Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Trung Quốc loay hoay trong "cơn khát" dầu lửa

Tác giả: PRAVEEN SWAMI

Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh ở Biển Đông, bắt nguồn từ khát vọng kiểm soát các mỏ dầu và khí, đã gây ra những đụng chạm trong khắp khu vực.

Sự hiện diện của một tàu khu trục Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Libya tuần trước là vô cùng quan trọng khi những cường quốc lớn trên thế giới nỗ lực bảo vệ nguồn cung cấp nhiên liệu của họ.

Trở lại năm 1941, một hạm đội của Nhật đã xuyên qua các đại dương tới khu vực nay là Indonesia, để tìm kiếm việc kiểm soát sản xuất dầu. Dầu không phải là lý do duy nhất khiến Nhật Bản đi đến chiến tranh, nhưng nó là một phần quan trọng vì nước này cần tiếp cận nguồn năng lượng phục vụ cho khát vọng đế quốc của mình, và lệnh cấm vận không bán dầu của Mỹ thực thi mùa hè năm ấy đã đồng nghĩa với việc Nhật lập tức mất quyền tiếp cận ước tính vào khoảng 93% nhu cầu.

Nếu những tiếng súng vang lên ở Libya không phải là ngòi nổ hco một thế chiến tương lai, thì hiện tại là thời điểm thuận lợi để các nhà lãnh đạo thế giới xem xét một bức tranh về các sự kiện ở Trung Đông. Bức tranh lớn ấy là: các cường quốc thế giới đang cạnh tranh về một nguồn dầu ngày càng cạn kiệt, và khả năng những cuộc xung đột thảm khốc ngày một rõ ràng hơn.

Cuối tuần trước, những tác động địa chiến lược của một cuộc khủng hoảng ở Trung Đông bắt đầu tự bộc lộ, khi Trung Quốc điều động tàu khu trục trang bị tên lửa hiện đại mang tên Tô Châu tới ngoài khơi bờ biển phía đông Libya - lần triển khai đầu tiên của nước này tại Địa Trung Hải. Con tàu mang theo lực lượng đặc nhiệm tới Libya để đảm bảo rằng, khoảng 30.000 công nhân Trung Quốc tại Libya được sơ tán an toàn, trong sự đối mặt với những cuộc tấn công bừa bãi vào các cơ sở dầu thuộc sở hữu của Bắc Kinh.

Tề Minh Khôi, một giáo sư ở đại học quốc phòng Trung Quốc dự báo rằng, ngày càng có nhiều đợt triển khai tương tự sẽ diễn ra trong tương lai để "bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở nước ngoài". Năm 2008, một báo bài về quốc phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng, các lực lượng mặt đất của nước này cần chuyển từ "phòng thủ khu vực sang xuyên khu vực".

Ảnh minh họa: The Telegraph
Chỉ tính riêng năm tới, Trung Quốc sẽ bơm hàng chục tỉ USD vào tàu sân bay, tàu chiến, mở rộng các khả năng không vận và hệ thống tên lửa có thể nhằm mục tiêu là các hạm đội tàu sân bay Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Và một chương trình hiện đại hóa quân sự khổng lồ sẽ cho phép nước này bảo vệ các nguồn năng lượng, bảo vệ tuyến vận chuyển đường biển để mang năng lượng ấy về nước.

Thật kỳ lạ là người dân đang phải trả giá cao để mua xăng dầu. Thậm chí nếu bất ổn ở Libya khiến việc sản xuất dầu ở nước này ngưng trệ hoàn toàn, thì chỉ riêng Ảrập Xêút cũng có thể bù đắp thiếu hụt. Vương quốc này có công suất dự phòng là 3,5 triệu thùng/ngày, hơn gấp đôi sản lượng thông thường trước khi cuộc khủng hoảng Libya xảy ra. Trên thực tế, cam kết bù đắp lượng dầu thiếu hụt của Ảrập Xêút đã khiến giá dầu giảm từ mức đỉnh 120 USD xuống còn 105 USD.

Thêm vào đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có dự trữ chiến lược đáng kể, giống như những chính phủ phương Tây. Tuần trước, Nobuo Tanaka, giám đốc IEA đảm bảo rằng: "chúng tôi có thể cung cấp 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong hai năm. Chúng ta thực sự không phải lo lắng quá nhiều".

Và ông Tanaka đã đúng: tình hình không tạo ra sự hoảng loạn lập tức. Nhưng về dài hạn, có lý do khiến Trung Quốc và mọi nước khác phải lo lắng.

Năm quốc gia hiện tại chiếm hơn một nữa trữ lượng dầu được xác định của thế giới (nghĩa là phát hiện ra dầu nhưng chưa khai thác): Ảrập Xêút với 19,8%, tiếp theo là Iran với 10,3%, Iraq 8,6%, Kuwait với 7,6% và các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất với 7,3%. Các nhà sản xuất dầu ngoài Trung Quốc đang cạn kiệt dầu nhanh hơn năm nước vừa kể. Nga, hiện tại có sản lượng dầu ngang ngửa Ảrập Xêút, sẽ cạn dầu vào khoảng năm 2020 (ước tính của Viện Phân tích An ninh toàn cầu). Những nhà sản xuất châu Phi như Nigeria, với sản lượng hiện tại đã góp phần ổn định giá cả và đáp ứng đáng kể nhu cầu toàn cầu, sẽ cạn dầu năm 2025 hoặc gần như vậy. Điều đó có nghĩa là, Trung Đông sẽ, ở tương lai không xa, là nguồn cung dầu chủ chốt của thế giới - và không cần phải có trí tưởng tượng lớn lao mới hiểu rằng, tin vào sự ổn định nguồn cung năng lượng là điếu thiếu khôn ngoan.

Một số người có thể nghĩ rằng, sự can thiệp quân sự mạnh mẽ của nước ngoài có thể đảm bảo nguồn dầu Trung Đông thậm chí những quốc gia trong khu vực này rơi vào cảnh hỗn loạn. Hãy xem trường hợp Iraq, sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, ngành công nghiệp dầu mỏ tới nay vẫn chưa ổn định.

Với Trung Quốc, viễn cảnh ấy thực sự đáng lo lắng. Dầu đóng vai trò chủ chốt trong một nền kinh tế tăng trưởng mạnh 9% mỗi năm trong suốt hai thập niên qua. Trung Quốc phụ thuộc lớn vào than đá cho nhu cầu năng lượng (70%). Nhưng Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tăng lên 13,1 triệu thùng/ngày vào 2030, tăng từ mức 3,5 triệu thùng/ngày trong năm 2006. Nước này đang đầu tư mạnh vào các nguồn năng lượng thay thế, nhưng thậm chí toàn bộ 25 nhà máy điện hạt nhân đang trong quá trình xây dựng của họ cũng sẽ chỉ đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu.

Các công ty dầu khí Trung Quốc tìm cách đối phó bằng việc đầu tư vào sản xuất dầu ở khắp nơi trên toàn cầu, từ Angola tới Sudan hay Kazakhstan. Tuy nhiên, trong năm 2006, tổng sản lượng dầu ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc chỉ là 0,675 triệu thùng/ngày - chưa đầy 19% lượng nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là, Trung Quốc tiếp tục trông chờ vào dầu Trung Đông, với hơn một nửa sản lượng nhập khẩu từ Ảrập Xêút và Iran. Giống như phần còn lại của thế giới, Trung Quốc sẽ trở nên lệ thuộc nhiều hơn trong tương lai.

Ở viễn cảnh tốt đẹp, phương Tây và Trung Quốc có thể hợp tác để quản lý bể dầu ngày một cạn kiệt ở Trung Đông, bố trí các nguồn lực một cách công bằng và cùng nhau đảm bảo an ninh. Ở đây có lý do để lạc quan. Tàu khu trục xuất hiện tại Địa Trung Hải tuần trước được rút từ đội tàu quốc tế đóng ở Ấn Độ Dương trong nỗ lực chung chống hải tặc - mối đe dọa chung với các lộ trình hàng hải trong khu vực của phương Tây và cả phương Đông.

Nhưng viễn cảnh ấy không chắc chắn. Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh ở Biển Đông, bắt nguồn từ khát vọng kiểm soát các mỏ dầu và khí, đã gây ra những đụng chạm trong khắp khu vực. Giống như Nhật Bản trong thời kỳ xây dựng lực lượng cho Thế chiến II, tăng trưởng tương lai của Trung Quốc thậm chí phụ thuộc nhiều hơn vào các tài nguyên ở những nước xa xôi. Song, những nước này có các đối thủ của Trung Quốc nắm giữ vị trí vượt trội trong thời gian dài.

Trở lại trường hợp Nhật Bản, sử gia Howard Dick từng nhấn mạnh: "Quân đội Nhật Bản đã góp phần tạo ra một môi trường trong đó giấc mơ anh hùng của một đế chế phương nam được tán thành và khi đối mặt với các sự kiện trong nước cũng như quốc tế, sự kháng cự của những người theo chủ nghĩa thực dụng trong chính phủ sẽ ngày càng khó khăn hơn".

Thụy Phương (Theo telegraph)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét