Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Bác Mười tự hoạn

Posted on Tháng Ba 15, 2011 by truongthondlb1


Đinh Tấn Lực – Bẵng đi từ bài “Về Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa Trong Xây Dựng Đất Nước Ta Hiện Nay” (2005, ngay sau khi bác Đào sang thăm Việt Nam), lâu lắm rồi độc giả ở đây mới được thưởng lãm một bài viết khác của bác Mười. Mà là một bài lý luận công phu/uyên bác đến trên cả mức ngạc nhiên nữa, mới thú! Cho dù phong thái dùng từ và chấm câu có một khoảng cách rất xa với bản chất bình dị/xề xòa/mộc mạc hàng ngày của tác giả, vẫn thú! Cho dù tác giả chủ ý nhắm vào đối tượng đảng viên trong mục tiêu Về Xây Dựng Đảng, càng thú!

*

Thú thật!

Thú nhất là ở (chỗ mường tượng ra khung cảnh nếu đây là một bài đọc, thì hẳn tác giả đã giơ tay nhẹ nhàng lẳng lơ vuốt mái tóc phớt chẻ đôi một cách cực điệu nghệ, rồi hắng giọng thanh phá mà nhấn mạnh) cái khẳng định ấn tượng (đến mức được nâng cấp thành tựa đề): “Không có Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có công cuộc đổi mới”.

Thật khó mà tranh cãi với tác giả về những nỗ lực của đảng và nhà nước ta được liệt kê trong bài viết, tạm lược như sau:

“Trong thời kỳ quá độ lên CNXH chúng ta đã nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm… Kiên quyết và liên tục thay thế cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bằng cơ chế thị trường… Đẩy mạnh sản xuất, trước hết phải xây dựng và phát triển nền công nghiệp tư liệu sản xuất, đặc biệt cơ khí chế tạo, sau nữa coi trọng công nghệ thông tin, điện tử, năng lượng mới, vật liệu mới, hóa chất và kể cả công nghiệp tiêu dùng…”.

Cũng quả là cực khó cho những ai muốn quên những giai thoại hào hứng đến đứt ruột về tác giả, trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH của đất nước, qua bao đoạn đời thăng trầm cá nhân, từ thời bác được chú ruột của nguyên GS Bộ trưởng Phạm Minh Hạc kết nạp vào chi bộ Đông Phù năm 1939, bị Tây bắt giam (1941), vượt ngục (1943), rồi tham gia cướp chính quyền ở Hà Đông (1945) và lần lượt giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng (1945-1955, nổi tiếng về cuộc đại càn quét “gián điệp” năm 1955 ở Hải Phòng cùng với câu danh ngôn để đời: Thà giết lầm hơn bỏ sót!)… Sau đó, lên tới Thứ trưởng (1956) rồi Bộ trưởng bộ Nội Thương (1958), vào TW đảng (1960), Chủ nhiệm ủy ban vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn thanh tra của Chính phủ (1961-1969), leo lên Phó Thủ tướng Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng (1969-1971), Phó Thủ tướng Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản (1971-1973). Lại tụt xuống Bộ trưởng Bộ Xây dựng (1973-1977) kiêm nhiệm đại biểu Quốc hội khóa V và VI, được bổ sung vào dự khuyết Bộ Chính trị, tái thăng chức Phó Thủ tướng Chính phủ (1976-1981) kiêm nhiệm đại biểu Quốc hội khoá VII, biến thành Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCNVN (1981), chính thức vào Bộ Chính trị (1982), Thường trực Ban Bí thư TW đảng (1986) kiêm nhiệm đại biểu Quốc hội khoá VIII, thăng chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1988), rồi trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng (1991), đến nửa nhiệm kỳ sau thì được suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành TW Đảng, tới năm 2000 thì được thăng ngạch lên quy chế Nguyên Cố vấn.

Nói chung là gần trọn cuộc đời hoạt động và sự nghiệp của bác Mười lọt thỏm vào cái “đêm trước đổi mới”.

Còn cao điểm của sự nghiệp đó (1991) thì đã “lạt mềm buộc chặt” với cái cột mốc nối lại mối quan hệ hữu nghị vương hầu/răng môi/4 tương/4 tốt được gia công mông má thành 16 chữ vàng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bác thích mặc áo đại cán đi khắp nơi là do bởi sự “trùng hợp lịch sử” này nó vận vào người chăng?

*

Thú thật!

Bởi bác Mười cứ tưởng đã có đâu đó khá đông những độc giả trẻ của bài viết “Không có Ðảng CSVN…” này, xưa giờ không thể có nhiều điều kiện/cơ hội nghiệm lại những đoạn sử hãi hùng cận đại được chép bằng máu và nước mắt của nhân dân, nên chẳng thể mường tượng ra cái đêm trước đổi mới ấy ra sao mà tác giả có dự phần hay toàn phần quyết định, bao gồm:

Các chủ trương lớn Cải Cách Ruộng Đất, đại thanh trừng Xét Lại, trù dập Nhân Văn Giai Phẩm, tắm máu nhân dân Quỳnh Lưu-Phát Diệm… thời bác Mười làm Bí thư tỉnh ủy nhiều tỉnh thành;
Các chính sách độc quyền thông tin, bưng bít/bẻ cong sự thật, giáo dục/đào tạo “con người mới XHCN” (nửa Hàn Tín, nửa Chí Phèo), kinh tế nô lệ ký sinh vào quốc tế cộng sản, đối ngoại là đi bằng đầu gối, đối nội là nửa đêm gõ cửa, cơ chế xin-cho, tem phiếu-hộ khẩu, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp tư doanh, ngăn sông cấm chợ, huy động lương thực, xuất khẩu lao nô… làm kiệt sức dân, đặc biệt là nghị quyết số 49/NQ/TVQH (20/6/1961) cho phép nhà nước bắt giam mọi công dân mà không cần xét xử… thời bác Mười vào TW đảng, cụ thể là lúc nắm chức Chủ nhiệm ủy ban vật giá Nhà nước và Trưởng phái đoàn thanh tra của Chính phủ;
Các đòn trả thù “ngụy quân, ngụy quyền” bằng tù cải tạo, đày thân nhân họ đi kinh tế mới, tận diệt tư sản X1-X2, thu vàng bán bãi sau năm 1975… thời bác Mười vào dự khuyết BCT và làm PTT chính phủ, mang hết kinh nghiệm máu lửa của thời làm Bộ trưởng Nội thương vào thanh lý miền Nam;
Lệnh tiến hành chiến tranh xương máu với Campuchia, nhận lại bài học máu xương “giáo trừng” của TQ, chỉ vài năm sau khi cuộc chiến ủy nhiệm quốc-cộng vừa kết thúc, khiến cả thế giới cấm vận 10 năm, làm đứt hơi dân tộc với tổng cộng nhiều triệu người hy sinh qua 3 cuộc chiến… vào thời bác Mười bắt được trớn thăng hoa sự nghiệp.
Nhung nhớ bác Mười nhiều nhất là hàng chục vạn gia đình có người tự tử vì tán gia bại sản trong suốt chiều dài dằng dặc của cái đêm trước đổi mới kinh hoàng, mà nếu không có đảng CSVN “càng sửa càng sai” đó, thì nhân dân cả nước của cái “vựa lúa Đông Nam Á” này đã chẳng bị phân loại thành thiếu đói, đói, và đói gay gắt (năm 1985 chính phủ VN đã phải thống thiết kêu gọi thế giới cứu đói – cho đến tháng 6-2003 bản phúc trình của Ngân Hàng Thế Giới công bố: 29% dân số Việt Nam vẫn sống dưới mức nghèo đói).

Rõ ràng: Khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết” không chỉ là phụ phẩm từ ý niệm “perestroika” của Liên Xô cũ thời đó, hay vì đảng ta bất ngờ bị mất cả kinh viện lẫn quân viện từ quốc tế III. Nó càng không phải là vì nhân dân. Nó là một biện pháp tình thế, không còn lựa chọn nào khác, để giữ đảng tồn tại, và tự thân, nó là một phản ánh trung thực và hoành tráng nhất của cái tình thế “tận cùng bằng số” do đảng gây ra trên đất nước này trong gần 2/3 của thế kỷ 20. Những bài viết ca tụng đổi mới loại này chỉ có tác dụng duy nhất là nhắc nhớ cho nhân dân Việt Nam luôn ôn tập lại trong đầu về những thảm họa đen đã phải và sẽ còn gánh chịu ngày nào còn đó đảng CSVN.

*

Thú thật!

Bởi bác Mười cứ tưởng vẫn có đâu đó khá nhiều độc giả của bài viết “Không có Ðảng CSVN…” này chưa có dịp nghe nói đến thảm kịch của những người tiên phong xé rào đổi mới trước đảng:

Bí thư Kim Ngọc của tỉnh Vĩnh Phú, một trong những tác giả của chủ trương khoán ruộng, đã từng bị TW đảng khai trừ/trù dập đến chết;
Nông dân miền Nam, bị bóp nghẹt kinh tế, đã xé rào, tự nâng giá thóc, khoán cả nhiên liệu và thiết bị trong ngành xay thóc lẫn vận chuyển, đã tự động dẹp bỏ hệ thống hợp tác xã nông nghiệp… và đối diện với biết bao còng sắt, ngày tù, trước khi đưa cả nước lên hàng thứ ba thế giới về mức xuất khẩu gạo bấy giờ.
Người ta chưa quên một giai thoại khác: Lúc được nghe tham luận về việc cho phép tư nhân làm kinh tế, thì bác Mười nhà ta ngưng phe phẩy cây quạt cầm tay, trổi cao giọng hàng thịt, quát ngay: “Thế thì giết chết tươi chủ nghĩa xã hội à?”.

Còn lúc gặp nguyên Chủ tịch UBND Hải Phòng Nguyễn Dần trình bày về sáng kiến dẹp bỏ hệ thống tem phiếu, bác Mười đã lớn tiếng răn đe: “Bỏ tem phiếu là có tội!”.

Rõ ràng: Chỉ thị 100CT (13/1/1981) chính thức hóa tiến trình khoán sản phẩm trong nông nghiệp tự phát của nhân dân chính là để giành công cho đảng (vốn đã bó tay), ngay trước lúc bác Mười chính thức vào BCT. Đảng chiếm công đổi mới để giữ quyền thống trị bằng hệ thống độc tài độc đảng. Cựu thư ký riêng của bác Mười là ông Đoàn Duy Thành từng có một nhận xét chính xác để đời: “Anh Mười là một con người tráo trở đến thế là cùng!”.

*

Thú thật!

Bởi bác Mười cứ tưởng lại còn có đâu đó khá nhiều độc giả của bài viết “Không có Ðảng CSVN…” này khó lòng hình dung ra nổi cái kết quả vĩ đại (mà theo tác giả là rất đáng tự hào) của công cuộc đổi mới hoành tráng của đảng và nhà nước ta tới đâu:

Sau 25 năm đổi mới và gần cuối thập kỷ đầu của thế kỷ 21, VN ta đã gần chạm ngưỡng chế tạo được toàn bộ chiếc xe đạp và 40% chiếc xe máy.
Đất nước ta lấp lánh thay da đổi thịt từ ruộng đồng phì nhiêu biến thành sân golf, từ bãi tắm thiên nhiên biến thành resorts, từ quán cóc biến thành hàng hàng lớp lớp vũ trường với khách sạn từ cấp mini cho tới 4-5 sao. Các khu “giải trí và hoạt động đêm” luôn thuộc diện ưu tiên xây dựng.
Hiện nay, thanh niên nam nữ Việt Nam trở thành lao công/ôsin cho nhân dân nhiều nước, qua tận Trung Đông ngập cát hay Samoa ngập sóng, còn công nghiệp cả nước thì nhanh chóng tiến lên trình độ gia công/phục vụ cho thế giới thu lợi nhuận.
Thiếu nữ Việt Nam trở thành món hàng mua bán cho các nước láng giềng, thậm chí, được chính mồm bác Triết quảng cáo mồi chài doanh nhân Mỹ. Thống kê (chưa đầy đủ của chính phủ Việt Nam) hồi tháng 6/2008: Có 21.038 phụ nữ và trẻ em bị bán ra nước ngoài (2% là trẻ em trai dưới 10 tuổi) và 177.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Tỷ lệ khám nghiệm thanh niên nhiễm HIV trước khi thi hành nghĩa vụ quân sự trung bình là 35/1000, đạt kỷ lục là 10%, ở huyện Đô Lương, Bắc Ninh.
Về mặt tinh thần thì nhân dân ta ngày nay thuộc sử Tàu hơn sử Việt, nhờ vào tiến trình đổi mới của xấp xỉ 70 đài truyền hình trên toàn quốc.
Hệ thống báo chí/truyền thanh/truyền hình chính quy của ta đã chứng tỏ rành mạch rằng nói láo là một phong cách sống nghiêm túc đến mức trở thành truyền thống. Trong đó, những ai dám nói thật đều trở thành nạn nhân của chủ trương “thông tin liều lượng” và “bảo vệ bí mật quốc gia” (Kim Hạnh, Nguyễn Hoàng Linh, Nguyễn Hoàng Thu, Hoàng Thiên Nga, Nguyễn Việt Chiến…).
Hệ thống luật pháp của ta đã thành công vượt bực về nỗ lực “biến mỗi công dân thành một người tù dự khuyết” (theo Vũ Thư Hiên). Nhà tù của ta từng bước được tăng cường thông thoáng nhiều nơi. Mỗi năm ta thường có thông báo đặc xá khoảng nửa vạn tù nhân.
Hệ thống giáo dục của ta (từng nổi tiếng thời trước đổi mới là dắt một con bò sang Nga thì có thể dắt về một tiến sĩ) hiện đã biến thành những siêu thị bán phao cho tới bán bằng. Dù vậy, vẫn có gần 87% thí sinh không đủ điểm trung bình 5 trong kỳ thi tốt nghiệp (2003).
Về y tế: Các bệnh viện chuyên khoa như ung thư, chấn thương chỉnh hình, nhi khoa… bị quá tải vượt quá 150% công suất. Bản thống kê của nhà nước (8/2003) công bố VN có 850 bác sĩ chuyên khoa trị liệu cho trên 10 triệu người mắc bệnh tâm thần (tỷ lệ điên loạn cao nhất, còn tỷ lệ bác sĩ thấp nhất thế giới).
Thống kê 2008 công bố tiền nợ của Việt Nam lên đến hơn 28 tỷ USD. Con số này còn tăng vọt cao hơn trong năm khủng hoảng 2009 và chắc chắn sẽ làm còng lưng những thế hệ người Việt sau này.
Khi gia nhập vào WTO, Việt Nam ta phải chờ Campuchia ký thuận. Xứ Chùa Tháp này đã theo thể chế chính trị đa đảng và có báo riêng của từng đảng. Ta vẫn chưa theo kịp.
Thống kê của Asian Culture -1960 : Lợi tức bình quân tính bằng USD/người/năm: Nhật 245, Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam VN) 141, Đài Loan 121, Thái Lan 64.2, Ấn Độ 55. Singapore bấy giờ còn thuộc về Malaysia, chưa đáng kể. Còn theo tài liệu của World Bank – 2007: Lợi tức bình quân USD/người/năm của Singapore là 35.000, Thái Lan là 3.850, VN ta là 760. Nghĩa là ta vừa tăng trưởng lại vừa tụt hậu. IL Houng Lee, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam nhận định: “VN có thể mất 18 năm để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore ” (báo Tiền Phong 3/2006), với điều kiện các nước đó dậm chân tại chỗ.
Phải chăng đó cũng là nguyên do xuất hiện câu thành ngữ dân gian trong những năm 80: “Mặt Thanh Hoa, da Ái Vân, chân Hồ Kiểng, trán Đỗ Mười”?

Rõ ràng: Tiến trình đổi mới của đảng và nhà nước VN là một chuỗi sửa sai liên tu bất tận, càng sửa càng sai, bởi cốt lõi chủ nghĩa xã hội và cơ chế tập quyền này đã gây ra thảm họa từ đầu và liên tục nuôi dưỡng những kẻ gây ra những thảm họa kế tiếp để làm giàu.

*

Thú thật!

Ở nửa cuối bài viết, tác giả cố tập trung vào những trọng điểm về xây dựng đảng. Đại loại cũng chỉ là những điều than phiền từng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong mọi hội nghị đảng bộ về một khối nhân sự thiểu trí thừa tham ở mọi cấp đảng mà ai cũng biết nhưng khó đụng tới vì nó thuộc diện “bí mật quốc gia”:

Bác Phiêu, người lật đổ và kế tục bác Mười giữa nhiệm kỳ từng phán: “Đảng đã biết cái bệnh đó rồi thì phải giải quyết đi chứ. Cũng có thực tế là anh chẳng dám đấu tranh với ai cả nhưng anh lại bè phái hại nhau: đơn thư tố cáo nhau, nói xấu nhau, dựng chuyện hại nhau… Tình trạng đó là tương đối phổ biến chứ không phải cá biệt. Và đôi lúc cũng có việc các đồng chí trung ương đảng kiểm điểm lại thì thấy chặn chỗ này lại bục chỗ kia, có cái càng bục lớn hơn”.
Cụ thể là các vụ liên tục “phá án” Năm Cam, Hang Dơi, Thủy Cung Thăng Long… mấy năm trước, đều là hệ quả “chập mạch” của các đường dây tham nhũng ở cấp trung ương.
Phóng viên Ben Rowse của hãng thông tấn AFP đã từng có một nhận định không thể nào chính xác hơn được nữa: “Bất cứ quan chức nào tại Việt Nam cũng đều có thể bị đưa ra tòa về tội tham nhũng”. Vậy là cả thế giới đều hiểu giới tư bản đỏ VN từ đâu chui ra. Còn lời bình mẫu mực nhất là của tướng CA Lê Thế Tiệm về nạn tham nhũng xuyên suốt đó: “Tình trạng đang rất phức tạp và khó giải quyết”. Vì sao?
Ngay cả bác Triết là đương kim Chủ tịch nước cũng từng hồn nhiên phán rằng: “Làm người ai mà chẳng tham?”. Đã tham mà còn có quyền tuyên bố “Đảng là tao” nữa thì hỏi sao chẳng phức tạp và khó giải quyết?
Chính bản thân bác Mười cũng đã tư túi nhiều triệu USD trong chuyến công du Nam Hàn, và chuyện chỉ ló ra ánh sáng công luận sau khi bác nôn ra một ít để làm từ thiện. Cũng chính bác Mười là tác giả một câu danh ngôn ấn tượng khác: “Nếu đã no thì đừng xơi thêm!”.
Còn Nguyễn Văn Thuận, nguyên Bí thư thành ủy Hải Phòng, con nuôi của bác Mười, cũng đã từng tốn nửa triệu USD để chạy án vụ tham nhũng sân bay Cát Bi. Nghe đâu còn tốn thêm nhiều triệu khác để chạy ghế TW.
Chuyện thật 1: Riêng trong năm 2003, hệ thống ăn chia trong ngành Tư Pháp đã tiếp tay cho 17.100 kẻ phạm pháp đào thoát, trong đó có cả 7 trường hợp được cấp giấy xuất cảnh ra ngoại quốc.

Chuyện thật 2: Có một huấn luyện viên bóng đá nọ (tạm dấu tên), khi bị buộc tội hối lộ cho trọng tài trận đấu, đã chân thành trần tình: “Tui hối lộ như thế không phải để cho trọng tài bênh đội mình, mà là chỉ muốn trọng tài công bằng thôi!”. Bởi nếu không thì tiền hối lộ phía bên kia sẽ giúp họ chiếm thượng phong?

Rõ ràng: Lãnh đạo ta, cả cựu lẫn kim, cả nguyên chức lẫn tại chức, đều có khiếu hài hước cực nghiêm túc trong các hội nghị hay các bài xã luận. Khoa học ngày nay vẫn chưa thể kết luận được, ngày nào y khoa thế giới chưa tìm ra được cách dò dây thần kinh xấu hổ. Bác Mười này không là người duy nhất, hôm nay và cả ngày mai. Sẽ không một ai ngạc nhiên khi thấy còn nhiều bác Mười khác có cùng một loại tuyên bố hùng hồn như tựa bài viết nói trên, cho đến ngày nhân dân ta cùng xuống đường giơ cao nắm tay bảo nhau rằng họ “hết thời rồi!”.

*

Thú thật!

Trong hồi ký của ông Đoàn Duy Thành có một đoạn đáng ngẫm:

Anh Nguyễn Văn Linh đã nói nhiều lần ở Hội nghị Trung ương: “Tôi có được chuẩn bị làm Tổng Bí thư đâu”, và lúc cần quá, phải đi tìm người, anh Linh ví: “Chẳng khác gì cầm bó đóm đi tìm ếch, tìm không được ếch, lại bắt được nhái”.

Còn nhân dân ở Thủ Đô ta đã có một thời sôi máu khi nghe truyền tai một giai thoại của bác Mười cũng đáng ngẫm không kém:

Trong thời chiến tranh, trường CNKT1 ở Hà Nội được sơ tán về Lạng Giang. Đến sau 1975, vị Hiệu trưởng trường này lặn lội về thủ đô để kiến nghị với Phó thủ tướng cho trường được dời về lại nguyên quán. Bác Mười rất hồn nhiên mà phán rằng: “Ở Lạng Giang rộng rãi thông thoáng không muốn, muốn về Hà Nội để ăn cứt à?”.

Trong ý nghĩa đó, bài viết công phu/uyên bác nói trên, nếu do chính tay bác viết, thì đó là một khẳng định chắc nịch rằng bác Mười muốn giành độc quyền ở Hà Nội, và bác đã từng ở đó từ bấy tới nay.

Còn, thảng hoặc, nếu vì bác quá bận đời tư (đến mức có cả con mọn ở tuổi 91), và đó là bài của người khác viết cho bác ký tên, nhân dịp bác mừng sinh nhật 93, cộng thêm vinh dự được trao tặng huy chương 70 tuổi đảng, thì quả đúng hắn là một tay cực đểu: Muốn dâng lên bác cái độc quyền ở Hà Nội.

Thú thật!

14-3-2010, kỷ niệm 22 năm hy sinh không ngày giỗ của những liệt sĩ ở Trường Sa

Blogger Đinh Tấn Lực

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét