Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Thư gửi Út – Mùa biển động

Posted on Tháng Ba 2, 2011 by truongthondlb1


Vũ Đông Hà (danlambao) – Út đã kết thúc thư của Út bằng câu “cuộc cách mạng Hoa Lài đã làm em và các bạn của em nức lòng, tụi em hàng ngày liên lạc với nhau, theo dõi tin tức trên mạng, vào trang blog của các anh chị đọc tin và đứa nào cũng nóng lòng muốn làm ngay một cái gì đó. Tại sao các bạn ở bên Tunisia, Ai Cập làm được mà mình lại không làm được…“

Điều Út viết ra vô cùng chính xác. Chỉ có sỏi đá mới không nức lòng với những gì đang xảy ra, mới không rộn ràng muốn đứng lên góp phần vào một cuộc cách mạng đổi đời cho đất nước của mình. Út đã viết:

“Cách mạng Hoa Lài đã làm sống lại niềm hy vọng của tụi em, nếu ở những nước có những bộ máy công an mật vụ còn tàn ác gấp nhiều lần so với VN và như anh giải thích người dân của họ sợ hãi nhà cầm quyền còn hơn dân mình mà họ có thể thành công. Em nhìn hình ảnh của những người bạn ấy, nhất là tấm ảnh người đàn ông giương cao biểu ngữ có câu “Die for something is better than live for nothing” mà em xúc động đến ứa nước mắt…”.

Không riêng gì Út mà người người đều có những xúc động như thế. Và từ chính những nỗi xúc động rất thật ấy cộng thêm với niềm mong mỏi nhiều năm tháng, đôi khi suốt cả đời người, ai ai trong chúng ta cũng muốn làm ngay một cái gì đó. Có lẽ vì thế mà Út đã chấm dứt lá thư bằng câu hỏi “Út phải làm gì ?“.

Nếu Út thay câu hỏi ấy bằng “Tuổi trẻ phải làm gì ?” thì việc trả lời sẽ bớt khó khăn gấp trăm lần. Bởi vì khắp nơi trên mạng, ở nhiều diễn đàn, rất nhiều góp ý, thảo luận, vô số các bài viết đã phân tích logic, rút tỉa bài học Cách Mạng Hoa Lài và đưa ra những đề nghị, kêu gọi. Tất cả đều xuất phát từ niềm xúc động và tha thiết với tiền đồ của quê mẹ. Chỉ cần gạn lọc, đúc kết lại những gì mà nhiều người đã viết là sẽ có câu trả lời từ trí tuệ tập thể ngay cho Út. Nhưng anh đã không làm được điều đó. Vì Út không phải là một hình tượng “tuổi trẻ” chung chung nào đó, hay là một đám đông “quần chúng” mơ hồ đâu đâu. Út là một con người bằng xương bằng thịt, là đứa em nuôi thương quý của anh. Anh không thể hấp tấp vội vàng để rồi sự an nguy, sinh mạng và cơ hội đóng góp lâu dài cho Tự Do của dân tộc và tương lai của Út trở thành một cuộc phiêu lưu hay một canh bạc đỏ đen.

Anh chưa thể nói với Út rằng Út hãy rủ các bạn của Út cùng nhau kéo xuống trung tâm thành phố của em ở để biểu tình dù là theo kiểu “bất bạo động tuyệt vời” nào đó như người ta nói. Vì nơi em ở ngoài đó anh chưa biết được bản chất của đám CA có giống như những tên CA ở Nghi Sơn sẵn sàng bắn vào một em bé hay không. Chưa biết CA liệu có “bạo động” với tụi em hay sẽ áp dụng “trấn áp bất bạo động”, chẳng làm gì hết, chỉ làm vòng chắn những người chung quanh, giới hạn thông tin và sau đó âm thầm bắt nguội từng người như họ đã từng làm. Anh cũng chưa chắc chắn được nếu Út của anh bị bắt thì dư luận sẽ ra sao, mọi người sẽ có những hành động gì, cụ thể, thiết thực ra sao, và có ai sẽ đi theo bước chân của Út để đốt tiếp ngọn lửa của Út và các bạn hay không?

Anh cũng chưa thể góp ý được với Út là “nếu” có biểu tình thì biểu tình ở nơi đâu. Út vẫn đang tin rằng nơi đó phải là trung tâm thành phố đông người qua lại, hay trước một tòa đại sứ của nước ngoài. Anh thì lại nghĩ khác Út. Lấy bài học của các bạn trẻ ở Trung Quốc muốn khơi mào cuộc cách mạng Hoa Lài ở xứ họ thì thấy. Họ cũng nghĩ như Út, ra quân ở chốn đông người để tạo sự chú ý và tham gia. Nhưng ai là những người trong đám đông ấy? Là những khách du lịch, là những người đi mua sắm, là một gia đình đi ăn chiều, là những đôi trai gái hẹn hò… Dĩ nhiên họ sẽ tò mò nhưng cũng sẽ “vô can”. Một giờ sau đó, họ tiếp tục với những sinh hoạt riêng tư đã định của họ. Một giờ sau những con người lý tưởng và can đảm trở thành tù nhân. Ngược lại ở Tunisa cuộc cách mạng đã được khơi mào từ những thành phố nhỏ, dân nghèo và đầy bất mãn. Tại sao? Bởi vì chính những người dân nghèo khó, bị đối xử bất công ở nơi mà các bạn trẻ Tunisia chọn làm khởi điểm cách mạng, những người mà nhiều năm chán ngấy, căm ghét lũ cường hào ác bá mới đứng ra bênh vực và nhập dòng với những người đang bị công an, mật vụ đánh đập, lôi kéo ngay trước mắt họ.

Trong thư Út cũng nói về những bức xúc và ước vọng khơi mào của Út:

“Ai cũng cứ chờ nhau, người kêu gọi thì nhiều nhưng Út có cảm giác là ngay chính những người kêu gọi ngay khi viết những lời thúc giục người khác xuống đường đã biết rõ lúc ấy mình sẽ không có mặt. Có nhiều người góp ý thả truyền đơn, bong bóng, đấu tranh theo kiểu bất bạo động này hay kiểu bất bạo động khác nhưng đọc qua Út có cảm giác hình như chính họ chưa làm những việc đó một lần nào. Đọc những phản hồi trên trang blog của các anh chị thấy tụi CAM nó cứ mỉa mai là không thấy xuống đường đâu cả làm Út bức xúc muốn điên. Út không muốn ngồi chờ mãi được. Biết đâu chừng tụi Út cứ làm đại như ở Tunisia và Ai Cập mà sau đó mọi người sẽ hưởng ứng và từ đó lan rộng…“

Có thể điều Út nghĩ “biết đâu chừng tụi Út cứ làm đại” lại thành sự thật. Bước ngoặt lịch sử đôi khi tình cờ và mầu nhiệm như phép lạ. Nhưng cũng biết đâu chừng bước ngoặt đó lại không làm nên lịch sử mà lại kết thúc như là một Thiên An Môn bi thảm đầy máu và nước mắt!? Điều an ủi duy nhất là nếu điều đó có xảy ra thì chính Út và các bạn, giống như những người sinh viên Bắc Kinh can đảm năm nào, là những người tự viết lên một bi hùng ca bằng chính mạng sống của mình và quyết định của mình chứ không vì một lời kêu gọi của ai khác.

“Biết đâu chừng tụi em cứ làm đại như ở Tunisia và Ai Cập“. Điều này thì anh không nghĩ giống Út. Ở những xứ đó người ta không làm đại. Trong cuộc cách mạng long trời lở đất của đầu thế kỷ 21 này Út không thấy hình ảnh lãnh tụ hay tổ chức. Điều đó không đồng nghĩa với một cuộc cách mạng từ trên trời rơi xuống, không có chuẩn bị, kế hoạch.

Không phải tự nhiên trên trời rơi xuống để có mạng-đấu-tranh sử dụng Tweeter và Facebook.

Không phải tự nhiên mà ở Tunisia hay Ai Cập nhiều người dùng những mạng xã hội này quan tâm đến chính trị chứ không vô cảm chỉ say mê theo dõi chuyện siêu sao như ở những nước khác.

Không phải như là một món quà thượng đế ban cho để khi Mubarak cắt internet trong nhiều ngày mà “quần chúng Ai Cập” có ngay phương thức thông tin bù đắp.

Không phải tự nhiên mà nhiều người đứng đầu trong bộ máy độc tài của đảng “Dân chủ Quốc gia” của Mubarak nhanh chóng quay sang chống lại thủ lãnh của họ.

Không phải ngẫu nhiên, không hẹn, không bàn, không chuẩn bị, không tổ chức, không điều hướng mà mấy trăm ngàn người dân ô hợp đi theo cùng một chiều đấu tranh mà thế giới gọi là đấu tranh bất bạo động, hay những người “Anh em Hồi Giáo” tự nguyện đứng ngoài lề bàn cờ chính trị ngay từ đầu.

Không phải có một phép lạ nhiệm mầu để tự nhiên hàng triệu nạn nhân thống khổ, mà không một ai tấn công, tàn sát những con người trong guồng máy độc tài vốn đã gieo cho họ bao nhiêu tan tóc khi gió đã đổi chiều…

Thế thì Út và các bạn của Út – đã chuẩn bị được chừng nào cho những điều trên, không cần phải 100%, nhưng nếu đủ để dự tính cứ làm đại (cụm từ của Út) hoặc chí ít là canh bạc đỏ đen (chữ dùng của anh), mình có được xác xuất 50/50 thành công hay thất bại? Nếu ở cỡ 50/50 đó thì anh em mình chắc sẽ… liều mạng chơi ngay, khỏi phải bàn. Câu trả lời chỉ có Út và các bạn mới giải đáp được.

Nhân cái dịp “mùa biển động” này có một vài điều anh muốn chia sẻ với Út:

Ẩn kín bên trong thế giới bình thường mà chúng ta đang sống có một thế giới riêng và rất lạ. Đó là thế giới của những con người lý tưởng không biên giới. Trong đó, có người sau khi thành công với cuộc cách mạng ở tổ quốc mình đã đến một đất nước khác tiếp tục làm cách mạng (một trong những người ấy là anh chàng đẹp trai với cô vợ xinh đẹp mà có lần anh đã kể cho Út). Đó là ông già chiến lược gia siêu đẳng ở trời Tây mà lúc nào cũng lo lắng cho phong trào của Aung San Suu Kyi. Con đường của họ khởi đi từ quan niệm: tự do không phải là ân huệ dành riêng cho một nước. Và vì thế họ đã đồng hành với những con người lý tưởng khác để cùng đấu tranh cho tự do ở mọi nước. Trong thế giới đặc biệt ấy nhiều người đã tìm đến nhau. Họ đã gặp nhau ở núi rừng Chiang Rai và học hỏi những thất bại từ những người lãnh đạo phong trào Miến Điện đang bị chính quyền quân phiệt lùng bắt ở biên giới Miên Thái. Họ đã gặp nhau ở thành phố trữ tình Seville và học hỏi những kinh nghiệm thành công của các lãnh đạo phong trào cách mạng Serbia, Georgia, Phillipine, Indonesia… Họ đã tìm đến nhau ở Cape Town, quê hương của nhà cách mạng Nam Phi Nelson Mandela, để hệ thống hóa lại tất cả những kinh nghiệm đấu tranh thực tế cho một chương trình làm việc lâu dài.

Để có một chiến lược tổng thể họ đã không dừng lại ở việc nằm nhà để đọc 198 phương thức đấu tranh của Gene Sharp. Họ cũng không chỉ tập trung vào việc phổ biến những tài liệu nhiều chữ nhiều nghĩa ấy đến quần chúng bình thường lười đọc, biếng suy. Chỉ để tìm ra được một phương hướng chiến lược tổng thể họ đã bỏ ra nhiều năm tháng và nhọc nhằn để có được quyết định: Đích đến của cuộc cách mạng phải là ước muốn chung của đại đa số người dân (dù đó là cơm no áo mặc) chứ không phải là ước muốn mà họ “biết” là “tối hậu” của riêng họ (dù đó là Tự Do Dân Chủ). Để đối đầu với bộ máy độc tài to lớn, sức mạnh họ chọn không phải là một đảng phái mà là một phong trào quần chúng (dù họ đã từng ở trong đảng phái). Phương tiện của họ không phải là súng ống bom mìn mà là máy tính, điện thoại di động và những mạng liên kết internet (dù họ lúc đầu rất kém trong lãnh vực này). Kẻ thù mà họ quyết định tấn công không là toàn bộ cơ chế / guồng máy mà là một vài đầu não cá nhân (mặc dù họ vẫn đang căm thù cả guồng máy và ước gì tiêu diệt được cả đám hàng triệu tên ma quỷ ấy).

Họ đã tốn nhiều năm tháng để âm thầm khai triển chiến lược tổng thể thành những chiến thuật giai đoạn. Nhiều công sức bỏ ra để lặng lẽ xây dựng một mạng lưới cách mạng trong thế giới vui chơi của Facebook, Tweeter. Nhiều tiền bạc đổ vào cho hạ tầng cơ sở lẫn một mạng lưới nhân sự không đảng phái cho phong trào. Nhiều thông điệp, dưới những hình thức khác nhau, nội dung khác nhau để thuyết phục quần chúng (lẫn những tổ chức, cá nhân cùng chiến tuyến) về những điều mà họ biết đi ngược lại tâm lý và thói quen suy nghĩ lâu ngày của nhiều người. Nhiều thói quen của chính họ cũng đã được vứt bỏ – không còn chỉ tập trung vào ước mơ mà chú trọng vào khả năng và vốn liếng đang có; không còn hoạt động để được lòng quần chúng như ngày họ còn ở trong các đảng phái; và không còn nữa những lời kêu gọi nếu chính họ không phải là người đứng trước đầu sóng ngọn gió. Họ làm tất cả trong âm thầm, yên lặng giữa những con mắt rình rập của mật vụ và cánh cửa tù chờ đón. Nhưng họ không quan tâm. Cái mà họ lúc nào cũng theo dõi, chờ đợi, chụp bắt là thời cơ. Và thời cơ đã đến. Những chuẩn bị của bao năm tháng đã được đền bù.

Cuộc cách mạng Hoa Lài ở Tunisia và Ai Cập đã chấm dứt vào những ngày cuối năm bước sang năm mới. Cả thế giới trong đó có Út và các bạn được chứng kiến một cuộc đổi đời lịch sử. Nhưng chúng ta chỉ được xem màn kết của một cuốn phim cách mạng. Cuốn phim ấy đã bắt đầu từ nhiều năm trước, những người đạo diễn chỉ cho chúng ta xem hồi kết đầy gây cấn và ấn tượng. Một cuốn phim với hàng triệu diễn viên nhưng không thấy những tài tử chính. Bởi vì họ không phải là những chính trị gia cướp chính quyền để lên thay thế. Họ cũng không là thành viên của đảng phái sẽ ra tranh cử. Họ là những con người lý tưởng đi làm cách mạng. Con đường cách mạng của họ (mà anh em mình thường nói – con đường sống có ý nghĩa) không ngừng lại ngày hôm nay hay với sự sụp đổ của độc tài Mubarak hay Ben Ali.

Còn Út và các bạn, cuộc cách mạng của Út và bằng hữu đã bắt đầu từ bao giờ. Mùa biển động này nó có nằm đúng vào hồi kết để trình chiếu cho cả thế giới xem theo đúng kịch bản và tiến trình chuẩn bị đã được định ra kỹ lưỡng từ ban đầu? Hay là nó phải được gấp rút trình chiếu vì bây giờ đang là… mùa biển động? biển động từ trong lòng Út cũng như ầm ầm sóng vỗ từ thế giới chung quanh?

Vũ Đông Hà (danlambao)
Góp sỏi lót đường (5)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét