Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Hãy để các em lên tiếng

Sự việc một nữ sinh THCS Trần Phú, Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bị đánh hội đồng, bị lột áo và bị ghi hình phát tán trên internet trong một clip kéo dài 9 phút, cho thấy các em chẳng những ứng xử nhau bằng baọ lực của cái ác mà con thích nhấm nháp “thành quả” của cái ác. Không gì đáng sợ hơn. Dư luận khá ồn ào cho rằng kỉ án kỷ luật của Trường THCS Trần Phú là quá nhẹ, thiếu tính răn đe, trong khi Nhà trường thì cho rằng: “Nhà trường không hề bao che vụ việc. Còn việc xử lý kỷ luật là nghĩ đến giáo dục là chính, nghĩ đến tương lai của các em, khi kỷ luật phải xem xét cả một quá trình.”

Nhà trường không phải không có lý, bởi vì kỷ luật các em ở tuổi vị thanh niên là để giáo dục chứ không phải để đẩy các em đến chân tường. Chúng ta còn nhớ ở Bình Dương cuối năm ngoái, một em bị đuổi học đã tìm cách trả thù bạn: “Rượt theo đấm đá tới tấp rồi dùng dao Thái Lan đâm thẳng vào giữa lưng. Mũi dao xuyên thủng màng phổi.” Hơn nữa án kỷ luật không nên và không thể chỉ chú mục vào các em, chính Nhà trường và gia đình cũng phải lĩnh án.

Thực tế các vụ bạo lực học đường đa phần gây ra bởi con cái những người có quyền và có tiền, nếu không cũng chính là con em trong ngành giáo dục. Khi nhìn thấy và ý thức được mọi việc đều được giải quyết bằng quyền, tiền và quen thân thì các em không ngần ngại gì mà không gây án. Do vậy, nếu các em gây án thì cả Nhà Trường và bố mẹ cũng phải chịu một án kỷ luật nào đó, như thế mới công bằng, mới thực sự chỉ rõ trách nhiệm, chứ không phải những diễn ngôn chung chung về tinh thần trách nhiệm.

Trong khi chúng ta quá quan tâm đến việc xử lý kỉ luật, người lớn nói quá nhiều đến sai trái của các em mà tuồng như ít ai chú ý lắng nghe các em nói gì, nghĩ gì. Ẩn ức thường dẫn đến bùng nổ bạo lực, liệu người lớn đã biết gì về những ẩn ức của các em? Rất nhiều khi những bực bội từ phía gia đình và nhà trường lại gây ra những cuộc đánh lộn mà nguyên nhân rất phi lý, vì “cái nhìn đểu” vì “cái mặt dễ ghét” chẳng hạn.

Vậy hãy để các em nói, tạo điều kiện cât tiếng về những lý do thực của các xung đột, từ đó người lớn sẽ có nhiều bài học đích đáng. Để các em nói chuyện với nhau, chia sẻ cùng nhau trong các nhóm hoà giải bạn bè, thay vì những “giáo dục”, những “răn đe” của người lớn, đó chính là vấn đề lớn chúng ta nên nghĩ tới trong khi tìm kiếm những giải pháp hạn chế bạo lực học đường.

Năm ngoái ở Tp. HCM có đề thi văn cho lớp 12: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình” (Đời thừa – Nam Cao). Từ quan niệm trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về “kẻ mạnh” trong mối quan hệ giữa người và người.”. Một đề thi rất hay, qua đó thầy cô giáo nhận được vô số ý kiến của các em, phần nào hiểu được tâm trạng thật của các em. Rất đáng khen.

Hãy có nhiều việc làm như thế nữa để tạo điều kiện cho các em bộc bạch tâm tình, giúp các em nói chuyện phải quấy với nhau khi có xung đột, giúp họ hiểu nhau hơn, từ đó yêu thương nhau hơn. Hãy làm như thế đi thay vì những hội nghị hội thảo, thay vì những lời than vãn, kêu ca kiểu như “không thể hiểu được”, “không thể tin được”, ‘thật là đau xót”…Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, đằng sau sự diễn ngôn kia không phải là nỗi đau mà là sự chạy trốn trách nhiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét