Nhạc sĩ Minh Châu.
Nhìn lại suốt 9 tháng, từ đầu năm đến nay; những hoạt động cũng như những ấn phẩm của dòng nhạc âm hưởng dân ca hầu như không có gì đáng kể. Đây có thể chính là hệ quả sau một thời gian dòng nhạc này phát triển manh mún,thiếu sự đồng bộ và đồng thanh cộng lực của những người làm nghề (nhạc sĩ sáng tác,hoà âm,ca sĩ,nhà sản xuất…), đây đó chỉ là những album,những buổi diễn lẻ tẻ của những cá nhân nghệ sĩ đơn lẻ, hoặc có thể vài ba người cùng làm một chương trình,một album nào đó-dù có khi họ gọi đó là một “dự án âm nhạc”, nghe thì thật kêu nhưng thực tế hiệu quả đem lại cho đời sống thì thật khiêm tốn và đôi khi có cảm giác thật lẻ loi, manh mún như viên sỏi rơi xuống lòng sông. Vậy ta thử tìm hiểu xem vì sao lại dẫn đến thực trạng đó.
NHỮNG NHÁNH PHÁT TRIỂN KHÁC NHAU
Hiện nay,những khuynh hướng phát triển dòng âm hưởng dân ca phổ biến tại nước ta theo hai hướng khác biệt rõ rệt sau đây:
Hướng phát triển đậm đặc: thường là những sáng tác của những tác giả phía Bắc; trước đây, những ca khúc này thường sử dụng chất liệu dân gian khá “đậm đặc”, dường như ít màu sắc nhạc nhẹ, và thường khai thác chất liệu đậm đặc của vài điệu thức vùng miền, nhất là ca trù; khiến đôi khi đại chúng khó cảm thụ một cách dễ dàng và tự nhiên. Ít năm gần đây, một số tác giả trẻ nỗ lực sáng tạo theo phong cách có tên “dân gian đương đại”, mang nhiều yếu tố hiện đại và cầu kỳ trong hình thức âm nhạc,cấu trúc, phối khí….đôi khi mang nặng yếu tố học thuật khiến tác phẩm mất đi vẻ bình dị cố hữu của âm nhạc dân gian và vì thế độ phổ cập quần chúng cũng dễ trở nên khó khăn, hạn chế .
Hướng phát triển nhạt nhoà: thường là những ca khúc phát triển rộng rãi ở phía Nam, tuy rộng rãi nhưng tính đặc trưng không rõ rệt; là những ca khúc có hơi hướng của một chút ngũ cung, và thường có nội dung là chuyện tình yêu đôi lứa nhuốm màu buồn bã; âm hưởng ngũ cung này thường gần với hơi “Oán”của dân ca Nam bộ, cùng với khúc thức đơn giản, đôi khi có phần nghèo nàn khiến hàng loạt những ca khúc này có màu nhàng nhàng tương tợ nhau; vì thế, thiếu tính đặc trưng; thậm chí, có những ca khúc mâu thuẫn về điệu thức vùng miền trong cùng một bài hát.
Theo thiển ý của người viết, sở dĩ phân tích khái quát hai hướng trên để thấy dường như chúng là hai nhánh, hai hướng khác nhau của thân cây âm nhạc dân tộc; dường như chưa hoà hợp với đặc trưng của âm nhạc dân gian là tính bình dị, quảng đại nhưng thâm thuý-hoà quyện trong đó là hồn cốt hơi thở của thiên nhiên, đồng ruộng, đất trời…gắn bó vớí tâm cảm của người dân Việt hiền hoà và giản đơn; vì thế, hai khuynh hướng trên dường như phát triển chỉ ở hình thức âm nhạc, ở bề nổi, ở cành lá…mà thân cây thật sự vẫn chưa có sự phát triển đúng mức, nghĩa là những ca khúc âm hưởng dân gian phải thực sự nói lên được những rung động nồng nàn trong tâm hồn người Việt bằng ngôn ngữ âm nhạc thật bình dị;như thế mới có thể tìm gặp sư đồng cảm rộng rãi và dễ dàng của quần chúng.
Khi chúng ta thật sự hiểu hết cái màu mỡ tiềm tàng trong mảnh đất của mình và biết khai phá một cách đúng đắn,lúc ấy mới có được vụ thu hoạch lớn lao và hiệu quả.
Khi đã thấy những điểm bất cập của hai khuynh hướng trên; ở đây,ta không nêu cụ thể những ca sĩ nào đi theo dòng nào,nhưng những hạn chế của mỗi khuynh hướng như đã phân tích sẽ khiến những sản phẩm,những hoạt động của họ dường như chưa tìm thấy sự thẩm thấu chặt chẽ,rộng rãi và bền lâu trong đời sống xã hội.Chính vì thế,thời gian vừa qua,dòng nhạc âm hưởng dân gian sau những lúc vặn mình lại dường như rơi vào trạng thái tĩnh lặng.
NHỮNG YẾU TỐ DẪN ĐẾN NHỮNG HẠN CHẾ
Thực trạng cho ta thấy, dòng nhạc âm hưởng dân ca thời gian qua chỉ lao xao ở cành lá ngọn mà không phát triển từ gốc .Nguyên nhân lớn nhất vẫn là ý thức và tầm hiểu biết về âm nhạc dân gian - văn hoá dân tộc của những người làm nghề(người sáng tác,ca sĩ…) chưa thật hàm súc.Có khi dòng dân gian được họ sử dụng như một phương tiện để tô đậm bản thân mình; xin lấy ví dụ như có một ca sĩ thường cho là mình đi theo dòng nhạc “dân gian đương đại”; thế nhưng, trong một chuyến đi ra miền Trung, cảnh vật thiên nhiên hoa mỹ bày ra suốt chặng đường, thì từ khi lên xe anh ta chỉ nằm ngủ! chẳng quan tâm tới cảnh đẹp thiên nhiên, thậm chí cứ lầu bầu mãi rằng: sao đường xa quá! Tôi thầm nghĩ: với một tâm hồn vô cảm như vậy thì những thành phẩm “dân gian đương đại”của anh làm sao có hồn và có nghĩa.
Một điều cũng đáng buồn là những người làm nghề thiếu sự liên kết và hỗ tương lẫn nhau, từ khâu sáng tác đến hoà âm rồi ca sĩ…thiếu sự liên kết giữa các thành tố. Thường đơn lẻ chuyện ai nấy làm để rồi cho ra những album, dự án lẻ mẻ như những viên đá rơi xuống mặt hồ; chuyện kết hợp một cách nhiệt tình giữa những người làm nghề dường như rất khó; đơn cử như trường hợp của người viết, sau album “Trường ca Bức Tranh Non Nước” (phát hành năm 2003) tôi bắt tay vào viết tiếp “Trường Ca Dân Việt”, nay tác phẩm viết xong đã lâu nhưng thật khó có những liên kết hỗ tương để sản xuất và phát hành-từ những đồng nghiệp giỏi hoà âm,ca sĩ, nhà sản xuất…hầu như tất cả đều chẳng mấy mặn mà với lời mời hợp tác; chắc có lẽ, những sản phẩm dòng dân gian này trước đến giờ phát triển lặng lẽ và manh mún nên không đem lại hiệu quả cao, vì thế mọi người cũng nản, chẳng cần phải sát vai hợp lực mà chi.
LÀM THẾ NÀO BÂY GIỜ?
Rất cần một góc nhìn bao quát để phân tích những nguyên nhân và cách khắc phục những hụt hẫng này. Có lẽ tất cả những người làm nghề cần xây dựng lại tầm chiêm nghiệm về tình tự dân tộc,thẩm thấu và hoà nhịp với đời sống, văn hoá và tâm cảm người dân Việt;hơn nữa, rất cần thiết xây dựng ý thức nghề nghiệp vững chắc, luôn học hỏi, cầu thị và sẵn sàng đồng thanh đồng hợp cùng nhau, để phát triển dòng nhạc âm hưởng dân gian ngày càng giá trị và có sức sống mạnh mẽ trong lòng người dân Việt.
Nhạc sĩ Minh Châu.
Hội viên Hội Nhạc Sĩ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét