Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Từ an toàn hơn Nhật cho đến tai nạn… cầu Ghềnh

Posted by truongthondlb1


Tai nạn Cầu Ghềnh là do lỗi của dân?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA – Tai nạn Cầu Ghềnh gần đây liên quan đến sự vô trách nhiệm của nhân viên đường sắt, thế nhưng Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng do trình độ dân trí thấp đã dẫn đến tai nạn trên.


Cầu Ghềnh được sử dụng chung cho xe lửa và các phương tiện giao thông khác.

Vào lúc 7 giờ 30 đêm mùng 4 tết vừa qua tại khu vực cầu Ghềnh, trên tuyến đường sắt Bắc Nam thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra tai nạn đường sắt khiến hai người chết tại chỗ và 22 người khác bị thương.

Tai nạn này mở ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ngành đường sắt khi công an điều tra tỉnh Đồng Nai xác nhận trách nhiệm hình sự đối với 7 đối tượng gồm lái tàu chính, lái tàu phụ, nhân viên bảo trì đèn tín hiệu và 4 nhân viên gác chắn khác.

Những người này sau đó bị khởi tố vụ án hình sự về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cầu Ghềnh là chiếc cầu có làn xe cho người lái xe, người đi bộ cùng với tàu hỏa dùng chung. Mỗi lần tàu tới thì mọi phương tiện giao thông khác đều bị người gác chắn buộc phải ngừng lại để tàu đi qua. Khi tai nạn xảy ra người ta phát hiện rằng những người gác chắn không làm nhiệm vụ của mình và trên làn xe đang xảy ra ùn tắc giao thông vì hai làn xe ngược chiều nhau, khi tàu hỏa tới những người đi bộ và ngồi trên xe không biết tránh vào đâu thế là tai nạn thảm khốc xảy ra.

Văn hóa giao thông

Trong khi dư luận đang theo dõi phản ứng của Bộ Giao Thông Vận Tải sẽ xử lý trường hợp này ra sao thì một bài báo của tờ Dân Trí làm cho người dân cũng như nạn nhân của vụ tai nạn càng thêm bức xúc.

Trong một bài phỏng vấn của báo Dân Trí đối với Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng tại Hội nghị Tăng cường quản lý Chất lượng công trình giao thông năm 2011. Khi phóng viên đặt câu hỏi về cảm tưởng của ông Bộ trưởng như thế nào trước tai nạn giao thông này ông bộ trưởng trả lời:

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, trong đó phải xem xét đến văn hóa giao thông và ý thức tham gia giao thông của con người là quá kém. Không thể chấp nhận được chuyện 2 dòng xe đi ngược chiều cứ đối đầu với nhau, đứng trên cầu cãi nhau và cố tình gây căng thẳng, gây ùn tắc giao thông, vậy văn hóa giao thông ở chỗ nào? Nếu lúc bấy giờ có ai đó nhường đường mà lùi xe lại thì giao thông được giải tỏa, cầu được thông trước lúc tàu đến thì tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra.

Theo cơ quan công an thì trong vụ tai nạn cầu Ghềnh những người quản lý ở đây có vấn đề, tất nhiên các cơ quan sẽ xem xét cụ thể. Tuy nhiên, tai nạn xảy ra rõ ràng có vấn đề về văn hoá giao thông, ý thức tuân thủ Luật của người tham gia giao thông.”

Câu trả lời của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khiến dư luận ngạc nhiên. Rõ ràng là ông đang đặt gánh nặng trách nhiệm lên trên vai những người dân đang sử dụng một hệ thống cầu đường có vấn đề nhưng lại bị cho là thiếu trách nhiệm khi tham gia lưu thông, nói cách khác là do dân trí thấp mới dẫn đến thảm họa.

Người ta cũng ngạc nhiên vì cách đặt vấn đề của một Bộ trưởng. Lập luận cho rằng người dân có dân trí thấp nảy sinh hai hình ảnh khiến người nghe khó chấp nhận. Thế nào thì được gọi là dân trí thấp và liệu một bộ trưởng có quyền lên tiếng với người dân một cách khá thiếu tế nhị như vậy hay không?

Ông Hồ Nghĩa Dũng trong vai trò một bộ trưởng, ông không có quyền tuyên bố có tính mạt sát tập thể người dân. Thông thường không ai chịu nổi khi nghe người khác cho rằng mình là người dân trí thấp, hay màu mè hơn khi thay bằng cụm từ “văn hóa giao thông thấp”. Dân trí thấp khi được nói trong ngữ cảnh này đồng nghĩa với lạc hậu, thiếu giáo dục và cần phải được giáo dục lại.

Giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện Xã Hội Học Việt Nam, nguyên Tổng biên tập tạp chí Xã Hội Học cho biết ý kiến của ông về dân trí:

“Thực ra phát biểu trước đây của ông Phạm Quang Nghị trong vần đề Hà Nội bị ngập thì sau đó ông biết là đã lỡ lời nên xin lỗi. Gần đây phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải trong vụ tàu hỏa cái cách lẩn tránh trách nhiệm ấy là hết sức dở. Về vấn đề dân trí khi cần thiết để mà nói hay nhận định đưa ra giải pháp thì vấn đề dân trí đúng là phải nâng cao lên.

Thí dụ bây giờ muốn thực thi dân chủ thì phải có nâng cao dân trí. Ví dụ sắp tới đây bầu Quốc hội thì làm thế nào dân trao quyền mà không mất quyền thì cần phải nâng cao dân trí để người dân có một thái độ chọn lựa cho đúng đắn. Về vần đề dân trí thì luôn luôn phải quan tâm để nâng cao lên đó là điều mà bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng phải quan tâm. Cho nên nâng cao dân trí là một đòi hỏi khách quan, nhưng không phải vì vấn đề dân trí mà trút trách nhiệm cho dân. Thái độ của người lãnh đạo là phải trân trọng vai trò của dân. Dân là gốc, chở thuyền cũng dân mà lật thuyền cũng là dân! Cho nên không thể vô trách nhiệm khi đổ lỗi cho dân được.”

Trách nhiệm quản lý

Tai nạn giao thông trước hết phải nhìn lại vấn đề về tổ chức và điều hành qua các biển báo và xử phạt. Biển báo giữ vai trò tuyệt đối chỉ dẫn cho người sử dụng phương tiện giao thông mà tai nạn cầu Ghềnh là một thí dụ điển hình cho thấy khi biển báo bị coi thường hay vận hành không đúng quy định.
Bên cạnh biển báo là vấn đề điều hành giao thông trong đó xử phạt là biện pháp then chốt.


Dạo phố SG bằng xích lô. RFA photo
Những người mới đặt chân xuống đất Mỹ trăm người như một đều ngạc nhiên khi thấy tất cả xe cộ đều tuân theo luật lệ giao thông một cách nghiêm khắc. Ngay cả nửa đêm, khi trên đường không thấy bóng dáng một chiếc xe nào nhưng người ta vẫn ngừng khi tới đèn đỏ. Ngay cả những nơi giao lộ không có đèn, mọi người đều dừng lại trước khi tiếp tục chạy.

Động thái này có được do sự nghiêm minh của luật lệ giao thông tại Mỹ chứ nói dân tộc Mỹ có dân trí cao hơn Việt Nam thì e rằng mình tự xem nhẹ mình.
Tại Mỹ, nếu vượt đèn đỏ coi như một tai họa. Thứ nhất anh phải đóng tiền phạt, thứ hai phải ra tòa, thứ ba tiền insurance xe sẽ tăng lên và trên một vài tiểu bang nếu vi phạm nhiều lần sẽ mất bằng lái.

Những biện pháp nghiêm khắc này làm cho người lái xe giữ khuôn phép vì sợ bị phạt. Lâu dần người ta không còn sợ nữa mà thói quen tuân theo luật pháp như một quán tính được hình thành trong dân chúng. Luật pháp nghiêm minh và cách thực thi luật cũng đáng suy gẫm. Tại Mỹ cũng như hầu hết các quốc gia phương Tây luật pháp không chấp nhận cho nhân viên xử phạt người vi phạm luật giao thông lấy tiền trực tiếp mà người vi phạm phải ra tòa hoặc gửi tiền nộp phạt về tòa án.

Nói về việc chiếc cầu được sử dụng cùng lúc bởi hai luồng giao thông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói:

“Tôi khẳng định Việt Nam không phải là nước duy nhất trên thế giới sử dụng chung cầu đường sắt và đường bộ để tổ chức giao thông. Ở một số nước có trình độ như chúng ta, cao hơn chúng ta và thậm chí những nước tiên tiến họ vẫn sử dụng chung cầu đường sắt và đường bộ giống chúng ta, vấn đề là quản lý cầu như thế nào mà thôi.

Chúng ta phải thừa nhận thực tế là cũng cây cầu đó, cũng sự quản lý đó nhưng trong mấy chục năm vừa qua chưa từng xảy ra vụ tai nạn nào nặng nề như tai nạn ở cầu Ghềnh nên không thể đổ tất cả lỗi cho cầu được mà ở đây ý thức tham gia giao thông, thực hiện Luật giao thông của con người cũng là quan trọng, tất nhiên về mặt quản lý ở đây cũng có sai sót, khuyết điểm.”

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng vẫn đổ lỗi cho người dân trong khi cơ quan công an đã xác định lỗi ở những người điều hành cây cầu khi có xe lửa chạy ngang nhưng đèn hiệu cũng như người gác thanh chắn đều vắng mặt. Ông Dũng không chấp nhận lỗi ở ngành giao thông và đưa ra nhận xét: cũng cây cầu đó cũng sự quản lý đó nhưng tới hôm nay mới có tai nạn nên không thể đỗ lỗi cho cây cầu.

Không ai lại đi đổ lỗi cho cây cầu khi con người mới thực sự là tác nhân gây ra tai nạn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội là ông Phạm Quang Nghị từng lỡ lời khi nói “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm” ngay lập tức dư luận Hà Nội nổi lên chống đối kịch liệt đến nỗi ông này phải thừa nhận là lời lẽ của ông đã gây nên sự bức xúc và đáng bị phê phán.

Báo chí Việt Nam cho rằng ông Phạm Quang Nghị là một người làm chính trị can đảm, lỡ lời nhưng biết sửa đổi. Còn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thì sao?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/low-intellectual-make-traffic-accidents-ml-03152011115747.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét