Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Kinh tế vĩ mô đang khó khăn hơn dự báo

Được đăng bởi mocxi.vn
Qua 2 tháng đầu năm 2011, có thể thấy tình hình kinh tế vĩ mô gặp khó khăn hơn năm 2010 và nghiêm trọng hơn chúng ta dự đoán.

Tình hình này đang gây áp lực lớn tới kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất là áp lực lạm phát cao. Càng khó khăn hơn khi chúng ta phải chống lạm phát trong điều kiện lãi suất cao. Về nguyên tắc, muốn chống lạm phát thì phải tăng lãi suất. Nhưng lãi suất hiện nay đã cao nên không thể tăng được nữa. Nghĩa là công cụ tiền tệ bị vô hiệu hóa một phần.
Thứ hai là tỷ giá. Tình trạng 2 giá trên thị trường đã tồn tại từ những tháng cuối năm 2010, nên đến nay việc điều chỉnh tỷ giá là điều đương nhiên. Việc điều chỉnh vừa rồi là hợp thức hóa một mặt bằng tỷ giá đã hình thành, chứ không phải là phá giá hay làm đồng Việt Nam mất giá.
Thứ ba là tình trạng nhập siêu, thâm hụt cán cân vãng lai. Mặc dù năm 2010 xuất khẩu đã tăng ngoạn mục, lên tới hơn 26%; đặc biệt, ngân sách năm 2010 lại tăng thu hơn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 yếu tố rất tích cực này chưa thể bù được tình trạng nhập siêu cao và bội chi ngân sách nhà nước.
Một khó khăn nữa về phía doanh nghiệp là vốn trung hạn luôn luôn thiếu vì nguồn huy động tiết kiệm năm 2010 chủ yếu chỉ có ngắn hạn. Bên cạnh đó, tình hình thế giới lại không thuận lợi. Nguy cơ tăng giá dầu, giá lương thực thực phẩm... dẫn đến việc tiềm ẩn các cơn sốt giá...
Trong bối cảnh như vậy, kinh tế Việt Nam năm 2011 gặp không ít khó khăn. Đó là lý do, đầu năm Chính phủ đưa ra thông điệp tập trung ổn định vĩ mô.
Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra trong bối cảnh hiện nay là phải tạo niềm tin cho thị trường. Sự biến động tỷ giá trong những ngày qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 9,3% và giảm biên độ giao dịch còn 1% là do thị trường chưa thực sự tin tưởng vào khả năng kiềm chế lạm phát, nghĩa là lạm phát kỳ vọng còn rất lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý tiếp tục găm giữ ngoại tệ, trong điều kiện nền kinh tế bị đôla hoá, nên càng khó khăn.
Hiện tượng đầu cơ USD đang gây áp lực mạnh mẽ cung cầu thị trường ngoại tệ. Việc tỷ giá giữa VND và USD giảm trong vài năm gần đây, trong bối cảnh USD lại mất giá so trên thị trường thế giới và hầu hết đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đều tăng giá so với USD... thể hiện nền kinh tế Việt Nam yếu kém về mặt cơ cấu; thâm hụt cán cân vãng lai và bội chi ngân sách nhà nước. Vì vậy, không ít người vẫn có tâm lý lo lắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét