Đỗ Trường -
Mấy ngày nay báo chí trong nước lại đồng loạt đưa tin về
việc Gs Ngô Bảo Châu được cử làm Viện trưởng Toán học,
và hình ảnh các trường đại học băng rôn khẩu hiệu rầm
rộ chào mừng Gs Châu đến giao lưu... tọa đàm. Trí thức
được chào đón nâng niu ai mà chả mát lòng mát ruột. Nhưng
dường như hiện tượng Gs Châu, chúng ta đang đi quá đà.
Tôi có anh bạn cũng là cựu học sinh chuyên toán, học trước
Ngô Bảo Châu trên chục năm. Sau đó anh sang Nga du học, lấy
vợ Nga ở lại, hiện đang làm nghề kinh doanh, hôm rồi sang
Đức chơi, anh bảo:
- Với tôi, việc nghiên cứu toán học của Ngô Bảo Châu sẽ
kém hiệu quả, sau khi nhận giải Felds.
Tôi lấy làm ngạc nhiên, hỏi lại anh:
- Tại sao ông lại nhận định như vậy, có bi quan không đấy?
- Hoàn toàn không bi quan, ông thấy nước nào có người nhận
được giải Fields mà làm rùm beng như chúng ta không? Báo chí,
rồi có ông Giáo sư lại còn viết thành sách hô biến giải
Fields thành giải Nobel toán học nữa chứ. Thành thật mà nói
giải Fields rất quí, là đỉnh cao của toán học, nhưng không
thể so sánh với giải Nobel về cả vật chất lẫn tiếng tăm,
tinh thần. Nên chúng ta cứ ghép chữ Nobel vào để tự ru nhau
thôi. Hơn nữa Châu chỉ giỏi, chuyên sâu vào môn rất nhỏ
trong ngành toán học mênh mông rộng lớn. Bây giờ Châu lại
làm viện trưởng, rồi suốt ngày đón đưa hội thảo, giao
lưu, báo chí… ngất ngây, thời gian, sức lực đâu mà nghiên
cứu? Đây là bản tính của người Việt mình khó ai thoát
khỏi cái ải này. Hơn nữa nghiên cứu, lãnh đạo quản lý là
hai ngành hoàn toàn khác nhau.
Có một điều kỳ lạ nữa, một người bình thường không sao,
nhưng cứ có chút chức tước, tiếng tăm, câu nói rất bình
thường cũng trở thành châm ngôn, bình luận. Cách nay ít lâu
trên trang trannhuong.com, có ông nhà văn, nhà báo còn đưa dẫn
chứng câu nói đại ý (lề trái, lề phải là việc của con
cừu) của Gs.Châu, ông còn cho đó là câu nói bất hủ. Xin
lỗi bác nhà văn nhé, câu nói này tôi được nghe hàng ngày từ
miệng của mấy ông khách người Đức say rượu trong quán nơi
tôi làm việc. Công việc của tôi thường dìu mấy ông say ra
khỏi quán. Trước quán có cái đèn xanh đỏ, cho người đi
bộ sang đường. Ra khỏi quán ông khách nào cũng dúi dụi, đi
lao về phía trước như trực ngã, ấy vậy mà khi nhìn thấy
đèn đường đỏ, đứng khựng lại như chào cờ, mặc dù trên
đường không có chiếc xe nào qua lại, chẳng có bóng dáng ông
cảnh sát nào cả. Tôi đùa:
- Ông còn nhận ra đèn đỏ sao?
- Chỉ có con cừu mới không nhận ra trái, phải, đúng sai mà
thôi.
Không biết câu nói này có phải là ngạn ngữ, hay thành ngữ
của người Đức không? Nhưng sao tôi thấy nó giông giống câu
nói của Gs Châu, khác chăng ông chỉ đổi ý đi mà thôi. Ông
nhà văn, nhà báo này cho là bất hủ, quả thật chẳng còn gì
để nói nữa.
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ngày tôi chưa sang
Đức, có anh Nguyễn đình C. Tiến sĩ địa chất làm việc cùng
cơ quan với ông anh tôi, nên hay tụ tập ở nhà anh tôi. Không
rõ anh có phải là đảng viên không? Nhưng anh chỉ là nhân viên
của ông anh tôi, mặc dù anh tôi chỉ là phó tiến sĩ, nhưng là
đảng viên. Tôi rất quí anh vì tính ngang ngang, nhưng nói
chuyện rất hay. Anh người miền Trung, hình như là học sinh
trường miền Nam. Anh học rất giỏi, sau đó anh sang Nga học,
trở thành tiến sĩ. Anh về nước giữa thập niên bảy mươi,
ngày đó Tiến sĩ, hoặc nghiên cứu sinh còn ít lắm. Theo anh
kể anh hay được gặp các vị lãnh đạo cấp cao nhất của
nhà nước từ ngày còn là học sinh, sau này đi du học và về
nước cũng vậy. Nhưng hình như anh cũng không lợi dụng việc
này cho con đường công danh của mình. Vào những năm 1995,
1996… tôi thấy anh thường viết bài cho các báo Dân trí, hay
khoa học gì đó. Có lần tôi đọc anh viết về anh, đại ý
như thế này, nhờ có bác.. (tên một vị lãnh đạo nhà nước)
hướng dẫn, chỉ bảo anh mới hoàn thành được luận văn
tiến sĩ của mình.
Thật sự đọc xong tôi cũng chẳng hiểu ra sao nữa. Được
biết bác lãnh tụ đó trình độ trung học thời Pháp, qua năm
tháng hoạt động, tự học, trao dồi lý luận có thể bác
giỏi về chính trị, nhưng bác không phải là giáo sư địa
chất học. Sau này về phép, tôi thắc mắc, sao anh Nguyễn
Đình C lại viết như vậy, anh tôi trả lời úp mở:
- Có thể viết do yêu cầu của người đặt bài.. hoặc lý do
gì đó.
Thì ra vậy, cái gì cũng có nguyên nhân của nó.
Tôi có quen anh Đ, trung tá an ninh bảo vệ cho ông bác họ, họ
hàng bên mẹ tôi. Vợ anh ốm đau ở quê, con còn nhỏ không có
người chăm sóc. Anh muốn chuyển vợ con ra Hà Nội, nhưng về
nguyên tắc vợ con anh không đủ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu ở
Hà nội. Ngày đó còn bao cấp, hộ khẩu gắn liền với tem
phiếu, sổ gạo nên vô cùng khó khăn. Nếu như anh dùng sức ép
từ trên xuống phòng hộ khẩu, có thể được việc nhưng
chắc chắn rất lâu, và phiền hà. Biết bên nội tôi có ông
chú làm phó phòng hành chính, trật tự, chuyên phụ trách hộ
khẩu, nên anh đến nhờ, sau đó thỉnh thoảng đến chơi. Có
hôm anh kể về ông bác họ tôi đang là lãnh đạo cấp cao,
tuổi đã trên bảy nhăm:
- Có hôm mình mình thấy bác vào nhà vệ sinh lâu lắm không
thấy ra, mình liền cậy cửa vào, thấy bác vẫn còn ngồi đó,
hình như mải suy nghĩ điều gì sâu lắm.
Lúc đó tôi cũng buột miệng:
- Có lẽ bác lẫn, tưởng đang ngồi trong phòng làm việc.
Nghe tôi nói có lẽ anh buồn, bắt tay tôi, anh đứng dậy ra
về. Một người học cao, được đào tạo cơ bản về y, và
võ thuật nghiệp vụ như anh lẽ nào không hiểu về sinh học
của con người?
Những sự việc trên, quả thật tôi không biết đặt tên là
gì, tôi thì chỉ biết gọi đó là những căn bệnh khó chữa
mà thôi. Ai hiểu thế nào thì tùy.
Ai cũng biết sau năm 1975 Sài Gòn đã đổi tên thành, thành phố
Hồ Chí Minh. Về nguyên tắc hành chánh thành phố Sài Gòn không
còn nữa, hay nó cách khác khó nghe một chút tên Sài Gòn đã
theo ông sáu tấm. Gần đây đài truyền hình Việt Nam có
chương trình Sài Gòn tôi yêu, Sài Gòn và tôi. Tôi thấy hình
như hơi bị kỳ cục. Như vậy vô tình hay hữu ý nhà đài cho
rằng thành phố Hồ Chí Minh không đáng yêu hay sao? Không như
Hà Nội, các cụ nhà ta lấy địa danh, hoặc một hiện tương,
sự kiện lịch sử đặt tên, nên các bác có thể dùng Hà
Nội, hay Thăng Long, Đông Đô, nhưng Sài Gòn đã lấy tên danh
nhân đổi( đặt tên). Làm như vậy nhà đài xúc phạm đến
chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã được học từ tiểu
học bài thơ của nhà thơ Miền Nam Bảo Định Giang trong đó có
câu "Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Cho nên nhà đài
không thể vịn lý do lấy tên Sài Gòn sẽ hoài niệm, hay và
nên thơ hơn để biện hộ cho việc làm có dụng ý của mình.
Truyền hình là bộ mặt, tiếng nói của nhà nước và nhân dân
Việt Nam, nên muốn sử dụng tên Sài Gòn trên truyền thông
phải được phép đồng ý đổi lại tên của quốc hội và
nhà nước. Tất nhiên một số cá nhân họ vẫn có thể viết,
nói Sài Gòn thay cho thành phố Hồ chí Minh (nhất là bác nhà
thơ Trần Mạnh Hảo luôn luôn sử dụng Sài Gòn trong bài viết
của mình) vì họ chẳng thay mặt cho ai cả, đó là ý thích cá
nhân.
Anh bạn gần nhà, nguyên là giáo viên trường đảng, còn dọa,
nếu như đài truyền hình còn tiếp tục sử dụng danh từ Sài
Gòn thay cho thành phố Hồ Chí Minh anh sẽ về Việt Nam thuê
luật sư kiện. Nếu không có luật sư nào nhận, anh sẽ chờ
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ra tù, thuê công ty luật của anh. Anh bạn
tôi tin rằng ban văn hóa tư tưởng sẽ ủng hộ anh.
Đức quốc 9-3-2011
ĐỖ TRƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét