Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Một phụ nữ Việt quyết định ở lại Nhật

Posted on Tháng Ba 20, 2011 by truongthondlb1


Thanh Trúc, phóng viên RFA- Đã tròn một tuần kể từ lúc động đất và sóng thần ập vào vùng duyên hải Nhật Bản, nơi một số du học sinh và công nhân đánh cá người Việt được đưa về Tokyo để trở lại Việt Nam.


AFP Photo/Ken Shimizu
Một viên chức của Tự Lực lượng Quốc phòng Nhật nấu cơm phân phát cho người sơ tán ở Koriyama,tỉnh Fukushima ngày 17 tháng 3 năm 2011.



Đối với một phụ nữ trẻ người Việt không sơ tán khỏi vùng thiên tai thì quyết định ở lại của cô là chính đáng bởi chưa bao giờ cô được chứng kiến tận mắt tinh thần kỷ luật và lòng quả cảm của người bản xứ, cũng chưa bao giờ cô thấy mình học được bài học nhân bản như thế.

Mời quí vị nghe câu chuyện giữa Thanh Trúc với Bích Ngọc, người phụ nữ Việt còn lại ở vùng Miyagi gần trung tâm địa chấn Sendai.

Khâm phục tinh thần kỷ luật và lòng quả cảm

Bích Ngọc: Đến bây giờ các bạn Việt Nam đều sơ tán và về đến Tokyo, nhưng một mình em thì vẫn đang ở vùng Miyagi ngay cạnh sân bay Sendai.

Thanh Trúc: Tại sao Bích Ngọc không di tản về Tokyo?


Nơi sơ tán của các sinh viên Việt Nam ở Tsukuba. Photo courtesy of Wii M Amit’s Facebook.



Bích Ngọc: Tại vì em sống cùng gia đình nhà chồng. Các bạn học sinh du học và xuất khẩu lao động thì khác, các bạn độc thân, còn em thì đã kết hôn nên thành ra không thể nào mà bỏ đi như thế được.

Em phải từ biệt các bạn từ ngày hôm kia khi chuyến xe đầu tiên mà cũng là chuyến xe cuối từ Sendai đưa các bạn về Tokyo và chắc giờ này cũng đã về nước rồi. Chỗ em có nhiều sinh viên Việt Nam vì các bạn học trường Tohoku ở Sendai.

Thanh Trúc: Ở Miyagi người ta có lo sợ lắm về vấn đề nhiễm phóng xạ không?

Bích Ngọc: Thật sự em phục người dân Nhật! Người ta vẫn bình thản và sáng sáng dắt chó đi dạo bình thường, thì em mới thấy đó là tinh thần quả cảm, không có vấn đề gì phải nao núng. Người ta chỉ bảo lo lắng thì ai cũng lo lắng, nhưng mà nếu thực sự có khủng hoảng như thế thì chính phủ phải ban lệnh sơ tán thì chắc chắn là người dân phải đi.

Nhưng mà hiện tại bây giờ chưa thấy nói là nó quá nghiêm trọng đến thế nào, thành ra người dân Nhật, ví dụ như chồng em, vẫn đi làm rất vất vả và còn vất vả hơn bởi sau trận động đất sóng thần ấy thì càng phải đi làm việc nhiều hơn.

Em thấy sự nỗ lực và cố gắng của người ta nhiều lắm. Sống cùng họ em cũng thấy chẳng sợ gì. Đầu tiên em cũng có khóc lóc khi thấy các bạn đi về Việt Nam, em có bầu gần bốn tháng thành ra trong lúc này cũng vất vả.

Thanh Trúc: Nhưng trong hoàn cảnh mà chung quanh mọi người đều chịu đựng và có tinh thần kỷ luật thì chắc Bích Ngọc cũng cảm thấy mình phải như họ và cần học được như họ?

Bích Ngọc: Chính xác! Thật sự lúc quay đi thì mình khóc một mình. Tại vì mình thấy thương họ thì mình khóc chứ không phải mình khóc bởi vì mình sợ. Đúng là đầu tiên em cũng sợ bởi vì em mới sang có ba tháng, nhưng mà nhìn thấy tinh thần của những người chung quanh bây giờ em chẳng sợ gì nữa.

Em gọi điện về cho bố mẹ em bảo nếu con có làm sao thì bố mẹ cũng đừng có đau đớn khóc lóc quá bởi vì là con cùng với tập thể người Nhật chứ không chỉ riêng cá nhân đơn lẻ. Thế nên bố mẹ em cũng rất tin tưởng vào quyết định của em. Các bạn cũng gọi điện động viên, rất nhiều anh chị người Việt gọi em bảo phải đi lập tức tại vì xe buýt chỉ đợi đúng mình em nhưng một mình em ở lại.

Thanh Trúc: Còn vấn đề nhiễm phóng xạ Bích Ngọc có lo không, bởi vì Miyagi đâu có xa Fukushima?

Bích Ngọc: Đúng. Hiện tại chính phủ khuyến cáo là từ hai mươi đến ba mươi kilômét. Còn nhà em cách Fukushima khoảng bảy mươi kilômét tính từ nhà máy Đai I Chi đấy.

Thực sự buổi sáng em xếp hàng mua thực phẩm, chờ đợi hai ba tiếng đồng hồ mà không một ai nhắc đến vấn đề hạt nhân hay nhiễm xạ. Mọi người gần như là không sợ, chỉ nói với em là mang bầu thì tốt nhất nên ở trong nhà, ở trong phòng đóng kín cửa lại, đeo khẩu trang. Thế thôi. Còn lại thì không có một biểu hiện gì từ trẻ em cho đến người già cho đến thanh niên.

Em nhìn tận mắt em cứ khóc, em khóc bởi vì em thấy em may mắn, nếu mà chết cùng họ em cũng thấy em may mắn, em thấy em học được nhiều lắm. Người ta chỉ nói là cố lên cố lên, thế thôi, không việc gì phải lo. Còn nếu trong trường hợp qua khẩn cấp rồi thì yên tâm, mọi người chạy là mày cũng phải chạy. Thế nên em thấy vững tâm lắm.

Hôm nay vẫn còn nhiều dư chấn rất mạnh là đằng khác mà em thấy đã quen rồi.

Học được bài học nhân bản




Quân đội Nhật được điều động để tiếp cứu các nạn nhân của trận động đất lịch sử 2011. AFP photo.



Thanh Trúc: Bích Ngọc nói muốn ở lại muốn san sẻ thì Bích Ngọc có thể làm được gì?

Bích Ngọc: Ví dụ hôm nay em đến Nhà Văn Hóa, có ghi tên mình vào đội tình nguyện viên mà em sẽ phiên dịch tại vì một số người nước ngoài mắc kẹt tại đây mà không biết tiếng Nhật thì em sẽ giúp họ.

Tiếng Nhật của em nói chung cũng đủ, nên khi mọi người cần nhờ đun sôi cái gì thì nhà em gần đấy. Nhà em gần Ủy Ban và gần Nhà Văn Hóa. Bây giờ những người không có nhà đang tập trung hầu hết ở Nhà Văn Hóa rồi các Trung Tâm Thể Thao.

Buổi sáng em qua đấy xem mọi người cần gì thì mọi người bảo em. Còn lại gia đình chú họ và tất cả nhà chồng em đều đi làm từ thiện, giúp đỡ những người bị sóng thần đánh ập mà không còn một cái gì, là tít ở phía phải đi bằng xe đạp vì bây giờ gas không có không đi ô tô được.

Em đang có bầu, bố mẹ em không cho đi, nhưng mà em đi bộ gần gần xung quanh và giúp mọi người. Tình hình hôm nay thì khả quan hơn rất nhiều bởi vì đã có điện, thành ra mọi người có điện để sưởi ấm. Hôm nay em có đem mấy cái chăn, em cứ đi bởi vì mọi người ai cũng bảo là tôi đủ ấm rồi hãy đem cho những người khác. Mang cả mì tôm đi, mấy đứa trẻ con cũng bảo là cô cứ đưa cho mấy người khác cần hơn. Em cứ đi mãi nhưng mà hạnh phúc lắm, thấy mọi người như thế có nghĩa là vững tinh thần.

Thanh Trúc: Người ta mới nối lại điện ngày hôm qua hay sao?

Bích Ngọc: Vâng, chỗ em có điện từ ngày hôm kia, vùng lân cận đến ngày hôm nay mới có.

Thanh Trúc: Chính xác chỗ Bích Ngọc ở cách trung tâm địa chấn Sendai bao nhiêu?

Bích Ngọc: Em nghĩ là gần. Địa chỉ của em là Satonomori, Iwanuma, mà hiện tại Iwanuma của em thì nghìn người chết, có nghĩa từ bờ biển tới nhà em là bảy kilômét. Chỗ nhà em và mấy nhà xung quanh là may mắn, còn lại ở rìa là mất cả người cả nhà, mất hết không còn một cái gì.

Lúc gọi cho em bố mẹ em còn xúc động không nói được tiếng nào, cả năm phút mới bảo “mày hãy còn sống…”. Tại vì mọi người bảo khi mà nhìn ảnh chỗ vùng Miyagi của em thì nhà không còn dấu nhà mà chỉ có đất không.

Đó là chuyện kể từ cô Bích Ngọc ở Miyagi không xa trung tâm địa chấn Sendai và chỉ cách bờ biển nơi sóng thần ập vào khoảng bảy kilômét.

Trong khi đó một tu sĩ Phật Giáo ở Tokyo, thầy Triệt Học, cho biết tám mươi bốn công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam tại khu vực động đất và sóng thần đã về đến Tokyo:

“Ngày hôm kia tám mươi bốn anh chị em đó đã được đưa về chùa lớn ở Tokyo. Hôm nay có một số người đã về nước, một số đi tới nhà bạn bè thân thuộc, và hiện nay ở chùa còn ba mươi sáu người. Tất cả các cơ quan tôn giáo như Phật giáo và các đạo khác ở đây sẵn sàng mở cửa đón không riêng anh em Việt Nam mà tất cả những người ngoại quốc bị lâm nạn.”

Vẫn theo lời nhà sư Triệt Học, báo chí Nhật Bản loan tin là tính đến chiều thứ Sáu, trong số mười lăm nghìn người Nhật thiệt mạng vì động đất và sóng thần, có khoảng năm trăm là người nước ngoài.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-woman-optimistic-in-quake-area-ttruc-03192011130531.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét