Posted by truongthondlb1
Việt Nam đã dự trù sẽ xây tổng cộng đến 8 nhà máy hạt nhân và theo lịch trình dự kiến, đến năm 2031, toàn bộ 8 nhà máy này sẽ đi vào hoạt động . Nhà máy đầu tiên do Nga xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận sẽ được khởi công vào năm 2014 và dự kiến sẽ hoà vào lưới điện quốc gia vào năm 2020. Việt Nam cũng dự định hợp tác với Nhật để xây hai lò phản ứng hạt nhân khác.
Sau những sự cố tại các nhà máy hạt nhân ở Fukushima, trong khi nhiều quốc gia đang xét lại chính sách phát triển năng lượng nguyên tử, từ bỏ hoặc giảm các kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân, thì tại Việt Nam, các giới chức đặc trách năng lượng tuyên bố là những sự cố tại Fukushima sẽ không ảnh hưởng gì đến việc phát triển điện nguyên tử của nước này.
Tuy vậy, dư luận ở Việt Nam không khỏi lo âu về nguy cơ xảy ra những tai nạn hạt nhân tương tự như ở Fukushima. Tuy rằng Việt Nam không thường xuyên bị động đất như ở Nhật, nhưng tại tỉnh Ninh Thuận, nơi sẽ xây nhà máy hạt nhân đầu tiên, hiện tượng động đất hay sóng thần là chuyện có thể xảy ra, tuy rằng với cường độ thấp hơn.
Khu vực lò phản ứng số 3 ở Fukushima ngày 21/3/11. Sự cố ở các nhà máy hạt nhân tại đây buộc Việt Nam phải xét lại chính sách phát triển điện nguyên tử. Reuters
Tiến sĩ Vương Hữu Tấn,Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, tại cuộc họp báo do Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức ngày 16/3 đã bảo đảm rằng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ của Nga thuộc thế hệ lò phản ứng thứ 3. Theo ông Vương Hữu Tấn, công nghệ này được coi là hiện đại nhất hiện nay, áp dụng nguyên lý an toàn thụ động rất tốt, có tích nước sẵn trong lò. Nếu xảy ra sự cố tương tự như ở NM Fukushima thì NM Ninh Thuận sẽ tự động giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên.
Về phần tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, thì cho rằng, Fukushima cho Việt Nam bài học về ứng phó sự cố trong tình trạng khẩn cấp. Theo ông Nhân, Nhật Bản ứng phó sự cố rất bài bản là do đã tổ chức diễn tập thường xuyên. Cho nên, trong thời gian tới, Cục An toàn bức xạ hạt nhân sẽ hướng dẫn các tỉnh có kế hoạch ứng phó sự cố, đặc biệt là các tỉnh gần với các nhà máy điện hạt nhân đang và sắp xây dựng.
Nhưng các chuyên gia như giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, thì nghĩ rằng, qua sự kiện Fukushima, Việt Nam cần phải suy nghĩ lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân và trong bối cảnh còn thìếu rất nhiều chuyên gia, không nên xây đến 8 nhà máy hạt nhân, mà trước mắt chỉ nên làm một hoặc hai nhà máy, để vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, vừa xây dựng đội ngủ chuyên gia. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với Giáo sư Phạm Duy Hiển:
RFI : Kính thưa Giáo sư Phạm Duy Hiển, trước hết theo giáo sư, nếu bỏ sang một bên yếu tố Nhật Bản là quốx gia thường xảy ra động đất, những sự cố như ở các nhà máy hạt nhân Fukushima có thể được dự báo trước hay không ?
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Qua những gì đã xảy ra, có thể nói là Nhật Bản có một công nghệ hạt nhân rất tiên tiến, đội ngũ chuyên gia của họ cũng rất tiên tiến, nhưng quy mô tai nạn quá lớn. Rõ ràng là con người không thể tính hết mọi chuyện và nhất là đối với điện hạt nhân. Tất nhiên, xác suất xảy ra không phải là thường xuyên, do đó người ta có thể không để ý. Chỉ đến khi xảy ra như thế này, người ta mới bắt đầu thấy là con người chưa tính hết mọi việc.
Nghiên cứu của các nước thường nói là lò phản ứng có thể chịu được động đất cấp này, cấp khác, nhưng chịu được đến cấp 9 thì hơi khó. Trên thực tế, người ta phải đo gia tốc của mặt nền, để căn cứ vào đó tính toán sức chịu đựng của lò. Cũng có người nói rằng sự cố vừa rồi là vẫn nằm trong giới hạn, nhưng tôi nghĩ động đất cấp 9 là rất khó lường và rất nhiều máy móc, thiết bị, nhà cửa bên trong không thể tính hết được.
Cái thứ hai quan trọng hơn đó là động đất lần này lại đi với sóng thần và sóng thần cũng dữ tợn không ngờ được. Thật ra, khi có động đất thì lò tự động dừng. Vấn đề là do không tải nhiệt được, nên các thanh nhiên liệu nóng lên. Thông thường có một máy phát điện diesel ở ngoài để thay thế cho nguồn điện bị mất, nhưng không ngờ là máy diesel đó lại bị ngập nước. Thật ra người Nhật cũng dự trù chuyện ngập nước, nên đã xây đê chắn ở phía biển. Nhưng không ngờ là sóng thần quá mạnh, nên nước ào vào, làm hỏng hết gian nhà chứa tuốc bin. Sau 13 tiếng đồng hồ, người ta đưa được tuốc bin mới đến, thì lại không đấu được vào, vì cầu dao chổ đó cũng bị ngập nước. Như vậy, cho dù có tính đến các thảm hoạ thiên nhiên, người ta cũng không thể lường trước hết được.
Ở Việt Nam cũng có người nghĩ rằng sau này làm lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 thì chắc là có thể tránh khỏi những chuyện ấy. Lò phản ứng thế hệ 3 đúng là hiện đại hơn, tiên tiến hơn, nhưng đó là nói về cái đoạn làm sao dập được phản ứng dây chuyền trong lò. Tai nạn ở Fukushima không phải là ở cái đoạn ấy mà là ở cái đoạn sau, tức là khi lò đã dừng rồi, nhưng lại không tải nhiệt các thanh phóng xạ được.
Nếu con người cứ nghĩ rằng máy móc thiết bị bao giờ cũng tốt, thì thiên nhiên cũng có những điều không ai lường trước được. Không tính được hết những chuyện xảy ra đã đành rồi, nhưng mà khi nó đã xảy ra, thì người này làm việc này, người kia làm việc kia, hệ thống ứng phó ra sao, cũng khó mà tính hết được.
RFI : Tức là trong điện hạt nhân thì không có sự an toàn tuyệt đối ?
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Thế 3 hay thế hệ nào cũng vậy và nhất là nếu cứ nghĩ vậy, máy móc, thiết bị của những thế hệ đó ngày càng tinh vi và con người trở nên lệ thuộc vào máy móc. Tư duy đó rất không đúng.
RFI : Sự cố ở Fukushima buộc cả thế giới phải rà soát lại mức độ an toàn của các nhà máy hạt nhân và dầu sao nó cũng ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển điện nguyên tử tại những nước như Việt Nam. Chúng ta phải suy nghĩ lại chính sách phát triển hạt nhân như thế nào ?
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Không cứ gì Việt Nam, các nước khác cũng phải xem xét lại. Từng nhà khoa học tham gia vào chuyện này, cũng có những cái trước đây không ngờ được, thì bây giờ cũng phải suy nghĩ lại. Cách đây khoảng một, hai năm, khi thảo luận về điện hạt nhân ở Việt Nam, hầu hết những người có trách nhiệm cấp dưới cũng như cấp cao vẫn nghĩ rằng là điện hạt nhân rất an toàn. Ai mà nói nó không an toàn thì người ta không chịu. Họ cứ nghe những chuyện như là xác xuất không an toàn là cực thấp, nghĩ rằng sẽ không bao giờ xảy ra. Bây giờ thì nó xảy ra đấy !
Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận
Cho nên, từng người, từng tập thể, cả chính phủ, chắc rồi cũng sẽ xem xét lại và phải xét lại trên khái niệm là không có cái gì an toàn tuyệt đối. Nhất là cả con người, cả bộ máy, cả hạ tầng cơ sở phải đồng bộ. Nếu không tương thích được với mức độ nghiêm trọng của điện hạt nhân thì không làm được.
Tôi không dám nói với anh là có nên làm điện hạt nhân hay không, vì đằng nào cũng đã có quyết định rồi, nhưng qua sự cố ở Fukushima, cần phải chấn chỉnh lại như thế nào? Theo tôi, cái quan trọng nhất ở Việt Nam vẫn là con người, là tổ chức. Nhưng trước khi có con người và tổ chức tốt thì tư duy phải đúng. Đã làm điện hạt nhân, tức là làm chuyện nghiêm túc nhất, thì không bao giờ được xem nhà máy hạt nhân giống như là một nhà máy đóng giày hay một nhà máy nào khác, hoặc là khi nào cần thì có thể mua như là mua một xe ôtô.
Cách đây hai, ba năm không ai thấy chuyện đó, bây giờ rất hay là người ta thấy chuyện đó. Không nhất thiết là thấy rồi thì sẽ sợ không làm. Điều này còn tùy thuộc vào xu hướng của thế giới. Có những nước kiên quyết dừng, nhưng cũng có những nước nhất quyết vẫn làm. Cho nên, tôi không thể khẳng định được là Việt Nam rồi đây sẽ như thế nào. Nhưng rất may là ( xin lỗi, tôi xin đóng ngoặc kép chữ « may » ) sự kiện vừa rồi ở Nhật buộc người ta phải suy nghĩ lại.
RFI : Việt Nam đã dự trù xây đến 8 nhà máy hạt nhân. Theo giáo sư, sau sự cố vừa rồi ở Fukushima, liệu chúng ta có nên giảm bớt số lượng nhà máy này ?
Giáo sư Phạm Duy Hiển : Ngay từ đầu tôi đã nói là không thể làm liều lĩnh như vậy được. Tất cả những cái anh là phải dựa trên cơ sở là không phải cứ có tiền là muốn làm gị cũng được, nhưng còn bao nhiêu thứ khác nữa. Tất nhìên, ngoài vấn đề tiền còn có vấn đề tri thức về điện hạt nhân của Việt Nam, tức là phải có một đội ngũ chuyên gia. Qua sự kiện vừa rồi ở Nhật Bản, tất cả mọi người đều thấy là những người rất giỏi, rất nghiêm túc, có kinh nghiệm rất nhiều, thì mới xử lý được những sự cố như vậy. Còn nếu tất cả đều ởm ờ như nhau thì làm sao được ? Cái khó nhất đối với Việt Nam, đó là không có cái đội ngũ đấy. Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất lúng túng trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia.
Ngay từ đầu tôi đã nói rằng : làm từ từ, làm đến đâu, học hỏi đến đấy, tích lũy kinh nghiệm đến đấy, xây dựng đội ngũ đến đấy, chắc rồi hãy làm tiếp, trên tinh thần là không phải giống như ta mua một món đồ về dùng, hoặc trên tinh thần là không phải để cho người ngoại quốc chỉ huy tất cả, mà ngưòi Việt Nam phải tự làm. Như thế thì sẽ thấy là tốc độ làm như thế là không được. Hoặc tập trung nhiều nhà máy vào Ninh Thuận là không được. Nếu xảy ra sự cố như đối với sáu lò ở Fukushima vừa rồi, thì Việt Nam xử lý ra sao? Nó không đơn giản như người ta tưởng. Tôi cứ nghĩ giỏi lắm là năm 2020 làm lò phản ứng thứ nhất và 5 năm sau mới làm lò thứ nhì. Tôi không tin là có thể làm với tốc độ nhanh hơn được, nhất là Việt Nam vẫn còn rất lúng túng trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao. Tôi nhìn quanh nhìn quất thì chưa thấy anh nào thuộc thế hệ 40, 50 tuổi rồi sẽ trở thành những chuyên gia tốt về hạt nhân.
RFI : Xin cám ơn giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt.
Thanh Phương – RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét