Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông
Marvin Ot
Đối với Bắc Kinh, minh bạch là nguy hiểm, còn sự không rõ ràng chính là tài sản trong vấn đề Biển Đông. Đề cập đến vấn đề này, bản tin Châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm Đông - Tây (Mỹ) số ra mới nhất đăng bài "Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông" (China’s Ambitions in the South China Sea) của tác giả Marvin Ott, thuộc Đại học John Hopkins. Sau đây là nội dung bài viết.
Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2010, trước sự kinh ngạc và choáng váng của người đồng nhiệm Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đặt vấn đề Biển Đông (South China Sea) vào tâm điểm chú ý của quốc tế. Từ khi lập nước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cho phát hành các bản đồ với một đường ranh giới biển - "đường chín đoạn". Ranh giới này - được Trung Quốc đề ra lần đầu tiên năm 1936 và bao gồm toàn bộ Biển Đông. Trong khi các tuyên bố biên giới khác của Trung Quốc, như Tây Tạng và ở các khu vực tranh chấp với Ấn Độ và Liên Xô, đã ngay lập tức gây ra tranh cãi, thì tuyên bố về ranh giới biển mở rộng của Trung Quốc lại ít được chú ý. Quả thực, Biển Đông không trở thành vấn đề được quan tâm cho tới năm 1995 khi Philíppin phát hiện một công trình quân sự của Trung Quốc được xây trên hòn đảo có tên Vành Khăn gần Palawan. Các thành viên của ASEAN đã phản đối Trung Quốc và ủng hộ Philíppin. Có vẻ như bị bất ngờ, Trung Quốc phản ứng bằng một nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu mối quan ngại của các nước Đông Nam Á để không phải dỡ bỏ công trình xây dựng này.
Trong quá trình đó, Biển Đông đã được đặt ra bên lề về mặt ngoại giao. Biết rằng đòi hỏi chủ quyền với toàn bộ Biển Đông sẽ làm ASEAN tức giận, Bắc Kinh làm dịu bớt vấn đề, đặc biệt vì họ chưa có đủ sức mạnh quân sự để thực thi tuyên bố đó. Đặng Tiểu Bình thường nhắc nhở người Trung Quốc một câu châm ngôn truyền thống "giấu mình chờ thời”. Đối với Bắc Kinh, minh bạch là nguy hiểm, còn sự không rõ ràng chính là tài sản trong vấn đề Biển Đông.
Trong những năm sau đó, màn sương dày đặc về khái niệm bao phủ lên lập trường của Trung Quốc. Một phần của việc này là sản phẩm phụ tự nhiên của nhiều tiếng nói khác nhau ở Trung Quốc - học giả, ngoại giao, quân sự, và báo chí - đề cập vấn đề mà không có một sự định hướng rõ ràng từ trên. Tuy nhiên, phần lớn điều này lại có tính toán. Kết quả là sự thiếu chắc chắn và bất đồng trong cộng đồng nhỏ các nhà quan sát và quan chức bên ngoài đang cố theo dõi vấn đề. Quan điểm bao trùm là Trung Quốc đang đòi hỏi ở mức ít hơn chủ quyền đầy đủ, chủ yếu là vì Trung Quốc tránh sử dụng khái niệm đó. Theo quan điểm này, đường đứt khúc (chín đoạn) thể hiện điều gì đó không phải là biên giới quốc tế hợp pháp, mà vẫn là một thứ không rõ ràng.
Có rất nhiều thứ gây ra sự nhầm lẫn, khó hiểu. Hãy xét một số điểm sau đây:
- Các căn cứ Bắc Kinh nêu ra làm cơ sở để tuyên bố chủ quyền mỗi lúc một khác và không thống nhất, trong đó có sự hiện diện lịch sử, nguyên tắc về quần đảo, nguyên tắc vùng đặc quyền kinh tế, nguyên tắc thềm lục địa.
- Trung Quốc bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, cho rằng các kết cấu địa chất nhô khỏi mặt nước không phải là nơi dân cư sinh sống được theo như luật quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại dùng chính các cấu trúc địa chất này để biện bộ cho tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.
- Đạo luật do Trung Quốc thông qua năm 1992 đưa đường chín đoạn vào luật nhắc đến "các vùng biển lịch sử của Trung Quốc", một thuật ngữ không có trong luật quốc tế.
- "Tuyên bố về Lãnh hải Trung Quốc" của Chính phủ năm 1958 gọi Biển Đông là "biển khơi". Cách gọi này mâu thuẫn với khái niệm về lãnh hải.
- Trung Quốc vẽ các đường cơ sở quần đảo quanh Hoàng Sa, quần đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng không vẽ quanh Trường Sa, cũng là nơi họ tuyên bố chủ quyền.
- Trung Quốc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nhưng lại giữ nguyên các yêu sách khiến cho việc phê chuẩn gần như vô nghĩa.
- Bằng việc tuyên bố một "vùng đặc quyền kinh tế ven bờ" (EEZ), Trung Quốc đã tạo cho khái niệm về EEZ một cách diễn dịch không được công nhận trong luật quốc tế.
- Trong một nỗ lực phản đối đệ trình chung của Malaixia và Việt Nam lên Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đệ trình một bản đồ với các đường biên giới đứt đoạn nhưng không có giải thích gì. Inđônêxia phản ứng bằng một đề nghị chính thức lên LHQ đòi Bắc Kinh phải làm rõ tuyên bố của mình. Trung Quốc đến nay vẫn im lặng.
- Đường đứt khúc chưa bao giờ được xác định ranh giới một cách chính xác, và phần lớn của nó, chẳng hạn như các vùng biển gần Quần đảo Natuna của Inđônêxia, vẫn hoàn toàn không rõ ràng.
Màn sương bắt đầu tan khi chúng ta xem xét tuyên bố mà đường đứt khúc của Trung Quốc được nêu ra theo đúng cách nói của các quan chức Trung Quốc: sự phân định biên giới biển của Trung Quốc. Xin hãy xem xét những điểm sau đây:
- Đường đứt khúc xuất hiện trên tất cả các bản đồ do Trung Quốc xuất bản bao quanh Đài Loan, và không nghi ngờ gì việc Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc.
- Năm 1974, Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam . Quần đảo này vẫn chưa được Trung Quốc xác định là riêng biệt với Biển Đông.
- Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã xây dựng một căn cứ quân sự lớn trên một đảo đá cách Philíppin 120 hải lý và cách Trung Quốc 600 hải lý.
- Luật Lãnh thổ năm 1992 của Trung Quốc khẳng định đường đứt khúc và giao trách nhiệm cho các lực lượng vũ trang phải bảo vệ lãnh thổ trên biển của Trung Quốc.
- Việc phát triển nhanh chóng khả năng quân sự của Trung Quốc tập trung vào việc triển khai sức mạnh hải quân và không quân vượt ra khỏi bờ biển Trung Quốc.
- Hải quân Trung Quốc đã ngăn chặn ngư dân Việt Nam hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong khi Bắc Kinh cảnh cáo các công ty dầu lửa quốc tế phải tránh xa các hợp đồng ngoài khơi Việt Nam.
- Trong khi Trung Quốc đồng ý ký một "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông", họ lại từ chối việc làm cho thỏa thuận này có tính chất ràng buộc hoặc tránh xây dựng các thỏa thuận mới.
- Tại một cuộc hội thảo công khai do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức đầu những năm 1990, hai đại tá cao cấp của PLA đã trả lời "không" khi được hỏi là Hạm đội Bảy của Mỹ có quyền đi qua Biển Đông mà không cần xin phép Trung Quốc hay không.
- Trong lần biểu dương sức mạnh về công nghệ gần đây, một tàu lặn của Trung Quốc lặn xuống phần sâu nhất ở Biển Đông. Thủy thủ đoàn được lệnh không chỉ xuống tới đáy mà còn cắm cờ Trung Quốc dưới đó.
- Trong nhiều cuộc thảo luận khác nhau, các quan chức Trung Quốc đã gọi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", thuật ngữ trước đây dùng với Đài Loan và Tây Tạng, những nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là bộ phận của Trung Quốc có chủ quyền.
Đặt trong bối cảnh đó, các cuộc họp ARF ở Hà Nội đã tạo ra một thời khắc làm sáng tỏ. Ngoại trưởngClinton công khai tuyên bố Mỹ ủng hộ ngoại giao đa phương trong vấn đề Biển Đông và khẳng định Mỹ có "lợi ích quốc gia trong tự do lưu thông [và] tiếp cận với các vùng biển chung của châu Á" - vấn đề có tính tiêu chuẩn chung trong ngoại giao quốc tế. Nhiều bộ trưởng ASEAN lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton, trong khi phản ứng của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lại quá khích động. Phát biểu của ông này còn gay gắt đến mức coi nhiều nước ASEAN là "nhỏ" và Trung Quốc là "lớn". Thậm chí còn hung hăng hơn, một tuần sau đó người phát ngôn chính thức của PLA tuyên bố "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi" đối với Biển Đông.
Màn sương đã tan; mọi thứ đã lộ rõ. Giờ là lúc xem xét đến những hàm ý về chiến lược./.
M. O.
Nguồn: Seasfoundation
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét