Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Cam Bốt kỷ niệm 32 năm chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ

Posted on January 9, 2011 by Báo Dân


Phạm Phan , Thanh Phương - Hôm nay, 07/01/2011, Cam Bốt kỷ niệm 32 năm chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ. Các buổi lễ kỷ niệm không diễn ra rầm rộ như những năm trước. Tuy nhiên trong tâm trí người dân Cam Bốt vẫn in đậm quá khứ kinh hoàng dưới chế độ diệt chủng Pol Pot. Họ chờ đợi các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ sẽ nhanh chóng ra trước vành móng ngựa để trả lời về những tội ác đã phạm.

Thông tín viên Phạm Phan tường trình từ Phnom Penh :

Không giống như cách đây hai năm khi làm lễ kỷ niệm 3 thập niên quốc gia hồi sinh sau đại họa diệt chủng, buổi lễ sáng hôm nay 07/01 được tổ chức khiêm nhường hơn trong trụ sở Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền. Năm nay không có diễn hành rầm rộ của binh sĩ các binh chủng, của các đoàn quân dân cán chính địa phương, của các đoàn xe hoa mang biểu tượng quốc gia hay địa phương, và số lượng người không đông đúc đến vài chục ngàn người.

Ông Heng Samrin, nhân vật đóng vai trò then chốt trong sự kiện lịch sử đánh bại Khmer Đỏ năm 1979 lại không ngồi ở vị trí trung tâm. Đọc chậm chạp bài diễn văn gần 30 phút, Chủ Tịch Đảng, ông Chea Sim có vẻ mệt mỏi vì tuổi già sức yếu.

Bài ca trong buổi lễ mang nội dung ca tụng Đảng Nhân Dân Cam Bốt là lực lượng chính trị giúp đất nước được sinh ra một lần thứ hai. Nhiều người thuộc thành phần người Khmer Islam được mời tham dự lễ kỷ niệm.

Trước đó hai ngày hai vợ chồng ông Hun Sen đã đi tỉnh Kampong Cham dự buổi lễ kỷ niệm ngày đánh bại Khmer Đỏ do tỉnh trưởng Hun Nen, anh ông Hun Sen, tổ chức.

Ngoài ra ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị, đoàn thể trực thuộc chính quyền có cuộc nói chuyện với dân chúng về ý nghĩa ngày 7 tháng 1 trong lịch sử đất nước.

Trước ngày lễ chính thức, các phương tiện truyền thông do nhà nước làm chủ như báo, đài phát thanh, đài truyền hình đã đưa tin hay trình chiếu lại các cuốn phim lịch sử vào giai đoạn hoang tàn, đói khát, chết chóc khi quân Khmer Đỏ tiến chiếm Phnom Penh cũng như thời kỳ họ cai trị đất nước.

Dấu ấn màu đen đậm trên giòng lịch sử xứ Chùa Tháp

Vào thời điểm sau tháng 4 năm 1975, khi Khmer Đỏ đã tiêu diệt hầu hết sự kháng cự của lực lượng quốc gia Cam Bốt thì vẫn xảy ra vài cuộc đề kháng qui mô nhỏ như Hoàng Thân Norodom Chantaraingsey (sinh 1924 hay 1926 – mất 1976), chú của Vua Sihanouk, ông làm Tướng thời Cộng Hòa Khmer, tiếp tục chống lại Khmer Đỏ đến năm 1976, sau đó mất tích tại vùng núi Cardamom thuộc khu vực hai tỉnh Koh Kong và Battambang.

Và vào tháng 09/1975, hơn 2.000 người Khmer Islam đã dùng kiếm và dao rựa ra sức đẩy lui quân Khmer Đỏ được vũ trang đầy mình, để bảo vệ buổi cầu nguyện trong thánh đường Hồi Giáo tại làng Svay Khleang. Cuộc kháng cự chỉ kéo dài vài ngày rồi bị dẹp tan nhưng sự kiện bất khuất đó được lưu giữ trong viện bảo tàng sẽ được thành lập cuối năm nay tại thánh đường Mabarak ở ngoại ô Phnom Penh.

Theo Trung Tâm Tài Liệu Cam Bốt có từ 100.000 đến 400.000 người Khmer Islam bị sát hại và hầu hết các thánh đường Hồi Giáo bị Khmer Đỏ đập phá tan nát trong gần 4 năm. Đó là chưa kể đến số lượng lớn người Khmer gốc Việt – một sắc tộc đông người trong cộng đồng dân tộc Khmer – bị sát hại đau đớn bằng nhiều biện pháp ác độc.

Khi chiếm được quyền lực chính trị một cách vi hiến và được khối Cộng sản quốc tế tiếp sức bằng cuộc nổi loạn có vũ trang, Cộng Sản Cam Bốt cho thi hành chương trình chính trị – kinh tế – xã hội cực đoan và cuồng tưởng bao gồm cả việc cô lập đất nước khỏi ảnh hưởng ngoại quốc, đóng cửa trường học, bịnh viện, nhà máy, thủ tiêu ngân hàng, tài chính và tiền tệ, đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả tôn giáo, tịch thu tất cả tài sản tư nhân, và tái phối trí dân cư bằng cách đưa dân thành thị đến các nông trường tập thể nơi đó họ bị cưỡng bức lao động. Mục đích chính sách này là chuyển đổi thị dân thành “cựu dân” (dân đã sống trong vùng Cộng Sản chiếm đóng trước đây) bằng biện pháp lao động nông nghiệp khổ nhọc.

Trong mục tiêu theo đuổi tư tưởng Cộng Sản, Xã Hội Chủ Nghĩa và học thuyết chính trị Mác-Lênin, Đảng Cộng Sản Cam Bốt đã biến quốc gia họ thành một công trường lao động khổng lồ, trong đó gần một ¼ dân số đã bị chết vì lao động quá sức cho đảng, bị đói khát, bịnh tật, kiệt sức hay bị giết chết ngay khi chống lại đảng.

Đến tháng 11/1978, cuộc khẩu chiến giữa chính quyền mới tại Việt Nam sau tháng 4/1975 và Khmer Đỏ coi như đã chấm dứt, nhường lại cho giai đoạn mở ra các cuộc tấn công toàn diện do Hà Nội thực hiện để chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự sau này nhắm vào chế độ Kampuchea Dân Chủ.

Đầu tiên Hà Nội tung ra cuộc tiến công vào hai địa điểm Snoul và Memot thuộc tỉnh Kracheh (người Việt thường gọi là tỉnh Cần Ché). Hành động này nhắm mục đích chiếm lấy một vùng an toàn để tạo nơi dung thân cho một lực lượng chính trị – quân sự chống lại Khmer Đỏ. Không lâu sau đó, vào ngày 02/12/1978, tại một đồn điền cao su nằm trong khu vực do bộ đội Hà Nội tiến chiếm trước đó, một Mặt Trận ra đời có tên Mặt Trận Thống Nhất Kampuchea Cứu Nguy Dân Tộc (KNUFNS). Và được gọi tắt là Mặt Trận Cứu Nguy – Salvation Front. Buổi lễ công bố Mặt Trận này đã được các đơn vị bộ đội Hà Nội có trang bị hỏa tiễn phòng không bảo vệ an ninh nghiêm ngặt.

Diễn tiến chiến dịch lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ

Vào ngày 25/12/1978, nhân lúc nhiều nước trên thế giới đang đón mừng lễ Giáng sinh, chính quyền Việt Nam phát động đợt tấn công với quy mô lớn bao gồm từ 12 tới 14 sư đoàn chủ lực, trong đó có sự tham dự của 3 trung đoàn lính Khmer. Các đơn vị này sau trở thành lực lượng nòng cốt cho quân đội Cộng Hòa Nhân Dân Kampuchea (KPRAF). Tổng quân số của “Liên Minh Quân Sự” này gồm 100.000 người. Như vậy lực lượng tiến đánh Khmer Đỏ phần lớn dựa vào nhân lực của chế độ Hà Nội.

Theo sự chỉ đạo rất thống nhất từ quân ủy trung ương, quân chủ lực Việt Nam chia thành năm mũi tiến công vào xứ Chùa Tháp.

a- Hướng tiến công thứ nhất lên đường từ Buôn Mê Thuột thuộc tỉnh Đắc Lắc theo đường số 13 và 14 đánh vào tỉnh lỵ Cần Ché (Kracheh).

b- Hướng tiến công thứ hai khởi động từ phía Tây Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum theo Quốc Lộ 19 uốn khúc đánh vào tỉnh lỵ Stoeng Treng. Cả hai mũi tiến công đầu tiên đều nhắm vào các tỉnh miền Đông Bắc Cam Bốt. Khi vượt qua tỉnh Ratanakiri để đánh vào Steong Treng và khi vòng qua Modulkiri để tấn công vào Kracheh, bộ đội chủ lực của Hà Nội có ý định cô lập 4 tỉnh vùng Đông Bắc – bao gồm nhiều rừng núi, cao nguyên – với miền đồng bằng Cam Bốt. Sự cô lập chiến lược này mang những mục tiêu rõ rệt :

* Làm cho Khmer đỏ mất đi sự hậu thuẫn có được từ những vùng căn cứ cũ ở miền Đông Bắc, vùng này có thể xem như là “cái nôi cách mạng” của Đảng Cộng Sản Cam Bốt trong thời chiến tranh.

* Nhanh tay chiếm đóng vùng xa xôi này trước, giúp cho bộ đội Hà Nội tổ chức tuyến phòng ngự khá vững chắc trong trường hợp quân Khmer Đỏ thực hiện cuộc phản công giành lại đất.

* Mục tiêu thứ ba mà Hà Nội muốn đạt tới khi tung ra hai mũi tiến công vào cao nguyên Đông Bắc Cam Bốt, đó là gây lúng túng cho sự nhận định chiến lược trong ban lãnh đạo Khmer Đỏ. Tuy nhiên các viên tư lịnh quân sự Khmer Đỏ đã không bị mắc bẫy Hà Nội qua hai mũi tiến công vào Steong Treng và Cần Ché, đồng thời Khmer Đỏ cũng không tổ chức phản công nhằm lấy lại khu vực rừng núi cao nguyên này. Thay vào đó, quân Khmer Đỏ lại xây dựng một tuyến phòng thủ hình vòng cung bao bọc vùng Đông Nam Cam Bốt gồm các tỉnh đồng bằng với những cánh đồng rộng lớn, như để mặt đối mặt với quân chủ lực Hà Nội có thể tấn công từ hướng này. Sự tính toán chiến lược của ban lãnh đạo Khmer Đỏ đã chính xác so với ý đồ quân sự của Hà Nội.

c- Hướng tiến công thứ ba, từ tỉnh Tây Ninh, bộ đội Hà Nội với trang thiết bị quân sự dồi dào di chuyển theo đường số 7, đánh vào tỉnh Kampong Cham. Một tỉnh giàu có về nông nghiệp bậc nhất ở xứ Chùa Tháp.

d- Mũi tấn công thứ tư có sự trợ giúp của lực lượng phòng không, theo Quốc Lộ 1 đánh vào Hố Lương (Neak luong), đây là cửa ngõ đi vào thủ đô Nam Vang (PhnomPenh).

e- Hướng tiến công chiến thuật sau cùng xuất phát từ phía Tây tỉnh Hà Tiên đánh thốc vào hai tỉnh miền Nam của Cam Bốt, sát với Vịnh Thái Lan là tỉnh Kam Pot và tỉnh Kampong Som. Hướng đánh này nhằm khóa chặt đường cung cấp từ cảng biển Sihanouk về cho thủ đô cũng như cho chế độ Kampuchea Dân Chủ. Vì Cam Bốt chỉ có duy nhất một cảng biển Kampong Som này mà thôi.

Quân Khmer Đỏ trước đấy một thời gian ngắn được coi như là hung thần của chế độ. Họ cầm quyền sinh sát trong tay, đàn áp, giết hại người dân trong nước không chút thương tiếc. Nhưng khi đối đầu với quân đội Hà Nội, các cuộc kháng cự chỉ được tổ chức ở vài địa phương.

Những trận đánh lớn giữa hai chế độ Cộng Sản trong lúc này chỉ diễn ra tại tỉnh Kampong Cham, Hố Lương và tại Tami, một vị trí nằm sâu trong đất liền tính từ bờ biển tỉnh KamPot. Cạnh đó những viên chỉ huy quân sự nhiều kinh nghiệm của Khmer Đỏ đã biến mất sau các cuộc thanh trừng nội bộ đã góp phần rất nhiều cho sự tan rã nhanh chóng của quân đội Cộng Sản Cam Bốt. Đến ngày 05/01/1979, các mũi tiến công của lực lượng Hà Nội đã áp sát tới bờ phía Đông của con sông Mekong.

Theo một số nhà phân tích quân sự về tình hình lúc đó, có thể lúc ban đầu, sự tính toán của những người cầm đầu tại Hà Nội không có ý định tiến sâu vào lãnh thổ xứ Chùa Tháp, thế nhưng khi đứng trước sự thất bại nhanh chóng, nhiều nơi, nhiều địa phương chưa đánh đã tự tan rã, nên sau khi ngừng quân trên bờ sông Mekong thời gian ngắn để chờ đợi công binh, thanh niên xung phong bắc cầu, làm đường và cũng để chờ quyết định mới nhất từ trung ương trước khi mở đợt tấn công sau cùng vào sào huyệt Khmer Đỏ.

Diễn biến chiến dịch đánh lấy thủ đô Nam Vang khá nhanh chóng, quân Khmer Đỏ bỏ chạy khỏi thủ đô và sau đó tái tập họp ở miền Tây Cam Bốt.

Sau khi chiếm được thủ đô Phnom Penh, bộ đội Việt Nam tiếp tục tung hai cánh quân về hướng Tây, nhằm chiếm giữ hai tỉnh Battambang và Siemriep, hai mũi tấn công sau đó đã hội quân tại huyện Sisophon và tiến về sát biên giới Thái. Tại đây đã xảy ra những cuộc chạm súng dữ dội giữa đôi bên trong tháng 3, 4.

Phía Khmer Đỏ sau thất bại tại Phnom Penh, đã cố gắng phối trí lại đội hình và bung ra vài cuộc phản công trước khi rút sâu vào vùng rừng núi. Nơi đây, các thủ lĩnh Khmer Đỏ lại nhen nhúm cuộc chống đối mới tương tự như những năm 1960, lúc họ tổ chức chiến tranh du kích chống lại nhà cầm quyền Phnom Penh.

Tình cảm người dân sau 32 năm được hồi sinh sau chế độ diệt chủng

Trước tiên ngày lễ 07/01 tại Cam Bốt là một ngày nghỉ cho mọi người nhưng cũng là lúc không ít người hồi tưởng lại quá khứ đau buồn khi đất nước bị Cộng Sản cai trị bằng đường bạo ngược.

32 năm trôi qua có quá nhiều thay đổi, từ một vùng đất được coi là không người, tử địa, nay Cam Bốt đang trên đường xây dựng lại cho tổ quốc họ giàu đẹp.

Đối với thế hệ từng bị sống dưới chế độ Khmer Đỏ, thì không bao giờ phai mờ trong tâm trí về những ngày tháng khổ nhọc kinh hoàng đến ghê sợ vì đường lối chính trị bất nhân quá đổi do Đảng Cộng Sản Cam Bốt thi hành. Những người sinh sau thời điểm 07/01/1979 thì không bị mang nặng quá khứ u buồn nhưng họ vẫn biết giai đoạn đen tối qua những câu chuyện truyền khẩu trong gia đình và những phim ảnh về thời kỳ Khmer Đỏ.

Sự hiện diện của bộ đội Việt Nam vào thời gian 1979 và 10 năm họ đóng quân trên xứ Chùa Tháp cũng còn gây ra các suy nghĩ khác nhau trong các thành phần dân chúng.

Trong bài diễn văn nói chuyện tại tỉnh Kampong Cham vào ngày 05/01/2011, Thủ Tướng Hun Sen nói ngày 07/01 là ngày giải phóng tất cả cho quốc gia, nó giải phóng cái ác, ngay cả giải phóng mấy cái đầu thường nguyền rủa ngày 7/1. Ông Hun Sen nói đến điều này để phê bình phe đối lập dùng ngày 07/01 tuyên truyền chính chính trị có lợi cho phe nhóm này.

Thành phần đối lập vẫn cho đảng cầm quyền chịu ảnh hưởng quá nhiều từ nhà nước Việt Nam hiện nay. Những người dân bị đàn áp thì không ưa thích đảng cầm quyền và tỏ thái độ tán thành quan điểm của đảng đối lập, họ coi Việt Nam là xâm lược mặc dù công nhận nếu không có bộ đội Việt Nam thì Khmer Đỏ không bị đánh đổ. Và vì thế trong xã hội phân chia thành hai phe: phe thích và phe chống Việt Nam.

Bà Ke Sovannroth, Tổng Thư Ký Đảng Sam Rainsy nói đảng bà không coi ngày 07/01 là ngày giải phóng, trái lại xem ngày này là sinh nhật của Đảng Nhân Dân Cam Bốt , một đảng kế thừa từ Đảng Nhân Dân Cách Mạng Kampuchea chiếm được quyền từ năm 1979. Bà Ke Sovannroth cho rằng đất nước nên chọn ngày 23/10/1991, ngày ký kết Hiệp Định Hòa Bình Paris, làm ngày giải phóng, bởi vì ngày này đánh dấu sự kiện quốc gia chấm dứt nội chiến, lập lại hòa bình và phát triển.

Tuy nhiên ông Hun Sen bác bỏ lập luận này, ông nói nếu không lật đổ được chế độ Khmer Đỏ thì không bao giờ ký được Hiệp Định Hòa Bình Paris.

Về Tòa Án Khmer Đỏ

Trong bài diễn văn sáng nay, Chủ Tịch Chea Sim thay mặt đảng cầm quyền nói rằng đảng ông ủng hộ phiên tòa xét xử Khmer Đỏ do các tội ác mà những người cầm đầu phạm phải đối với dân tộc tuy nhiên ông cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ để phiên tòa đi đến thành công trên căn bản bảo đảm được các thành tựu của Cam Bốt đặc biệt là nền hòa bình và ổn định hiện nay đã được tạo dựng từ nhiều khó khăn.

Sau khi đã hoàn tất phiên xử của Duch, viên trại trưởng trại tra tấn S.21, theo dự trù đầu năm nay, các trọng phạm như Nuon Chea, hai vợ chồng Ieng Sary, và Khieu Samphang lần lượt sẽ ra đứng trước vành móng ngựa.

Khi nói đến Tòa Án Khmer Đỏ thường làm động đến vết thương trong lòng những người dân Khmer Islam. Ông Him Soh, một người theo Hồi Giáo may mắn sống còn nhưng 7 người trong gia đình ông gồm cha mẹ và anh chị em đã bị chết hết dưới tay Khmer Đỏ. Ông nhắc lại chuyện quân Khmer Đỏ giết người đứng đầu cộng đồng Khmer Islam như thế nào rồi trục xuất dân làng đi đến các địa phương khác nơi mà họ bị buộc phải hòa nhập với người Khmer bản xứ.

Khmer Đỏ không cho người Khmer Islam cầu nguyện trong thánh đường hay trong nhà, họ theo dõi hàng ngày khi thấy được ai cầu nguyện thì bắt giải đi và hành hình.

Khmer Đỏ cũng buộc phụ nữ Khmer Islam cắt tóc, còn đàn ông phải cạo râu, không cho đội nón hay ăn mặc theo truyền thống đạo giáo, Kinh Coran bị tịch thu và đôi khi một số trang giấy trong quyển kinh bị xé làm giấy đi cầu, một hành động trái ngược với lối sống đã có lâu đời của người Khmer Islam, theo lời ông Him Soh.

Phiên tòa quốc tế hỗn hợp bị trì hoãn gần một thập niên do tình hình nội chiến tại Cam Bốt theo sau sụp đổ của Khmer Đỏ năm 1979 và kế đến lại bế tắc gần một thập niên nữa khi chính quyền Cam Bốt và Liên Hiệp Quốc không thỏa thuận được các qui định căn bản cho việc thành lập phiên tòa. Có thêm bất đồng về các qui định thủ tục tòa án khi bắt đầu làm việc vào mùa Hè năm 2006.

Các học giả nói trường hợp bị cáo Nuon Chea có nhiều chứng cứ vững vàng, đặc biệt tại nhà tù Tuol Sleng. Hai học giả Stephen Heder và Brian D. Tittemore viết trong quyển sách “Bảy nhân vật bị truy tố” như sau : “Có những chứng cứ cụ thể và đáng chú ý là Nuon Chea giữ vai trò hàng đầu trong việc sắp đặt các chính sách hành quyết của chế độ Kampuchea Dân Chủ”.

Qua cuộc thẩm vấn Duch, các chứng cớ có được sẽ dùng cho việc xét xử Nuon Chea. Trong cuộc phỏng vấn do Nate Thayer của báo The Far Eastern Economic Review thực hiện thời gian ngắn sau khi Duch bị khám phá nhân thân trong tổ chức viện trợ của nước ngoài đang làm việc tại Cam Bốt năm 1999, Duch nhớ lại các lịnh trực tiếp mà Nuon Chea bảo ông phải thi hành.

Mô tả lại hành động sát hại 8 người Phương Tây bị Khmer Đỏ bắt giữ, Duch nói “Nuon Chea ra lịnh tôi lấy vỏ bánh xe làm mồi lửa đốt cháy họ thành tro.”

Trong một trường hợp khác, Duch nói “Trại tù của tôi chật đầy người, Nuon Chea kêu tôi đến gặp ông ta và nói không tốn thì giờ thẩm vấn làm gì, giết hết đi cho rồi.”, và tôi thi hành lịnh giết.

Khi bộ đội Hà Nội tiến vào Phnom Penh tháng 1/1979, Duch nói “Nuon Chea gọi tôi đến văn phòng ông ấy và ra lịnh tôi giết hết tù nhân còn sót lại. Tôi yêu cầu cho phép giữ lại một tù nhân Việt Nam còn sống để tuyên truyền trên đài phát thanh, Nuon Chea nói: giết hết, lúc nào chúng ta cũng có thể giết nhiều hơn.

Nguồn : RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét