Lẩm Cẩm Lão Gia
I. Taxi Maybach
Năm 2010 đã khép lại nhưng những vị đắng của nó vẫn còn lại đâu đó trong mỗi con người Việt Nam. Nào “người lạ” đã thuê rừng ở những nơi trọng yếu bằng cả một diện tích của tỉnh Tây Ninh của Việt Nam trong thời hạn 50 năm nhưng hơn 85 triệu dân Việt Nam vẫn chưa có một câu trả lời minh bạch từ Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia và đại diện cho hơn 85 triệu dân Việt Nam.
Sau khi sự cố bùn đỏ ở Hungary, Kiến nghị dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên đợt 2 với cả mấy ngàn chữ ký của đông đảo trí thức Việt Nam trong và ngoài nước được gởi tới giới lãnh đạo hiện hành nhưng tất cả vẫn là “vũ như cẩn”. Chính phủ đã bỏ ngoài tai tất cả vì Việt Nam có thể thiết kế đập hồ bùn đỏ có khả năng chịu đựng động đất cấp 7, cấp 9 mà sự tàn phá có thể ví như bom nguyên tử. Với những trận lũ lụt kinh hoàng trong vài năm gần đây thì các viện khí tượng đành phải đổ lỗi do “biến đổi khí hậu” vì các viện khí tượng không thể biết trước để, hay dự báo hòng giúp đỡ người dân đối phó, phòng tránh. Nhưng trước nỗi lo của biến đổi khí hậu tới những hồ bùn đỏ thì ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định: “Viện khí tượng thủy văn đã đo đạc, lường trước biến đổi khí hậu để không để nước tràn vào…!”
Có các nhà khoa học Việt Nam kiêm pháp sư có thể gọi mưa gọi gió đứng đằng sau chống lưng nên Chính phủ an tâm khai thác bauxite. Nói một cách khác là Chính phủ đã bỏ ngoài tai tất cả để làm vừa lòng người láng giềng – vốn có máu xâm lược – đến từ phương Bắc. Và tất nhiên, các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên phải đem lại lợi ích cho một nhóm thiểu số nào đó nên các dự án này được thực hiện bằng bất cứ giá nào.
Nào chuyện hai cháu Thúy, Hằng vẫn đang còn trong cảnh lao tù nhưng Nguyễn Trường Tô thì đã hạ cánh an toàn. Nào chuyện người dân bị thiệt mạng, hay bị thủng đùi vì không đội mũ bảo hiểm. Nhưng thiệt mạng và bị thủng đùi… vì bị công an “xô đẩy”, và bị công an bắn chứ không phải vì tai nạn. Nào tàu cá của ngư dân miền Trung bị đâm nát nơi biển cả nhưng với ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thì “Biển Đông không có gì mới!”
Nào lạm phát phi mã như ngựa Xích thố đã khiến đời sống người dân nghèo vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn khó. Nào Vinashin ngập chìm trong nợ nần mà đến nay Chính phủ và Quốc hội vẫn không biết chính xác con số nợ của Vinashin là bao nhiêu! Nào người Việt Nam có chỉ số IQ cao ngất ngưỡng trên 9 tầng mây. Do đó, ở Việt Nam hiện nay thì “tham nhũng là quốc nạn”. Nhưng bọn quan tham này có chỉ số IQ cao nhất. Do đó, bọn chúng không bao giờ bị pháp luật trừng trị… bởi vì chúng nó quá AQ!
Nhưng thôi, năm mới nói chuyện mới. Năm 2011 là năm thích hợp để làm ăn, làm giàu. Do vậy, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi xin được trình bày kế hoạch làm giàu của mình. Nếu quý độc giả cảm thấy phù hợp, có lý thì mong mọi người ủng hộ để chúng ta cùng làm giàu.
Hiện nay Việt Nam không thiếu taxi. Nhưng taxi xịn thì chưa có. Do vậy, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi nghĩ rằng kinh doanh taxi xịn là điều chắc chắn sẽ thành công. Do vậy, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi tính mua toàn xe đắt tiền Maybach của Đức để mở ra công cuộc kinh doanh taxi chưa từng có trong tiền lệ lịch sử nước nhà.
Có người sẽ bảo rằng Lẩm Cẩm Lão Gia tôi điên với ý tưởng kinh doanh taxi hàng “khủng” này. Nhưng xin thưa rằng nếu ai nói vậy, nghĩ vậy là do IQ của người đó còn thấp tè nơi ngọn cỏ. Các nước có chỉ số IQ cao đều có taxi Maybach. Lẩm Cẩm Lão Gia tôi đã từng thấy bà mẹ đi làm, trẻ em đi học với taxi Maybach. Do vậy, người Việt Nam có chỉ số IQ cao thì phải có taxi Maybach.
Cũng có người sẽ bảo rằng với mức thu nhập khiêm tốn của người dân Việt Nam hiện nay thì không mấy ai có khả năng dùng loại phương tiện taxi hiện đại và sang trọng vào hàng bậc nhất này. Xin được thưa rằng, đó chỉ là lối suy nghĩ của những người thiển cận với một tầm nhìn không xa hơn xó bếp. Dự án taxi Maybach là dự án “đi tắt đón cầu”! Đến năm 2030-2050 thì thu nhập của Việt Nam sẽ là 30.000-45.000 ngàn đô la một năm – hay có khi lên cả 100.000 đô la không chừng. Nếu không triển khai dự án taxi Maybach ngay bây giờ thì chúng ta sẽ trễ “những chuyến tàu vét tốc hành”!
Chắc cũng sẽ có người sẽ bảo rằng dự án taxi Maybach này sẽ không có hiệu quả kinh tế vì vé taxi Maybach cao ngang ngửa vé máy bay. Xin được thưa với quý độc giả là dù “hiệu quả kinh tế không cao” nhưng chúng ta có thể “lấy thu bù chi”. Nhưng cũng xin đừng hỏi rằng “hiệu quả kinh tế không cao thì thu vào đâu và thu cái gì”? Vì những dự án tầm vĩ mô thì chỉ cần “lấy thu bù chi” là có thể làm được. Còn thu vào cái gì… thì đó là chuyện của những nhà kinh tế. Những người làm “vĩ mô” như Lẩm Cẩm Lão Gia tôi đây chỉ chuyên về “vĩ mô”! Nói tóm lại, tính đường dài thì dự án taxi Maybach vẫn làm được. Hơn nữa, chúng ta phải quyết liệt và táo bạo mới được. Năm xưa Hitler đã không đánh chiếm gần hết cả châu Âu đó ư? Nếu Hitler không quyết liệt và táo bạo thì làm sao làm được điều này?!!!
Cũng cần xin nói thêm là dự án taxi Maybach này sẽ tạo ra rất nhiều công ăn việc làm. Nào lau xe, rửa xe, hút bụi, mở cửa xe mời khách, thay nhớt, canh giữ xe, bơm bánh xe… thì sẽ lo gì dự án không có lời, có lãi?! Hoặc đối với những ai nghĩ rằng chúng ta sẽ gây nợ cho con cháu vì dự án taxi hàng khủng này, xin được thưa rằng “dự án taxi Maybach” là dự án “taxi hiện đại”! Phải “đi ngay vào hiện đại” để nâng Việt Nam lên “ngang tầm với quốc tế” thì mới được!
Còn chuyện nợ nần thì để sau này con cháu tụi nó giải quyết. Con cháu chúng ta thông minh tài ba thì chuyện giải quyết nợ nần cho cha ông chúng nó là chuyện nhỏ như con thỏ! Còn nếu sau này con cháu chúng ta có bất tài vô tướng như cha ông chúng nó thì đất đai chúng ta còn để lại đó. Con cháu chúng ta cứ bán hết đất đai mà đã được gầy dựng bằng xương máu của biết bao nhiêu thế hệ mới có được để trả nợ là xong ngay chứ gì! Chúng ta không cần phải quá lo xa chuyện nợ nần như vậy.
Ý đã tỏ, lời cũng đã cạn. Nếu quý độc giả nào thấy dự án có thể gây nợ nần tầm “vĩ mô” này thì xin vào www.botay.com để liên lạc với Lẩm Cẩm Lão Gia tôi để chúng ta bàn sâu, bàn kỹ hơn. Hiện giờ, mụ vợ nó chưa cho phép thì chúng ta không thể bàn xa hơn!
II. Đường Sắt Cao Tốc
Đọc bài báo “Sẽ trình lại dự án đường sắt cao tốc” (1) đăng trên mạng báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) mà Lẩm Cẩm Lão Gia tôi mừng muốn rớt nước mắt. Ở cái tuổi xế bóng chiều tà, lần đầu tiên Lẩm Cẩm Lão Gia tôi mới nghe được một vị lãnh đạo cấp Bộ của nước nhà có tầm nhìn 100-300 năm. Vị lãnh đạo có tầm nhìn thế kỷ này là ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Hồ Nghĩa Dũng. Cũng như bao người dân Việt Nam khác, mấy chục năm nay Lẩm Cẩm Lão Gia tôi chỉ nghe kế hoạch 5 năm, 10 năm là cùng. Hoặc hơn thì kế hoạch 2015 năm có định hướng tới 2030. Đùng một cái nghe “kế hoạch cho 100-200-300 năm sau” thì làm sao mà không mừng rớt nước mắt cho được?!
Vì quá yêu mến ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng với tầm nhìn thế kỷ nên Lẩm Cẩm Lão Gia tôi đọc đi đọc lại bài báo chẵn 100 lần! Và sau 100 lần đọc thì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi cũng lại rớt nước mắt. Bởi lẽ, theo lời ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thì “Dứt khoát là phải làm (ĐSCT)… Nói chung là phải làm (ĐSCT… nhưng không thể không làm (ĐSCT)”!
Ai cũng biết rằng dự án ĐSCT là một dự án với hàng trăm tỉ đô la. Một dự án lớn như vậy thì phải trình Quốc hội. Dù biết rằng Quốc hội ta phần đông là Đảng viên và Nghị gật, nhưng dù sao thì cũng phải trình Quốc hội cho đúng với cái câu “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất..”! Nhưng cứ theo cái khẩu khí, dũng khí của ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng “Dứt khoát là phải làm… Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” thì việc trình Quốc hội chỉ là chuyện nhỏ – hay nói cách khác là đồ bỏ!
Nhưng chuyện Quốc hội chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ” đơn thuần chỉ là một nỗi buồn nho nhỏ mà thôi. Bởi lẽ, điều này thì hơn 85 triệu người Việt Nam đã biết từ lâu rồi nhưng giả vờ không biết cho nó sang đó thôi. Vì “Nhân Dân làm chủ. Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra”! Mà Quốc hội là cơ quan đại diện cho người dân. Nếu oang oang toạc móng heo rằng “Quốc hội không có thực quyền” thì quả là xấu hổ, mất thể diện cho hơn 85 triệu Chủ nhân. Do vậy, bao lâu nay người dân Việt Nam phớt lờ cho qua “chuyện nhỏ như con thỏ” này để cho nó sang. Âu nghèo thì cũng nghèo rồi, nhưng dù gì thì cũng còn giữ được nét sang trọng cho nó quý phái! Chứ đã nghèo lại hèn thì quả là xấu hổ. Như vậy, chuyện qua mặt Quốc hội để “Dứt khoát là phải làm…. Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” không làm Lẩm Cẩm Lão Gia tôi buồn phiền nhiều. Mà những điều khác đã khiến Lẩm Cẩm Lão Gia tôi muốn rớt nước mắt.
Một là: Theo ngu ý của Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thì hiện nay chúng ta có những việc khẩn cấp “Dứt khoát là phải làm… Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” khác chứ không phải là xây dựng ĐSCT. Như cải cách và nâng cao giáo dục đại học. Khai tử nạn tham nhũng. Xây dựng bệnh viện để phục vụ bệnh nhân nghèo… vân vân. Ấy vậy mà có ai nói đến “Dứt khoát là phải làm… Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” với những chuyện bức thiết trên đây? Vậy lý do gì đã khiến Chính phủ hiện hành xa gần nhắc khéo “Dứt khoát là phải làm… Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” với dự án ĐSCT?
Hai là: Là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hơn ai hết, ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng biết sự quan trọng của chất lượng công trình. Biết sự hung hiểm của “hố tử thần” trên khắp miền đất nước. Biết sự xuống cấp trầm trọng của các công trình xây dựng bởi chất lượng quá kém. Biết được chuyện “sụt lún, nứt nẻ là do thời tiết” chứ không phải do thi công ẩu tả. Biết được sự nguy hiểm của những con tàu Thống Nhất là nơi phát tán bệnh dịch bởi vì hành khách “té re” xuống đường tàu theo suốt cả chiều dài của dải đất hình chữ S. Những bệnh dịch lây lan như kiết lị, thổ tả, tiêu chảy từ đó mà tự do lây lan. Ấy vậy mà có bao giờ ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói đến “Dứt khoát là phải làm… Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” với những chuyện bức thiết trên đây? Vậy lý do gì đã khiến ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng bóng gió xa gần “Dứt khoát là phải làm… Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” với dự án ĐSCT?
Ba là: Theo lời và cũng là “tầm nhìn đến vài thế kỷ” của ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thì “…130 năm trước đây, người Pháp đã làm đường sắt như bây giờ. Chúng ta làm ĐSCT không phải cho 5 - 10 năm mà làm cho 100 - 200 - 300 năm sau…”! Hệ thống đường sắt Việt Nam do người Pháp chủ trương, xây dựng là điều không thể chối cãi. Nhưng hiện nay hệ thống đường sắt của Việt Nam ra sao? Như vậy. lịch sử đã chứng minh rằng đường sắt Việt Nam lẽ ra phải nâng cấp từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước mới phải. Nhưng cũng có thể khách quan mà nói rằng hệ thống đường sắt của Việt Nam phục vụ được ngót ngét 1 thế kỷ. Cứ cho rằng “lịch sử lặp lại” thì ĐSCT của Việt Nam cũng chừng 100-150 năm là cùng. Lấy quái gì mà tới 300 năm như lời ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng? Biết đâu 100 năm sau, nhân loại sẽ không dùng ĐSCT vì nó tốn kém mà không an toàn thì sao? Bởi lẽ, người Nhật khởi đầu ĐSCT vào năm 1940. Tính đến năm 2010 là 70 năm chẵn. Vậy thì, ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng dựa vào cái gì mà phóng tầm nhìn “300 năm” dữ vậy?
Bốn là: “… Sẽ nối mạng ASEAN, nối đường sắt Singapore, Côn Minh (Trung Quốc). Mạng ĐSCT của Việt Nam nằm trong dự án ĐSCT ASEAN, Côn Minh…”! Người Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới ĐSCT ra khắp thế giới. Và tất nhiên là họ sẽ bán công nghệ này và công nhân Trung Quốc sẽ theo những con đường sắt để di dân ra khắp thế giới. Như vậy, có phải dự án ĐSCT của Việt Nam đã nằm trong kế hoạch này của anh Ba đỏ? Do vậy, anh Ba đỏ đã, đang, và sẽ làm mọi cách để Việt Nam phải “Dứt khoát là phải làm… Nói chung là phải làm… nhưng không thể không làm” dự án ĐSCT? Hay tệ hơn, có ai đó đã hứa “lời hứa quốc tế” sẽ làm dự án ĐSCT như đã từng xảy ra với các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên??? Cứ nhìn những gì đang xảy ra tại các công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hay những công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện mà các công ty Trung Quốc thắng thầu thì đủ biết sự hiểm họa khôn lường nếu anh Ba đỏ lại trúng thầu dự án ĐSCT của Việt Nam.
III. Đống vỏ dừa Vinashin
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Ngọc Sự, tân Chủ tịch HĐQT của Vinashin đã trả lời cuộc phỏng vấn của nhà bào kỳ cựu Phạm Huyền như sau.
“…Nếu dồn Vinashin vào cảnh vỡ nợ, phá sản, các ngân hàng chủ nợ 600 triệu USD cũng không thu được đồng nào. Theo hợp đồng, không có cam kết về việc Vinashin vỡ nợ thì chủ nợ thu được gì. Họ cũng mất hết. Như vậy, hai bên đều cùng thiệt. Đó là thực tế, không thể khác được.
Nhìn chung, tôi cho rằng, các ngân hàng không nên dùng biện pháp cứng với Vinashin trong điều kiện khó khăn như thế này. Bởi khi đó người đi vay sức đã yếu rồi càng dồn họ vào chỗ khó khăn hơn…” (2).
Lẩm Cẩm Lão Gia tôi quả thật hết sức ngạc nhiên khi đọc những lời trên đây của ông tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Sự. Ngân hàng là gì? Xin thưa ngân hàng là công ty đi “buôn tiền”. Mà người đi buôn thì phải có lời. Do vậy, các ngân hàng cũng không là ngoại lệ. Nhưng với lối kiến giải “Nếu dồn Vinashin vào cảnh vỡ nợ, phá sản, các ngân hàng chủ nợ 600 triệu USD cũng không thu được đồng nào…” thì quả là hơi ngớ ngẩn và đầy âm hưởng rừng rú của những người quen dùng luật rừng. Nếu Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không lầm thì các ngân hàng của Mỹ lâm vào cảnh khủng hoảng bởi những khách hàng mua nhà không có khả năng trả nợ tiền mua nhà hàng tháng.
Những ngân hàng lớn ở Mỹ như Washington Mutual, Fannie Mae, Freddie Mac, Wachovia, hay Lehman Brothers… đã lâm vào khánh kiệt bởi khách hàng vay tiền của các nhà băng này để mua nhà đã không có khả năng trả tiền trả góp hàng tháng. Có bao giờ khách hàng vay tiền mua nhà, mua xe mà gặp lúc túng quẫn và ra bảo với ngân hàng “Tôi phá sản thì anh cũng chẳng được gì. Cứ để từ từ rồi tôi xoay xở” bao giờ hay không? Xin thưa là chẳng có thằng điên nào đi lập luận với các ngân hàng như vậy. Dù kéo nhà, kéo xe thì các ngân hàng vẫn lỗ to lỗ nặng nhưng các ngân hàng cũng phải kéo xe, phải thu nhà. Đơn giản, tiền của ngân hàng chứ không phải tiền chùa mà mơ tưởng cái câu “Tôi phá sản thì anh cũng chẳng được gì”!
Dẫu biết rằng trường hợp của Vinashin có khác hơn người đi vay tiền mua nhà mua xe, nhưng một khi không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng thì kết quả của Vinashin và anh mua nhà vẫn như nhau. Đó là từ nay khó vay tiền của ngân hàng. Nếu vay được thì cũng phải vay với phân lời trên trời chót vót. Công ty làm ăn tốt, khách hàng mua nhà tốt thì được vay với phân lời 5%-10%. Còn điểm tín dụng xấu như Vinashin thì phải trên 25%.
Một điều đáng nói ở đây là Việt Nam trong vòng 10 năm tới còn phải đi vay nợ các ngân hàng nước ngoài dài dài. Vụ Vinashin mất điểm với các ngân hàng nước ngoài sẽ khiến các công ty của Việt Nam phải vay với phân lời cao ngất ngưởng. Vậy thì, với chủ nợ của Vinashin mất 600 triệu đô, nhưng nếu tính đường dài thì các công ty của Việt Nam sẽ mất đến cả tỉ đô la bởi sự ảnh hưởng tín dụng của Vinashin. Như vậy thì “Vinashin làm như vậy – lợi hay hại”? Rồi tiếp đến là khó khăn khi đi vay nợ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình, tiến độ của dự án. Cái này còn lỗ to lỗ nặng hơn nữa. Nhất là trong khi Việt Nam cần phải vay những khoản tiền lớn để thực hiện các dự án lớn trong vòng 10 năm tới.
Vì vụ Vinashin mà “Standard&Poor’s hạ thấp hạng bậc giá trị trái phiếu Nhà nước bằng ngoại tệ từ BB xuống BB-. Trước đó 8 ngày, công ty Moody’s cũng đánh sụt hạng trái phiếu chính phủ của Việt Nam từ Ba3 xuống B1, với triển vọng không sáng sủa giống như sự lượng giá của S&P’s” (3) là những bằng chứng rõ ràng nhất cho sự “rừng rú” khi giao dịch với các ngân hàng.
Như vậy, sự thiệt thòi to lớn vẫn là các công ty của Việt Nam trong thời gian tới. Mà các công ty của Việt Nam bị ảnh hưởng thì nền kinh tế của Việt Nam cũng bị vạ lây là điều đương nhiên. Mà kinh tế Việt Nam bị vạ lây thì hơn 85 triệu người Việt Nam phải “sổ mũi”. Do đó, có thể nói rằng “Vinashin là đống vỏ dừa” mà hơn 85 triệu người Việt Nam đạp phải và dọn dẹp mà không được chút xơ múi nào. Vì trong đống vỏ dừa thì có quái gì trong đó để mà ăn!!!
L. C. L. G.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét