng cũng thấy vài ba bài tường thuật về phản ứng mà lập trường ai cũng đoán được của các vị bên Than khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng hai bộ Công thương và Tài nguyên-môi trường khi họ bênh vực chuyện làm bô-xít.


Trong dòng phản ứng tự nhiên đó tôi cứ nghĩ với chức vị như ông Phạm Khôi Nguyên thì cái sự “lập ngôn” kỳ này phải khác. Không rõ là ông Bộ trưởng họ Phạm đã uốn lưỡi mấy lần mà nội dung phát ra lần này của ngài vẫn bị xếp loại “mất giá” y chang như lần trước. Mới hiểu ngày nay, thông tin thì siêu tốc và dày đặc thì sự cẩn trọng đến mấy cũng không thừa đối với những chính khách thời nay muốn nói. Tránh “hố” trước dư luận cách thức duy nhất là suy nghĩ cho thật sâu sắc những điều mình muốn nói ra công luận. Và một chính khách khôn ngoan, một mặt giữ lập trường thì mặt khác phải là người tuyệt đối không bao giờ áp đặt ý nghĩ và lập trường mang tính quan phương của mình lên mọi đối tượng đang chờ mình phát biểu.

Thế nên tiếc cho Phạm tiên sinh lần này ở khoa ăn nói đã không có cải thiện gì so với đợt phát biểu trước đây. Không những câu chữ có sơ hở mà còn khiếm khuyết ở nhiều điểm cơ bản nữa. Tôi nhớ một vài phiên họp Quốc hội trước đây ông Phạm Khôi Nguyên cũng từng đề cập đến dự án bô-xít, và nhất là với chuyện lình xình trong vụ sông Thị Vải do Vedan thải độc thủy, vị Bộ trưởng này cũng đã để lại “vạ miệng” trong nhiều ý tứ phô diễn vụng.

Tưởng như lần này ông Nguyên rút được kinh nghiệm để tránh lỗi việt vị trước dư luận. Nhưng trớ trêu cái sự đời, sau khi biết ông Nguyên phát biểu có những ý “hở sườn”, báo chí và cư dân mạng lại được một phen tha hồ tung tẩy, mổ xẻ mãi không dừng. Đến mức có người trước từng ở chức quan còn trên cơ ông Nguyên khi nghe nội dung ông Nguyên phát đã phải thốt lên “Nông nỗi này thì hỏng rồi ngài Mi-nít-tờ môi trường ơi” (ông này đùa chêm tiếng Anh - “Minister” là Bộ trưởng mà).

Vậy ông Phạm Khôi Nguyên đã nói sao?

Trên các báo lề phải của nhà nước đều đã tường thuật kỹ, tôi chỉ thuật lại mấy đoạn:

Tại Quốc hội phiên 8 đang họp ở Hà Nội lúc này, ông Phạm Khôi Nguyên nói rằng bộ ông (Bộ Tài nguyên & Môi trường) khẳng định “hai khu xử lý bùn đỏ cho bô-xít ở Tây Nguyên là an toàn”. Nhưng ông vẫn đệm theo hai từ “tuy nhiên” sau đó (tôi cho là sự thêm ‘dại khờ’): “Tuy nhiên vì mình chưa vận hành nên chỉ khẳng định sự an toàn trên lý thuyết và chạy mô hình”.

Sau đó trả lời cho câu hỏi: “Thực tế do khí hậu biến đổi, bão lũ thất thường và động đất thì Bộ có khẳng định độ an toàn sẽ không xảy ra sự cố của hai khu xử lý bùn đỏ đó hay không?” thì ông Phạm Khôi Nguyên lập tức phân bua ngay rằng: “Câu hỏi này không ai trả lời được”; rồi tiếp: “Tuy nhiên dự án này tác động đến môi trường tới đâu đã được các bộ, ban ngành tính hết rồi”.

Đoạn ông Phạm Khôi Nguyên còn khéo “khoe” là “chi khoảng 30-50 triệu USD để làm khu xử lý bùn đỏ” (không biết ‘đã chi’ hay ‘sẽ chi’/hoặc ‘đang chi’ vì ông Nguyên chưa nói rõ), và rồi là: “Áp dụng các công nghệ đã được thẩm định qua Hội đồng quốc gia”, “v.v…” và “v.v…”.

Đến đây những tưởng người nghe thấy mọi sự có thể ổn thỏa. Ấy nhưng không, ông Nguyên như thể chưa yên tâm nên ngài vội kê “bài tủ” ra với ít từ ngữ dưới đây thật là “bất hủ”: “Còn sự cố nó có xảy ra hay không thì làm sao chúng ta biết được”.

Ô kìa, sao lại có chuyện “làm sao mà biết được”! Hay đây chính cái gót Achille chết người không giấu giếm vào đâu được của những câu chuyện môi trường?

Diễn nôm chuyện ông Phạm Khôi Nguyên và các bậc quan bé hơn ở than khoáng sản cứ trường diễn đại loại là kiểu “chúng tôi đang làm mới là tính về lý thuyết”, sau rồi chuyện biến thiên trời đất, biến đổi khí hậu mưa to gió lớn thì “chúng tôi (cũng như các vị nhân dân thôi) đều đâu có biết được”.

Quả bóng như vậy được đá loạn hướng mất rồi. Nhà nước, mà đây cụ thể là một chính phủ lại nói với dân nước mình một câu với giọng truyền nhả quả bóng trách nhiệm một cách đơn giản và dễ dàng đến thế chăng? Chắc chắn là không được rồi.

Nhưng đã đến lúc kết thúc bài viết. Tôi muốn quay lại cái ý ban đầu: Đứng trước cả loạt những ý kiến phản biện của giới nhân sĩ trí thức Việt Nam cả trong nước và ngoài nước đồng thanh hãy dừng vụ bô-xít Tây Nguyên lại, người dân rất mong các chư vị lý thuyết suông kể trên hãy cố mà “thực sự cầu thị” cho lần may mắn này.

Lắng nghe các vị sẽ thấy trong những tiếng nói khẳng khái ấy có nguyện vọng thiết tha của nhiều người dân thường. Các vị đừng cố kỉnh đối phó bằng mấy động thái kiểm tra thanh sát về môi trường “Chúng tôi đã làm kỹ làm tốt” vội vã đưa ra không mấy thuyết phục. Hãy trông gương phản biện rõ ràng từ một cường quốc bô-xít và luyện nhôm cỡ nhất nhì thế giới là Hungari kia thì càng rõ.

Thêm nữa những lời khuyên can kia còn đến từ năm trước của vị Đại tướng lừng danh và rồi sau đó là của rất nhiều các vị nhân sĩ trí thức nổi tiếng của đất nước...

Cho nên lúc này khôn khéo nhất là các vị lý thuyết suông trên kia hãy biến các lý lẽ phản biện trở thành duyên cớ để các vị chuồi ra khỏi yên cương con ngựa có thể nói là rất bất kham mà các vị đã trót cưỡi lên mấy năm qua… Trước khi mọi việc trở nên quá muộn!

Chúng tôi rất tin dân tình sẽ ghi nhớ rằng đây sẽ là một quyết định nhận sai sót và có thể cả nông nổi ở tầm chính phủ - nên đương nhiên là một quyết định rất khó khăn, thậm chí là rất đau đớn - nhưng hướng được về lợi ích toàn dân chứ không phục vụ riêng cho một nhóm lợi ích nào cả. Một khi điều đó dân hiểu thì tăng niềm tin và sự đồng thuận xã hội.

N. V.

Nguồn: Nguyenvinh Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét