Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Chiếc “bánh Quốc hội” và các viện nghiên cứu

Posted by truongthondlb1


Phạm Hồng Sơn – “Quốc hội” trong nền “Dân chủ Cộng hòa” của Việt nam sắp sang khóa thứ 13 rồi mà xem chừng để có sự minh bạch và công bằng trong việc chia chiếc “bánh đại diện” trong “Quốc hội” vẫn còn là chuyện xa vời.

Các ý kiến bao trùm trên các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát vẫn chỉ nhằm để biện hộ quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản Việt nam (chỉ chiếm khoảng 3% dân số) vẫn phải được quyết định trong việc chia và được giữ 80% – 90% cái “bánh đại diện” của “Quốc hội”. Sự biện hộ thường dựa theo lý lẽ kiểu: dẫu chỉ là 3 người (trong tổng số 100 người), nhưng vì họ có công lớn, có tài lãnh đạo và lại có tư cách đạo đức sáng ngời, nên họ phải được quyết định và được cầm (gần hết) cả cái “bánh ” là rất hợp lý. Việc đại diện cho cả một quốc gia, một dân tộc đâu phải chuyện ăn uống, mâm bát tầm thường, sao có thể chia đều cho cả kẻ có tài lẫn người khờ?

Đúng là việc chia chiếc bánh đại diện trong một quốc hội không thể chỉ là một con toán chia đều đơn giản. Nhưng việc xác định tỷ lệ đại diện trong quốc hội cho một thành phần dân tộc hay một đảng phái trong xã hội không thể dựa vào tiêu chí năng lực hay công trạng và không thể là việc quyết định của một đảng phái hay một nhóm người. Ý nghĩa cốt lõi của một quốc hội (hay nghị viện) đúng nghĩa phải là nơi để tất cả các thành phần dân tộc, tất cả các đảng phái, dù tài giỏi hay yếu kém, văn minh hay lạc hậu, đều phải được hiện diện và bày tỏ nguyện vọng riêng của mình một cách bình đẳng và công bằng. Cho dù sự công bằng là một khái niệm tương đối và không dễ thống nhất. Nhưng sẽ chỉ là sự bất công trắng trợn nếu một nhóm người chỉ chiếm 3% dân số nhưng liên tục trong hơn 60 năm cứ chiếm giữ trên 50% đại diện trong quốc hội. Và “bầu cử quốc hội” sẽ chỉ là màn hài kịch diễn trên lưng nhân dân khi các ứng cử viên đều đã phải qua sự sàng lọc của một đảng chính trị.

Việc chia chiếc “bánh đại diện” trong quốc hội sao cho minh bạch và công bằng là một việc liên đới tới quyền lợi của mọi người dân và là một việc liên quan chặt đến các vấn đề khoa học (khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên). Các quốc gia văn minh cũng thường phải mất hàng năm trời để cả xã hội thảo luận, tranh cãi công khai, với sự tham gia tích cực (không thể thiếu) của các học giả, các nhà khoa học, mới tìm ra được cách chia minh bạch và công bằng “chiếc bánh đại diện” trong quốc hội của họ. Việt nam cũng có các viện nghiên cứu khoa học đồ sộ, các nhà khoa học lừng danh thế giới. Các tổ chức nghiên cứu đang dùng tiến thuế của dân để hoạt động như Viện Khoa học Xã hội Việt nam hay Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là những nơi có thể đóng góp rất lớn vào vấn đề quan trọng và bức thiết đó. Nhưng chỉ tiếc, đến nay, công chúng hầu như vẫn chưa được biết các đóng góp, các ý kiến của các tổ chức, các nhà khoa học uy tín đó về việc làm sao để chiếc “bánh đại diện” của “Quốc hội” Việt nam được phân chia một cách minh bạch, công bằng. Các tổ chức đó, các cá nhân đó không có ý kiến, không có đóng góp? Hay có nhưng không được công bố?

Dù sự thật thế nào thì xã hội, nhân dân vẫn đang trông ngóng, và sẽ đến lúc có quyền hỏi thẳng: “Tại sao lại không có?”.

Phạm Hồng Sơn
10/03/2011

Tác giả gửi tới Dân Luận
http://danluan.org/node/8105

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét