Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Luật pháp CSVN vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin

2.1. Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin theo Công Pháp Quốc Tế

Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin là những quyền căn bản mọi người được hưởng và được bảo đảm thực thi không bị cản trở bởi bất cứ một thế lực đối kháng nào, được qui định ở điều 18 và 19 của Công Ước Quốc Tế các quyền Dân Sự và Chính Trị cũng như của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:

Điều 18: (CƯDSCT: Công Ước Quốc Tế những quyền Dân Sự và Chính Trị)

1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do theo một tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự thờ phụng, hành đạo, nghi lễ hay giảng dạy, hoặc riêng tư hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.

2. Không ai bị cưỡng bách tước đoạt quyền tự do lựa chọn tôn giáo hay tín ngưỡng.

3. Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.

4. Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền của cha mẹ hay người giám hộ trong việc giáo dục các con về tôn giáo hay đạo lý theo tín ngưỡng của họ.

Điều 19: (CƯDSCT)

1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

3. Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:

a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.

b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

Điều 18 (TNQTNQ: Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền) Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.

Điều 19 (TNQTNQ) : Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

Quyền tự do ngôn luận không những được bảo đảm cho từng cá nhân mà công dân còn có quyền bày tỏ, phổ biến, tư tưởng và quan điểm của mình cho đại chúng mà không bị hạn chế bởi biên giới quốc gia mình đang sinh sống bằng mọi phương tiện như truyền khẩu, ấn phẩm, phim, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, truyền thanh, truyền hình, truyền thông điện tử, Internet vv… Ngoài ra mọi công dân được quyền tự do tìm kiếm, thu nhận thông tin từ khắp nơi bằng mọi phương tiện thông tin.

2.2. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin theo luật pháp CHXHCN Việt Nam

2.2.1. Hiến pháp CSVN

Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký kết tham gia Công Ước Quốc Tế về những quyền Dân Sự và Chính Trị qua sự phê chuẩn của Quốc Hội CSVN vào năm 1982. Trong Hiến Pháp năm 1992, các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do được thông tin được qui định bởi điều 69:

Điều 69 (HP92: Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992): Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Tuy các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin, được hội họp, lập hội, biểu tình được nêu lên trong điều khoản này, nhưng việc thực hiện những quyền tự do căn bản này lại phải lệ thuộc vào pháp luật hiện hành: „theo quy định của pháp luật“.

Thí dụ „tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ được qui trong điều 88 bộ luật hình sự hiện hành của nhà nước CSVN:

Điều 88. (bộ luật hình sự) Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Qua điều luật này những lời nói mang nội dung „tuyên truyền truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân“ hoặc có tính cách „Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân“ cũng như việc „Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ có thể bị phạt tù „đến hai mươi năm“.

Điều luật được ban hành từ năm 1999 nhưng giới luật gia tại Việt Nam hoàn toàn không hiểu thế nào là „tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân“, những lời nói nào bị kết tội „Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân“ và tài liệu nào, văn hoá phẩm nào „có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“?

Qua đó điều 88 bộ luật hình sự CSVN dành cho các cơ quan hành pháp và tư pháp chức năng rất lớn là có quyền kết tội người dân một cách tùy tiện.

Mặt khác, quyền được tham gia thảo luận các vấn đề chung của đất nước của người dân được qui định bởi điều 53 Hiến Pháp CHXHCNVN „Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương“. Quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của đất nước bao gồm quyền tìm hiểu căn nguyên của vấn đề hầu có thể đóng góp ý kiến thảo luận để giải quyết vấn đề. Từ những căn nguyên tạo ra vấn đề, những nhược điểm, nhân sự và cơ quan liên quan đến vấn đề được nêu ra và phân tích. Nếu thiếu phần nêu ra và phân tích những nhược điểm, nhân sự hoặc cơ quan gây ra vấn đề thì sự việc không còn mang tính chất „thảo luận các vấn đề“ nữa, mà biến thành „chấp hành các vấn đề“!

Khoản a đìều 88 bộ luật hình sự CSVN kết tội việc phê bình nhà nước là „Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân“ không những vi phạm điều 18 và 19 CƯDSCT mà còn mâu thuẫn với cả điều 53 Hiến Pháp của CSVN.

Khoản c điều 88 kết án việc „Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ mâu thuẫn hoàn toàn với điều 69 của Hiến pháp „Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...“

Điều 146 Hiến Pháp qui định rõ ràng: „Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.“

Điều 69 Hiến pháp kết hợp với điều 88 bộ luật hình sự của nước CHXHCN VN là vi phạm Hiến pháp nước CHXHCNVN và phản Hiến Chương LHQ cùng vi phạm nhân quyền.

Tất cả các điều trong Hiến Pháp CHXHCNVN có cụm từ „… theo quy định của pháp luật“ chiếu theo điều 146 Hiến Pháp là vi hiến.

Tất cả các điều luật, nghị định có cụm từ „Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân“ cũng như các điều luật, nghị định, chỉ thị có cụm từ „Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ không những chỉ vi phạm hiến chương LHQ, Công Ước Quốc Tế các Quyền Dân Sự và Chính Trị, mà còn vi phạm chính Hiến Pháp của nước CHXHCNVN.

2.2.2. Luật báo chí

Luật Báo chí qui định báo chí tại CHXHCNVN là „cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội“ phục vụ đường lối, chủ trương và quyền lợi của đảng cộng sản Việt Nam:

Điều 1. Vai trò, chức năng của báo chí

Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội ; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức) ; là diễn đàn của nhân dân.

Đìều 19, khoản 2 Công Ước Quốc Tế các Quyền Dân Sự và Chính Trị qui định rằng, mọi người đều có quyền tự do bày tỏ và phổ biến tin tức, quan điểm, ý kiến của mình bằng mọi phương tiện truyền thông trong đó có báo chí. Sự qui định báo chí tại Việt Nam„ là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội“ cản trở phổ biến quan điểm, tư tưởng đại chúng không thuộc những tổ chức đảng, nhà nước hay các tổ chức chịu sự ảnh hưởng của đảng CSVN.

Đồng thời điều 6, đoạn 2 qui định nhiệm vụ của báo chí là „Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”:

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí

Báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :

1- Thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới ;

2- Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Luật báo chí CSVN không cho phép các tổ chức ngoài phạm vi ảnh hưởng của đảng cộng sản Việt Nam (thí dụ như Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo, Giáo Hội Cao Đài, Giáo Hội Tin Lành vv…) và mọi công dân phổ biến tư tưởng, suy nghĩ của mình. Qua đó luật báo chí CHXHCNVN vi phạm các điều 18, 19 Công Ước Quốc Tế các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

2.2.3. Luật Xuất Bản

Chiếu theo điều 11 của luật Xuất bản tại nước CHXHCNVN đối tượng được phép thành lập nhà Xuất bản gồm các cơ quan nhà nước, cơ sở của đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chịu ảnh hưởng đảng cộng sản Việt Nam.

Điều 11. Đối tượng được thành lập nhà xuất bản

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức khác do Chính phủ quy định được thành lập nhà xuất bản.

Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu.

Cũng như luật báo chí luật xuất bản của CSVN không cho phép những tổ chức và công dân ngoài tầm ảnh hưởng của đảng cộng sản Việt Nam thành lập nhà xuất bản. Do đó người dân không được thực hiện quyền tự do ngôn luận. Đồng thời, báo chí và nhà xuất bản do các tổ chức đảng, nhà nước và các tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam điều hành và quản lý nên người dân không có điều kiện đọc và phổ biến các tin tức khách quan trung thực.

2.3. Tóm tắt

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không những không được tôn trọng tại CHXHCNVN mà còn bị chà đạp có hệ thống bởi những điều luật chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.

Luật pháp nước CHXHCNVN vi phạm điều 18 và 19 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính trị và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

2.4 Mười trường hợp tiêu biểu vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí trong thời gian gần đây

Trường hợp 1: Không cho phép báo chí và nhà xuất bản tư nhân hoạt động

Tại Việt Nam không có tờ báo hay nhà xuất bản tư nhân hay độc lập nào. Các tôn giáo như Phật Giáo với hàng chục triệu tín đồ, Công Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo mỗi tôn giáo với 8 triệu tín đồ, Tin Lành, Cao Đài vv… đều không có quyền xuất bản báo chí hay sách, ngay cả sách kinh.

Trường hợp 2: Kết án 2 nhà báo vì đưa tin tham nhũng

Ông Nguyễn văn Hải, 33 tuổi, phóng viên tờ Tuổi Trẻ và ông Nguyễn Việt Chiến, 56 tuổi, phóng viên báo Thanh Niên bị bắt giam ngày 12.05.2008 với tội danh “lợi dụng chức vụ – quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hai nhà báo này đã phanh phui vụ tham nhũng lớn tại bộ giao thông-vận tải là vụ PMU18 làm ảnh hưởng tiêu cực đến chế độ và lãnh đạo CSVN.

Trong phiên toà ngày 15/10/2008 hai ông bị kêu án 2 năm tù về tội “lợi dụng quyền tự do, dân chủ” trong lúc hành nghề với loạt bài tố giác tham nhũng hàng triệu đô la trong dự án PMU 18. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến khẳng định việc lấy tin từ cơ quan điều tra là hợp pháp. Ông phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc của viện kiểm sát, cương quyết cho rằng mình chỉ làm nhiệm vụ thông tin như nghề nghiệp quy định. Những tin ông viết đều được chính thiếu tướng Phạm Xuân Quắc cung cấp và đều được ghi băng (đã trình tòa). Do thái độ cứng rắn của ông, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã bị kết án 2 năm tù giam. Nhà báo Nguyễn văn Hải bị kết án 2 năm tù không giam.

Trường hợp 3: Kỹ Sư Đỗ Nam Hải

Điạ chỉ: 441 Nguyễn Kiệm – Phường 9 – Quận Phú Nhuận – Sài Gòn – Việt Nam.

Kỹ Sư Đỗ Nam Hải học tại Úc về ngành Tiền tệ – Tín dụng. Tháng 1/2002 anh trở về nước và làm việc tại một ngân hàng thương mại.

Từ tháng 6/2000 đến tháng 8/2001 lấy bút hiệu Phương Nam anh Đỗ Nam Hải viết 5 bài chính luận tại Úc đề nghị thực hiện một cuộc Trưng Cầu Dân Ý, để nhân dân Việt Nam được thực hiện Quyền dân tộc tự quyết của mình là lựa chọn thể chế chính trị độc đảng hay đa đảng.

Tháng 8/2004 trong khi đang làm việc tại ngân hàng bị 1 nhóm gồm 5 sỹ quan công an thuộc Bộ công an Việt Nam đến gặp và mời đi làm việc để thẩm vấn về những bài anh viết tại Úc. Sau đó bị giữ lại 50 tiếng mà không hề có lệnh tạm giữ.

Tháng 2/2005 bị công an chỉ đạo cho ban lãnh đạo ngân hàng, nơi anh đang làm việc chấm dứt Hợp Đồng Lao Động giữa anh với ngân hàng này. Hành động đó không những hoàn toàn trái Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị, Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế và Xã HộI mà còn trái với Luật lao động hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam.

Trường hợp 4: Luật sư Lê Thị Công Nhân và Luật sư Nguyễn văn Đài

Ngày 06.03.2007 luật sư Lê thị Công Nhân và Luật sư Nguyễn văn Đài bị bắt tại Hà Nội. Các cơ quan tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN đã tường trình như sau về nguyên nhân bắt giam hai vị luật sư nhân quyền này: “Đài và Công Nhân có hành vi xuyên tạc chủ trương chính sách của nhà nước về dân chủ, nhân quyền” VKSND Hà Nội xác định, lợi dụng việc hành nghề luật sư, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân sử dụng Văn phòng Thiên Ân để thực hiện hành vi tuyên truyền, chống nhà nước. Lê Thị Công Nhân tham gia khối 8406 và là phát ngôn viên của “đảng Việt Nam thăng tiến”. Khám nơi ở của Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, lực lượng chức năng thu gần 150 đầu tài liệu. Trong số này có một số sách, bán nguyệt san, tập san bị cấm lưu hành. Tài liệu “tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam” của khối 8406 hay tài liệu kêu gọi tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa 12 cũng được tìm thấy. Từ tháng 12/2006, Nguyễn Văn Đài tuyên truyền thành lập “đảng dân chủ thế kỷ 21″, “đảng Việt Nam thăng tiến”, “khối 8406″. Học viên tham dự lớp học do Đài mở được phát tài liệu, tiền, hứa tài trợ đi du học nước ngoài, tạo việc làm.”

Theo bản “cáo trạng” số 28/CT của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra tại phiên xử thì các bị cáo “đã có hành vi tàng trữ các tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, bôi nhọ chế độ xã hội do đảng Cộng sản lãnh đạo, vu cáo xuyên tạc chính sách của Nhà nước đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam”

Ngày 11.05.2007 một phiên toà ngắn ngủi tại Hà Nội kết án Ls Lê thị Công Nhân 4 năm tù và 4 năm quản chế, luật sư Nguyễn văn Đài 5 năm tù ở và 5 năm quản chế về „tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ theo điều 88 của bộ luật hình sự nước CHXHCNVN.

Phiên toà phúc thẩm vào tháng 11 năm 2007 bản án đã được hạ xuống còn 3 năm tù và 3 năm quản chế cho luật sư Lê thị Công Nhân và 4 năm tù ở và 4 năm quản chế cho luật sư Nguyễn văn Đài.

Nhận xét của luật sư Trần Lâm về việc phiên toà xét xử hai luật sư Lê thị Công Nhân và Nguyễn văn Đài như sau: “… Sai lầm của truy tố xét xử, điều tra là nói có những tài liệu này, lời nói này nên có tội mà không hề có trích dẫn, không hề có biện luận …”

Trường hợp 5: Bán Nguyệt San “Tự Do Ngôn Luận”, Linh mục Nguyễn văn Lý

Ngày 30/03/2007 tại toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, linh mục Nguyễn Văn Lý, người khởi xướng và thực hiện Bán Nguyệt San “Tự Do Ngôn Luận” bị kết án 8 năm tù ở và 5 năm quản chế về „tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ theo điều 88 của bộ luật hình sự nước CHXHCNVN trong phiên toà ngắn ngủi.

Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận , công trình tập thể của nhiều thành viên Khối 8406 với Chủ nhiệm là Linh mục Chân Tín, Ban Biên tập gồm có Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Phan Văn Lợi, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Ký giả Nguyễn Khắc Toàn và một số cộng sự viên khác.

Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận ra đời ngày 08/04/2006, nhằm thông tin những tin tức trung thực đến người dân trong nước và vận động công dân đóng góp ý kiến giải quyết những khó khăn mọi mặt (luật pháp, tôn giáo, chính trị, xã hội vv…) của đất nước hiện nay mà đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam do cấu trúc độc tài của họ không thể giải quyết được. Đến nay Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận đã phát hành được 64 số báo mặc dù với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn kể từ 15/04/2006 đến nay (số 64 ra ngày 01/12/2008, tổng cộng đã được 2 năm 8 tháng rưỡi), Người chủ xướng Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận LM Nguyễn Văn Lý và Ls Nguyển Văn Đài, cộng tác viên trong ban biên tập, đều đang bị cộng sản cầm tù. Người thay thế chủ động là LM Phan Văn Lợi cũng bị nhà cầm quyền cộng sản VN quản chế theo dõi, đấu tố trước công chúng, mạ lỵ, đe dọa trừng phạt vv… Nhiều cộng sự viên khắp cả nước cũng bị cản trở trong việc phát hành, độc giả của tờ báo cũng bị sách nhiễu cấm cản. Tất cả nhằm triệt hạ cơ quan tranh đấu cho quyền được thông tin trung thực, được phát biểu thẳng thắn, được trình bày rõ ràng về những vấn đề quan trọng của đất nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản độc tài hiện nay.

( không khác thời kỳ 1954 của Hồ sơ vụ án Nhân Văn Giai Phẩm bị truy tố và bắt giam )

Trường hợp 6: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế

Ngày 19-7-2004 Bs Nguyễn Đan Quế bị kết án 30 tháng tù dưới tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’’. Được biết bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị bắt hôm 17.03.2003 tại Sài gòn vì trước đó vài ngày ông đã phổ biến một bài viết trên Internet chỉ trích tình trạng thiếu tự do thông tin tại Việt Nam.

Năm 1991, Bs Nguyễn Đan Quế cũng đã bị giới hữu trách Hà nội tuyên án tù 20 năm vì công khai kêu gọi tổ chức bầu cử tự do và thiết lập hệ thống chính trị đa đảng.

Trường hợp 7: Nữ đạo diễn Song Chi

Nữ đạo diễn Song Chi bị khước từ hợp đồng với hãng phim truyền hình TFS thuộc đài truyền hình HTV (TP.HCM) vì đã các bài viết thẳng thắn thể hiện quan điểm trên trang Web, tham gia biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa-Trường Sa.Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh RFA ngày 10/5/008, Song Chi đã cho biết như sau:

“Ngày mùng 2 vừa qua thì tôi có lên gặp ông Nguyễn Việt Hùng – Giám Đốc hãng phim TFS, ông Nguyễn Việt Hùng có thông báo cho tôi biết rằng là bên an ninh họ đến làm việc với Tổng Giám Đốc Đài và Ban Giám Đốc của hãng phim, đề nghị là không mời đạo diễn Song Chi cộng tác nữa vì lý do như họ nói là “có vấn đề về chính trị, có viết bài gửi các trang web bên ngoài, trả lời báo đài và có những mối quan hệ với những phần tử phức tạp về chính trị”.

Trường hợp 8: Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do

a/ Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, thường được biết đến qua bút hiệu Hoàng Hải và Điếu Cầy, sinh năm 1953, nguyên quán Hải Phòng. Ông thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, quy tụ các cây bút tình nguyện viết về thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân và lên tiếng tranh đấu cho họ, những người bị thiệt hại do chính sách trưng dụng đất đai, nhà cửa và đối xử bất công của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Ông thành lập hai trang mạng: một mang tên “Dân Báo”, đăng tải phóng sự và bài viết do những thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do thực hiện; và mạng thứ hai mang tên “Điếu cày”, ghi lại những suy nghĩ cá nhân về thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại và sưu tập những bài viết đáng chú ý về Việt Nam.

Ông thuong xuyen bi công an liên tục quấy nhiễu bằng cách triệu tập đến đồn công an làm việc, bất chấp giờ giấc sinh hoạt bình thường của một công dân tự do, hòng tạo áp lực và khủng bố tinh thần để ông, buộc ông chấm dứt các hoạt động xã hội và đấu tranh của mình. Ông bị bắt ngày 19/4/2008 và bị đưa ra tòa về tội danh ngụy tạo “trốn thuế”. Ông bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam vào ngày 10-9-2008. Nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế và Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã lên tiếng phản đối, nhất là Hội Nhà Báo Không Biên Giới đã đòi Hà Nội phải trả tự do cho Ông.

b/ Cùng với Ông Nguyễn Văn Hải, Nữ nhà báo Dương Thị Xuân là thành viên của “Câu lạc bộ nhà báo Tự do” tại Thủ đô, chị đã từng bị công an Hà Nội bắt bớ, giam giữ phi pháp và bị đánh đập nhiều lần trong các đồn bốt của cảnh sát tại giữa thủ đô trong mấy năm qua kể từ khi chị tham gia Phong trào đấu tranh cùng nhiêù anh chị em dân chủ cho đồng bào dân oan các tỉnh. Chị cũng đã từng bị công an Hà Nội tổ chức tông xe máy trên đường Thanh Niên bên hồ Trúc Bạch và Hồ Tây hồi giữa năm 2006 nhằm ngăn chặn chị tham gia vào Phong trào đấu tranh đòi dân chủ hoá đất nước .Đặc biệt, vào hồi đầu tháng 8/2006 chị đã bị bắt giữ, khám nhà, bị tịch thu khám máy vi tính, máy liên lạc, bị thẩm vấn nhiều ngày trên phòng điều tra an ninh của sở công an Hà Nội tại 87 phố Trần Hưng Đạo khi tham gia sáng lập tờ báo đấu tranh cho Dân chủ, Nhân quyền, Công lý mang tên Tập San Tự Do Dân Chủ do nhà văn Hoàng Tiến và nhà báo Nguyễn Khắc Toàn khởi xướng.

Trường hợp 9: Cách chức Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết

Ngày 27/10/2008 Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc VN, đã công bố cách chức Ông Lý Tiến Dũng (Tổng Biên Tập) và ông Đặng Ngọc (Phó Tổng Biên Tập) với lý do “vi phạm luật báo chí”.

Được biết báo Đại Đoàn Kết vừa qua đã cho đăng tải nhiều bài viết mà các báo khác không dám đăng được mô tả là trái chiều với quan điểm của Đảng và Nhà nước như:

- lá thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gởi các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước trình bày quan điểm ngược lại về chủ trương phá bỏ Hội Trường Ba Đình và xây dựng trụ sở Quốc Hội trên khu di tích Hoàng Thành Thăng Long,

- bài tham luận ‘Cần phải xoá bỏ bao cấp về chính trị’ của linh mục Nguyễn Thiện Cẩm (Uỷ Viên Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc VN, phó chủ nhiệm Uỷ Ban đoàn kết công giáo) ,

- một số bài của nhà báo Thái Duy và Hữu Nguyên đưa nhiều ý kiến về tình trạng chính trị bức xúc ở VN.

Trường hợp 10: Đánh đập nhà báo Ben Stocking (AP) trong lúc đang hành nghề

Hôm 19/9/2008 ông Ben Stocking, trưởng đại diện của hãng Associated Press tại Hà Nội, đã bị ‘đấm, bóp cổ và đập vào đầu’ khi đưa tin về cuộc cầu nguyện của giáo dân ở khu vực Tòa Khâm sứ cũ. Công an CSVN đã bắt ông Stocking về đồn công an 2 tiếng đồng hồ mặc dù đầu ông bị chảy máu. Công an CSVN đã bắt ông Stocking về đồn công an 2 tiếng đồng hồ và đánh ông đến chảy máu đầu. Sau đó ông đã tới bác sĩ điều trị và được khâu 4 mũi kim.

Còn vô số trường hợp vi phạm khác về vi phạm tự do ngôn luận và báo chí như đối với LM Phan văn Lợi, TT Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Lê Trí Tuệ, Giáo sư Nguyễn Chính Kết ( 2006) Giáo sư Hoàng Minh Chính, Ls Lê Quốc Quân, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Quế Dương, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế (2004), Cụ Lê Quang Liêm, Vũ Hùng, Cô Phạm Thanh Nghiên, Ký giả Nguyễn Vũ Bình, Luật sư Lê Chí Quang, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Ký giả Nguyễn Khắc Toàn (2003), Phạm Bá Hải, Trương Quốc Huy,Trần Thiên Lộc, Nguyễn Ngọc Quang, Ks Bạch Ngọc Dương. Chị Phương Thy, Ms Nguyễn Hồng Quang, Cô Quỳnh Trâm, Anh Trần Quốc Hiền, Ms Phạm Ngọc Thạch., luật sư Nguyễn thị Thùy Trang, nhà văn Trần khải Thanh thuỷ, Hồ thị Bích Khương,Phan Thanh Hải,Lê Thanh Tùng, Lương Văn Sinh, Phạm thị Ứng, Ngô Mai H, Vũ Hoàng Hải, Bùi Chat, Quốc Dung, Uyên Vũ, Anh Bằng, Lê Hào, Đức Hội,Tạ Phong Tan, Đào Văn Thuỵ, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Trung Lĩnh, Phạm Văn Trội, Nguyễn Đức Chính, Ngô Quỳnh,Trần văn Thạch,Trần Đức Thạch ,Nguyễn văn Tuc, nhà văn Hoàng Tiến, vũ cao Quận, LM Chân tín, LM Nguyễn Hữu Giải, Trần Khuê, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Hoà thượng Thích Không Tánh, Nguyễn bá Đăng,Trương quốc Tuấn, Lưu thị thu Duyên, Lưu thị thu Trang, Lê thị Kim Thu,Nguyễn Ngọc Quang,Phạm bá Hải,Vũ Hoàng Hải .Dương thị Xuân,Lê Xuân Kính, Phan Thanh Hải,Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn hải chiến, Nguyễn văn Hải, Bùi kim Thành vv…

Và người ta có thể liệt kê được hàng triệu vi phạm khác, nếu những quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được tôn trọng tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét