Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Thắt chặt vàng, USD: chỉ dân đầu cơ mới hoang mang?

Tác giả: MẠNH BÔN

Đề cập chính sách thắt chặt thị trường vàng và ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, điều này là hoàn toàn hợp lý.

Thưa ông, nhiều người dân đang tỏ ra hoang mang trước việc thặt chặt thị trường vàng và ngoại tệ?

Người dân ở đây là những ai? Chắc chắn không phải là 7 triệu cán bộ, công chức, viên chức... đang làm việc ở khu vực Nhà nước và cũng không có 13 triệu công nhân đang làm việc trong ngành dệt may, da giày, thủy sản..., với thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Tôi tin rằng, trong số những người hoang mang chắc chắn cũng không phải là hàng chục triệu nông dân, hàng triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội. Như vậy, số người hoang mang chỉ là thiểu số - đó là những người đầu cơ, "lướt sóng" trên thị trường vàng, thị trường ngoại tệ - hoạt động không được khuyến khích, vì gây bất ổn đến nền kinh tế.

Nhưng việc mua vàng, USD để phục vụ nhu cầu chính đáng, thậm chí chỉ là để tích trữ của người dân là có thật?

Cần phải khẳng định rằng, đến bây giờ vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước cấm người dân mua vàng, mua USD. Nhà nước chắc chắn không bao giờ cấm người dân mua vàng, mua USD, nhưng chỉ yêu cầu người dân giao dịch đúng nơi, đúng chỗ. Mục đích chủ đạo của việc siết chặt thị trường vàng, ngoại tệ cũng chỉ hướng người dân buôn bán, giao dịch ngoại tệ đúng nơi quy định.

Ông đã đến "đúng nơi quy định" - ngân hàng thương mại - để mua USD lần nào chưa?

Theo tôi được biết, hệ thống ngân hàng thương mại đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ của người dân, phục vụ cho việc du học, chữa bệnh tại nước ngoài, nếu có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua USD chính đáng của người dân, Ngân hàng Nhà nước đang chủ trương cho phép ngân hàng thương mại thu phí 2% so với tỷ giá chính thức khi bán ngoại tệ cho nhu cầu chính đáng của người dân.

Còn việc mua ngoại tệ để đi du lịch, thăm thân nhân tại nước ngoài thì sao?

Nguồn dự trữ ngoại tệ trong nước còn mỏng, trong khi phải ưu tiên để phục vụ nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, nguyên nhiên vật liệu là đầu vào của nền kinh tế, thì không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua ngoại tệ để đi du lịch, thăm thân nhân tại nước ngoài của người dân.

Tôi tự hỏi, tại sao mua ngoại tệ để đi du lịch nước ngoài khó như vậy mà người dân không sử dụng thẻ thanh toán vì Nhà nước đâu có cấm sử dụng thẻ thanh toán. Phải chăng một phần người đi du lịch ngại không muốn thanh toán bằng thẻ tại nước ngoài, phần khác họ không muốn bị phát hiện việc chi tiêu tại nước ngoài.

Hiện nay, nhiều người có xu hướng mua USD để gửi vào ngân hàng, song việc mua USD không hề dễ, thưa ông?

Nhiều người luôn có suy nghĩ thậm chí suy diễn rằng, đồng nội tệ ngày càng mất giá. Nếu so với USD thì đúng là VND gần đây mất giá ít nhiều, nhưng so với đồng nội tệ của các quốc gia khác trong khu vực thì VND không hề mất giá. Việc cấm ngân hàng thương mại bán USD cho người dân để gửi vào ngân hàng là hoàn toàn đúng với chủ trương chống đô la hoá và nước nào trên thế giới cũng làm như vậy, không riêng gì Việt Nam.

Việc mua USD gửi tiết kiệm là có thật, bởi nếu ngân hàng không bán thì người dân cũng tự tìm đến thị trường "chợ đen", thưa ông...

Vì sao người dân muốn gửi tiết kiệm bằng USD thay vì VND? Vì lãi suất tiết kiệm USD của chúng ta hiện cao nhất nhì thế giới, thậm chí cao gấp nhiều lần lãi suất tiền gửi USD tại Mỹ, quốc gia sở hữu đồng USD. Đây là điều bất hợp lý! Vì vậy, muốn xoá bỏ tình trạng này thì phải hạ lãi suất tiền gửi USD xuống. Nếu khoảng cách về lãi suất tiền gửi VND và USD có độ chênh lệch đáng kể, nhu cầu mua USD gửi ngân hàng sẽ giảm, áp lực lên tỷ giá cũng giảm đáng kể.

* Tít do VEF.VN đặt lại

(Theo Báo Đầu Tư)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét