Nguyễn Thị Từ Huy (BVN) - Chiều nay tôi gặp một vị cán bộ quản lý của trường nơi tôi làm việc, do trước đó ông có gọi điện và hẹn gặp tôi. Ông rất nhã nhặn và tỏ ra lúng túng khi bắt đầu câu chuyện. Rút cục thì ông cũng nói rằng chuyện liên quan đến việc ký vào bản kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, rằng công an đã gọi điện đến và yêu cầu ông kiểm tra xem tôi có ký hay không. Tôi nói rằng tên tôi có trong bản danh sách, chuyện đó kiểm tra rất dễ, sao còn làm phiền ông. Và tôi xin lỗi ông vì lẽ ra họ phải gọi trực tiếp cho tôi, vì việc ký kiến nghị là một lựa chọn cá nhân, là quyết định của cá nhân tôi, không liên quan gì đến trường. Trường chỉ quản lý tôi về phương diện công việc. Còn mọi hoạt động khác của tôi ngoài phạm vi cơ quan, tôi phải chịu trách nhiệm, vì tôi là một công dân có đủ quyền công dân, và có đủ các trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân. Họ đã làm phiền ông, đã làm mất thời gian của ông, tôi thực sự áy náy vì điều đó. Tôi còn áy náy với ông hơn vì việc làm của tôi không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức cá nhân, cũng không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thế mà lại khiến ông phải mất thời gian quý báu của ông cho tôi. Thời gian đó đáng lẽ phải được dành cho các hoạt động chuyên môn của ông, đáng lẽ phải được dành cho các công việc vốn rất bận rộn của trường. Sau đó, chúng tôi nói chuyện với nhau về những nỗi khổ tâm của các trí thức. Trí thức, từ xưa đến nay, muôn đời đều có những khổ tâm đặc thù của họ. Chúng tôi nói chuyện về Marx, về các lý tưởng và mơ ước của Marx. Rút cục thì có vẻ như thời gian của cuộc gặp gỡ cũng không đến nỗi vô ích.
Một vài người xung quanh nói rằng vì việc ký bản kiến nghị mà có thể tôi bị theo dõi. Tại sao lại theo dõi một người như tôi? Một người không bao giờ làm hại ai (mà cũng không đủ khả năng làm hại ai, một phụ nữ đơn độc, chân yếu tay mềm). Một người đang cố gắng thực hiện truyền thống của một gia đình công dân bình thường nhưng không tầm thường. Cụ nội tôi là chánh tổng Lai Thạch nhưng vì ủng hộ cách mạng nên bị cách chức; và cụ đã tự vẫn, tự quyết định số phận theo ý mình, không chịu rơi vào tay thực dân Pháp. Một người con của cụ là ông Nguyễn Huy Lung, một nhân vật có ảnh hưởng quan trọng trong phong trào 30-31 ở Nghệ Tĩnh, bị bắt giam tháng 12/1930. Do các ảnh hưởng và hoạt động của ông ở trong tù, nên Pháp đã liên tục thuyên chuyển ông từ nhà lao Hà Tĩnh vào nhà lao Đồng Hới rồi vào Kon Tum. Ở đó, tháng 12/1931, ông bị bắn chết khi cùng anh em tù phản đối bị chuyển đi Dak Pek. Một người con khác của cụ là ông nội tôi, cũng là đảng viên 30-31, khi nhận được công văn của tổ chức, không một phút chần chừ, đã đem các con nhỏ gửi cho anh em (bà nội tôi, vốn cũng bị tù đày trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, lúc đó đã mất), gửi lại nhà cửa, vườn ruộng, đi sang hoạt động ở vùng khác theo sự điều động của cách mạng. Ba tôi, vì lý tưởng, đã bỏ công việc ở ngân hàng, vốn rất ổn định và đảm bảo, lên Điện Biên tìm hiểu thực tế, tham gia vào đời sống và tìm cảm hứng sáng tạo. Và sau này, khi đất đai trở thành đối tượng của sự tham nhũng hoặc là bằng chứng của một kiểu ân huệ, ông đã từ chối không nhận mảnh đất do cơ quan cấp.
Gia đình tôi không có gì đặc biệt hơn những gia đình Việt Nam khác. Và chúng tôi cũng có một truyền thống như bao gia đình Việt Nam khác. Truyền thống đó cần phải được tiếp nối, dưới hình thức này hay hình thức khác. Cuộc sống luôn có những lựa chọn khác nhau. Tôi tin rằng tổ tiên của tôi sẽ ủng hộ lựa chọn của tôi hiện nay. Tôi đã lựa chọn ba triệu đồng một tháng (đấy là số tiền công lao động hàng tháng hiện nay được chuyển vào tài khoản của tôi) để làm công việc mà tôi cho là có ích, thay vì tìm một công việc được trả thù lao xứng đáng với bằng cấp, với trình độ và với nhân phẩm của tôi. Tôi, và những viên chức như tôi, không nợ nần gì ai cả, không ăn cơm của ai cả. Chúng tôi được trả một đồng lương không xứng đáng với những gì mà chúng tôi cống hiến, không xứng đáng với thân phận người của chúng tôi. Để sống chúng tôi phải bán sức lao động để làm nhiều việc khác. Tổ tiên của tôi hiểu rằng tôi chấp nhận trả giá để thực hiện công việc mà tôi cho là có ý nghĩa với các thế hệ sau. Đó cũng là một cách để tiếp nối truyền thống gia đình.
Ký vào kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ là việc tối thiểu mà một trí thức có thể làm. Có thể cụ nội tôi, ông nội tôi hay ông Nguyễn Huy Lung sẽ thất vọng về tôi, thất vọng vì tôi có thể làm nhiều điều hơn thế mà tôi chỉ làm được cái điều tối thiểu. Nhưng có lẽ tổ tiên cha ông tôi cũng thất vọng nếu vì hành vi đúng đắn đó mà tôi bị nghi kỵ, bị theo dõi. Và họ còn tủi hổ hơn nếu tôi cảm thấy sợ hãi vì việc làm đúng của mình.
Tại sao làm điều đúng lại phải sợ? Tại sao làm điều tốt lại phải sợ?
Xã hội này có phải đã mất hết ý thức về các giá trị làm người rồi không, mất hết ý thức về các giá trị nhân đạo rồi không, mất hết ý thức về công lý, lẽ phải rồi không? Không, tôi không tin là như vậy. Tôi không tin là những người làm nhiệm vụ theo dõi đã mất hết tính người, chỉ còn biết hoạt động như những công cụ, như những cỗ máy. Tôi đã xem một bộ phim của Đức: Cuộc sống của những người khác. Bộ phim đạt giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar 2007, phim hay nhất châu Âu 2006, phim hay nhất nước Đức 2006.
Một trong các nhân vật chính của bộ phim đó là Wiesler, nhân viên an ninh, làm công việc theo dõi những người có tinh thần tiến bộ. Và từ một kẻ lạnh lùng, sắt đá, chỉ biết có yêu cầu của công việc và thực hiện răm rắp nghĩa vụ với những kỹ năng thuần thục, chuyên nghiệp, quá trình theo dõi đã biến nhân vật thành một người có cảm xúc và biết phân biệt những gì là nhân văn với những gì là phi nhân, phân biệt được cái gì là thiện và cái gì là ác. Kết cục là anh ta đã giúp đỡ những người bị anh ta theo dõi, và bản thân anh ta thì bị cách chức, đuổi việc. Bộ phim có một kết thúc rất đẹp: sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, nhân vật bị theo dõi đã vào viện lưu trữ tìm lại những tài liệu về quãng đời cũ của mình, và tình cờ phát hiện ra rằng người theo dõi đã cứu sống anh ta. Anh ta dò hỏi và tìm được địa chỉ của người ấy, giờ đây đang làm nghề đưa thư. Anh ta ngồi trong ô tô từ xa nhìn ân nhân của mình trên chiếc xe đạp chở đầy thư, bưu kiện. Anh ngập ngừng rồi quay đi, không đến gặp ông ấy nữa. Một thời gian sau, người đưa thư đi qua hiệu sách nhìn thấy áp phích quảng cáo cuốn sách mới của nhà văn Dreyman, người ông ta từng theo dõi nên biết rất rõ. Ông ta bước vào hiệu sách, cầm cuốn tiểu thuyết của Dreyman có nhan đề Bản sonate của những người tốt. Ông mở ra và đọc được lời đề tặng dành cho mã số: HGW XX/7. Đấy chính là mã số của ông hồi còn là nhân viên an ninh. Khi ông ta mua cuốn sách, người bán hàng hỏi ông có muốn gói quà không, ông trả lời: “Không, nó dành tặng tôi”.
Cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn không phải chỉ nhờ việc những người đấu tranh cho chính nghĩa và cho các giá trị tốt đẹp biết hy sinh, mà còn nhờ việc những người chống lại chính nghĩa và chống lại các giá trị tiến bộ biết nhận ra rằng họ cần ủng hộ lẽ phải. Và nghệ thuật đích thực bảo vệ nhân tính, phát hiện nhân tính kể cả ở những nơi, những lúc, ở những người tưởng như không còn nhân tính.
Nếu giả sử (chỉ là giả sử mà thôi) có ai đó theo dõi tôi thì tôi tin rằng người đó cũng sẽ chuyển biến theo chiều hướng như vậy. Tôi tin ở các giá trị mà tôi đang cố gìn giữ và xây dựng. Tôi tin rằng lương tri và tính thiện có sức cảm hóa. Người Việt Nam là người, trước khi là người Việt Nam. Tức là chúng ta cũng mang các giá trị phổ quát của nhân loại. Chúng ta có bộ óc để nhận thức, để nhận biết lẽ phải, chúng ta có trái tim để biết xúc động, biết yêu quý những gì cần yêu quý và căm ghét những gì cần căm ghét. Chúng ta cũng có đủ phẩm chất trí tuệ và sức mạnh như những dân tộc khác để xây dựng một xã hội nhân bản như chúng ta mong muốn, nếu chúng ta thực sự mong muốn.
Có thể là tôi ảo tưởng. Nhưng ảo tưởng cũng là một đặc điểm chỉ có ở con người. Đặc điểm này có thể khiến cho con người thất bại, nhưng đó là sự thất bại có giá trị. Còn ai có thể ảo tưởng hơn những kẻ xưa kia mơ ước thảm bay và mơ ước lên mặt trăng. Tuy nhiên nếu không có những kẻ ảo tưởng về một đồ vật có khả năng di chuyển trên không trung với tốc độ kỳ diệu ấy, thì chắc chắn sẽ không có máy bay, tên lửa…
Con người có bộ óc và trái tim không phải để trở thành một cỗ máy, và cũng không thể trở thành một cỗ máy trừ khi nó không còn có ý thức rằng nó là người.
Nguyễn Thị Từ Huy
--------------------------------
Từ Huy yêu quý,
Chú đọc một hơi “nhật kỳ” ngày 9 của Từ Huy. Đọc được hai phần ba thì nức nở một mình. Sau đó thì phải lau mắt vài lần để đọc cho hết bài. Cám ơn Từ Huy đã cho chú đọc trước khi chuyển BVN.
Hy vọng những ai đọc bài này với mục đích xa lạ, những ai đọc không để đồng cảm mà chỉ cốt vạch lá tìm sâu, cách đọc của những ai đang theo dõi Từ Huy, những ai đang tự xếp mình vào một chiến lũy đối địch với Từ Huy cùng những tâm hồn như Từ Huy, hy vọng rằng các “tay súng” đó sẽ NGỘ ra cái thông điệp gửi trong những dòng nhật ký này.
Đất nước này đang bị chia rẽ sâu sắc. Không chỉ là sự chia rẽ giàu nghèo. Mà đang có sự chia rẽ vô cùng lớn về văn hóa. Có mấy người trong đội ngũ những chú Javert sẽ hiểu nổi và đồng cảm nổi với những dòng nhật ký của một cô gái luôn luôn bé bỏng, mặc dù đã có trong tay những công trình triết học và văn học của cô đáng để những ai thèm khát văn bằng phải nản lòng.
Chú cũng thấy mình được Từ Huy ngấm ngầm khuyên không nên bi quan và hãy tin vào phần tốt đẹp của con người. Về lý trí, chú vẫn muốn được như thế lắm! Nhưng cuộc sống vẫn đang nói to với chú là ta chớ nên vấn vương với ảo tưởng. Chú chỉ lo những kẻ nghèo trí tưởng tượng đã làm cho nền văn hóa Việt Nam đồi trụy đi sẽ tiếp tục trổ tài để định nghĩa văn hóa theo cách của họ, như thể chỉ là những gì mang màu của máu và mùi vị thuốc súng.
Dẫu sao, cháu vẫn làm chú không hết ngưỡng mộ cháu.
Phạm Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét