Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Sao cứ “núp”… để phạt?

Posted by truongthondlb1


Chắc chắn giải pháp “núp” sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Cần nghĩ đến một giải pháp công khai, minh bạch, thẳng thắn và công bằng hơn trong việc duy trì trật tự giao thông thì mới mong văn hóa giao thông được cải thiện…

Không thể phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng công an giao thông trong công tác bảo đảm an toàn giao thông trên cả nước nói chung và việc chống ùn tắc giao thông ở các đô thị, nhất là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dù vậy, năm qua, các vụ việc tai nạn giao thông vẫn hết sức nhức nhối gây thiệt hại lớn và bức xúc trong xã hội. Những ngày này-những ngày giáp Tết Nguyên đán, để chống ùn tắc giao thông, lực lượng công an lại tiếp tục ra quân. Các ngã tư, ngã năm của Hà Nội đã thấy khá đông bóng màu áo vàng để điều khiển các dòng xe cộ qua lại. Mỗi lần ra quân như vậy, chúng ta thấy quá nhiều người tham gia giao thông bị phạt. Điều đó chứng tỏ việc chấp hành luật giao thông của ta còn kém và chuyện ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho nỗi bức xúc trên, trong đó có một nguyên nhân chủ quan quan trọng là giải pháp chưa thật hợp lý của các cơ quan chức năng. Khi đưa ra giải pháp phạt thật nặng, phạt vi phạm giao thông trong nội đô nặng hơn ngoại thành… thì đúng là một giải pháp mạnh, ít nhiều đánh vào tâm lý của người tham gia giao thông. Việc đi bừa, đi ẩu, vi phạm luật có giảm đi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, khi các cơ quan chức năng “làm căng”, “làm mạnh” thì tình hình tốt lên, còn khi các cơ quan chức năng “chùng” xuống thì tình hình lại đâu vào đó. Nghĩa là tại các ngã ba, ngã tư, nếu thấy bóng dáng công an giao thông thì mọi người chấp hành nghiêm, còn không, đặc biệt là một số thanh thiếu niên càn quấy, chẳng coi pháp luật ra gì. Các phương tiện đậu đỗ thoải mái bất cứ chỗ nào, chen lấn thoải mái; khi tắc đường thì leo lên cả vỉa hè để đi hoặc len vào bất kể khoảng trống nào có thể. Như vậy, khi vắng bóng cảnh sát giao thông, sự kém văn hóa khi tham gia giao thông đã bộc lộ hết “bản chất thật của nó”.

Sự có mặt của cảnh sát giao thông quan trọng như vậy, không chỉ trong các tình huống cụ thể mà về lâu dài và trong sâu thẳm sự việc là người góp phần xây dựng, củng cố nền văn hóa giao thông. Cho nên hành động của cảnh sát giao thông có tác động mạnh mẽ đến ý thức người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông. Song hiện nay một số vụ việc rất dễ di ngược lại bản chất của sự việc, gây phản cảm và thiếu hiệu quả trong việc xây dựng văn hóa giao thông, đó là việc phạt những hành vi vi phạm giao thông. Còn nhớ đã hơn một lần, một lãnh đạo của Bộ Công an đã từng phê phán việc công an giao thông một số tỉnh đặt camera, bắn tốc độ trên đường “một cách bí mật” để bắt quả tang các xe tải chạy quá tốc độ. Cách làm đó là theo qui định của nghiệp vụ, là không sai nhưng hiệu quả không nhiều. Các lái xe đã tìm cách đối phó trên các đoạn đường đó, còn vượt ra khỏi khu vực kiểm soát họ lại phóng hết tốc độ gọi là “bù lại thời gian chạy đúng tốc độ”. Còn chẳng may bị bắt thì “đành phải chịu” và hơn nữa thì hối lộ công an để được qua. Vị lãnh đạo đó kêu gọi hãy công bố, công khai việc đặt camera kiểm soát tốc độ cho dân biết để thực hiện theo đúng qui định, không gì phải “bí mật”, có như vậy mới duy trì việc chấp hành Luật Giao thông lâu dài.

Trong nội đô cũng vậy, đã có một thời gian, tại các ngã tư, ngã năm, công an đã đứng ngay nơi dừng đỗ để nhắc nhở và phạt ngay “tại trận” những người vi phạm qui định dừng đỗ trước đèn đỏ, như lấn vạch phân cách, ngoài vạch phân cách, đỗ sai các làn đường… Và hiệu quả thấy rõ là việc chấp hành giao thông tốt hẳn lên, trật tự hẳn lên. Mọi người nhắc nhau cẩn thận khi dừng đỗ để khỏi vi phạm qui định giao thông mà bị phạt. Nhưng việc làm đó không được nhiều và không kéo dài được lâu. Giờ sao ít công an giao thông đứng ngay nơi dừng đỗ xe mà đứng thật xa qua cuối ngã tư, ngã năm, thậm chí lại đứng nơi thật khuất-mà dân thường nói “núp” để bất ngờ “bắt” những người vi phạm giao thông. Hiện tượng đó cảm thấy như “chống” nhiều hơn “xây”, lấy mục tiêu “phạt” làm chính chứ không chú trọng “nhắc nhở” để mọi người chấp hành luật giao thông. Đành rằng “đứng” như vậy dễ bắt được người vi phạm giao thông và họ khó chối cãi nhưng rõ ràng, khi không được nhắc nhở, không bị “phạt” ngay từ khi vi phạm ở nơi dừng đỗ, nhiều người đã “hồn nhiên” vi phạm Luật Giao thông. Không thấy bóng dáng công an họ vi phạm “hồn nhiên” hơn, lâu ngày, việc vi phạm “trở thành chuyện thường ngày ở huyện”.

Như vậy, việc phạt vi phạm luật giao thông bản thân nó cũng là một trong những giải pháp góp phần củng cố trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, nhưng chỉ đúng khi tổ chức thực hiện hợp lý, đúng mục đích đề ra. Được biết, ở nhiều nước, lực lượng công an xuất hiện ở đường rất ít nhưng họ quản lý việc chấp hành giao thông rất hiệu quả. Đã có những chiếc xe ô tô vi phạm luật giao thông vượt đèn đỏ, cảnh sát cơ động bám theo nhiều ngã tư nhưng họ không trực tiếp xử lý lại báo cho các trạm trực ngăn chặn và phạt rất nặng. Người lái xe không thể chối cãi và “khiếp đảm”. Có lẽ là bài học nhớ đời lần sau họ khó vi phạm lại. Còn với nước ta, lần này bị bắt, lần sau qua ngã tư không thấy bóng dáng công an đứng ở đầu đường họ lại “sẵn sàng vi phạm luật”.

M.H.A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét