Posted by truongthondlb1
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA – “Người Việt Nam tiêu xài lạc quan nhất thế giới”, đó là tựa một bài viết đăng trên báo Saigon Tiếp Thị nói rằng ở Việt Nam, làm ra một đồng thì xài tới 2, 3, 4 đồng. Vì sao người Việt được đánh giá và xếp hạng cao như vậy?
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, năm nay người dân Việt mình ăn Tết Tân Mão lớn chưa từng thấy. Bên cạnh đó, tổ chức cung cấp thẻ tín dụng toàn cầu Master Card Worlwide cũng phổ biến kết quả khảo sát cho thấy qua thăm dò ý kiến trên 10 ngàn người thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc Châu Á, Thái Bình Dương, Châu Phi, khu vực Trung Đông thì nói về ăn chơi, giải trí, người Việt dẫn đầu so với các nước Hàn Quốc, Hồng Kông, Australia.
Mặt khác, người Việt khi sang thăm người thân tại các nước Hoa Kỳ, Australia, Singapore đều nhận thức rõ về tinh thần tiết kiệm của dân chúng các quốc gia được xem là sung túc ấy.
AFP – Cửa hàng bán các loại xe hơi hạng sang
Vẫn căn cứ vào những số liệu thống kê thì sức mua, tiêu xài tiền của người Việt Nam tăng rất nhanh, mỗi năm tăng tới 20% tương đương với 53 tỷ đô la, thị trường bán lẻ đứng thứ tư trên thế giới chỉ sau các nước được xem là “cường quốc” có đông dân, gồm có Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Cũng có lẽ vì bản xếp hạng này mà người Việt Nam được đánh giá là “tiêu xài lạc quan nhất thế giới”.
Lời cảnh tỉnh, mỉa mai
Góp ý về sự đánh giá này, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh:
“Nói như vậy có lẽ đó là một lời phê phán, cảnh tỉnh thì đúng hơn; họ nói đúng ‘chi bạo’ hay nói cách khác là nhiều khi không lượng được sức mình, trong nhiều chuyện lắm.
Cái cách của mình không phù hợp với thực lực mà mình có, Việt Nam hiện nay là một đất nước đứng thứ 13 về dân số, trên thế giới. Ở một nước mà thiên nhiên không lấy gì làm ưu đãi cho lắm, nếu muốn phát triển thì có lẽ phải học như người Nhật, dạy cho con em họ biết rằng, Nhật là một nước nghèo về tài nguyên, khoáng sản, vì vậy chỉ có một cách là phải cắn răng lại để mà làm việc, lao động, có như vậy nước họ mới phát triển được.
Thương xá TAX. RFA photo.
Trong lúc đó, Việt Nam, dân số rất đông, trình độ kinh tế rất thấp so với các nước khác trong khu vực và so với thế giới, muốn phát triển, người Việt Nam phải cần cù, biết cách vừa làm, vừa dành dụm để tạo nên cơ nghiệp.”
Giáo sư Tương Lai tự đặt cho mình câu hỏi : “Ai chi bạo…”?
Và chính ông cũng tự đi tìm cho mình lời giải đáp:
“Nói cho cùng, không phải tất cả mọi người đều ‘vung tay quá trán như thế đâu’, nhưng nếu nhìn một cách thật nghiêm khắc thì phải nói đây là một nhược điểm của riêng mình, vì vậy khi người ta nhận định về mình như thế, là người ta chê và sự chê bai đó là đúng, người Việt cần phải thấy rõ cái nhược điểm ấy của mình, để biết cách tằn tiện, biết lượng sức để mà đưa đất nước mình đi lên. Trong chuyện đó, phải giáo dục cho con em mình ngay từ khi còn bé, ở ghế nhà trường cần phải có ý thức đó, nếu không làm được như vậy, thì Việt Nam khó mà đuổi kịp được với thế giới.”
Kẻ ăn không hết, người lần không ra
Người bán hàng rong ngồi an trưa bên cạnh một cửa hàng bán mỹ phẩm sang trọng tại Sài Gòn. AFP Photo.
Chi xài quá mức vốn liếng mà mình làm ra được, dễ đưa tới những tệ đoan xã hội, ăn xài hoang phí, ông Quý một người dân sinh trưởng ở Bồng Sơn, Miền Trung VN thấy rõ điều đó, khi đón nhận tin “người Việt tiêu xài lạc quan”:
“Câu này có ý mỉa mai, bản chất của người Việt Nam là ăn tiêu dè xẻn, dùng sức lao động và mồ hôi để làm ra tiền, như người ta thường nói ‘khéo ăn thì no, khéo co thì ấm’.
Phải dành dụm, tiết kiệm, để lo xây dựng gia đình, lo cho con cái ăn học. Tuy nhiên trong thời buổi bây giờ, có nhiều giới chức kiếm được tiền rất dễ dàng, hoặc vì có chỗ ngồi rất tốt, nhận được tiền hối lộ, lo lót, họ tiêu xài tiền như ‘ném qua cửa sổ’. Thứ hai là có những người ‘móc ngoặc’ công việc làm ăn suông sẻ, kiếm được rất nhiều tiền nên ăn chơi, một đêm có thể tiêu xài hai, ba chục triệu đồng tiền Việt Nam.”
Theo ông, có những địa phương trên đất nước Việt Nam, dù làm việc cật lực, người dân cũng chưa đủ ăn:
“Ở miền quê, nhất là vùng Bồng Sơn của chúng tôi, có những người suốt đời còng lưng, làm việc trên những thửa ruộng, trên nắng, dưới nóng, mà một ngày không có đủ hai bữa cơm cho no bụng, vậy mà ở thành phố con ông, cháu cha, những người móc ngoặc đã vung tiền, tiêu xài.
Nếu là người hiểu biết, họ cho đó là một câu chế nhạo, bởi vì đồng tiền kiếm được không do mồ hôi, nước mắt, là một . Thứ hai là họ không tin ở ngày mai, bây giờ có tiền thì cứ xài, không biết rằng ngày mai, họ còn ngồi ở chỗ đó nữa hay không, còn xài được tiền hay không, xài được ngày nào hay ngày ấy.”
Theo báo chí nước ngoài thì hình như người Việt Nam đang sống theo kiểu cách ‘ném tiền qua cửa sổ’, vì dư luận vẫn thường nghe kể lại rằng, có bao cây cầu xây mà không ai đi qua, bến cảng dựng lên mà không tàu thuyền nào cập vào, sân bay thẳng tấp không máy bay nào tới đáp, hàng lô biệt thự, cao ốc vô chủ ở Hà Nội và Saigon bỏ trống lâu nay.
Còn người dân ‘thấp cổ bé họng’ thì thường nói ‘có những món hàng mà người mua không bao giờ dám đụng tới’ và ‘có những thứ hàng cao cấp bạc triệu mà người dùng không bao giờ phải mua sắm cả’.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-top-world-in-spending-money-dhieu-03192011145823.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét