Posted by Báo Dân
Tiến sỹ Mark Almond (Giáo sư thỉnh giảng về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bilkent, Ankara) – Điều kiện cần thiết để biến sự bất mãn âm ỉ của hàng triệu người thành đám đông trên đường phố là tia lửa khơi dậy nguồn điện kết nối họ.
Điều kiện cần có của cách mạng là tia lửa kết nối dòng điện của hàng triệu người bất mãn
Cách mạng có thể ngắn và đẫm máu nhưng cũng có thể lâu dài và hòa bình.
Mỗi cuộc cách mạng mỗi khác nhưng cũng có những điều luôn lặp đi lặp lại ngay cả trong những diễn biến mới đây ở Ai Cập.
Nhà hoạt động cách mạng Trotsky từng nói nếu đói nghèo là nguồn cơn của các cuộc cách mạng thì thế giới sẽ luôn có những cuộc cách mạng vì hầu hết người dân trên thế giới đều nghèo.
Điều kiện cần thiết để biến sự bất mãn âm ỉ của hàng triệu người thành đám đông trên đường phố là tia lửa khơi dậy nguồn điện kết nối họ.
Những cái chết bạo lực là chất xúc tác phổ biến nhất trong việc biến bất mãn thành cách mạng trong 30 năm qua.
Đôi khi tia lửa thật ghê rợn – chẳng hạn vụ thiêu tập thể hàng trăm người tại một rạp chiếu phim ở Iran hồi năm 1978 mà người ta đổ lỗi cho công an mật Iran gây ra.
Đôi khi hành động tuyệt vọng của một người biểu tình tự thiêu như người bán rau Mohammed Bouazizi ở Tunisia hồi tháng 12 năm 2010 đã khuấy động cả đất nước.
Ngay cả những tin đồn về sự tàn bạo, giống như những cáo buộc mật vụ cộng sản đã đánh chết hai sinh viên ở Prague, Tiệp Khắc hồi tháng Mười Một năm 1989 cũng có thể thổi bùng ngọn lửa trong dân chúng vốn đã chán ngán sẵn với chế độ.
Tin tức về chuyện ông Milosevic khiến người tiền nhiệm Ivan Stambolic “biến mất” trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2000 đã làm cho người Serbia quay lưng lại với chế độ.
Khuôn mẫu Trung Quốc
Các cuộc Cách mạng
Iran 1979 – kéo dài 448 ngày, hơn 3.000 người chết. Người dân nổi dậy lật đổ chế độ Shah nhưng phe Hồi giáo chiếm quyền.
Thiên An Môn 1989 – 51 ngày biểu tình, khoảng 3.000 người chết nhưng không xóa bỏ được chế độ một đảng.
Indonesia 1998 – kéo dài 10 ngày, khoảng 1.000 người chết, chế độ Suharto bị lật đổ.
Ukraine 2004 - 37 ngày, không ai tử vong, một phần đạt được mục tiêu hủy kết quả bầu cử gian lận và bỏ việc kiểm duyệt.
Tunisia 2010 – 30 ngày, 147 người chết, chế độ của Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali bị lật đổ.
Ai Cập 2011 – 18 ngày, khoảng 300 người chết, Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức.
Tử vong – cho dù trong trường hợp này là không bạo lực – cũng là nguyên nhân khiến cho sinh viên Bắc Kinh đoạt lấy diễn đàn của đám tang cựu lãnh đạo Hồ Diệu Bang được nhà nước tổ chức và chiếm Quảng trường Thiên An Môn nhằm biểu tình phản đối nạn tham nhũng và độc tài.
Nhưng cho dù người Trung Quốc đã định ra khuôn mẫu về cách tổ chức biểu tình và chiếm các quảng trường có tính biểu tượng, vụ Thiên An Môn cũng là ví dụ rõ ràng nhất về sự thất bại của “Quyền lực Nhân dân”.
Không giống như các nhà độc tài lớn tuổi khác, ông Đặng Tiểu Bình tỏ ra đầy sức mạnh và mưu mô khi phản công lại người biểu tình.
Chế độ do Đặng dựng lại sau đó đã làm cuộc sống của một tỷ người dân khấm khá hơn và họ chính là những người lính được cử tới bắn vào đám đông.
Các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Suharto “tái đắc cử” ở Indonesia hồi tháng Ba năm 1998 đã dẫn tới vụ bắn chết bốn sinh viên trong tháng Năm và kéo theo những cuộc biểu tình lớn hơn và bạo lực hơn cho tới khi hơn 1000 người chết.
Ba mươi năm trước đó ông Suharto có thể giết cả trăm ngàn người mà vẫn nhởn nhơ. Nhưng tệ tham nhũng và cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á làm tan biến sự ủng hộ cho chế độ.
Sau 32 năm cầm quyền, gia đình ông và những người thân cận quá giàu trong khi nhiều người từng ủng hộ ông ngày một nghèo đi – sự nghèo khó mà họ có chung với người dân bình thường.
Một chế độ sẽ sụp đổ khi những người ở trong lòng chế độ tạo phản.
Khi mà cảnh sát, quân đội và các quan chức cao cấp vẫn còn nghĩ rằng họ sẽ mất nhiều hơn khi cách mạng nổ ra thì ngay cả những cuộc biểu tình hàng loạt của có thể bị đè nát. Chúng ta hãy nhớ biến cố Thiên An Môn.
Quyết định không cử Hồng Quân tới giúp Đông Âu của ông Gorbachev góp phần làm cách mạng thành công
Nhưng khi những người ở bên trong chế độ và những người cầm súng nghi ngờ lý do phải bảo vệ chế độ, hoặc họ có thể bị mua chuộc, thì chế độ sẽ tan rã nhanh chóng.
Tổng thống Ben Ali của Tunisia đã quyết định bỏ trốn sau khi các tướng lĩnh của ông nói rằng họ sẽ không bắn vào đám đông.
Tại Rumani hồi tháng Mười Hai năm 1989, Ceausescu đã chứng kiến cảnh chính viên tướng mà ông trông cậy để trấn áp người biểu tình đã trở thành người phán xử ông tại phiên tòa trong Ngày Giáng Sinh.
Sức ép từ bên ngoài cũng góp phần thúc đẩy sự thay đổi chế độ.
Hồi năm 1989, việc nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố không cử Hồng Quân tới ủng hộ các nước Cộng sản Đông Âu đang đối mặt với biểu tình trên đường phố đã khiến các viên tướng nhận ra rằng họ không thể dùng bạo lực.
Hoa Kỳ thường xuyên ép các đồng minh độc đoán phải thỏa hiệp và một khi mà họ đã trượt dốc, Washington muốn họ từ chức.
Xơ cứng
Sự tồn tại lâu dài của một chế độ và nhất là tuổi già của người lãnh đạo có thể dẫn tới sự chậm chạp chết người vào những lúc cần phản ứng nhanh trước những diễn biến.
Cách mạng là những sự kiện kéo dài suốt 24 giờ mỗi ngày và đòi hỏi cả người biểu tình lẫn người lãnh đạo có độ trì cũng như khả năng suy nghĩ nhanh.
Một nhà lãnh đạo già kém linh hoạt và ốm yếu thường làm cho các cuộc khủng hoảng thêm tồi tệ.
Từ vị Shah bị ung thư ở Iran tới lãnh đạo Honecker ốm yếu của Đông Đức và Tổng thống Suharto của Indonesia, hàng thập niên cầm quyền đã khiến họ bị xơ cứng chính trị và mất khả năng phản ứng linh hoạt trong chính trường.
Và như Ai Cập nhắc nhở chúng ta, cách mạng do những người trẻ tuổi tạo ra.
Lối thoát lịch lãm thường khó xảy ra trong các cuộc cách mạng nhưng nếu các nhà lãnh đạo được đảm bảo họ sẽ về hưu an toàn, thay đổi có thể diễn ra nhanh chóng và êm thấm hơn.
Hồi 2003, nhà lãnh đạo Shevardnadze bị một số người đả phá là “Ceausescu” nhưng người ta để yên cho ông sống trong villa của ông sau khi từ chức.
Các viên tướng của Tổng thống Suharto đã đảm bảo ông về hưu và chết trong yên bình nhưng con trai ông “Tommy” bị tù giam.
Thông thường người dân “khao khát” trả thù những nhà lãnh đạo bị lật đổ. Những người kế nhiệm cũng thấy rằng trừng trị nhà lãnh đạo già là cách để làm dân chúng nhãng khỏi những vấn đề kinh tế và xã hội, vốn không biến mất khi có chế độ mới.
Sử gia từ Đại học Oxford, Mark Almond là tác giả cuốn Uprising – Political Upheavals that have Shaped the World, tạm dịch Khởi nghĩa – Những Biến động Chính trị góp phần Định hình Thế giới.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/02/110214_revolutions.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét