Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Bạn hiểu như thế nào về: “Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo:… Không”?

Nguyễn Hữu Quý


tượng Kim Thân Phật Tổ tại Nha Trang
Hãy trở lại với minh triết Việt, đừng làm trái điêu Phật răn dạy để rồi chuốc lấy thảm hoạ!

Mọi người trong chúng ta, trong đời chí ít cũng phải hàng chục lần, có người có khi đến hàng trăm, còn đối với người “cả đời làm bản tự kiểm điểm” thì không biết thế nào mà kể số lần mà ta phải ghi, mỗi khi làm “Sơ yếu lý lịch”; bản khai giấy khai sinh cho con; đơn xin việc; đơn xin chuyển công tác; bản tự kiểm điểm cá nhân; hay bất kỳ bản khai nào về các thủ tục trong cuộc sống mà ta cần; như là kê khai các thủ tục hợp đồng mà mỗi cần vay tiền ngân hàng; làm thủ tục về quyền sử dụng nhà – đất; hoặc một chứng từ liên quan gì đó v.v…

Những lúc như vậy, ta thường khai:

Họ và tên khai sinh:
Tên thường gọi:
Ngày, tháng, năm, sinh:
Nơi sinh:
Quê quán:
Quốc tịch: Việt Nam Tôn giáo: Không

Ở đây, tôi muốn bàn đến: Phó từ phủ định “Không” nêu trên; mà có khi, chính nó đang là nguyên nhân và thủ phạm đã huỷ hoại cả một nền văn hoá dân tộc Việt Nam; mà hôm nay dân tộc ta đang chịu hậu quả (?!).

Thực tình, đã từ lâu tôi suy nghĩ về điều này, và hôm nay xin được viết ra để mọi người quan tâm ta cùng nhìn lại.

1. Nói về Tôn giáo:

Tôn giáo là một khái niệm rất rộng mà không phải ai, nếu không nghiên cứu, cũng hiểu một cách trọn vẹn được; Tôn giáo, thường được hiểu như là một tín ngưỡng; tức là nơi để ta đặt niềm tin đối với thần thánh; mang ý nghĩa tâm linh.

Trong suy nghĩ của một người bình thường, nói về tôn giáo, ta thường hiểu là theo ĐẠO nào; đồng nghĩa với đạo là THỜ AI (tức là thờ vị thần nào).

Ngày còn nhỏ, ở miền Bắc ta thấy có 2 đạo chủ yếu: đó là Phật giáo (thờ Phật) và Công giáo (thờ chúa Giê su).

Mãi sau này, khi lớn lên, tìm hiểu về lịch sử của đất nước trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, ta còn được biết; trong miền Nam còn có các đạo: Cao đài, Hoà Hảo, Tin Lành v.v…

Đối với những người theo đạo Phật; thì ngoài việc làm bàn thờ Phật trong gia đình; ta còn thờ hương hồn Tổ tiên, ông bà, cha mẹ (những người đã chết) và tổ chức làm giỗ để tưởng nhớ ngày Tổ tiên, ông bà khi về với thế giới bên kia; và đã hình thành một thứ tôn giáo: Tôn giáo thờ Tổ tiên; ông bà [riêng bên công giáo thì tôi không rành lắm nên không giám lạm bàn].



Tượng Trần Nhân Tông tại Tháp tổ Huệ Quang (Yên Tử)
hãy trở về với nhân văn phật pháp Trúc Lâm Yên Tử mới có cơ may tồn tại,
hỡi những người Việt Nam còn đầu óc!


Tôi được biết; ngày đất nước còn chiến tranh; việc một người được đứng trong hàng ngũ của Đảng là cao quý, thiêng liêng; bởi Đảng luôn luôn gắn liền với thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc khỏi chủ nghĩa đế quốc, xây dựng nước nhà giầu mạnh...; thậm chí, có những người không phải là đảng viên nhưng khí tiết trong lao tù mà sử sách để lại, khiến cho nhiều thế hệ sau này không khỏi ngưỡng mộ, tự hào… vì họ mang trong mình tinh thần của một người cộng sản; cũng rất thiêng liêng và cao quý.

Tôi cũng được biết, đối với những người theo đạo Thiên chúa, việc vào Đảng là rất khó khăn; có lẽ, đạo Thiên chúa là do phương Tây đưa vào nước ta, nó gắn chặt với quá trình thực dân, xâm lược (?!) cho nên đôi khi bị hiểu sai chăng?

Và như vậy, những người là Đảng viên Đảng CSVN chủ yếu là những người theo đạo Phật; thờ Phật và thờ Tổ tiên, ông bà… mặc dù không ai nói ra, chưa có một văn bản nào công bố, nhưng đây là QUỐC ĐẠO của người Việt [giống như một số nước Đông nam Á khác như: Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào].

Vào “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”, ta có dòng ghi như sau: “Ngoài ra từ 80% đến 90% dân số Việt Nam mang thiên hướng Phật giáo”.

Như vậy; với hơn 80% dân số Việt Nam là mang theo tôn giáo thờ Tổ tiên; ông bà; vì vậy, (tạm) có thể nói: Tôn giáo của Việt Nam là Phật giáo.

2. Hiểu như thế nào khi ta ghi: Tôn giáo: Không…?

Theo văn phạm: “KHÔNG” ngoài ý nghĩa là một tính từ; “KHÔNG” còn là phó từ phủ định; vô hình dung, kể từ khi du nhập Chủ nghĩa cộng sản vô thần vào đất nước ta; và ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, qua các văn bản, thủ tục có tính pháp lý (Đơn từ, hợp đồng, bản khai sơ yếu lý lịch…) đã nêu trên; thì, Việt Nam đã trở thành một dân tộc vô thần (?!).

Phải chăng, hậu quả suy thoái về đạo đức trong xã hội Việt Nam hôm nay, nguyên nhân được bắt đầu từ đây? sự vô thần (?).

Rõ ràng là, bằng sự phủ định tôn giáo, mà cụ thể là Phật giáo; với tất cả tính nhân văn, huyền diệu của nó… chúng ta đã mấy mươi năm nay, vô hình dung chà đạp lên văn hoá dân tộc, để rồi hôm nay dân tộc Việt Nam đang phải chịu hậu quả (?!); liệu rằng đây có là một tội ác?

3. Sự bất cập: Tôn giáo: Không…?

Sự suy thoái, thậm chí là suy đồi về đạo đức, về văn hoá Việt hôm nay; buộc tất cả chúng ta phải nghĩ lại, và đặt lại vấn đề về khái niệm này.

Tôi không nghĩ rằng, Các Mác và Ăng ghen, những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản lại có chủ trương “vô thần” trong học thuyết của mình; bởi vì, các vị vốn sinh ra tại phương Tây, nơi có nền văn minh về triết học rất phát triển; những quy luật khách quan các vị ấy nắm vũng vì là những người tài cao, học rộng hiểu hơn ai hết…; vì vậy, các vị ấy không phải là những kẻ vô thần (?!);

Phải chăng, do chính Lênin và đặc biệt là Mao [Trạch Đông]; do sự cuồng tín, đam mê quyền lực… đã biến chủ nghĩa cộng sản thành vô thần, từ đó gieo tai hoạ cho nhân loại?



Trong phạm vi hẹp, tôi không đủ tầm nhìn và các số liệu ở châu Âu; nhưng những gì mà Mao đã gây nên cho dân tộc Trung Hoa; với gần 100 triệu người đã chết, sau “cuộc trường chinh vĩ đại”, và đặc biệt là sau các cuộc “Đại cách mạng…” rất cuồng tín của Mao…; đã đủ để chúng ta nhận ra rằng, chủ nghĩa cộng sản ra đời bởi Mác – Ăng ghen; cho dù chưa hoàn hảo đi chăng nữa, nhưng đã bị biến tướng là bởi Lênin-Mao (?!).

Đối với nước ta; Những hậu quả đã nhãn tiền ngay từ thời mới du nhập, với những chủ trương “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”; rồi đến sau này là “cách mạng cải cách ruộng đất”, “Nhân văn giai phẩm”… đều có sự hướng dẫn của “chuyên gia” Trung Quốc; đây quả thực, bên cạnh sự vĩ cuồng tại Trung Hoa, mưu đồ của Mao là hết sức thâm độc trong việc muốn Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc mà báo chí đã nêu [cùng với nó là hàng loạt các công trình văn hoá; đền chùa, miếu mạo; các phong tục truyền thống đã bị phê phán, đập bỏ… tương tự như thời Bắc thuộc và sau này là thời phong kiến, các vua chúa phương Bắc luôn luôn tiêu diệt, phá huỷ… nhằm mưu đồ đồng hoá nước ta].

Hôm nay ta thấy, phải có đến 99% đảng viên là theo đạo Phật (thờ Tổ tiên; ông bà); nhưng ta đã dối lòng, để chấp nhận ghi rằng: Tôn giáo: Không; Bản thân một học thuyết nó đã bị biến tướng bởi những tham vọng cuồng tín; mà tại sao ta lại đi theo? nó đã không nhân bản thì tại sao ta phải theo? Có ông uỷ viên TW nào không thờ Tổ tiên, ông bà không?

Vậy đâu là trí tuệ, đâu là lý trí của người Việt? mà người Việt lại lựa chọn sự vô đạo ấy?

Vì không phải là nhà nghiên cứu lý luận; nhưng qua sự suy đồi về đạo đức, mà hơn thế nữa là cả một nền văn hoá Việt đang bị huỷ hoại; mong rằng, những nhà nghiên cứu lý luận về Chủ nghĩa Mác – Lênin trong nước hãy cùng lên tiếng và ngồi lại, sự cần thiết phải bỏ hoặc thay cụm từ: Tôn giáo: Không, nói riêng; và có thể là cả Chủ nghĩa Mác – Lênin… nhằm sớm cứu dân tộc thoát mau khỏi thảm hoạ này.

Một xã hội văn minh là một xã hội biết tôn trọng ý kiến đa chiều; để từ đó, cộng đồng chắt lọc để mang lại cho mình cái phổ quát, rồi dựa vào đó để điều chỉnh chính sách…; Đồng thời, biết tôn trọng mọi tín ngưỡng của từng cá nhân trong cộng đồng. Trong tiến trình chọn lọc tự nhiên ấy [tất nhiên là ưu việt vì theo quy luật], đời sống xã hội sẽ tự chọn và thích ứng với tín ngưỡng mang tính nhân văn nhất; bởi chỉ có tín ngưỡng mang tính nhân văn mới có cơ may tồn tại, phát triển… đó cũng là quy luật chung của sự phát triển của loài người.

Không có lẽ người Việt Nam không hiểu được chân lý ấy?

Có thể việc tôi nói ra là chưa được chính xác, chỉ là một góc nhìn cá nhân; mong rằng các nhà nghiên cứu, chuyên môn cùng có ý kiến.

01.02.2011

------------------
Nguyễn Hữu Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét