Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Gỡ rối những hệ lụy từ chống đô la hóa

Tác giả: TS PHẠM NGỌC LONG


(VEF.VN) - Không thiếu gì câu chuyện "dở khóc, dở cười" xảy ra liên quan đến đồng USD, suy đến cùng cũng chỉ vì "cầu" thì có mà "cung" bị làm khó. Hệ lụy của việc khắc phục "đô la hóa" không phải là "ngăn sông, cấm chợ" như thời bao cấp. Có những giải pháp có thể "gỡ rối" hiệu quả lúc này.

LTS: Sau bài viết Tuyên chiến với vàng hóa, đô la hóa, TS. Phạm Ngọc Long tiếp tục gửi một bài viết về các giải pháp xử lý những hệ lụy của chính sách thắt chặt thị trường tiền tệ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mọi ý kiến trao đổi xin gửi về vef@vietnamnet.vn

Không phải là "ngăn sông, cấm chợ"

Việc nghiêm cấm giao dịch mua bán ngoại tệ tự do mới đây của Chính phủ bước đầu đã có kết quả. Tỷ giá thị trường giảm về gần mức ngân hàng giao dịch, mua bán tự do ngoại tệ (chủ yếu USD) xem chừng phải "lui bước". Tuy nhiên, các nhu cầu cần thu đổi USD phục vụ công tác, học tập, du lịch, chữa bệnh ở nước ngoài ... của người dân đang gặp nhiều khó khăn.

Không thiếu gì câu chuyện "dở khóc, dở cười" xảy ra không chỉ với người Việt Nam ta mà cả với người nước ngoài liên quan đến đồng USD, suy đến cùng cũng chỉ vì "cầu" thì có mà "cung" bị làm khó. Đành rằng ngoại tệ khan hiếm thực sự thì phải chịu. Đằng này lượng ngoại tệ gửi vào các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tăng đều, bán lại USD cho ngân hàng thì dễ, khi cần mua không được. Đúng là cảnh "mỡ treo, mèo ngồi nhìn"! Trước khi có chủ trương của Chính phủ, việc mua bán USD nơi này, nơi kia còn hết sức dễ dàng, bao nhiêu cũng có, tỷ giá cao hơn khách hàng vẫn chấp nhận !

Hệ lụy của việc khắc phục "đô la hóa" không phải là do "ném chuột, vỡ bình quý" hay "ngăn sông, cấm chợ" như thời bao cấp khiến thị trường ngoại tệ đi vào bế tắc. Bởi lẽ "cánh cửa" các NHTM vẫn rộng mở, đón chào khách hàng đến thực hiện các quyền lợi của họ theo qui định của NHNN. Thế nhưng thực tiễn lại chưa được như mong muốn. Người dân đến NHTM phải đối mặt với thủ tục xác định "nhu cầu chính đáng được mua ngoại tệ" rất phức tạp, mức độ bán ra hạn chế (lý do không đủ ngoại tệ mặt bán cho dân), dịch vụ chưa thuận tiện, giá cả thực tế không hề "mềm". Nơi này khéo léo từ chối đẩy sang nơi khác, khách hàng cần ngoại tệ phải "xoay như đèn cù", khó khăn, chật vật chưa chắc mua đủ số ngoại tệ cần thiết.

Dẹp bỏ thị trường ngoại tệ tự do, "cần" nhưng chưa "đủ"

Khắc phục "đô la hóa" không phải chỉ là dẹp bỏ các điểm giao dịch ngoại tệ "trái phép". Đây mới là cuộc "sơ diễn tập" nằm trong lộ trình xóa bỏ cơ chế hình thành hai tỷ giá từng song hành trên thị trường, cắt bỏ một trong những "đầu mối" đầu cơ "lách luật" hưởng chênh lệch giá phi kinh tế, gây rối loạn thị trường, liên quan cả "bên trong, bên ngoài" ngân hàng và giữa các ngân hàng với nhau. Thường là các doanh nghiệp, người dân khi cần USD hiếm khi được đáp ứng đủ nếu giao dịch theo tỷ giá chính thức. Tuy nhiên, nếu có sự "hỗ trợ" của các NHTM và chấp nhận "cơ chế mềm" tỷ giá thị trường tự do thì bao nhiêu cũng có và được phục vụ nhanh chóng!

Vậy thì các NHTM không thể "bình chân như vại", việc tổ chức triển khai chủ trương lớn này không thể "đánh trống, bỏ dùi" theo kiểu hình thức, chiếu lệ . Khó khăn còn là thiếu cơ sở pháp lý và một số biện pháp kinh tế, cũng như cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan ... vốn đã bất cập, lại chậm sửa đổi, bổ sung, ban hành để thực thi. Điều cần nhất lúc này là phải có giải pháp bảo vệ, đáp ứng lợi ích, quyền lợi chính đáng liên quan đến "quyền sở hữu và quyền sử dụng" ngoại tệ của người dân, vừa phù hợp luật định vừa đáp ứng mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia.


Ảnh minh họa: SGTT
Như vậy cũng cần phải chấn chỉnh ngay cả "thị trường chính thức", xác định lại phạm vi, đối tượng điều chỉnh theo luật định về quản lý ngoại hối, mở rộng ra các dạng hình giao dịch đa dạng, phức tạp diễn ra trong cuộc sống. Cần nới rộng "tầm kiểm soát" và "hiệu năng giám sát" của NHNN VN đến cả những nơi vốn là "khoảng trống, góc khuất" của thị trường ngoại hối. Trước mắt sớm điều chỉnh, bổ sung, ban hành thực thi văn bản pháp lý quản lý ngoại hối, cơ chế, chính sách, qui chế, qui trình giao dịch ngoại tệ phù hợp hơn mới có thể đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của mọi doanh nghiệp và người dân.

Giải pháp cho các hệ lụy

Tiếp tục sử dụng tổng hợp mọi biện pháp nhằm từng bước xóa bỏ tâm lý đầu cơ, tích trữ, găm giữ, niêm yết giá, giao dịch, thanh toán bằng ngoại tệ mạnh còn phổ biến hiện nay. Chính phủ cần ban hành sớm Nghị định mới phù hợp hơn cho việc thực thi điều 24 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005. Chú trọng sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính, tiền tệ và áp dụng ở mức phù hợp các chế tài hành chính, kinh tế nhằm khắc phục "đô la hóa", giảm dần tỷ trọng thanh toán bằng ngoại tệ trong nền kinh tế theo hướng trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng tiền Việt Nam.

Cho thành lập mới các điểm giao dịch ngoại tệ đủ điều kiện cấp phép hoạt động hợp pháp, thực hiện niêm yết giá trên Bảng điện tử và chỉ thu đổi ngoại tệ theo đúng qui định (về đối tượng, hạn mức, tỷ giá) bởi NHNN. Thiết lập hệ thống giám sát của cơ quan chức năng (thuộc NHNN và khối nội chính), kết nối trực tuyến (online) theo dõi hạn mức giao dịch qua các điểm thu đổi ngoại tệ (các NHTM, các đại lý ...) Kịp thời phát hiện mọi giao dịch vượt hạn mức và không đúng tỷ giá qui định để xử lý theo chế tài cần thiết.

Khuyến cáo hạn mức tối đa ngoại tệ người dân có thể cất giữ riêng, mức cho phép mang theo người qua các cửa khẩu quốc tế, vượt các mức này phải khai báo, nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và mục đích sử dụng hợp lệ, có thể bị thu giữ, khi cần sử dụng phải theo quy định của cơ quan chức năng. Đồng thời, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân bán hoặc gửi ngoại tệ vào hệ thống các NHTM dưới mọi hình thức như thông lệ (tiết kiệm, kỳ phiếu, trái phiếu ngoại tệ, ký quỹ, gửi giữ...) đều được bảo toàn giá trị, được hưởng lợi và nhiều ưu đãi khác nhau thực sự hấp dẫn, khi cần sử dụng thanh toán, mua lại để chi dùng đều thuận tiện, dễ dàng, được bảo hiểm tiền gửi với tỷ lệ cao hơn so VND.

Có thể cho phép các điểm giao dịch ngoại tệ được hưởng mức phí hoa hồng trên doanh số thu đổi và được phép thu phí theo qui định của NHNN. Mức phí thu đủ bù đắp chi phí kiểm đếm, chi phí quản lý và phí bảo toàn vốn. Tuyệt đối ngăn chặn việc thu phí quá cao, biến tướng thành cơ chế hai tỷ giá như trước đây. Đổi lại, các NHTM phải đáp ứng bán đủ số lượng ngoại tệ người dân cần theo hạn mức tối đa do NHNN qui định và có đủ căn cứ đã xuất trình về mục đích cần sử dựng ngoại tệ mặt, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện cho người dân sử dụng hình thức thanh toán chuyển khoản, chuyển tiền qua ngân hàng với hạn mức cao hơn, đặc biệt là sử dụng các loại thẻ thanh toán quốc tế (visa, master card ...) với mức phí theo qui định của các Hiệp hội thẻ Quốc tế .

Xem xét đơn giản hóa thủ tục cho phép mua ngoại tệ và ấn định hạn mức tối đa, tối thiểu người dân được mua ngoại tệ mặt tại các điểm giao dịch được cấp phép. Mọi hành vi gây khó dễ cho khách hàng về thủ tục xét duyệt mua ngoại tệ, thu thêm phí hay có hành vi lợi dụng trục lợi ... ảnh hưởng xấu đến chủ trương quản lý ngoại hối mới của Nhà nước đều có chế tài xử lý thích đáng, bị thu hồi giấy phép hoạt động, không được hoàn lại tiền đặt cọc khi xin cấp phép hoạt động. Mọi khách hàng, công dân có quyền phản ánh qua đường dây nóng (24/24 h) với Cơ quan chức năng để xử phạt điểm giao dịch ngoại tệ vi phạm.

Mọi tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chỉ được để tồn quiỹ ngoại tệ ở mức tối thiểu đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng đăng ký với NHNN VN, còn lại phải "kết hối" theo mức tối đa. Căn cứ tổng lượng ngoại tệ tập trung quản lý ngày càng nhiều vào sự giám sát định mức chặt chẽ của NHNN để cân đối phục vụ mục tiêu "quốc kế, dân sinh", bao gồm nhu cầu chính đáng và ở mức độ phù hợp của mọi công dân Việt Nam và nước ngoài thuộc diện cư trú đi công tác, học tập, chữa bệnh, du lịch ở nước ngoài. Qui định và giám sát thường xuyên trạng thái ngoại tệ ở mọi điểm giao dịch. Bổ sung hình thức và hạn mức xử lý nghiêm ngặt mọi hoạt động kinh doanh ngoại tệ "lòng vòng", mang tính "đầu cơ" của các NHTM, các điểm giao dịch ngoại tệ được cấp phép.

Luật hóa cho phép thực hiện "cơ chế bù đắp lợi thế đồng tiền" đối phó với hiện tượng phổ biến "lách luật" áp đặt việc thanh toán bằng USD (hoặc qui đổi theo USD) khi mua sắm, chi trả phí dịch vụ hay nhận thanh toán lương, tiền công còn phổ biến trong nền kinh tế nước ta. Người bán hàng hay trả lương bằng USD phải nộp "phí chuyển đổi đồng tiền" hoặc "thuế chủ quyền VND" cho Cơ quan thuế sở tại. Tổng mức thuế, phí "phạt" này tính theo mức chênh lệch do tăng tỷ giá VND/USD (nếu có). Các cơ sở bán hàng, cung cấp dịch vụ phải thể hiện rõ trên biên lai bán hàng, hóa đơn thuế khoản mục đã thu, đã trả dạng này (liên phụ do khách hàng giữ). Cơ quan chức năng sử dụng chế tài phạt nặng nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi "lách" loại "thuế" đặc biệt này.

Khắc phục "đô la hóa" đang đụng chạm đến lợi ích của nhiều tầng lớp trong xã hội, giải quyết các hệ lụy còn tiếp tục phát sinh như đã nêu là không đơn giản và dễ dàng. Đây là cả quá trình phức tạp, lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực khôi phục niềm tin, củng cố lại vị thế VND, tăng cường tiềm lực kinh tế, tài chính đất nước; song ngay từ lúc này vẫn nên xác định rõ chủ trương như đã nêu, cùng hướng đến mục tiêu chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét