Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Đàn sếu, trận chiến Điện Biên và bô- xít Tây Nguyên

Đàn sếu, trận chiến Điện Biên và bô- xít Tây Nguyên
Hiệu Minh

Trong lịch sử phát triển của nhiều quốc gia, ở những thời điểm nhậy cảm, nhiều vị lãnh đạo đã phải biết “lùi” đúng lúc để đưa đất nước tiến lên, hay tránh thảm họa.

Chuyện của đàn sếu

Khi tôi viết những dòng này thì Washington DC đang vào mùa thu. Bên đường cao tốc, trong công viên, cây cối bỗng chuyển sang mau vàng xen đỏ rực rỡ. Những cánh rừng đa sắc màu pha nắng trời thu phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng, đẹp mê hồn.

Hai cậu con trai của tôi đi chơi trong công viên, đang chạy nhảy. Bỗng có tiếng kêu của đàn sếu bay qua. Hai đứa ngẩng lên và hỏi "Tại sao chim di cư lại bay thành hình chữ V".


Tôi từng xem bộ phim đen trắng của Liên Xô "Khi đàn sếu bay qua" gây bao xúc động cho người xem về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của người Nga. Boris, người yêu của Veronica (nhân vật nữ chính trong phim), bị bắn chết ở đầm lầy, khi đang cứu một binh sĩ khác. Khi nhắm mắt, Boris nhìn thấy đàn sếu bay qua hình chữ V. Và chi tiết đó cũng nhắc lại trong đoạn kết của bộ phim khi Veronica ngước nhìn bầu trời.

Lúc đó 14-15 tuổi, tôi hỏi các anh chị lớn tuổi tại sao sếu lại bay như thế. Họ chỉ giải thích "V" là chữ Victoria - biểu tượng của chiến thắng. Boris tin vào chiến thắng ngày mai và Veronica tin vào mùa Xuân đang về vì đàn sếu bay qua.

Sau này khi tìm hiểu kỹ thì tôi mới biết chữ V của đàn chim di cư liên quan đến sự đoàn kết của bầy đàn. Con chim đầu đàn luôn là con khỏe mạnh nhất, thông minh nhất. Chúng dựa vào từ trường, dãy núi, cánh đồng, thành phố làm mốc, hướng mặt trời, trăng, sao để định hướng cho chuyến bay dài hàng ngàn cây số.

Bay hình chữ V vì chim sau dựa vào con bay trước để bớt sức cản của gió, đỡ mất năng lượng hơn. Con đầu đàn mỏi cánh thì lùi lại cho chim khác tiến lên làm "lãnh đạo". Cứ thế chúng thay đổi "vai trò" để cả đàn bay được xa.

Đó là sự kỳ diệu cho thiên nhiên và những loài chim di cư, biết nương tựa vào nhau vượt qua bao sông sâu, núi cao, tới một miền đất hứa khác để mùa xuân sau lại quay về nơi chốn cũ. Sự tồn tại giống nòi của chúng dựa trên một triết lý đơn giản: Dựa vào nhau và chia sẻ.

Nếu bay đơn độc, con chim không thể tới nơi cần đến cách xa hàng ngàn dặm. Có những đàn chim không tới đích và lao xuống biển, vì con đầu đàn đã định hướng sai, không biết lui khi đã mệt và nhường chỗ hay chia sẻ vai trò dẫn đường đúng lúc. Đó chính là nguyên nhân gây ra thảm họa của cả bầy đàn.

Dự án bô- xít Tây Nguyên và các nhân sỹ trí thức Việt Nam

Mấy hôm nay, báo chí đưa tin, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước và nhiều nhân sỹ trí thức đã gửi thư tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước "khẩn thiết yêu cầu" xem xét lại việc khai thác bô-xít Tây Nguyên. Thảm họa bùn đỏ vừa qua tại Hungary cũng là một cảnh báo khác về dự án đang tranh cãi này.

Theo các nhân sĩ, việc xét lại dự án và nếu phải dừng thì cũng là "một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế Việt Nam và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế phải chịu đựng, nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ".

Một blogger đã ví chuyện này như trận Điện Biên Phủ năm xưa.

Chúng ta còn nhớ ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó mới 43 tuổi, phổ biến lệnh tấn công mật với dự định tiêu diệt căn cứ Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng chiến dịch biển người.

Mười ngàn (10.000) quân Pháp cố thủ trong hầm ngầm chọi với 50 ngàn quân Việt Minh phơi lưng trên cánh đồng trống trải.

Lẽ ra cuộc tấn công dự định vào ngày 20-1-1954 nhưng một đơn vị đại bác vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được lui lại vào 25-1. Sau đó bị lộ nên ngày tấn công dự định vào 26-1.

Sau một ngày và đêm suy nghĩ, Đại tướng đã tìm ra vài nguyên nhân không thể thắng: Quân ta chưa thành công trong việc tấn công các cứ điểm lô cốt liên hoàn như của Pháp tại đây. Pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập để tham gia một trận tấn công mang tính liên hoàn. Quân ta quen chiến tranh du kích, công đồn vào ban đêm trong khi sắp tới sẽ phải tấn công địch vào ban ngày trên địa hình bằng phẳng. Đối phương có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng.

Trong sáng 26-1-1954, Bộ Chỉ huy mặt trận họp và không đi đến được ý kiến thống nhất. Đại tướng hỏi, ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng, không ai trả lời được. Vị tướng trẻ tài ba đã quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó.




Đại tướng Võ Nguyên Giáp



Ông cho rằng, phương án "đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Vị tướng quyết định tổ chức lại trận đánh theo phương án "đánh chắc thắng chắc" dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm.

Số phận của đế chế Pháp tại Đông Dương được quyết định bởi chiến lược..."bàn lùi" của Đại tướng.

Pháo đã kéo vào trận địa, quân đã ém, sẵn sàng đợi lệnh tấn công. Nhưng phút chót phải kéo pháo ra, rút quân khỏi chiến hào. Cuộc chiến không phải 3 ngày mà kéo dài 55 ngày đêm kể từ trận xuất kích đầu tiên vào tháng 3 năm đó.

Theo lời kể của Đại tướng, đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Làm tướng phải biết cương nhu, biết tiến, biết lùi. Nếu chỉ dùng ý chí và thuật biển người thì số phận của nước ta có thể đã khác.

Nếu khai thác bô- xít, những nhà khoa học lo mấy triệu tấn bùn đỏ trên Tây Nguyên như một quả bom hẹn giờ, sẵn sàng nổ bất kỳ lúc nào ngoài ý muốn của con người. Chưa kể một nền văn hóa lâu đời của Tây Nguyên sẽ bị "bùn đỏ" cuốn trôi. Khi đó một "tàu Vinashin" khác lại tiếp tục chìm và tầm ảnh hưởng về kinh tế, chính trị còn lớn hơn rất nhiều.

Không phải ngẫu nhiên mà các chí sỹ, kể cả Đại tướng dù đã 100 tuổi, rồi bà Nguyễn Thị Bình, đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khai thác bô- xít Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, an ninh quốc phòng và khả năng thất bại của dự án.

"Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia" của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, cùng "sự thông cảm" của nhân dân cả nước "mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này"- các nhân sĩ nhấn mạnh.


Quyết định của ông gây hệ lụy cho hàng trăm ngàn binh lính, dân công, và cả nước phải chờ thêm 5 tháng nữa thay vì 3 ngày. Một sự tốn kém khủng khiếp, nhưng quyết định "lùi" đó có thể đã tránh cho dân tộc này một đại bại trong chiến tranh và một thảm họa lịch sử.
Vụ bùn đỏ Hungary mới đây thật không may cho nước bạn, nhưng cũng là dịp hiếm có "nhìn lại mình" của chính chúng ta tại các dự án bô- xít. Từ tai nạn của họ, để rút ra bài học cho nước mình.

Nếu khai thác bô- xít, những nhà khoa học lo mấy triệu tấn bùn đỏ trên Tây Nguyên như một quả bom hẹn giờ, sẵn sàng nổ bất kỳ lúc nào ngoài ý muốn của con người. Chưa kể một nền văn hóa lâu đời của Tây Nguyên sẽ bị "bùn đỏ" cuốn trôi. Khi đó một "tàu Vinashin" khác lại tiếp tục chìm và tầm ảnh hưởng về kinh tế, chính trị còn lớn hơn rất nhiều.

Không phải ngẫu nhiên mà các chí sỹ, kể cả Đại tướng dù đã 100 tuổi, rồi bà Nguyễn Thị Bình, đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khai thác bô- xít Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, an ninh quốc phòng và khả năng thất bại của dự án.

"Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối với vận mệnh quốc gia" của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, cùng "sự thông cảm" của nhân dân cả nước "mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này"- các nhân sĩ nhấn mạnh.

Một người bạc tóc hay 85 triệu dân bạc tóc?

Chuyện đàn sếu và dự án khai thác bô- xít Tây Nguyên không liên quan gì đến nhau. Và chiến trận Điện Biên cũng không có gì ảnh hưởng đến khai thác quặng. Nhưng có vài điểm đáng học ở loài chim di cư và thủ thuật binh pháp của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong lịch sử phát triển của nhiều quốc gia, ở những thời điểm nhạy cảm, nhiều vị lãnh đạo đã phải biết "lùi" đúng lúc để đưa đất nước tiến lên, hay tránh thảm họa.

Người lãnh đạo cũng như con chim đầu đàn của đàn chim di cư. Đưa con thuyền dân tộc tới bến là do người lãnh đạo. Và làm con tàu chìm giữa biển khơi cũng phần lớn do người cầm lái. Người lãnh đạo biết chia sẻ trách nhiệm với nhân dân thì con tàu quốc gia sẽ đi xa.

Nếu chỉ biết lo cho mỗi cá nhân mình hay lợi ích nhóm thì giống như con chim đầu đàn tham quyền cố vị, già cỗi, mệt mỏi nhưng không muốn nhường chỗ, để cuối cùng cả đàn mất phương hướng và lao đầu xuống biển.

Đại tướng thời Điện Biên biết..."bàn lùi" trước khi quá muộn. Rất có thể vị tướng nhớ lời Tôn Tử: "Biết người biết ta, trăm trận không nguy. Không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua. Không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại".



Khi quyết định khai thác bô- xít Tây Nguyên, liệu có ai ngồi suy ngẫm về khả năng thành - bại, được - mất của dự án như tướng Giáp đã từng thức trắng đêm khi ngồi trước bản đồ lòng chảo Điện Biên tại hang Thẩm Púa năm xưa?

Để một người bạc tóc, hay cả dân tộc gần 90 triệu phải bạc tóc. Đó chính là cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo quốc gia.

Chợt nhớ câu hỏi của hai con. Tôi giải thích cho các cháu rằng, chữ V của đàn sếu bay qua là biểu tượng của sự đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm của bầy đàn. Để có mùa thu vàng phẳng lặng, các con vui chơi hạnh phúc dưới trời xanh, thì loài người cần học cách tồn tại của những đàn chim di cư. Khi đó mới mong có được biểu tượng hình chữ V (Victoria - chiến thắng) trên bầu trời.

H. M.

Nguồn: Tuanvietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét