Tin liên quan:
Việt Nam gần đây phá giá đồng tiền của mình xuống còn 21 ngàn đồng ăn một USD. Vào cuối năm 2008, tỷ giá còn là 17
ngàn, một sự suy giảm 24 phần trăm trong khoảng 2 năm. Trên
thực tế, tình hình còn tồi tệ hơn bởi tỷ giá đô-la chợ
đen là vào khoảng 22 ngàn, và nhiều người cần tiền đô đã
phải trả cái giá đó. Nếu dùng tỷ giá chợ đen thì giá trị
đồng Việt Nam giảm gần 30 phần trăm so với đô-la Mỹ. Khi
lãi suất gửi tiết kiệm bằng tiền đồng chỉ vào khoảng
15%, rõ ràng giải pháp giấu đô-la dưới thảm an toàn hơn là
gửi tiền đồng vào ngân hàng.
Trong khi phần lớn các quốc gia Châu Á đang lo ngại về dòng
vốn lớn đổ vào trong nước, và đồng tiền quá mạnh gây
bất lợi cho xuất khẩu, Việt Nam đang đứng ở vị trí không
tránh khỏi sẽ cạn nguồn dự trữ ngoại tệ - không ai biết
con số dự trữ ngoại tệ chính xác của Việt Nam, nhưng nó có
lẽ vào khoảng 6-7 tháng nhập khẩu cách đây chừng 1 năm. Mức
đánh giá dành cho trái phiếu của Việt Nam đang tụt xuống
hàng trái phiếu rác [junk bond = loại trái phiếu cấp thấp về
giá trị] với triển vọng tiêu cực. Một trong số các tập
đoàn / tổng công ty nhà nước lớn của Việt Nam, Vinashin, đã
bị coi là phá sản và không còn khả năng trả lãi suất cho
các khoản nợ nước ngoài - những khoản nợ mà người cho vay
tin rằng có sự bảo đảm phía sau của chính quyền. Lạm phát
chính thức là vào khoảng 1% mỗi tháng, nhưng có lẽ lạm phát
thực tế vào khoảng 15-20% vào năm ngoái. Tại sao Việt Nam,
một quốc gia có triển vọng rực rỡ và nắm kỷ lục về
tốc độ tăng trưởng, lại bỗng gặp rắc rối như thế?
Có một số lý do. Thứ nhất là chính sách của Đảng dành cho
doanh nghiệp quốc doanh "vai trò chủ đạo" trong phát triển kinh
tế. Trên thực tế, điều này có nghĩa là cho các doanh nghiệp
này quyền lực độc quyền, cùng với đất đai giá rẻ, tín
dụng và các hợp đồng chính phủ theo các cách khác nhau. Vào
khoảng một nửa số vốn doanh nghiệp tăng kể từ năm 2004 đã
rơi vào các doanh nghiệp quốc doanh, nhưng họ chỉ tạo ra
khoảng một phần tư tăng trưởng đầu ra và tạo ra vài trăm
ngàn việc làm. Sự lãng phí vốn đầu tư này đi kèm với
việc đổ tiền vào những dự án cơ sở hạ tầng đáng nghi
ngờ, bởi chúng thường thiếu cân nhắc, chi tiêu vượt tầm
hoặc không cần thiết. Những lựa chọn tồi này không bộc
lộ nhược điểm của nó trước đây, khi mà các khoản vay có
lãi suất thấp và tiền nhận được từ các quỹ tài trợ
khiến cho nền kinh tế thiếu hiệu quả không gây đau đớn
[như bây giờ].
Kể từ khi Việt Nam trở thành quốc gia "có thu nhập trung
bình", quốc gia này không còn nhận được nhiều khoản vay trợ
giúp "siêu rẻ", cũng như chi phí đi vay cũng tăng lên hàng năm.
Thêm vào đó, tín dụng trong nước đã tăng lên một cách đáng
ngạc nhiên khoảng 30% mỗi năm kể từ năm 2000, tức là gấp
đôi sau mỗi 30 tháng. Một phần lớn lượng tín dụng này đã
chuyển vào bất động sản và các khoản vay phát triển. Đất
đai ở Hà Nội gần đây được mua bán với giá 10 ngàn đô-la
một mét vuông, cao hơn cả Bắc Kinh. Đất đai là một lựa
chọn đầu tư "được ưa chuộng" cho các khoản tiền kiếm
được một cách "đáng ngờ", bởi không ai đánh thuế sau khi
nó được mua, cũng như không được niêm yết một cách tập
trung. Đối với nhiều người Việt Nam, đất đai tỏ ra an toàn
hơn các tài khoản ngân hàng với lãi suất thực âm [tức là
lãi suất thua tốc độ lạm phát] hay cổ phiếu trên thị
trường chứng khoán đã mất hơn nửa giá trị so với năm 2007.
Tiền cho thuê hoặc bán đất cũng giúp các tỉnh chi trả chi
phí của địa phương, do đó ngay cả một chủ tịch tỉnh
không tham nhũng cũng thích giá đất tăng lên. Nhưng giá đất
tăng đã làm méo mó sự tăng trưởng của thành thị và việc
thiếu hụt các khoản thuế nhà đất có nghĩa là cư dân thành
phố sẽ thiếu ngân sách cho các dịch vụ hay khoản đầu tư
cần thiết như tàu điện ngầm - một thứ cần có bởi giá
đất cao khiến người ta xây nhiều chung cư cao tầng, dẫn
đến mật độ giao thông tăng.
Người Việt Nam thiếu niềm tin vào tiền đồng thể hiện qua
việc họ mua vàng và đô-la bất cứ khi nào có thể - con số
này lên tới 9 tỷ đô-la năm 2009 và có thể còn cao hơn vào
năm ngoái. Con số ước lượng nói vàng và đô-la tích trữ
trong dân có thể lên tới hàng chục tỉ đô-la. Mặt tốt của
nó là có rất nhiều vốn trong dân, nếu chính quyền có thể
tạo ra những chính sách hợp lý và tái xây dựng niềm tin.
Điều tồi tệ là người dân luôn hoài nghi, mà chính phủ thì
thường "chóng quên" việc giữ ổn định mỗi khi thoát hiểm
và quay ngay lại với những chính sách dẫn đến lạm phát của
mình. Bởi vì việc làm giảm tăng trưởng tín dụng sẽ tạo
áp lực bắt nhiều chủ thầu và ngân hàng phải ra hạn các
khoản vay bằng cách dùng đất đai - vốn bị định giá quá cao
- ra làm khoản thế chấp, việc duy trì tình trạng lạm phát
thấp cũng có thể dẫn đến triển vọng đau đớn. Mặt khác,
khi mà cả nước ngoài lẫn người trong nước đều không muốn
cấp tín dụng cho nhà nước, thì không thể cứ tiếp tục in
tiền. Với tín dụng chạm mức 130 phần trăm GDP (vào năm 2000
chỉ mới ở mức 30%), thì trò chơi đã gần kết thúc. Hoặc
là mức tăng tín dụng chỉ nhỉnh hơn tốc độ tăng GDP thực
một chút thôi, hoặc là lạm phát sẽ xảy ra.
Con đường phía trước thực khó đoán. Một số người vẫn
không thấy cái lỗ đã quá sâu, và vẫn muốn tiếp tục đào.
Các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và các đại gia vẫn
không muốn dừng nhảy múa, và họ có những ảnh hưởng khủng
khiếp [tới người ra chính sách]. Một khoản vay của IMF với
những điều kiện thực tế là một lựa chọn. Một khoản vay
từ các hàng xóm Châu Á (có lẽ qua hiệp định Chiang Mai không
rõ ràng) là một lựa chọn khác. Nhưng cái ngày mà chính quyền
còn có thể tạo ra tín dụng, sử dụng chúng một cách tồi
tệ, và thuyết phục người khác rằng đó là cách làm đúng
đắn đã qua rồi.
Giáo sự David Dapice là một Kinh tế gia tại Chương trình
Việt Nam của Trung Tâm Quản lý Hành chính Dân chủ và Sáng
tạo Ash thuộc trường Quản lý Chính Phủ John F. Kennedy, Đại
học Harvard và là Phó Giáo sư Kinh tế Đại học Tufts.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét