Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Lưu thông vàng trở về thời bao cấp?

Tác giả: YẾN TRANG


Trong thời kỳ bao cấp, chúng ta siết chặt quản lý nhưng thị trường chợ đen vẫn hoạt động. Nếu quy vàng về một đầu mối thì bài toán kinh tế sẽ đẻ ra sự độc quyền. Như vậy có khả năng thị trường vàng sẽ… trở lại thời bao cấp.

Thị trường vàng trong nước gần như đóng băng suốt hơn một tuần qua sau nhiều cú sốc tâm lý. Vàng miếng được cấp giấy phép lưu hành từ năm 1988 đến nay. Nghĩa là thời gian qua vàng miếng được giữ, mua bán trên thị trường hợp pháp. Sau 23 năm, đây là lần đầu tiên giới kinh doanh vàng ngơ ngác lo lắng trước tương lai của thị trường.

Kịch bản xấu cho thị trường

- Theo nguyên tắc của thị trường, ông có nhận định thế nào nếu chúng ta tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM: Việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng có thể tiêu cực sẽ nhiều hơn tích cực. Bởi vàng cần theo nguyên tắc của thị trường. Ngàn đời nay người dân đã quen với việc mua bán, trao đổi vàng và được thị trường chấp nhận như một nhu cầu mua bán tự nhiên. Liệu rằng khi cấm kinh doanh vàng, chúng ta có thể cấm được hoàn toàn hay không? Hay thị trường vàng sẽ biến thái ra nhiều hình thức bất hợp pháp khác.

Đấy là chưa kể việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, trong đó có cả đơn vị của Nhà nước đã mất nhiều năm xây dựng thương hiệu vàng 9999 và họ đã được đóng dấu cho việc kinh doanh buôn bán. Người dân cũng như doanh nghiệp kinh doanh vàng không dễ dàng bỏ được thói quen mang tính quy luật mua bán từ ngàn đời nay.

- Nếu Chính phủ vẫn theo quyết sách là xóa bỏ, thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản như thế nào?

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB): Nếu Chính phủ quy vàng về một đầu mối thì bài toán kinh tế sẽ đẻ ra sự độc quyền. Như vậy có khả năng thị trường vàng sẽ… trở lại thời bao cấp.

Trong thời kỳ bao cấp, chúng ta siết chặt quản lý nhưng thị trường chợ đen vẫn hoạt động. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có đủ lực để siết hay không? Nếu đủ lực, chúng ta vẫn phải hy sinh một lượng ngoại tệ rất lớn và liệu rằng chúng ta có đủ ngoại tệ để làm việc này?

Chủ trương này của Chính phủ là đúng, đây cũng là một hoạt động mới nhưng nên xem xét lại tính pháp lý của nó. Ước tính trong nước hiện nay có vài chục ngàn tiệm vàng. Họ dùng vàng làm phương tiện kinh doanh vì dân có nhu cầu đó. Người dân muốn vài chỉ vàng làm nhu cầu cất giữ thì chính tiệm vàng đáp ứng nhu cầu cho người dân. Con em đi du học, du lịch... cần đổi ngoại tệ, ngân hàng không đáp ứng được nhưng tiệm vàng đáp ứng được. Từ nhu cầu có thực đó mới có doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngoại tệ.

Tôi không dám chắc nếu cấm kinh doanh vàng miếng thì 100% trong số đó sẽ chuyển sang kinh doanh nữ trang hay sẽ chuyển sang những hình thức biến tướng khác. Nếu việc siết kinh doanh vàng miếng nằm ngoài quy luật thị trường thì nạn buôn lậu vàng qua biên giới sẽ càng gia tăng. Điều này sẽ kéo theo tình trạng xuất nhập khẩu lậu USD.


Ảnh: Việt Thanh
Bài toán mới cho vàng

- Theo ông, trong tình hình hiện nay cần phải có giải pháp như thế nào để hạn chế những phản ứng xấu từ thị trường?

Ông Trần Thanh Hải: Theo tôi, để chống nạn đôla hóa thì phải tổ chức sàn giao dịch. Doanh nghiệp nhập khẩu có quyền mua ngoại tệ trước nếu họ thấy trong thời gian tới họ cần nhiều ngoại tệ. Như vậy, doanh nghiệp tùy vào thể trạng và nhu cầu của mình để mua, bán ngoại tệ trên sàn. Dĩ nhiên tất cả công cụ này đều có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Chúng ta có cơ chế minh bạch rõ ràng và cũng dễ dàng quản lý hơn. Vậy thì tại sao mình lại giới hạn các sàn giao dịch? Việc cho mở lại sàn vàng không chỉ làm giảm đi tính tiêu cực trong kinh doanh vàng mà còn hút được tiền USD từ dân. Bởi hàng chục ngàn tiệm vàng trong cả nước, họ có thể ký thác vào sàn giao dịch, trao đổi mua bán. Người dân muốn mua bán vàng cũng có thể qua sàn giao dịch, như vậy chẳng phải chúng ta sẽ thu được ngoại tệ sao?

Trên sàn vàng, người ta mua vàng vật chất nhưng thực ra người ta không ôm vàng về nhà. Như vậy ít nhất chúng ta cũng giảm 50% lượng vàng găm giữ, đỡ được gánh nặng thị trường. Vì thế cần đánh giá đúng mực việc thành lập sàn giao dịch ngoại tệ, vàng.

Việc mở lại sàn vàng cũng sẽ khơi thông toàn bộ các kênh đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Và ngân hàng cũng sẽ thỏa mãn được cơn khát đầu tư.

- Kênh đầu tư vàng đang thu hẹp lại, vậy bài toán đầu tư phải cân nhắc như thế nào, thưa ông?

Nhà nước chống đôla hóa là đúng nhưng phải làm sao để dân được hưởng lãi suất VND dương. Hiện nay lãi suất tiền đồng là 14% chưa hẳn có lợi vì sau khi trừ lạm phát họ chỉ còn khoảng 1%-2%. Tôi cho rằng giải quyết bài toán số vàng trong dân và hàng chục tiệm vàng trong cả nước chuyển đổi kinh doanh là vấn đề lớn. Không có người dân nào bỏ hết tiền đồng đi gửi mà họ phải đi gửi qua vàng, bất động sản, ngoại tệ... Chúng ta cần có nhiều danh mục để đảm bảo sự đa dạng hóa đầu tư. Nhà nước siết chặt đầu này, cũng phải mở lối đầu khác cho doanh nghiệp.

Chúng ta vẫn cho rằng USD là ngoại tệ mạnh nhất thế gới. Thế nhưng trên đất Mỹ, họ vẫn có nhiều danh mục đầu tư đa dạng. Tuy vậy dân cũng không thực sự tin vào đồng USD mà họ thường gửi vào các quỹ đầu tư. Và họ yêu cầu làm sao các quỹ này phải đảm bảo lãi suất cao hơn tiền tiết kiệm. Các quỹ đầu tư này cũng có một danh mục đầu tư đa dạng như vàng, dầu, bất động sản...

Lộ trình Chính phủ đi đúng nhưng cần có thời gian và thời gian ấy tính bằng năm. Làm sao chuyển một phát tất cả sang tiền đồng được, nhất là khi chỉ số lạm phát của Việt Nam đang cao.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét