Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Đề án bauxite trên Tây Nguyên: quả bom nổ chậm

Đề án bauxite trên Tây Nguyên: quả bom nổ chậm
Trọng Nghĩa


Công nhân làm việc tại mỏ khai thác bauxite Tân Rai (Reuters)


Từ sau vụ hồ chứa bùn đỏ bauxite ở Hungary bị vỡ vào thượng tuần tháng 10/2010, gây những tổn thất về cả nhân mạng, vật chất lẫn môi trường, càng lúc càng có nhiều tiếng nói vang lên tại Việt Nam, yêu cầu chính quyền xem xét lại kế hoạch khai thác bauxite đang được thực hiện trên vùng Tây Nguyên.

Một bản kiến nghị yêu cầu tạm đình chỉ đề án bauxite Tây Nguyên cho đến hết ngày hôm qua 24/10 đã được gần 2000 người ký tên, trong đó có rất nhiều tên tuổi trong các lãnh vực chính trị, khoa học, kinh tế, cùng với nhiều sĩ quan cao cấp cũng như người dân bình thường.

Trên báo chí Việt Nam, không ngày nào không có bài viết cảnh báo chính quyền về hiểm họa tiềm tàng đối với đất nước. Chỉ cần nhìn qua một số bài viết là độc giả thấy ngay là công luận đang hết sức lo âu trước một viễn ảnh đáng ngại. Trong bài viết được báo trên mạng Tuần ViệtnamNet công bố vào hôm nay, Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, đã tóm lược mối quan ngại chung khi cho biết là "Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài".


Thậm chí, cũng trên tờ Tuần VietnamNet, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, thuộc tập đoàn TKV - chủ đầu tư dự án bauxite Tây Nguyên cũng thẩm định: “Sau hai năm triển khai thí điểm, mặc dù chưa xong 100% nhưng, rất may, trong quá trình thí điểm chúng ta đã có đủ thông tin để đưa ra kết luận, với 2 lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án». Lý do thứ nhất, theo ông Sơn, đó là vì: “Công nghệ thải bùn đỏ của các dự án trên Tây Nguyên là công nghệ "ướt", lạc hậu, có nguy cơ cao giống hoàn toàn như của Hungary». Bên cạnh đó, đề án bauxite Tây Nguyên, theo ông Sơn, cũng hàm chứa rất nhiều rủi ro về kinh tế do đó không nên tiếp tục.

Trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án nhôm của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam thuộc Tập đoàn TKV, cũng khuyến cáo chính quyền là nên dừng đề án bauxite Tây Nguyên nếu yếu tố an toàn không được bảo đảm. Theo ông: “Không ai có thể lường trước được những nơi xây dựng hồ chứa bùn đỏ đó có xảy ra những trận mưa lũ lớn làm vỡ hồ không. Có thể khi thiết kế chúng ta dựa vào tài liệu khí tượng thủy văn hàng trăm năm để tính nhưng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra đột biến và ghê gớm như hiện nay, việc thiết kế các hồ chứa bùn đỏ cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng, phải lấy những hệ số an toàn cao hơn rất nhiều, kể cả hệ số dự tính cho những đột biến xảy ra đối với thời tiết».

Nhiều nguy cơ tiềm tàng, ít lợi ích kinh tế

Nhìn chung, giới chuyên gia đều nhất trí kêu gọi đình chỉ đề án khai thác bauxite, vì nguy cơ tiềm tàng rất lớn, trong lúc lợi ích kinh tế chẳng bao nhiêu. Trả lời phỏng vấn của báo Vnexpress ngày hôm nay, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, một người đã ký tên vào bản kiến nghị, phân tích: “Không có bô xít, Việt Nam không nghèo đi. Sản xuất ra alumina với khối lượng một vài triệu tấn một năm là quá nhỏ so với so với thị trường trên thế giới. Và hiện nay, nhôm cũng là một thứ vật liệu rẻ chứ không quá đắt. Nó không phải là khoáng sản có giá trị tăng cao».

Phản ứng của công luận đang đẩy giới chủ trương khai thác bauxite vào thế thủ. Theo báo Thanh niên, ông Phạm Khôi Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam đã tuyên bố trấn an, cho rằng “Bauxite ở Việt Nam, về lý thuyết là an toàn”. Ông Nguyễn Thanh Liêm, đương kim Trưởng ban Nhôm – bauxite, thuộc Tập đoàn TKV còn dám xác định là chỉ có động đất mới làm vỡ được hồ bùn đỏ bauxite trên Tây Nguyên.

Tuy nhiên, trước mối quan ngại trong công luận càng lúc càng mạnh, theo báo chí trong nước, chính quyền Việt Nam, qua lời ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cho biết là Chính phủ đang lắng nghe các góp ý về bauxite. Phát biểu với báo Tuổi trẻ vào hôm nay, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TKV, cũng xác định rằng chỉ cần chính phủ ra lệnh là họ sẽ dừng ngay dự án.

Để hiểu rõ hơn về mối bức xúc của dư luận trong nước, và đặc biệt là mức độ nguy hiểm tiềm tàng của việc khai thác bauxite trên Tây Nguyên, RFI đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia nghiên cứu về môi trường tại Úc, nước đứng đầu thế giới hiện nay trong lãnh vực khai thác quặng nhôm.

1/ Mối quan ngại hàng đầu trong khai thác bauxite Tây Nguyên: hồ chứa bùn đỏ

Hiện nay chính phủ vẫn tiếp tục khai triển hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Nhà máy Tân Rai hầu như sắp xong, dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 11 này, nhưng vì kế hoạch không bao giờ đúng nên dự định sẽ vận hành vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2011. Quan tâm hàng đầu của mọi người hiện là cái hồ chứa bùn đỏ.

Bùn đỏ là chất thải của quá trình luyện alumina [nhôm oxit], có rất nhiều chất kiềm (chất soude). Hiện nay, hồ bùn đỏ nằm ở giữa thung lũng. So với hồ chứa bên Hungary thì cái hồ này nói chung chắc chắn hơn. Tuy nhiên, giữa hai cái hồ ở Hungary và ở Tây Nguyên Việt Nam, tình thế rất khác nhau. Hồ ở Tây Nguyên nằm trên một địa điểm rất cao. Thêm nữa, vũ lượng [lượng mưa] ở Tây Nguyên rất khác với ở Hungary. Hồ chứa bùn đỏ nằm trong thung lũng, nhưng được chia thành nhiều khoang chứa vì không thể đổ tất cả bùn đỏ vào cùng một lúc, nên phải chia ra nhiều khoang.

Hai vấn đề quan trọng đặt ra là bùn đỏ có thấm vào lòng đất để đi vào nước ngầm hay không? Thứ nữa là vũ lượng ở Tây Nguyên rất cao, cho nên có thể làm trào cái hồ bùn đỏ. Vì vậy, nếu xét về kỹ thuật giữa hai cái hồ ở Hungary và ở Tây Nguyên, tôi nghĩ là hồ ở Tây Nguyên hàm chứa nguy cơ có thể là cao hơn, tại vì có thể thấm xuống mạch nước ngầm.

Về vấn đề thứ nhất, hiện nay bùn đỏ Việt Nam sẽ được xử lý theo công nghệ gọi là “ướt”, chất soude sẽ nằm ở dưới đáy hồ rất nhiều. Mặc dầu là có thể có tầng đất sét rất dày cách ly, cộng thêm với các lớp chống thấm, thế nhưng kinh nghiệm ở nhiều nước, như là ở Úc, cho thấy là sau một quá trình lâu dài thì chất soude vẫn có thể có phản ứng hóa học với đất, cho nên vẫn có thể thoát ra được. Tại Úc bây giờ, người ta đã bỏ công nghệ “ướt” rồi vì thấy là trong thực tế, chất bùn đỏ vẫn ngấm vào nước ngầm sau khi hồ chứa nằm đó khoảng 20 năm.

Về vấn đề lượng mưa, ở ngay Tây Nguyên, nơi có hồ Tân Rai, vũ lượng mưa rất cao, cho nên lúc mùa mưa, khả năng tràn hồ bùn đỏ cao hơn là ở bên Hungary. Vì vậy mà về môi trường, vấn đề giải quyết bùn đỏ ở Việt Nam, ở Tây Nguyên là một điểm rất quan trọng.

2/ Bùn đỏ trên Tây Nguyên rất nguy hại vì đe dọa vùng lưu vực sông Đồng Nai rất đông dân

Vấn đề bùn đỏ khi thất thoát ra được ở trên Tây Nguyên sẽ có hệ quả lớn hơn là ở Hungary: tại vì nằm bên trên lưu vực sông Đồng Nai, và ở dưới vùng hạ lưu đó thì dân số rất đông, từ TP HCM xuống đến Cần Giờ, hoặc là từ Biên Hoà trở xuống... Rất đông dân cho nên ảnh hưởng rất mạnh, cao hơn là Hungary.

Thêm nữa là theo những kế hoạch như tôi biết là ở bên Úc này, tất cả các nhà máy luyện aluminium [nhôm] đều rất gần biển, và gần những nơi khô ráo và có nhiều điện. Nếu có xảy ra sự cố thì người ta có thể thải ra nước biển, tai hoạ môi trường sẽ giảm đi. Và thứ hai nữa là gần biển thì dễ chuyên chở và dễ xuất khẩu, còn làm như ở Tây Nguyên Việt Nam thì vấn đề là giá thành bauxite rất cao.

3/ Bauxite Tây Nguyên: một đề án phi kinh tế

Công nghệ sản xuất alumina ở Việt Nam lại là của Trung Quốc, sẽ dùng điện rất nhiều, sức tiêu dùng điện rất cao so với công nghệ của những nước khác, làm cho giá thành alumina ở Việt Nam rất cao so với giá ở chỗ khác, khó có thể cạnh tranh. Vì vậy nếu sản xuất alumina ở Tây Nguyên, ngoài vấn đề chuyên chở từ Tây Nguyên xuống giá rất cao, và công nghệ không tốt về vấn đề môi trường và không có hiệu năng, với cái giá thành cao đó alumina của Việt Nam sẽ không bán được cho ai hết ngoài việc bán cho Trung Quốc.

Rõ ràng là cái đề án bauxite Tây Nguyên hoàn toàn không có lợi về kinh tế. Thứ nhất là nó xa bờ biển. Cho nên di chuyển hàng, di chuyển alumina sau khi luyện xong xuống cảng rất xa xôi, mà thêm nữa là nếu mà đã có đường sắt hoặc là đường bộ đã xây xong thì việc chuyên chở dễ dàng hơn, nhưng mà hiện nay cơ sở hạ tầng này hoàn toàn chưa có, vẫn chưa có cái dự án nào thật sự hoàn thành, mở được đường từ Tây Nguyên đi xuống cảng Kê Gà.

Tôi không hiểu là khi nhà máy Tân Rai hoạt động thì vấn đề chuyển alumina luyện được xuống cảng như thế nào. Tôi nghĩ là chỉ riêng trên vấn đề kinh tế, đề án bauxite Tây Nguyên đã rất vô lý vì chưa có cơ sở hạ tầng mà đã thi hành cái dự án đó ở trên Tây Nguyên rồi.

Đứng về mặt kinh tế thì rõ ràng là dự án có thể lỗ, không có lợi bao nhiêu, mà tác hại môi trường rất lớn, cho nên tôi nghĩ là tốt nhất Việt Nam nên ngưng ngay cái dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

4/ Khả năng hoàn thổ: một ảo vọng

Tôi không nghĩ là khả năng hoàn thổ thực hiện được. Người ta nói như vậy thôi, chứ sự hoàn thổ không thể nào mà hoàn thổ hết được. Tại vì khi đã đào đi một số lượng đất, và đã khai thác bauxite rồi thì lấy đất ở đâu mà hoàn thổ hoàn toàn trở lại.

Đó là trong trường hợp ta lấy đất chỗ khác mang đến để hoàn thổ, nhưng mà ở tất cả những dự án mà tôi biết được ngay nước Úc này, thì không bao giờ có thể hoàn thổ được hoàn toàn. Mà thật sự hầu như là không có chỗ nào có được kế hoạch hoàn thổ tốt đẹp cả. Cho nên, mặc dầu là họ nói đến việc hoàn thổ nhưng không ai tin rằng có thể hoàn thổ y nguyên được.

5/ Trung Quốc chủ trương xuất khẩu ô nhiễm sang nước khác

Đây là chính sách của Trung Quốc từ cả mấy năm nay rồi. Không riêng gì trong việc khai thác bauxite mà trong mọi địa hạt khai thác hầm mỏ. Bây giờ ngay cả than nữa, Trung Quốc cũng không còn muốn làm những cái mỏ gây tác hại môi trường rất lớn, mà họ chủ trương mua thẳng sản phẩm từ nước ngoài.

Trong lãnh vực bauxite, nếu họ sản xuất trong nước thì cũng bị hệ quả môi trường. Bauxite thì cũng không có hiệu quả kinh tế cao so với những nước khác. Tại các quốc gia khác, công nghệ cao hơn và năng suất rất tốt, giá thành bauxite lại rất thấp, do đó Trung Quốc đã chuyển hướng, thay vì tự khai thác làm nước họ phải gánh chịu tác hại môi trường rất lớn, thì họ nhập alumina từ nước ngoài, nhất là ở những nước có công nghệ cao như Úc hay là Mỹ.

Còn những cái công nghệ cũ của họ, họ cho xuất khẩu những thứ đó qua những nước mà luật về môi trường rất lỏng lẻo, thí dụ như là Việt Nam, hay Indonesia hoặc là những nước có quy trình đánh giá môi trường rất yếu. Đó là kế hoạch mà Trung Quốc đã tiến hành từ nhiều năm nay rồi.

6/ Trung Quốc xuất khẩu công nghệ cũ qua Việt Nam

Đúng vậy, công nghệ của Trung Quốc là công nghệ cũ, nhất là vấn đề luyện alumina. Quá trình luyện bauxite ra nhôm nó có hai công đoạn: thứ nhất là luyện alumina, rồi từ alumina mới luyện nhôm. Luyện nhôm cần điện rất nhiều. Việt Nam hiện nay chỉ có luyện alumina mà thôi. Công nghệ hiện nay Việt Nam dùng để luyện alumina là của Trung Quốc, đó là công nghệ cũ.

Công nghệ xử lý chất thải cũng là công nghệ cũ, tức là công nghệ “ướt” để xử lý bùn đỏ thay vì công nghệ khô. Công nghệ khô cho phép giảm nồng độ của soude và hoàn lại chất soude nhiều hơn là công nghệ ướt. Thêm nữa là trong quá trình luyện alumina, công nghệ cao dùng điện rất có hiệu quả, cho nên giá thành nó sẽ rất thấp, còn công nghệ cũ hiện nay dùng điện hiệu quả thấp, cho nên giá thành rất cao.

7/ Bài học kinh nghiệm từ Hungary: phải lường trước tình huống xấu nhất

Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam là chưa ước tính được là nếu xẩy ra sự cố về môi trường thì tai hại sẽ là bao nhiêu. Khi khởi sự bất cứ một công trình nào, người ta lúc nào cũng phải đánh giá tác hại khi xảy ra trường hợp xấu nhất. Ở Việt Nam, hầu như không có một cái đánh giá nào như vậy.

Đó là vấn đề mà tôi nghĩ là bài học lớn nhất mình có thể học được. Không bao giờ chủ quan nói rằng là khó có thể xảy ra sự cố. Vấn đề không phải khó xảy ra hay không, mà là nếu có xảy ra thì tác hại sẽ như thế nào. Hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu rõ ràng, để xem tác hại đến đâu khi xảy ra sự cố. Vấn đề hệ quả của vụ vỡ đê bùn đỏ ở Hungary là bài học mà chúng ta phải quan tâm.

Ngoài vấn đề kinh tế và môi trường còn có vấn đề xã hội, vấn đề quốc phòng nữa. Cho nên nếu nhìn về tổng thể, dự án Tây Nguyên là một dự án hoàn toàn không nên làm, một dự án điên rồ mà theo ý kiến của tôi, chỉ những người tắc trách mới có thể không nghe được tiếng nói của bao nhiêu người và nhà khoa học đã lên tiếng. Quốc hội Việt Nam đã nêu lên vấn đề này nhưng không thể nào giải quyết được nếu không có quyết định từ cấp lãnh đạo cao nhất.

8/ Bauxite Tây Nguyên là một quả bom nổ chậm có thể bùng lên bất cứ lúc nào

Nhà máy Tân Rai, và sau này là nhà máy Nhân Cơ, nếu đi vào hoạt động sẽ để lại cái chất thải bùn đỏ nằm ở đó coi như là suốt đời. Không bao giờ mình có thể chắc chắn rằng không bao giờ xảy ra sự cố. Cho nên cái tác hại từ hệ quả xấu nhất chưa bao giờ được nghiên cứu hoặc là tiên đoán ra sao trong cái dự án này.

Theo tôi, đây là một điều tắc trách rất lớn vì ta không thể khẳng định rằng sự cố không thể xảy ra. Khi thi hành một dự án, ta phải luôn luôn đặt câu hỏi là nếu xảy ra tình hình xấu nhất thì tác hại sẽ ra sao. Đó chính là câu hỏi mà ở bất cứ nơi nào khác, người ta đều đặt ra trước khi thực hiện một dự án, trước khi tiếp tục công trình. Nhưng Việt Nam đã không làm như vậy. Cho nên tôi nghĩ là việc thành lập hai nhà máy luyện bauxite ở Tây Nguyên hiện nay một quyết định rất sai lầm.

T.N.

Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét