Mẹ bị cáo Thúy đứng ngoài ngóng vào tòa kín
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì tại Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc đang diễn ra vụ xét xử Sầm Đức Xương và hai cháu Thúy – Hằng. Có thể nói, vượt qua cả những thua lỗ trong vụ Vinasin, những khủng hoảng kinh tế và thậm chí cả tai họa lũ lụt ở Miền Trung, vụ Sầm Đức Xương là mối quan tâm lớn nhất của xã hội năm 2010. Tuy không chết người, mất của nhưng nó đã đẩy tới tận cùng sa đọa của truyền thống đạo lý ngàn đời cha ông ta gieo trồng, vun đắp. Có một dân tộc Việt Nam nhân tâm, nhân ái như ngày hôm nay là kết tụ của hồn sông, khí núi, là phúc đức mà tổ tiên gom góp từ Vua Hùng để lại. Vì vậy, để cảnh báo, răn đe, vụ án Sầm Đức Xương đáng lý phải được xử công khai, minh bạch, không để sót người, lọt tội. Thế nhưng tiếc thay, vụ án đã được xử kín giống như xử vụng, xử trộm. Có người bán, có người môi giới mà không có người mua. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, các cháu Thúy – Hằng vẫn đang ở tuổi vị thành niên nhưng khi xét xử, không có luật sư bào chữa. Nhiều, rất nhiều những người có liên quan đã được đưa ra khỏi vụ việc để rồi giờ đây, ra vành móng ngựa chỉ là hai cháu học sinh nhỏ bé và một lão già theo lời lão là bị liệt dương. Tại sao tòa không triệu tập những người có liên quan tham gia vụ án để họ được chứng minh sự vô tội của mình nếu quả thật họ vô tội? Tại sao một vụ án cả nước đều biết lại phải xử kín? Tại sao và tại sao??? Hàng loạt các câu hỏi được dư luận đặt ra xung quanh vụ án này nhưng đều không có lời giải đáp đã gây phẫn nộ cho những người lương thiện.
Khi sinh thời, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lo sợ nhất là mất niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Từng có biết bao thế hệ các đảng viên đã hi sinh công sức, tài sản và cả tính mạng của mình để gìn giữ niềm tin trong quần chúng nhân dân, để bảo vệ niềm tin vào Đảng. Đã không ít lần trong nghị quyết cũng như các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước công khai nói lên sự lo sợ suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng.
Người dân nhìn vào Đảng không phải chỉ bởi các cương lĩnh hay nghị quyết. Và cũng không phải ở Ban Chấp hành Trung ương hay Bộ Chính trị. Người dân nhìn vào Đảng ở việc làm và lời nói của các đảng viên sống quanh họ, ở mỗi hành động của các cấp chính quyền gần gũi họ. Mỗi cách hành xử thường ngày ấy gây dựng cho họ niềm tin (hay không tin) vào Đảng. Ở vụ án này, người dân nhìn vào vụ việc không phải bởi xử ai mà xử như thế nào hay nói cách khác, là thái độ của Đảng, Nhà nước trước sự tha hóa.
Vì vậy, vụ án Sầm Đức Xương không được xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội thì không chỉ mất niềm tin mà rồi đây không còn niềm tin để mất. Nói cách khác, cứ với cách làm mờ ám này, làm gì có niềm tin để mất?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám
Theo blog Trần Nhương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét