Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

GIAN TRUÂN NGHỀ CÂU ẾCH

Hiện nay, ếch đồng là một đặc sản, một món ăn ưa thích của hầu hết mọi người. Muốn bắt được chúng có rất nhiều cách, nhưng phổ biến nhất vẫn là câu.

Như ta đã biết, ếch là loài động vật lưỡng cư, sống nửa nước nửa cạn. Vào mùa khô, chúng sống trong hang. Đến khi mùa mưa bắt đầu, khoảng đầu tháng 4 (âm lịch), ếch sẽ ra khỏi hang để kiếm thức ăn và sinh sản. Ếch đực có một túi kêu dưới má, nhỏ bằng hạt bắp, nhăn nheo, màu vàng xậm; đầu nhỏ, bụng thon, trọng lượng nhỏ hơn ếch cái, có chai tay ở ngón tay thứ nhất bàn tay trước như giác bám để ôm ếch cái khi sinh sản. Tất cả các loại ếch đều thích bắt mồi động. Ở Việt Nam có hai loài ếch phổ biến là ếch da nâu và ếch cốm. Ếch da nâu là ếch ta thường thấy, còn ếch cốm có da hơi xanh, nhỏ hơn ếch da nâu một chút.


Một chú ếch cốm đang nổi đầu. Ảnh: internet

Ở vùng quê, khi mùa mưa đến cũng là lúc mọi người chuẩn bị vào mùa câu ếch. Đồ nghề câu khá đơn giản. Ta chỉ cần một cây trúc dài khoảng 10m, không cần độ cong và dịu như cần câu cá rô. Sở dĩ như vậy là vì ếch là loài tương đối nhút nhát, khó lại gần nên phải có cần câu dài thì mới có thể ở xa mà đưa mồi câu đến được chúng. Dây câu thường được làm bằng dây ni lông, dài khoảng 1,5 - 2m. Lưỡi câu là loại dùng để câu cá lóc. Mồi câu là những loại lá, hoa, quả có màu sắc sặc sỡ, thậm chí chẳng cần mồi câu. Còn đồ đựng ếch thì chỉ cần một cọng dây chuối để buộc thành sâu là được. Lưu ý, câu ếch khác với cắm câu ếch ở chỗ là ta đi câu vào ban ngày, chỉ sử dụng một cần câu và một lưỡi câu duy nhất. Ngoài ra, cần câu, dây câu cũng dài hơn, lưỡi câu to hơn, mồi câu cũng khác hơn.

Thông thường, đi câu vào những ngày đầu mùa ít có ếch lớn mà chỉ toàn ếch lứa lứa. Do đó, thời điểm lí tưởng nhất là lúc khoảng một tháng sau khi rớt hột mưa đến hết mùa mưa. Vì lúc này những con ếch lứa đã lớn, những con ếch bố mẹ cũng vừa sinh sản xong, nên chúng cần ăn nhiều hơn nên xuất hiện nhiều hơn, to hơn, dạn hơn.

Vào cuộc đi câu, đầu tiên ta tìm những cái mương thích hợp, đi dọc theo mé từ đầu đến cuối mương, vừa đi chân vừa dậm xuống đất hoặc các bụi rậm. Làm như vậy mục đích là để cho ếch nghe tiếng động mà phóng xuống mương. Dấu hiệu để biết ếch vừa mới phóng là lắng nghe âm thanh kết hợp với quan sát mặt nước. Nếu ếch nhỏ ta sẽ nghe tiếng “chụt”, ếch lớn nghe “xộn”, nhưng có những con rất khôn, nó không tạo ra âm thanh mà chỉ chuồi nhẹ xuống nước không tiếng động. Đối với người đi câu, những dấu hiệu này rất quan trọng, vì nó giúp họ biết ếch to (ếch bà) hay nhỏ, nhiều hay ít, và đó có phải là con ếch hay không. Bởi nhiều khi thấy phóng xuống nhưng hóa ra chỉ là một con chàng hiu, một con nhái hoặc một con bồ tọt mà thôi. Những cách thức kể trên hay ở chỗ, thay vì đứng chết một nơi để đợi một con nổi lên, ta lại có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều con cùng một lúc, do đó câu được nhiều hơn và tốn ít thời gian hơn.

Theo kinh nghiệm, ếch nhỏ lặn rất mau, đôi lúc vừa phóng xuống thì chúng đã nổi lên ngay. Còn với các con ếch bà, chúng có thể lặn đến vài tiếng đồng hồ, rất khôn và nhát, nhiều lúc đợi cả buổi mà chẳng thấy tăm hơi chúng đâu. Bù lại đó, ếch có một đặc tính là nếu phóng ở bờ này thì gần như sẽ nổi ở bờ kia. Cũng có một số ít nổi ngay chỗ vừa phóng hoặc giữa mương, và nhiều khi cả mùa mưa chúng chỉ ở quanh quẩn chỗ đó mà thôi. Do vậy, chỉ cần nhớ chúng phóng ở đâu thì cứ đến gần chỗ ấy để xem chừng là có thể câu được ngay. Nên nhớ rằng, câu ếch ngại nhất là tiếng động. Vì thế, sau khi đuổi xong, người câu có thể đi tới lui để quan sát nhưng phải hết sức cẩn thận. Những người chuyên nghiệp họ không đi lại nhiều mà lựa một góc để đứng sao cho quan sát được xa và rõ.

Nhưng dù đứng ở đâu, khi thấy ếch nổi, ta phải hết sức bình tĩnh, mọi động tác đều phải hết sức nhẹ nhàng. Cứ thế, ta móc một chiếc lá có màu sắc vào lưỡi câu rồi đưa cần câu ngày một dài ra. Lưu ý là không được đưa mồi ngay ếch một cách đột ngột mà phải nhấp nhấp cách đó một quảng rồi từ từ tiến lại gần. Nguyên nhân là do mắt ếch kém, chỉ phát hiện các loại mồi động nên nếu ta đưa mồi xuất hiện bất ngờ quá thì ếch sẽ hoảng hồn mà lặn mất. Tuy nhiên, có những người không bao giờ dùng mồi để câu mà chỉ đưa lưỡi lại gần ếch rồi canh sao cho khi giật lưỡi phải móc vào thân ếch. Cách này dân câu thường gọi là giật mép, nó cũng khá hiệu quả nhưng nếu giật xẩy ếch sẽ rất nhát.


Những con ếch bà bị tóm. Ảnh: internet

Và cũng theo kinh nghiệm, ếch nhỏ thường dễ câu hơn ếch lớn, bởi chúng rất háo mồi và dạn dĩ. Riêng đối với những con ếch bà thì lại câu rất cực. Vì như trên đã nói, ếch bà rất khôn và nhát, không háo mồi như ếch nhỏ, chỉ cần một sai sót là chúng lặn ngay, nhiều khi không bao giờ nổi nữa. Vì vậy, khi đưa mồi hay lưỡi câu đến những con ếch này ta phải thật sự tập trung mới có thể câu được chúng.

Nhưng những lúc ếch nổi ở gần còn đỡ, chứ khi nó nổi ở xa, ta câu còn cực hơn gấp bội. Bởi lẽ ta không thể đi thẳng lưng và mạnh dạn như đi câu cá mà phải khom, phải bò, phải trườn như tập quân sự, từng bước tiến lại gần đối tượng, hồi hộp và căng thẳng chẳng vô cùng. Những nơi có nhiều cây cho khuất khuất còn đỡ, gặp những nơi trống trải thì bò rất khổ vì sợ ếch thấy. Nói không ngoa chứ nhiều khi câu xong một con kiểu như vậy, người câu như muốn đừ ra vì tâp trung cao độ. Nhưng nếu cực như vậy mà bắt được ếch thì cũng không nói gì, đằng này nhiều khi bò từ đầu mương đến cuối mương mà có chút động tĩnh là ếch lặn mất. Cũng vì nguyên nhân đó mà nhiều buổi đi câu ta chỉ được một vài con.


Ếch xào cải chua. Ảnh: internet

Thật ra, những gì đã nói ở trên chỉ là một trong rất nhiều cách câu ếch. Vì nhiều nơi họ không làm như vậy mà dùng mồi có màu sắc rồi kéo lê hoặc nhấp trên mặt đất, mặt nước, mé mương,…để dụ ếch ra khỏi chỗ ẩn nấp. Cách này cũng không cho kết quả cao vì bị vướng cỏ và không phải con nào cũng chịu ra khỏi chỗ ở và chịu ăn mồi, nhất là với ếch bà. Và nếu so với đi cắm câu ếch thì cả hai cách trên đều thua xa.

Nhưng dù cho có câu cách nào đi nữa thì ai cũng phải công nhận rằng, câu ếch tuy không dễ nhưng là một công việc thú vị. Thú vị vì nó tập cho ta tính kiên nhẫn, chịu khó và tỉ mỉ. Vì vậy, khi câu được nhiều ếch ta cảm thấy rất hãnh diện. Thú vị nữa là vì thịt ếch rất ngon, chế biến được rất nhiều món ăn hấp dẫn như: Ếch xào lăn, ếch xào cải chua, ếch muối ớt nướng vỉ, ếch kho sả, ếch ôm măng, ếch nấu măng chua, ếch nướng lá dâu, ếch rán, canh ếch, ếch trộn rau nhút, ếch kho tộ,… Có thể nói, đó chính là động lực để nhiều người luôn mãi gắn bó với nghề câu ếch, dù biết “nghề chơi” cũng lắm công phu.


Xuân Sắc

Cuộc Sống Việt _ Theo Tài hoa trẻ 584

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét