Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Hải chiến Trường Sa 1988 trong hồi ức một người lính

Posted on Tháng Ba 11, 2011 by truongthondlb1
Đoan Trang - Xoa đầu cậu con trai đang xúng xính trong bộ đồng phục học sinh xanh – trắng chuẩn bị đến trường, anh cười nheo mắt: “Sắp tới sinh nhật nó rồi đây. Thằng cu này sinh đúng 14 tháng 3 năm 1998, tròn 10 năm ngày bố nó thoát chết ở Trường Sa. Ai cũng bảo tôi khéo chọn ngày sinh cháu”. Anh là Nguyễn Duy Dương, một người lính hải quân đã may mắn sống sót và trở về an toàn trong chiến dịch CQ 88 ngày 14/3/1988 ở Trường Sa.

Đến bây giờ, đã 23 năm trôi qua, anh Dương vẫn không nguôi nỗi nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ của mình trên những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Sinh năm 1964, đi bộ đội khi 18 tuổi, tới năm 1985 anh trở thành Đội phó Đội Kiểm soát Bộ Tư lệnh vùng 4 ở Cam Ranh. Đầu năm 1987, đúng dịp Tết Đinh Mão, anh nhận lệnh vào đoàn quân đi tăng cường cho Trường Sa. Và anh đã ở đó gần hai năm trời, trong cái giai đoạn được xem là khó khăn, vất vả nhất cho các chiến sĩ Trường Sa kể từ ngày giải phóng (năm 1975) đến nay.

Câu chuyện trong khói thuốc

Anh Dương, cũng như nhiều đồng đội của anh sau này, đều cho rằng lính Trường Sa thời nào mà chẳng gian lao, nhưng càng về sau này càng đỡ cực khổ hơn. Hồi ấy, hải quân ta có ít tàu, một năm chỉ vài ba chuyến tàu ra đảo tiếp tế. Theo đại tá Đỗ Đình Đề, nguyên cụm trưởng Cụm 2 đảo Nam Yết, người từng ở Trường Sa từ năm 1996 tới năm 2002, thì: “Trong năm, chỉ giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 là có thể đi tàu ra, lúc ấy biển cứ gọi là trong vắt như bát nước, nhìn thấu cả đáy. Chỉ từ tháng 6 trở đi là bắt đầu có gió Tây Nam, rồi sang đông là gió Đông Bắc rồi, biển động. Cho nên lính mong ngóng tin đất liền, thấy tàu ra đảo thì mừng rỡ như mẹ về chợ, lúc tàu rời đảo về đất liền thì khóc lóc bịn rịn lắm”.


Đi lại khó khăn như thế cho nên người lính Trường Sa thiếu thốn mọi bề, mà khổ sở nhất là thiếu nước ngọt, rau xanh. Anh Dương nhớ lại, nước ngọt ở đảo thiếu triền miên, mỗi ngày chỉ được dùng tối đa 5 lít một ngày cho mọi sinh hoạt. Anh em đành phải rửa mặt, tắm đều bằng nước biển, sang lắm mới tráng lại bằng nước ngọt. Lúc đầu chưa quen, ai nấy nóng rát cả lưng, tóc tai cứng quèo, rất khó chịu. Từ chuyện ấy, dẫn đến tình trạng “sư cọ mốc” mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tả lại: “Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc. Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”. Thiếu nước ngọt thật sự là tình trạng khủng khiếp đối với lính đảo những năm ấy. Mấy tháng tàu mới chở nước ra một lần, bơm thẳng nước từ khoang vào xuồng nhôm, rồi anh em đẩy xuồng về lại đảo. Lần nào trước khi ra “đón nước” như thế, anh em cũng phải tắm trước cho sạch. Nước mang về đảo được đổ vào những chiếc phi lớn để dự trữ, không thau được nên phi bị nhiễm bẩn, nước đục ngầu, đánh phèn tới 7-8 lần vẫn không hết bẩn. Thì cũng phải cố mà dùng. Gạo trữ lâu sinh mốc, hỏng. Thiếu rau quá, người ai cũng bị phù, sưng lên nhưng ấn vào da thịt thì lại lõm cả xuống…

Khí hậu Trường Sa vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng cháy da quanh năm suốt tháng. Đây lại là nơi “rốn bão”, thường xuyên phải hứng chịu bão biển. Đại tá Đỗ Đình Đề bảo: “Nói đến Trường Sa là nói đến bão tố phong ba, đến nắng nóng thiêu đốt, đến san hô nhọn hoắt đâm chảy máu chân, đến thiếu rau xanh, nước ngọt…”.

“Bây giờ mình xem tivi, thấy anh em ngoài đó “đủ tóc” rồi, không còn phải cạo trọc nữa” – anh Nguyễn Duy Dương cười. Anh hiện là Phó ban liên lạc bộ đội Trường Sa tỉnh Nam Định. Tất cả những người lính từng phục vụ ở Trường Sa bao năm qua đều coi nhau là đồng đội, và họ cũng dành tình cảm thân thiết quý mến đó cho cả những chiến sĩ trẻ không quen biết, đang đóng quân ở Trường Sa ngày nay. “Bây giờ ở ngoài đó, lính đỡ cực khổ hơn, không còn quá thiếu thốn. Trồng được rau xanh rồi (đất thịt, chở từ đất liền ra). Có hầm dự trữ nước rồi. Điện thoại di động phủ sóng tới tận đó, có thể gọi vào bờ được. Nhưng mình vẫn thương các em ấy chứ, tất nhiên. Đồng đội mà”.

… Nửa cuối năm 1987, tình hình ngoài khơi trở nên căng thẳng, phía Trung Quốc bắt đầu có những hoạt động bất bình thường trên biển. Từ tháng 10/1987, tàu chiến đi lại ngày một nhiều hơn. Tháng 3/1988, ta quyết định đưa bộ binh ra đảo Cô Lin, Gạc Ma xây dựng, trong chiến dịch CQ 88 (CQ là viết tắt của “chủ quyền”). Cô Lin và Gạc Ma là đảo chìm, nghĩa là khi thủy triều dâng, nó chìm sâu tới 1,5-2m dưới đáy biển, nước rút đảo mới lại nổi lên. Ngày 13/3/1988, ba con tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 cùng rời đảo Đá Lớn để tiến sang bãi Cô Lin, Gạc Ma. Thiếu tá Nguyễn Duy Dương ở trên tàu HQ 604. Đây là con tàu mà từ chiều 13/3/1988, đã vận chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo Gạc Ma, và cắm cờ Tổ quốc tại đó vào lúc 21h.

Buổi sáng sớm ngày 14/3/1988, HQ 505 và HQ 604 đang neo giữ đảo Gạc Ma thì tàu Trung Quốc kéo đến. Anh Dương kể lại một cách lõm bõm: “Họ gọi loa bằng tiếng Việt: “K2 (mật danh của tàu HQ 604) rời đảo ngay. Đây là lãnh thổ của CHND Trung Hoa”. Tôi mới ngủ dậy, mặc độc cái quần đùi. Lúc đầu tôi còn trêu chọc họ cơ. Mình cầm bánh lương khô dứ dứ, họ cũng dứ lại, lương khô của họ còn to hơn! Thế rồi tàu Trung Quốc lùi lại cách đảo chừng hơn 1 hải lý (khoảng 1,8 km) rồi dùng tất cả hỏa lực bắn xối xả vào cả tàu và đảo. Anh Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng của HQ 505, bèn lệnh cho tàu lao vào Cô Lin. Đối phương bắn như vãi đạn, đúng khi tàu ta đang đổ bộ…”. Cùng lúc đó ở hướng đảo Len Đao, hải quân Trung Quốc bắn rát vào chiếc tàu thứ ba, HQ 605.

HQ 505 cháy một mảng lớn. HQ 604 chìm dần. (Còn HQ 605 chìm vào ngày hôm sau, 15/3). Anh Dương cùng đồng đội nhảy xuống biển, bơi về phía đảo Gạc Ma. 9 người bị phía Trung Quốc dùng câu liêm kéo lên, bắt được. Riêng anh bị trúng một nhát câu liêm vào đầu, máu chảy loang đỏ nước, choáng tới mức chìm xuống rất sâu nhưng rồi bị sặc, lại cố ngoi lên, bơi vào bờ. Tới nơi thì do kiệt sức, mất máu, anh ngất đi, được đồng đội sơ cứu rồi dùng xuồng nhôm rút khỏi đảo.

Nhớ biển

Nguyễn Duy Dương may mắn chỉ bị thương nhẹ. Khi tỉnh dậy, anh mới biết không còn đồng đội nào trên tàu HQ 604 ở bên mình nữa. Người tử thương vì đạn, người chìm theo tàu, người bị bắt.

Đã là lính hải quân nơi đầu sóng thì không thể sợ chết. Vết thương bình phục, anh tiếp tục ở lại Trường Sa, bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc, đồng cam cộng khổ cùng những chiến sĩ hải quân khác. Tới tháng 7/1989, anh mới ra quân, làm đủ nghề, từ hàng xay hàng xáo, tới đổ kẹo, buôn đế dép, vừa đi làm vừa ôn thi vào Đại học Sư phạm, ngành ngữ văn. Năm 1994 anh tốt nghiệp và trở thành một thầy giáo dạy văn ở Nam Định. Năm 1998, cậu con trai Nguyễn Khánh ra đời đúng vào cái ngày 14/3 không thể nào quên.

Đến giờ vết sẹo vẫn còn trên đầu người thầy giáo dạy văn của trường THPT Ngô Quyền, cựu binh ở Trường Sa. Sẹo không gây đau đớn, chỉ có những tình cảm của anh đối với những hòn đảo đá khắc nghiệt năm xưa thì cứ thỉnh thoảng lại bùng lên. Anh dồn nó vào những trang viết: Trường Sa – mùa này biển động, Nhớ lắm Trường Sa ơi, Ký ức Trường Sa…

Nguyễn Duy Dương cũng không thể quên người thuyền trưởng can trường đã hy sinh Vũ Phi Trừ, hay đồng đội thân thiết của anh là Nguyễn Xuân Thủy, quê Thái Bình, máy trưởng trên tàu 604, chết vì một viên đạn xuyên qua đầu, ngay trước mắt anh. Anh nhớ những gương mặt đồng đội trong trận hải chiến năm xưa: “Giờ này họ đang ở đâu, đang làm gì?”.

Nghĩ lại về ngày 14/3 cách đây 23 năm, anh Dương trầm ngâm: “Nói rằng chúng tôi hồi đó hơi chủ quan thì không biết có đúng không, nhưng chẳng ai nghĩ là bên kia sẽ nổ súng, nã pháo, tấn công trên biển cả, cứ tưởng chỉ gây hấn thế thôi. Mỗi người được trang bị một khẩu AK nhưng lúc đó không ai mang súng theo người, để hết ở khoang hàng. Cuối cùng khi chiến sự xảy ra, bên tàu mình tay không, không một tấc sắt. Mà kể cả có vũ khí thì nói chung cũng không tốt, sự phòng bị về căn bản không đáng kể. Trang thiết bị của ta lúc đó đã quá cũ rồi. Tàu ta là tàu 400 tấn, nhập của Trung Quốc từ thời chiến tranh. Tàu đối phương khi ấy lớn gấp cả chục lần ta”.

Anh Dương thổ lộ: “Anh em chúng tôi mong bằng cách nào đó, Việt Nam phát triển tiềm lực quân sự, hải quân, chứ chiều dài đất nước hơn 3.200 km bờ biển mà lực lượng mỏng, trang thiết bị cũ kỹ thì nếu chẳng may có sự cố gì, sẽ ứng phó rất chậm”.

Giờ đây, cùng với những người lính Trường Sa cũ, anh Dương vẫn theo dõi tình hình Trường Sa hiện nay, qua báo đài, tivi, và qua những đồng đội đóng ở Cam Ranh hay đang trên đảo. Các anh đều bảo, nhớ lắm, nhớ da diết, bồi hồi những ngày tháng Trường Sa năm xưa. Nhớ mùa gió chướng. Nhớ khi biển động, “bọt tung trắng bờ”. Nhớ những ngày biển lặng, mặt nước phẳng, trong như gương. Nhớ vô vàn kỷ niệm với đồng đội thân thương: trực chiến, tập luyện, đi đâm cá, chơi thể thao, đọc thư nhà, sinh hoạt văn nghệ, và chiến đấu. Nhớ những gương mặt đồng đội đến từ mọi miền đất nước – các anh vẫn hay đùa, có khi lên tới 19 tỉnh thành trên một hòn đảo. Ai cũng gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Và người thầy giáo dạy văn đã viết một câu rất hình ảnh, rất nên thơ, rằng: “Có con sóng nào cứ dập dềnh dâng trong mắt tôi”.

Nguồn : Blog Đoan Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét