Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

ĐẶT CÁ CHẠCH

Khi mùa nước nổi về, khoảng tháng 9, tháng 10 (âm lịch), cũng là lúc người dân vào vụ đánh bắt cá đồng. Và trong vô số những nghề vào mùa ấy, có nghề đặt cá chạch rất độc đáo.

Ở Việt Nam ta có 6 loại cá chạch: Chạch khoang, chạch rằn, chạch lá tre (chạch gai), chạch bông, chạch sông (chạch lấu) và chạch bùn. Riêng ở ĐBSCL, khi mùa nước nổi về, bên cạnh các loại các đồng khác, cá chạch cũng sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Vào mùa này, những sinh vật phù du, tép rong, cá nhỏ rất phong phú nên đó là nguồn thức ăn dồi dào để cá chạch lớn nhanh, mập ú. Để bắt cá chạch, người ta sử dụng rất nhiều cách khác nhau như giăng lưới, chài, đào bùn, cào,… nhưng những cách ấy cho hiệu quả không cao. Ở một số vùng quê, người dân nghĩ ra một cách tuy lạ mà quen là dùng những cái lợp giống như lợp đặt cá bống hoặc tép để dụ chúng vào.


Cá chạch lấu. Ảnh: internet

Điểm đầu tiên khi chọn lợp phải là lợp tốt, được làm bằng tre già, cọng nan nhỏ và tròn, được chuốt bóng. Hơn nữa, khoảng cách giữa các nan phải không quá thưa, vì như vậy cá chạch có thể chen ra ngoài khi vào lợp. Tiếp sau đó là ta chuẩn bị mồi để đặt. Mồi đặt cá chạch khá đơn giản, chỉ cần lấy xẻng đào ít trùn, sau đó cho chúng vào một tấm vải nhỏ buộc túm lại rồi cho vào trong lợp. Khi chuẩn bị xong, ta bắt đầu đi đặt lợp. Lưu ý, ta chỉ đặt vào ban ngày, vì ban đêm cá chạch ít khi vô lợp, đây là một đặt điểm khá lạ so với các loài cá khác.

Địa điểm đặt lợp tuy dễ nhưng chỉ những người có kinh nghiệm thì mới biết nên đặt ở đâu là lý tưởng nhất. Nên nhớ là cá chạch có thể sống khắp nơi trên cánh đồng, tuy nhiên, sẽ có những thửa ruộng chúng tập trung đông đúc đến kì lạ. Và những nơi ấy thường là những thửa ruộng trũng, nước trong, ấm và ít biến động. Khi đặt, ta móc một lỗ bùn sao cho vừa với cái lợp rồi đặt xuống, khoảng cách giữa các lợp khá xa nhau, nhiều khi một thửa ruộng chỉ đặt vài cái là đủ. Khác với khi đặt các loài cá khác, thời gian thăm lợp cá chạch khá lâu. Trong ngày, ta chỉ thăm tối đa hai lần, nên khi đặt xong, ta có thể đi làm những công việc khác nhưng tránh làm động đến những nơi vừa đặt.

Tuy chờ đợi khá lâu nhưng khi thăm ta sẽ lập tức quên đi quãng thời gian mỏi mòn trước đó. Khi dỡ lợp lên, nếu có cá chạch, ta sẽ thấy từng cái lưng bóng láng màu xanh nhạt và hai bên đuôi có những chấm đen hiện ra, khẻ cựa quậy lúc nhúc và kẹt cứng lại trong hom. Cá chạch rất nhạy mồi, nếu không có thì thôi, còn nếu có thì chúng sẽ vô chật cả lợp, rất ít khi dính 1 - 2 con.


Cá chạch kho nghệ. Ảnh: internet

Cá chạch bắt về còn tươi trong, rộng cho nhả hết mồi rồi chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như: Chạch kho nghệ, chạch xào sả ớt, chạch nấu lẩu, chạch nấu cháo, chạch nấu canh chua,…Có một điều đặc biệt là khi làm cá chạch người ta không mổ bụng mà chỉ làm sạch nhớt. Với những người sành ăn, cá chạnh mà mổ bụng thì coi như thất sách, vì bụng cá là cái quí nhất, là tinh túy mà cá chạch có được. Trong trường hợp ăn không hết, người dân thường đem cá chạch phơi khô để ăn lâu dài. Đây cũng là một trong những món đặc sản trứ danh mà mọi người đều ưa thích, nhất là khi khô được nướng lên ăn kèm ít rau sống và nhắm cùng rượu đế thì quả là ngon và thú vị không gì bằng.

Xuân Sắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét