Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Đừng mệt mỏi, tôi ơi, đừng mệt mỏi…

Hà Văn Thịnh

Càng ngày, sự mệt mỏi và chán chường càng thấm sâu, quặn thắt trong tôi. Đôi khi, tôi ước ao mình có được một chút thôi, tinh thần của Thầy Huệ Chi (đau đến mấy cũng cười thật hiền và thật tỉnh tươi), của rất nhiều con người khác đang ngày đêm đóng góp cho sự thật, cho cái đúng những trăn trở nhọc nhằn.

1. Hẳn là không có mấy ai trách khi tôi cố tình họa theo Trịnh Công Sơn trong lời bài hát Tôi ơi, đừng tuyệt vọng! Bởi vì, thật sự là không ít lần tôi đã muốn dừng lại, vì chẳng biết lý giải ra làm sao những ngang khó của cuộc đời này. Hôm trước, đọc bài Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu bỏ biển, Người say đất, tôi chỉ còn biết ngó trân trân vào bức tường phía trước mà chẳng biết viết cái gì. Kêu gọi thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân thì cũng đã nói rồi, viết về chuyện ngư dân là người quyết định đến chủ quyền thực tế trên Biển Đông cũng nói lâu rồi… Thế nhưng, chẳng có cơ quan hữu quan nào ngó ngàng đến? Tại sao những người tâm huyết, dũng cảm, cần cù và dám hy sinh như Mai Phụng Lưu không được Nhà nước và mọi cơ quan, cộng đồng quan tâm? Phải chăng tất cả đang đồng lòng (!) thả nổi vấn đề chủ quyền đau nhức của dân tộc hôm nay? Một người như Mai Phụng Lưu đành phải bỏ biển vì… hết sạch tiền bạc, không có phương tiện hành nghề đánh cá sẽ gây hệ lụy như thế nào đến hàng ngàn ngư dân khác? Đã bỏ cái đam mê, lẽ sống của cả cuộc đời tức là bất lực, tuyệt vọng, tại sao không một “ai” quan tâm (ai ở đây để chỉ những người có trách nhiệm). Không một ai không biết Trung Quốc muốn gây ra mọi sự khó dễ để ngư dân Việt Nam bỏ biển, tức là tự đánh mất đi chủ quyền thực tế. Nếu đúng như thế thì người ta đã đạt được mục đích đen tối rồi!

2. Hôm nay (7.1.11), đọc bài Thư ngỏ của nhà khoa học Thái Văn Cầu gửi PGS.TS Nguyễn Hồng Thao thì sự mệt mỏi lại tăng lên đến mức tim thì vẫn còn thoi thóp nhưng tay thì run lẩy bẩy nên gõ bàn phím cứ sai hoài. Lại là câu hỏi cũ rích Tại sao? Tại sao các nhà khoa học danh tiếng, những cây đa cây đề của đất nước cứ đua nhau đi phò Si Nô. Tôi muốn viết rõ hai chữ vừa si vừa nô lệ để nói mà chấp nhận sự mất lòng rằng, nếu ông PGS.TS Nguyễn Hồng Thao đúng, thì nhất thiết ông phải phản hồi bài báo của Thái Văn Cầu. Đấy là nguyên tắc tối thiểu của SĨ. Những sự thật rành rành (trong trường hợp Thái Văn Cầu đúng) không thể biện minh cho bất kỳ sự a dua, lấp liếm nào. Tại sao chúng ta cứ thi nhau giả dối, lảng tránh sự thật mà vẫn cứ nhơn nhơn nhơ, tự đắc trước vận mệnh dân tộc, truyền thống, lịch sử đầy đau đớn của giống nòi? Đôi khi, sự mệt mỏi của tôi bắt nguồn từ chính sự thất vọng từ những người tôi kính trọng và yêu tin nhất. Cách đây mấy năm, tôi có đăng một bài phê phán một PGS.TS sử học không biết chấm câu, không biết cách để hiểu đúng một sự kiện lịch sử, kiến thức sai be sai bét (trên Tạp chí Sông Hương); thế nhưng, chẳng có phản hồi nào. Vị PGS.TS đó vẫn nghênh ngang hết chức vụ này đến chức vụ nọ. Sự thật ấy (và vô cùng nhiều những điều tương tự như thế) làm sao có thể buộc tôi kính trọng những người đã “mở đường” cho cái dốt, cái ác lộng hành?

3. Vietnamnet hôm qua cho biết rằng Chủ tịch Quốc hội, khi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hứa rằng sẽ mở rộng dân chủ. Đọc mà mệt mỏi, vì ai chẳng biết dân chủ theo lời hứa có khoảng cách xa ngái lắm với thực tế cuộc đời. Nếu thật sự có dân chủ, tại sao không ban hành Luật báo chí, Luật về Quyền cơ bản không thể xâm hại đối với công dân…? Là một giáo viên, tôi hiểu rất rõ những người kém, yếu – sợ đến mức nào khi Phòng Đào tạo phát phiếu thăm dò chất lượng giảng dạy cho sinh viên. Nếu không sai, nếu minh bạch, nếu đúng theo nghĩa đầy đủ nhất của các phạm trù sự thật – khoa học – thực tiễn, thì chắc chắn là chẳng việc gì phải sợ. Tôi cũng như nhiều người khác, có không ít sai lầm nhưng có một điều tôi có quyền tự hào là hơn 30 năm đi dạy, chưa bao giờ tôi chậm giờ lên lớp! Nếu chúng ta coi đó là bổn phận, là tấm gương để nói về lẽ phải, điều hay thì chẳng việc gì phải e ngại phản biện. Tôi đã từng tranh luận với TS Cù Huy Hà Vũ trên điện thoại rằng nếu Việt Nam đa đảng lúc này, hận thù và sự ích kỷ, nhỏ nhen sẽ làm cho nước ta tồi tệ hơn cả Iraq. Anh Hà Vũ chửi tôi te tua, vuốt mặt không kịp nhưng tôi vẫn kính trọng anh ấy. Tôi suy xét từ lịch sử vì tôi biết (nói ra thật đau lòng), người Việt ích kỷ, nhỏ nhen, thích qua cầu rút ván và thiển cận hơn nhiều dân tộc khác. Nếu có dịp, sẽ tranh luận tiếp. Nhưng cũng xin mở ngoặc rằng, cuộc tranh luận phải thật sự công bằng, khách quan và tuyệt đối không được cả vú lấp miệng em. Tôi xin dẫn chứng, có ai thấy dân tộc nào hay mất đoàn kết và thích xâu xé lẫn nhau như người Việt không? Cái làm cho dân tộc Việt Nam đến tận hôm nay vẫn nghèo, nhỏ chính là sự ích kỷ quá đáng, sự mất đoàn kết nghiêm trọng và sự mặc nhiên chấp nhận cuộc đời đong đưa, lừa dối một cách vô trách nhiệm. Ít nhất, nếu bạn chưa cho là đúng thì mặc nhiên, vẫn nên đáng nghĩ đến những giả định ấy, phần nào…

Bài viết này được viết ra trong tâm trạng hết sức mệt mỏi. Viết với rất nhiều… giá như! Giá như có Quỹ hỗ trợ ngư dân để tôi có thể ủng hộ Mai Phụng Lưu một chút tiền còm. Giá như ông PGS.TS Nguyễn Hồng Thao “biết” trả lời rõ ràng và biết tôn trọng sự thật. Giá như chúng ta đoàn kết hơn. Giá như không phải tôn thờ lối sống đèn nhà ai nhà nấy rạng. Giá như không nghĩ rằng phải bán chị em xa mua láng giềng gần. Giá như tin rằng cái gì mua được cũng rẻ và không thể lâu bền. Giá như hiểu rằng 99% sự thật hay lịch sử vẫn chưa phải chính là nó…


H. V. T.

Huế, 7.1.2011

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét