Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Di chiếu của Lý Nhân Tông

Lý Nhân Tông (1072 - 1127), húy là Càn Đức, con trưởng của vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), mẹ đẻ là Ỷ Lan thái phi. Vua sinh vào tháng 1 năm Bính Ngọ (1066).
Càn Đức chào đời hôm trước thì ngay ngày hôm sau được phong làm thái tử và đến năm lên 6 tuổi (Nhâm Tí - 1072) thì được lên nối ngôi. Chân dung vua Lý Nhân Tông được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 6-b) miêu tả đại lược như sau:

“Vua trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp, người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý”.

Lý Nhân Tông ở ngôi 56 năm, thọ 62 tuổi, là vị vua trị vì lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng, Lý Nhân Tông bất diệt không phải là chỗ trị vì lâu dài, mà là ở lời di chiếu chứa chan lòng yêu nước, thương dân. Cũng sách trên (tờ 25-b và 26-b) đã trang trọng ghi lại lời di chiếu ấy. Xin trích hai đoạn sau đây:

“… Trẫm nghe, phàm các loài sinh vật, không loài nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất và lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế nhưng người đời chẳng ai không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho thế là phải. Trẫm ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế... làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào? Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã 56 năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì ?”

“… Việc tang thì chỉ ba ngày là bỏ áo trở, nên thôi thương khóc. Việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. Than ôi! mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng, từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết. Các ngươi nên thực lòng kính nghe lời trẫm, bảo rõ cho các vương công, bày tỏ cho hết trong ngoài”…

Lời bàn:

Thói thường, lời vĩnh quyết cũng có thể là lời vô nghĩa nhất mà cũng có thể là lời minh tuệ nhất. Lời Lý Nhân Tông thuộc loại thứ hai. Nhưng, lời ấy không phải là lời bất chợt của phút chót cuộc đời mà là lời phản ánh một đời nặng lo gánh vác trọng trách trước sơn hà xã tắc. Lý Nhân Tông là nhân vật gắn liền với ba sự kiện lớn ở nửa sau của thế kỷ Xl. Một là đã mở khoa thi Nho học đầu tiên vào năm Ất Mão (1075). Từ đây, phương thức tuyển lựa quan lại bằng thi cử được thiết lập. Cũng từ đây, đội ngũ quan lại chính quy dần dần thay thế đội ngũ quý tộc thế tập. Hai là đã lập ra Quốc Tử Giám vào năm Bính Thìn (1076). Từ đây, nền đại học của nước nhà được khai sinh. Cũng từ đây, trước khi tham chính, quí tộc phải trải qua một giai đoạn đào tạo hẳn hoi. Ba là đã chỉ huy quân dân cả nước đập tan cuộc xâm lăng của nhà Tống vào năm Đinh Tị (1077), làm cho “nước lớn sợ”, làm cho uy danh của nước Đạt Việt trở nên lừng lẫy.

Con người có nhiều cống hiến lớn lao ấy lại không muốn xây lăng mộ riêng, cho dẫu trước sau. Ông vẫn là đại diện cao nhất của giai cấp quý tộc đương thời. Ngày nay, khi đến với Thăng Long cổ kính, ai cũng biết và cũng muốn đến với khu Quốc Tử Giám nổi tiếng ngàn năm, nhưng hầu như chẳng ai biết và cũng ít ai muốn về thăm nấm mồ bình dị của ông. Ông đã hoá thân thành lịch sử và chính ông cũng là một phần của lịch sử nước nhà vậy.

(Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần – NXB Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét