Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Từ chuyện tô phở nghĩ về chuyện kiểm soát quyền lực công

SGTT.VN - Nhân chuyện báo chí gần đây đưa thông tin một số người Hà thành – mà trong đó nhiều người là doanh nhân – ăn một tô phở bữa sáng bằng giá một tạ lúa, tôi đâm hay nghĩ ngợi, suy tư.

Theo những gì tôi biết, doanh nhân làm ăn chân chính – nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân – thì “đồng tiền liền khúc ruột”, vất vả cực nhọc lắm mới làm ra được tiền bạc của cải nên mọi chi tiêu của họ thường được toan tính rất kỹ lưỡng, chặt chẽ. Vậy, ai trong số họ là người có thể “vung tiền qua cửa sổ” đến mức như vậy (dù rất có thể bát phở có giá bằng một tạ lúa ấy đúng là bát phở tuyệt vời về dưỡng chất)?


Doanh nhân làm ăn chân chính thì “đồng tiền liền khúc ruột”, vất vả cực nhọc lắm mới làm ra được tiền bạc của cải nên mọi chi tiêu của họ thường được toan tính rất kỹ lưỡng, chặt chẽ. Ảnh minh hoạ Ảnh:
Có một thực tế mà ai cũng dễ thừa nhận, ấy là đồng tiền có được một cách dễ dàng sẽ dễ dàng được tiêu xài hoang phí!

Trong đời sống hiện nay, có những người giàu lên nhanh chóng không bằng năng lực, cũng chẳng nhờ vào thời cơ hay sự bền chí, táo bạo mà nhờ vào các mối quan hệ. Những mối quan hệ ấy, ít nhiều, đều có dính dáng đến quyền lực. Ở hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hoá giàu nghèo trong xã hội càng rõ ràng và khó giải quyết. Về mặt lý thuyết, quyền lực chính trị là khả năng quyết định ai sẽ nhận được “cái gì” để làm ra được “cái gì” và cho ai được hưởng.

Xưa nay, quyền lực luôn là một vấn đề nhạy cảm, là một con dao hai lưỡi. Ở đâu có quyền lực ở đó có người đến luồn cúi, cầu cạnh, bớt xén... Và ai cũng biết rằng khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả thì hậu quả tai hại sẽ xảy ra. Tham nhũng là hệ quả tất yếu của quyền lực không được kiểm soát hoặc kiểm soát không hiệu quả. Chính sự yếu kém đó tạo ra nhiều sơ hở để hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng có điều kiện phát triển. Khi đó, một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.

Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước, là một nguyên nhân không kém phần quan trọng tạo ra phân hoá giàu nghèo, đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế – xã hội.

Nhìn ra các nước xung quanh chúng ta, để bảo đảm cho công chức thực thi công vụ một cách tận tuỵ và thật sự vô tư, ngay thẳng, hầu hết các nước – trong luật Công chức hoặc các quy định về hoạt động công vụ – đều quy định rõ ràng và rất cụ thể những điều công chức không được làm, thậm chí đến cả chuyện giải trí hay dự chiêu đãi của công chức. Một ví dụ: luật Công vụ của Malaysia quy định: “Công chức không được đề nghị hoặc chấp nhận sự giải trí, chiêu đãi dưới bất kỳ dạng nào của bất kỳ người nào, tổ chức hoặc nhóm người nào khi sự giải trí, chiêu đãi như vậy có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ chính thức của công chức làm lợi cho người, tổ chức hoặc nhóm người nói trên”.

Từ chuyện ăn tô phở mỗi sáng có giá bằng một tạ thóc bàn sang chuyện kiểm soát quyền lực công, phân hoá giàu nghèo... không biết có lạm bàn? Và cũng xin lỗi nếu có những người nhờ làm ăn chân chính mà giàu có nay cho phép mình được hưởng thụ!

DIỆP VĂN SƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét