Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Mùa Đất Khóc – Tưởng niệm 23 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa

Posted by truongthondlb1


Vũ Đông Hà (danlambao) - Vấn nạn của đất nước ngày hôm nay là nguy cơ mỗi con người chỉ lo sợ mất miếng ăn, manh áo, công ăn việc làm hơn là âu lo giang sơn tổ quốc mất đi một vùng biên giới mịt mù, một vùng biển xa xăm. Điều bất hạnh cho một dân tộc sẽ xảy đến nếu tầm nhìn của đại khối chỉ là sự hài lòng với những nhỏ nhoi riêng tư có được mà không biết rằng cuộc đời mình đã bị tước đoạt muôn vàn thứ và coi những mất mát chung không phải là mất mát của riêng mình; không nhận thức rằng sự mất mát chung của dân tộc sẽ tiếp tục dẫn đến mất mát cho từng cá nhân, từng gia đình…

Tự do bị cướp mất sẽ có ngày lấy lại, Nhân quyền bị giết chết sẽ có lúc hồi sinh. Dân chủ bị bóp nghẹt sẽ có lúc phục hồi. Nhân bản bị chà đạp cũng sẽ một ngày đứng thẳng.Trí tuệ bị thui chột cũng có ngày nở hoa. Tất cả nằm trong tầm tay và ý chí tranh đấu của đại khối dân tộc đối với thiểu số độc tài cùng dòng máu.

Nhưng mất đi một phần lãnh thổ cho ngoại bang thì biết bao giờ mới lấy lại ?

Nếu 100 năm sau, khi nhìn vào bản đồ đất nước, thấy Ải Nam Quan, Trường Sa, Hoàng Sa không còn thuộc về lãnh thổ của mình, những thế hệ mai sau sẽ không chỉ nguyền rủa tập đoàn thống trị hiện tại mà còn nguyền rủa cả thế hệ chúng ta, nếu chúng ta không làm gì cả trước sự mất mát của giang sơn.

*

Muốn lấy lại những gì đã mất thì phải biết những gì đã mất, đang mất và sẽ mất. Đất nước không chỉ mất đi mấy trăm kí lô mét vuông lãnh thổ, mấy nghìn kí lô mét vuông lãnh hải. Đất nước đang đứng trước hiểm họa mất đi độc lập chính trị, tự chủ kinh tế. Dân tộc có nguy cơ mất đi tinh thần phản kháng oai hùng của tiền nhân và chỉ sống với niềm tự hào dân tộc hão.

Muốn lấy lại những gì đã mất thì phải lấy lại quyền làm chủ vận mệnh của chính mình và của đất nước cho mọi người dân. Đất sẽ tiếp tục bị xâm lăng, khai thác, tàn phá; biển sẽ tiếp tục bị tranh giành, thao túng, cướp đoạt, nếu nhà Việt Nam vẫn còn bị một thiểu số dành quyền làm chủ, độc tôn quyết định vận mạng tổ quốc, nhưng sẵn sàng dâng hiến gia sản tổ tiên để củng cố địa vị cá nhân và guồng máy thống trị.

*

Vấn nạn của đất nước ngày hôm nay là nguy cơ mỗi con người chỉ lo sợ mất miếng ăn, manh áo, công ăn việc làm hơn là âu lo giang sơn tổ quốc mất đi một vùng biên giới mịt mù, một vùng biển xa xăm. Điều bất hạnh cho một dân tộc sẽ xảy đến nếu tầm nhìn của đại khối chỉ là sự hài lòng với những nhỏ nhoi riêng tư có được mà không biết rằng cuộc đời mình đã bị tước đoạt muôn vàn thứ và coi những mất mát chung không phải là mất mát của riêng mình; không nhận thức rằng sự mất mát chung của dân tộc sẽ tiếp tục dẫn đến mất mát cho từng cá nhân, từng gia đình.

Đất nước ngày nay giống như hình ảnh của sa mạc khô cằn thiếu vắng sự sống. Ở đó, hằng nhiều thế kỷ trôi, đã bao nhiêu người chết khô chết khát. Ở đó, trong tuyệt vọng giữa biên giới tử sinh, đã bao nhiêu người mong đợi một cơn mưa rào. Ở đó, đã có bao nhiêu người không bao giờ nghĩ họ có thể nhìn lại được những ngọn chồi xanh đâm mầm nẩy lộc. Ở đó, họ đã không bao giờ biết được ẩn dấu dưới đó là một gia tài nguyên liệu giàu có, nuôi sống cả một dân tộc, con cháu họ trong tương lai. Đất nước mình cũng thế. Dưới những khô cằn sỏi đá vẫn còn đó một gia tài hơn 4000 năm. Luân lưu ẩn náu trong từng giòng máu, từng hơi thở của mỗi con người là hạt mầm Đại Việt. Những hạt mầm đang ở giữa biên giới tử sinh. Chỉ cần một cơn mưa là bừng sống dậy.

***

Bao năm qua, đã bao nhiêu lần ta đối diện với nỗi niềm cô đơn trên con đường này ? 10 năm. 20 năm. 30 năm. Một đời người. Oan khiên nào đã trói chúng ta vào định mệnh của đất nước? Mùi rơm, hương đất, cơn mưa? Điều gì đã níu chặt ta lạ lùng dai dẳng? Một đời người. Một thế kỷ. Một lịch sử hơn bốn nghìn năm. Tại sao chúng ta vẫn miệt mài đi tiếp con đường này ?

Em vẫn không sợ sự ghẻ lạnh cô đơn
Bởi mình khởi đi từ những ngày cô đơn nhất
Bởi giữa hung tàn trong lòng đất nước
Vẫn có người đứng thẳng rất cô đơn *

Câu trả lời nằm ở đó. Dưới bầu trời hung hãn, trong trấn áp bủa vây, trước đe dọa ngục tù: vẫn có những người đứng thẳng rất cô đơn. Thì tại sao không? ở mỗi chúng ta?

Câu trả lời nằm ở: những hạt mưa đã rơi trên đất vỡ. Tiếp nối những hạt mưa trước. Mở mùa cho những hạt sau. Hạt mưa Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thủy. Hạt mưa Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương… Những anh thư, anh hùng của thế kỷ 21, bằng gian nan và lao tù, đã đem mưa ngàn tưới mát những hạt mầm đang khô rốc trong nắng hạn.

Câu trả lời nằm ở: con đường hôm nay không phải chỉ cho cuộc đời hiện tại mà cho thế hệ mai sau. Thế hệ chúng ta có thể cúi đầu yên ngủ với thân phận số không của mình, nhưng sao đành để thế hệ mai sau tiếp tục cuộc hành trình của mây tan biến vào hư không ?

Các bạn đã đứng lên. Để đem mây ngàn trở về sông núi cũ. Đem ý chí xây dựng lại núi hùng sông tráng. Đem khát vọng xua đi bóng mây đen trên vòm trời tổ quốc đến cho nhiều người. Các bạn đang ươm mầm để một ngày cây xanh đổ bóng mát hiền cho thế hệ đàn em. Bây giờ, với các bạn, là những đêm nhìn mây trắng bay từ góc tối nhà tù. Mai sau sẽ là những ngày nhìn trời xanh trong biếc với những cơn mưa rào tưới mát cỏ xanh.

Chúng ta vẫn luôn có một bầu trời thật nhiều mây
Và ngọn đồi sau nhà không còn quanh năm cỏ cháy
Trái hạnh phúc khi dễ dàng hái lấy
Con sẽ không hái cho riêng con mà cho cả cuộc đời *

Xin gởi đến

những cánh chim chọn đường gió bão,
những người đứng thẳng rất cô đơn trong bóng tối ngục tù,
những con người không hái trái ngọt
cho riêng mình mà cho cả cuộc đời

niềm tin và lời cảm ơn chân thành.

Vũ Đông Hà
http://vudongha.multiply.com/journal/item/19/19

* Thơ Hương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét