Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

VÀI CÂU CHUYỆN THỜI BAO CẤP

Thảo Dân

Thời bao cấp có hàng trăm hàng ngàn câu chuyện cười mà bây giờ nhớ lại nó như là tiếu lâm. Hiện thực 100% mà cứ như chuyện đùa chuyện bịa. Tôi nhớ có vài chuyện như thế này:

Câu chuyện thứ nhất

Bác ruột Tôi nghỉ hưu chuyển cả gia đình từ Thái Nguyên về quê sống. Gia đình Bác tôi cả nhà là công nhân thành ra mọi thứ mua bán đều bằng tem phiếu của nhà nước. Bữa ấy Bác tôi yêu cầu anh con cả (anh họ tôi) đi lên cửa hàng thực phẩm của huyện mua thực phẩm cho cả nhà. Anh tôi đi bằng xe đạp và rủ tôi đi cùng để ngồi đằng sau cầm hộ những thực phẩm dự kiến sẽ mua tại cửa hàng huyện.

Khi đi mọi việc xuôn xẻ không vấn đề gì. Lên tới cửa hàng ông anh họ tôi xếp hàng mua theo tiêu chuẩn tem phiếu như quy định. Tôi cũng chẳng biết các ô phiếu ngày xưa ô nào bán thực phẩm gì nữa nhưng ông anh tôi thì thuộc lắm có lẽ do phải mua thực phẩm thường xuyên bằng tem phiếu nên mới thuộc thế. Thành quả của việc xếp hàng chầu chực hôm đó là mấy bìa đậu phụ, mấy lạng thịt và bát mắm tôm. Anh họ tôi đưa tôi cầm túi đậu phụ và miếng thịt có lạt buộc ngồi đằng sau, còn anh tôi một tay cầm bát mắm tôm tay kia thì lái xe. Đến đoạn đường có chiếc cống mới xây bắc qua con mương, anh tôi lái một tay thành ra loạng choạng rồi cả hai đổ kềnh. Các bạn biết không cả hai anh em tôi ngã chỏng quèo, hai đầu gối chân tôi chầy xước chảy máu, xe đạp thì đổ kềnh mà trên tay anh tôi bát mắm tôm còn nguyên, trên tay tôi thịt và đậu cũng còn nguyên. Cái này gọi là “thà chết chứ nhất định không hy sinh” nghĩa là bất chấp tính mạng tài sản, thực phẩm phải được ưu tiên số một. Đói quá thành ra miếng ăn nó quý đến thế đấy các bạn ạ. Phần nữa nếu nhỡ đánh đổ chắc anh em tôi nhừ tử với Bác tôi thành ra mặc dù đau nhưng cả hai luôn mồm kêu : May quá, may quá là may.

Câu chuyện thứ hai - Cưới bóp mõm

Quê tôi là làng thuần nông, hầu hết các gia đình nào cũng có tăng gia nuôi thêm con lợn con gà nhằm cải thiện cuộc sống. Thời đó nhà nước mình có quy định nếu mổ lợn là phải xin phép. Có gia đình cưới con muốn mổ lợn để có thực phẩm tổ chức đám cưới nhưng làm đơn mà xã lại không đồng ý. Họ hàng họp bàn ra tính vào cuối cùng chọn được phương án là mổ lợn chui. Phương án được duyệt nhưng ngặt một lỗi là khi bắt lợn từ chuồng đem ra mổ thì thế nào nó chả kêu. Thế thì lộ béng còn gì là bí mật nữa, đang muốn tránh ông công an xã mà. Thế là lại ngồi bàn nát nước về phương thức mổ lợn chui. Đúng là cái khó ló cái khôn, họ hàng mỗi người một ý cuối cùng chọn ra sáng kiến cho cả bác Trư vào bao tải đựng tro bếp lão Trư càng kêu càng sặc, cứ gọi là im thin thít, tuyệt đối bí mật. Khiêng cả con lợn ra chọc tiết mà hàng xóm láng giềng cấm thấy không có tiếng động nào cả. Kinh nghiệm quý báu này nhanh chóng được phổ biến bằng phương thức truyền thông gọi là sang tai. Rồi cả làng, cả xã áp dụng cho hoàn cảnh gia đình nào muốn mổ lợn mà xin phép chính quyền xã nhưng không được. Hiện tượng cưới mà mổ lợn chui theo phương thức cho lão Trư vào bao tải tro sau dân làng tôi gọi là “Cưới bóp mõm”.

Câu chuyện thứ ba – Đấu tranh trên mặt trận văn hóa

Thời bao cấp, quê tôi có tiếng là chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước. Thời đó vừa giải phóng Miền nam cỡ chừng những năm 1977 - 1978 gì đó, thanh niên làng tôi đua đòi theo mốt quần ống loe và để tóc dài do du nhập tư Sài Gòn ra. Phòng văn hóa huyện vào cuộc với quyết tâm không để văn hóa ngụy quyền Sài Gòn du nhập vào vùng quê đang đi lên chủ nghĩa xã hội như làng tôi. Thế là phòng văn hóa huyện huy động cả công an vào công cuộc chấn áp nhằm vãn hồi trật tự văn hóa. Một hôm tôi chứng kiến màn rượt đuổi bằng xe đạp của công an huyện với hai thanh niên làng tôi. Tôi chưa biết đầu cua tai nheo gì sất thì thấy hai đồng chí công an túm được hai thanh niên làng tôi và đè ra lấy tong đơ húi trọc đầu và lấy kéo cắt một đường xẻ chạy từ gấu quần lên đến tận bẹn. Dùng hành vi vô văn hóa để điều chỉnh văn hóa thì hết biết nói thế nào các bạn nhỉ?

Cám ơn Tác giả gửi bài viết đến
Được đăng bởi 1nguoiviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét