Thôn Văn nằm ở cuối xã Thanh Liệt (Thanh Trì) phía Nam giáp tỉnh lộ 70, sông Tô Lịch là ranh giới tự nhiên giữa thôn Văn với các thôn khác của xã ở phía Bắc. Theo cổ sử, thôn Văn còn có tên Văn Xá, trang Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, tỉnh Sơn Nam. Và Văn Xá chính là quê hương của Chu Văn An (1292-1370) một trong những Danh nhân văn hóa lớn, nhà sư phạm uyên thâm, lỗi lạc của dân tộc thế kỷ 13-14.
Theo cuốn “Lịch sử truyền thống cách mạng xã Thanh Liệt” và lời kể của ông Chu Tiến Tài, 63 tuổi, hậu duệ đời thứ 26 họ Chu, thì: “Thuở nhỏ, Chu Văn An đã thể hiện tính cương giới, thanh tu khổ tiết, không ham danh lợi, học giỏi, hiểu sâu, biết rộng. Năm 12 tuổi đỗ “Thái học sinh”. 16 tuổi đỗ “Đình Thí” (khoa Thi đình) rồi mở trường dạy học ở thôn Huỳnh Cung (giáp thôn Văn). Học trò của thầy Chu đông tới 3.000 người, có trò từ Kinh Bắc, Sơn Nam, Châu Hồng, Châu Hoan đến “chật cả cửa” xin học. Nhiều người từng đỗ đạt cao, được bổ làm quan như Cao Bá Quát, Phạm Sư Mạnh... Năm 26 tuổi, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông phong chức Gián quan và được mời dạy Thái tử Vượng. Sau khi Thái tử lên ngôi, Chu Văn An được thăng lên Tư nghiệp Quốc Tử Giám (hiệu trưởng). Khi Trần Hiến Tông mất (mới 23 tuổi), Trần Dụ Tông lên ngôi. Từ đây chính sự chao đảo, dân tình loạn lạc, bọn gian thần xu nịnh thừa cơ thao túng việc triều chính. Thầy Chu đã ra sức can ngăn, nhưng vua không nghe, nội tình càng thêm rối bời. Không thể im lặng mãi, thầy Chu liền dâng vua “Thất trảm sớ”, đòi chém 7 tên quan tham, nhưng không được chấp thuận, ông liền trả mũ áo, từ quan về quê tiếp tục dạy học. Khoảng năm 1360, thầy Chu đi vãng cảnh vùng Chí Linh (Hải Dương) thấy đẹp cảnh, đẹp người mà lưu lại, ở ẩn bên núi Phượng Hoàng, lấy hiệu là “Tiều ẩn”, mở trường dạy học và làm thuốc nam.
Đã vài lần vua Dụ Tông mời Chu Văn An về tham chính nhưng ông đều từ chối khéo. Năm 1369, Dụ Tông mất, Dương Nhật Lễ cướp ngôi. Trần Phủ, con Dụ Tông đã cùng Trần Nguyên Đán khởi binh, phế truất Nhật Lễ. Trần Phủ (Trần Nghệ Tông) lên ngôi. Thầy Chu chống gậy về kinh chúc mừng, vua rất cảm kích. Do tuổi cao, sức yếu, ngày 26-11 năm Canh Tuất (1370) thầy giáo Chu Văn An tạ thế tại xã Văn An, Chí Linh, thọ 78 tuổi. Sau khi ông mất, vua ban tên thụy là Văn Trịnh Công, được đặc ân tòng tự trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngang hàng với các bậc tiên nho. ở Chí Linh, mộ Chu Văn An được xây trên lưng chừng núi Phượng Hoàng, có đền thờ, bia đá khắc “Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xứ”. ở thôn Văn và xã Thanh Liệt hiện nay có 2 nơi thờ: Miếu Thổ Kỳ (thờ cả mẫu thân và cụ Chu), Đình Nội có tên “Tiên triết Chu Văn An” xây ở trung tâm xã. Trong đình có tượng cụ Chu và hai hậu duệ: Chu Tam Tỉnh, đỗ Tiến sĩ năm 1431. Chu Đình Bảo, đỗ “Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ” năm 1484.
Thôn Văn hôm nay đã đổi khác rất nhiều. Cả thôn chỉ có 328 hộ, gần 2.000 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng trồng trọt, chăn nuôi nhưng không còn hộ đói, nghèo. Theo ông Tài, đã có 65% hộ xây nhà kiên cố, 100% nhà có xe gắn máy, 100% tivi màu, 70% gia đình lắp máy điện thoại cố định, di động. Ngoài lúa, ở đây còn trồng vải quả (vải làng Quang vốn được dùng để tiến vua thuở xưa), dưa chuột xuất khẩu. Vải, dưa được coi là đặc sản của làng, từng đi vào ca dao:
Vải Quang, húng Láng, ngổ Đăm
Cá rô đầm Sét, Sâm cầm Hồ Tây
Chừng mấy chục năm gần đây, thôn Văn còn trồng đậu Hà Lan một loại rau cao cấp.
Qua tâm sự với ông Tài, họ Chu ở thôn Văn chỉ còn hơn 30 gia đình. Ông nói: “Tôi được nghe kể và thực tế có thể chấp nhận được, rằng sau khi cụ Chu dâng “Thất trảm sở” không thành, nhiều gia đình họ Chu phải bỏ làng đi nơi khác để tránh họa...”. Thì ra vậy.
Gần đây, một tin vui đối với thôn Văn và đồng bào cả nước: UBND thành phố Hà Nội đã có “Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử, văn hóa Chu Văn An”, rộng 30 ha, giữa trung tâm xã Thanh Liệt. Đây là công trình “Chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
HNM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét