Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Tại sao chúng tôi tặng Lưu Hiểu Ba giải Nobel

Tại sao chúng tôi tặng Lưu Hiểu Ba giải Nobel
Thorbjorn Jagland


Hình của Luba Lukova


Oslo – Việc nhà cầm quyền Trung Quốc lên án ủy ban Nobel đã chọn Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), một nhà vận động chính trị, là người thắng giải Hòa Bình năm 2010 ngẫu nhiên cho thấy tại sao nhân quyền đáng bảo vệ.

Nhà cầm quyền nói rằng không ai có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Nhưng họ đã lầm: luật và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền ở trên quốc gia, và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ bảo đảm chúng được tôn trọng.

Chế độ quốc gia hiện đại chuyển hóa từ ý tưởng chủ quyền quốc gia được thiết lập bởi các thỏa hiệp gọi là “Peace of Westphalia” vào năm 1648[1]. Vào thời ấy, chủ quyền được coi là nằm trong tay một nhà cai trị chuyên quyền.

Nhưng cùng với thời gian, ý tưởng về chủ quyền đã thay đổi. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ cũng như Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp đã thay thế quyền chuyên chế bằng chủ quyền của dân như là nguồn gốc của quyền lực quốc gia và tính chính thống.


Ý tưởng về chủ quyền lại thay đổi một lần nữa vào thế kỷ vừa qua, cùng với thế giới đi từ chủ nghĩa quốc gia tới chủ nghĩa quốc tế. Liên Hiệp Quốc đã được thành lập sau hai cuộc thế chiến tai họa, các quốc gia thành viên đã cam kết giải quyết các tranh chấp bằng phương tiện hòa bình và định nghĩa những quyền căn bản của mọi người trong Tuyên ngôn Phổ quát Nhân quyền. Bản tuyên ngôn xác định rằng các quốc gia thành viên không còn quyền tối thượng vô giới hạn nữa.

Ngày nay, phổ quát nhân quyền trù liệu một sự kiểm điểm trên đa số chuyên chính khắp thế giới, bất kể họ là dân chủ hay không. Một đa số trong quốc hội không thể quyết định phương hại tới quyền của một thiểu số, cũng không thể biểu quyết những đạo luật làm hại nhân quyền. Và ngay cả Trung Quốc không phải là một nước dân chủ hiến định, họ là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, và họ đã sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với Tuyên ngôn Nhân quyền.

Tuy nhiên, việc bỏ tù ông Lưu là một bằng chứng hiển nhiên rằng hình luật của Trung Quốc không phù hợp với Hiến pháp của họ. Ông đã bị kết án vì “phát tán tin đồn hoặc vu khống hay dùng các phương tiện khác để phá hoại chính quyền hay lật đổ chế độ xã hội.” Nhưng trong một cộng đồng thế giới đặt cơ sở trên phổ quát nhân quyền, dẹp bỏ quan điểm và tin đồn không phải là việc của chính quyền. Các chính quyền có nhiệm vụ phải bảo đảm quyền tự do phát biểu – ngay cả khi người phát biểu vận động cho một chế độ xã hội khác.

Đó là những quyền mà ủy ban Nobel đã gìn giữ từ lâu bằng cách vinh danh những người đã tranh đấu để bảo vệ chúng bằng Giải Hòa bình, kể cả Andrei Sakharov vì cuộc tranh đấu của ông chống lại việc lạm dụng nhân quyền tại Liên Xô, và Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. về cuộc vận động dân quyền tại Hoa Kỳ.

Không ngạc nhiên, chính quyền Trung Quốc đã gay gắt chỉ trích giải thưởng, cho rằng ủy ban Nobel đã can thiệp bất hợp pháp vào nội tình của họ và làm xấu mặt họ trước con mắt công luận quốc tế. Trái lại, Trung Quốc nên hãnh diện rằng mình đã trở thành hùng mạnh đủ để trở thành chủ đề thảo luận và chỉ trích.

Đáng chú ý là, không phải chỉ có chính quyền Trung Quốc công kích ủy ban Nobel. Một số người nói rằng tặng giải thưởng cho ông Lưu thật ra có thể làm cho các điều kiện trong cuộc vận động nhân quyền tại Trung Quốc bị xấu đi.

Nhưng luận cứ này phi lý: nó đưa đến kết luận rằng cách tốt nhất để chúng tôi phát triển nhân quyền là giữ im lặng. Nếu chúng tôi cứ im lặng về Trung Quốc, nước nào sẽ là quốc gia kế tiếp nêu ra cái quyền của họ để bắt [người ngoài] phải im lặng và không được can thiệp? Cách tiếp cận như vậy sẽ đặt chúng tôi trên đường làm hại Tuyên ngôn Phổ quát và những tín điều cơ bản về nhân quyền. Chúng tôi không được và không thể giữ im lặng. Không nước nào có quyền bỏ qua những nghĩa vụ quốc tế của mình.

Trung Quốc có lý do để hãnh diện về những gì họ đã đạt được trong 20 năm qua. Chúng tôi mong được nhìn thấy những tiến bộ đó tiếp tục, và đó là lý do tại sao chúng tôi tặng giải Hòa Bình cho ông Lưu. Nếu Trung Quốc muốn tiến bộ trong hòa hợp với các nước khác và trở thành đối tác chủ yếu trong việc giữ gìn các giá trị của cộng đồng thế giới, trước hết họ phải cho toàn thể nhân dân của họ được hưởng quyền tự do phát biểu.

Thật là một thảm cảnh trong đó một người bị tù 11 năm chỉ vì phát biểu quan điểm của mình. Nếu chúng ta muốn tiến tới tình trạng thân hữu giữa các dân tộc như Alfred Nobel đã nói, thì phổ quát nhân quyền phải là tiêu chuẩn của chúng ta.

Thorbjorn Jagland là chủ tịch của Ủy ban Nobel Na Uy.

Đinh Từ Thức dịch từ “Why We Gave Liu Xiaobo a Nobel”, của Thorbjorn Jagland, The New York Times, 22 tháng 10, 2010.

Nguồn: Talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét