Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Miền Lặng Lẽ - Phẩm hạnh kia cũng một cách nhìn

Cũng đã ngoài 30 mùa thu của cuộc đời, đâu còn trai trẻ,
Bạn vẫn sống vậy, độc thân. Ở tỉnh lẻ miền Trung gió
Tây Nam hè khô nóng. Cái tỉnh mà hồi chiến tranh Đông Dương
lần 2 có con sông Bến Hải chính là nơi giới tuyến quân sự
tạm thời phân chia đất nước ta thành 2 miền Nam Bắc, hay là
2 quốc gia. Cái tỉnh của 81 ngày đêm năm 1972 bi hùng Thành cổ
Quảng Trị, tỉnh có cái nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, to
nhất nước, nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn liệt sỹ Binh
đoàn 559 đã ngã xuống cho con đường Hồ Chí Minh xẻ dọc
Trường Sơn đi cứu nước lòng phơi phới dậy tương lai.
Bạn làm nghề Cảnh sát, là nghề có nhiều việc, có cả việc
phòng chống tệ nạn xã hội, như mại dâm chẳng hạn.

Nhân buổi giao lưu với mấy người có lạ có quen, có mấy
bạn nữ vừa tốt nghiệp, đang chờ xin việc. Thời gian biết
rồi có quen, quen rồi cũng hiểu, rồi dẫn đến phải lòng nhau
với một cô bé, thua Bạn hơn chục tuổi.

Nàng ở tỉnh khác cũng miền Trung, nhà ở một miền quê của
cái tỉnh đã đi vào những vần thơ của Cụ Nguyễn Du xưa
với hình ảnh cùng nội tâm nàng Kiều ngồi trông cửa bể
chiều hôm xa xa cánh buồm thấp thoáng, nhà ở cái huyện cực
Nam của tỉnh cũng nổi danh với những con người tài kiệt
xuất là Cụ Nguyễn Hữu Cảnh từ thuở mang gươm đi mở
nước, là Cụ Diệm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, là Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng nay cũng là huyện mà dân tình đa
số vẫn còn cái nghèo đủ làm cho một người ở thành thị
tỉnh lẻ phải chạnh lòng.

Cha mẹ từng bệnh tật nhiều, nhà chỉ trông vào mấy sào
ruộng mong đủ ăn cũng tất bật. Con cái đứa đi làm ăn xa,
đứa chưa học nghề xong, đưa là sinh viên. Nàng hồi còn sinh
viên lên thành phố có làm thêm ở quầy sách ở thành phố
ngoài giờ học để phụ giúp cha mẹ, và vừa cả để có
tiền cả chữa bệnh cho bản thân khi cần giải phẩu. Sinh viên
làm thêm thì thu nhập chẳng cao gì, nhất là ở một thành phố
của cái tỉnh được xếp vào loại nghèo của cả nước, dù
có di sản thiên nhiên thế giới là Phong Nha Kẻ Bàng, nên
những khi khó khăn nhất vì bệnh tật đổ xuống vài người
trong gia đình, cũng phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con xa.
Láng giềng gần cũng nghèo như thế, giúp nhau được bao nhiêu.

Nghị lực của cô bé khiến Bạn kính phục, rồi gặp nhau trò
chuyện nhiều, và cũng đã phải lòng nhau.

Hôm, có lẽ ray rứt lắm, nàng thú nhận thời sinh viên đã có
làm gái bán hoa nơi cái thành phố mà nàng học, tuy không chuyên
là thế, nhưng suốt mấy năm học cũng đủ để không ít
người biết nàng, dẫu rằng đến nay mấy người bạn bè của
nàng và chàng vẫn nhiều người không biết. Thời gian tốt
nghiệp, muốn về giúp gia đình nên xin việc ở gần nhà,
người ta nhận liền, nhưng với điều kiện phải chồng đủ
bốn chục triệu tiền chạy chọt.

Đào đâu ra số tiền như thế vào lúc này, ở cái xứ mà khi
cơn bão qua, nhà cửa tả tơi trần vách rách nát, nàng phải
đến tỉnh khác nơi thành phố tìm cơ hội xin việc làm, cũng
là tỉnh nơi chàng sinh sống. Nàng đi xin việc nhiều nơi rồi,
tìm kiếm và chờ cơ hộ, tối tranh thủ làm gái bán hoa,
tưởng đã chấm dứt từ khi tốt nghiệp, để trả tiền nhà
trọ, gửi tiền về giúp gia đình, cha mẹ ốm đau, bởi người
anh thì đi làm ăn xa mấy năm nay chưa về được, đứa em sắp
xong cho mình cái ngghề kiếm sống, và cho căn nhà khỏi xiêu
vẹo khi cơn bão nếu có đi qua miền quê.

Như bị sốc, bởi vốn là người đàn ông đề cao phẩm hạnh
của phụ nữ, đề cao lối sống của con người mới Xã hội
Chủ nghĩa. Vả lại lâu nay thấy Bạn không như người ta, tán
tỉnh cũng hiếm, mà quán xá gái gú ai rủ rê cũng không. Nếu
thấy ai vướng vào chuyện đàn bà hư hỏng, Bạn cũng có khi
cho lời khuyên chân tình, nhất là khuyên người ta đừng vì
nội tâm riêng tư chuyện nam nữ mà quên đi nỗi đau khổ của
Mẹ Cha.

Hình dung về niềm vui của Mẹ Cha già về đứa con biết lo toan
làm nở mày nở mặt cho gia đình, hình dung về một người con
gái có ăn có học, phẩm hạnh đáng yêu cùng xây tổ ấm, về
những đứa con ngoan chăm học tự hào về cha mẹ chúng, niềm
mong mỏi của Bạn có nguy cơ tan thành mây khói chăng.

Phân vân về phẩm hạnh cũng lắm nẻo lắm đường, chữ trinh
đâu cứ một đường chấp kinh. Chữ hoàn cảnh có khi chỉ là
cái cớ, nhưng hoàn cảnh cũng có phần làm nên con người

Như nơi đây, ngày non sông đất nước thu về một mối, Bắc
Nam sum họp một nhà, rồi tỉnh nhà được lập lại cũng là
khi chỉ một phần nhỏ diện tích và dân cư của tỉnh, vốn
trước thuộc lãnh thổ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, nay lại
chiếm đa số áp đảo quan chức lớn bé trong bộ máy Tỉnh
uỷ, Uỷ ban tỉnh, Sở Ban Ngành đối với phần đất đai dân
cư đa số còn lại, cũng chỉ bởi cơ chế lí lịch. Phải,
đồng bào miền Nam giới tuyến không ít thì nhiều cũng bà con
dây dưa rễ má với người bên Việt Nam Cộng hoà chứ, lý
lịch không có vương vấn mới là lạ.

Nạn cục bộ địa phương vì thế cũng sinh lắm chuyện chuyên
quyền, lũng đoạn, rồi lối làm việc, lối sống sa đoạ, quan
chức cấp Sở tuyển nhân viên nữ vào cơ quan trá hình cho
phục vụ trò chơi thân xác, đến nổi nạn tranh quyền nhau làm
chậm lại cả một kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ không bầu
được Bí thư, liên đới đến cả Trung ương để phải cử
Bí thư Trung ương Đoàn về đảm nhận.

Quyền giám sát của dân đối với việc xây dựng Bộ máy lãnh
đạo còn mờ nhạt, thế nên có nạn tuyển hợp đồng tuyển
biên chế giáo viên thì không ít cô muốn được phải qua tay
ăn chơi của tay uỷ viên Hội đồng nhân dân tỉnh. Hợp đồng
thời hạn vào Doanh nghiệp nhà nước muốn được ký hợp
đồng tiếp theo phải hiến thân cho giám đốc Doanh nghiệp là
Tỉnh uỷ viên v.v...

Những chuyện rõ mười mươi như thế hàng ngàn dân tình thiếu
gì người biết và kháo nhau lúc có dịp lỡ bàn về thế sự.
Trong cảm nhận của nhiều người, thời thế nó đã tạo cho
con người ta sự chấp nhận những quy chuẩn đạo đức đã
khác, có thể gọi là bao dung hơn với bao số phận lầm than,
hay chăng là sự vô cảm trơ trơ đồng hành cùng cái xấu. Như
việc người đàn bà trước làm gái bán hoa nhưng vì lý lịch
ở phía Bắc giới tuyến nên có nhiều đặc cách rất lạ nay
cũng đã là phó Công an của một phường có thể hiểu là sự
vượt lên số phận của một con người và cũng có thể hiểu
khác bởi cái cơ chế giám sát của dân về xây dựng "những
người đầy tớ" còn giao hết cho "đầy tớ của dân".

Ngẫm nghĩ về người con gái cùng quê với Đại tướng Giáp,
thổ lộ lòng bạn đầy bao dung.

Đã đăng trên blog Miền Lặng
Lẽ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét