Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Bài toán cho Cách Mạng Việt Nam

Posted by truongthondlb1


Minh Dâu (danlambao) - Không có cuộc cách mạng nào là không có sự mất mát hy sinh, đầu rơi máu chảy, đó chính là cái giá cho cuộc cách mạng. Nếu không có đội ngũ nòng cốt tiên phong và dám chấp nhận hy sinh thì sự mơ tưởng tới thành công sẽ trở nên hão huyền. Nếu chỉ tung hô kêu gọi rồi chui vào chăn nằm để chờ phản ứng của người khác rồi mới tính chuyện chui ra thì chắc chắn cũng sẽ chẳng bao giờ có được cuộc cách mạng…

*

I. Thời Cơ Cho Cuộc Cách Mạng:

Muốn có một sự thay đổi cơ bản cho một thể chế chẳng còn con đường nào khác là phải làm cách mạng, một cuộc cách mạng triệt để chứ không phải là một cuộc cách mạng nửa vời. Muốn làm cách mạng thì tất phải có thời cơ.

Ngay cả cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 cũng vậy, sau 15 năm kể từ ngày thống nhất các đảng phái cộng sản 1930, đảng CS Đông Dương mới có được thời cơ chín muồi để tiến đến đấu tranh giành chính quyền được hiện rõ trong nội dung chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và thời cơ của chúng ta”.

Tình hình quốc tế khi đó cũng có nhiều thuận lợi cho cuộc cách mạng thành công. Chiến tranh thế giới thứ II đang đi đến hồi kết thúc, chính quyền bảo hộ Pháp đang khủng hoảng cho cuộc thế chiến này, quân đội Nhật nhảy vào nước ta và Nhật Pháp xung đột quyền lợi.

Trong nước, chính quyền thân Pháp hủ bại, bán nước cầu vinh, chỉ chăm lo cuộc sống đế vương và lũ quan tham đục nước béo cò, cướp bóc và vơ vét tài sản của nhân dân. Cuộc sống của người dân bần hàn, nông dân chết đói hàng loạt đẩy cuộc sống của người dân tới cùng cực nên chẳng còn con đường nào khác là đi theo CS.

Chính những yếu tố này đã dẫn tới CS huy động được lòng dân và phát động cướp chính quyền thành công. Tất nhiên cũng cần phải kể tới những chiêu bài dụ dỗ và cái bánh vẽ: “đấu tranh cho thế giới đại đồng, công bằng bác ái. Người dân có ruộng, cơm no áo ấm …” Đó chính là điều thật lý tưởng cho mọi người dân khi đó. Về nội lực, cách mạng Việt Nam khi đó không thể trông chờ vào lòng dân để duy trì mãi cuộc đấu tranh nên cần có sự ủng hộ của phe XHCN làm nền tảng vững chắc nhất là sự giúp đỡ của Liên Xô cũ và Trung Quốc về vật chất, tiền tài mới có thể đi đến thắng lợi cuối cùng.

Sau bao năm lãnh đạo đất nước kể từ đó tới nay, chế độ cộng sản này vẫn còn đang say sưa với những chiến thắng oanh liệt như họ vẫn thường rêu rao mà dần quên đi những gì đã hứa trước cả một dân tộc khi tiến hành cuộc cách mạng giành chính quyền. Giờ đây họ xô nhau cướp phá làm giàu bằng mọi cách không từ bất kể thủ đoạn nào để cướp đoạt tài sản của dân cũng như của công quỹ. Họ đâu chỉ cướp nhà cướp đất của dân đen, họ đang tâm cướp cả những người đã từng đi theo họ, cống hiến xương máu cho chính cái chế độ này. Trong khắp 64 tỉnh thành trên toàn quốc đâu đâu cũng có sự oan nghiệt và lòng căm hờn với chế độ hiện tại. Mọi dự án được vẽ ra chủ yếu nhằm chia chác miếng mồi béo bở chứ chẳng cần biết có phục vụ lợi ích dân sinh hay không. Những dự án lớn bị cả nước lên án họ cũng làm ngơ và quyết tâm thực hiện cho bằng được như dự án bôxit, dự án tàu cao tốc bị quốc hội bác thì họ nói bác chứ không phải là không cho làm nên xé nhỏ dự án ra để quyết tâm thực hiện cho bằng được cho dù lợi ích phục vụ cộng động của loại hình đường sắt cao tốc này thế nào ai cũng rõ. Đất, rừng, biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam thì họ tự coi đó là tài sản riêng của họ để họ đem đổi chác, hiến tặng nhằm bảo đảm vững chắc cho cái ghế cai trị của họ.

Con đường họ vạch ra cho dân tộc đã lỗ thời và đã thất bại ngay tại chính quê hương của chính cái chủ nghĩa đó vậy mà họ vẫn cố bám lấy bằng mọi giá để dương dương tự đắc mạo nhận đó là ý nguyện của toàn dân. Tất cả những tội này sẽ được khắc ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Rõ ràng đã đến lúc người Việt Nam phải tiếp tục xuống đường để làm một cuộc cách mạng triệt để. Vậy thời cơ cho cuộc cách mạng đó liệu đã tới?

Thực ra Việt Nam đã có những thời cơ để làm nên sự thay đổi triệt để cho con đường tiến lên của đất nước. Đầu thập kỷ 90’s trên thế giới xảy ra những cuộc chiến tranh sắc tộc ở một số nước, chế độ XHCN bên bờ vực tan rã và phá sản hoàn toàn. Đó cũng chính là một thời cơ cho cuộc cách mạng Việt Nam, nhưng thật tiếc là đã không được tận dụng. Ngày đó cuộc sống của người dân cũng thật lầm than. Nông dân không thể sống nổi trên cánh đồng mà họ được phân nên cũng chẳng thiết tha với đồng ruộng, công nhân không yêu nhà máy, trí thức quằn mình chống lại cái đói và nhao ra đường tìm phương cứu đói. Bác sỹ các bệnh viện chỉ mong tới ngày được phân ra trông xe đạp ở cổng viện để có tiền nuôi sống gia đình, trí thức tìm mọi cách trốn việc để đi buôn nhằm kiếm thêm đồng ra đồng vào cho cuộc sống đỡ lam lũ và sẵn sàng bỏ hết chạy vạy để kiếm được một suất đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Trí thức đang học tập ở nước ngoài thì chỉ nhằm lao ra đường để tìm được các nguồn hàng có thể buôn về nhà có lời còn đâu tâm trí để “dùi mài kinh sử”. Ngay bản thân những người đã hy sinh xương máu để gây dựng nên cái chế độ này cũng bắt đầu hoài nghi và thiếu tin tưởng vào cái lý tưởng mà họ đã chọn, nhưng chính họ đã góp công vào việc tạo dựng ra cái hình thái chính trị này nên đành phải bấm bụng đi theo, những người lãnh đạo cấp cao thì vấn được cung cấp chế độ đặc biệt để thỏa mãn cuộc sống nên cũng đành phải làm ngơ những gì đang xảy ra với chính dân tộc của họ.

Chính tại thời điểm này, đảng CS cũng thật khôn khéo để chèo lái con thuyền vượt qua gian nguy đó. Để tránh được cuộc chiến tranh sắc tộc có thể xảy ra, họ nhanh chóng đưa Nông Đức Mạnh lên làm chủ tịch quốc hội để giương cao ngọn cờ “dân tộc”. Họ nhanh chóng tuyên bố mở cửa và đi theo con đường của nền kinh tế thị trường. Mọi người dân tưởng như thoát được cái vòng tay xiết chặt nơi cổ họ nên ra sức thở nên quên đi cái gì thực sự đã xô đẩy cuộc sống của họ đến nông nỗi đó. Đang đói kém giờ được “tự do” hơn, thấy cuộc sống có phần nào dễ thở hơn, ấm cúng hơn nên họ hài lòng với cuộc sống như vậy. Chính vì vậy mà thời cơ đó đã qua đi lặng lẽ chẳng để lại một dấu vết nào ở Việt Nam.

Khi ngọn lửa bùng sáng của Mohammed Bouazizi ở Tunisia lan sang Ai Cập, lan sang Trung Đông, Bắc Phi rồi lan sang Châu Á, giờ thì ngọn lửa đó đã bùng cháy anh kỹ sư trẻ Phạm Thành Sơn ngay trước cổng UBND TP Đà Nẵng. Nhưng liệu ngọn lửa của anh Phạm Thành Sơn có trở thành một cuộc cách mạng thực sự như ở Tunisia hay không? Đây chính là thời cơ để làm một sự thay đổi căn bản cho cuộc sống của mọi người dân Việt Nam. Một nhu cầu cấp thiết và đòi hỏi chính đáng của cả dân tộc.

Một khi chính đảng này đang xa rời nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đàn áp nhân dân tay không tấc sắt bằng những lực lượng cực đoan trung thành với đảng CS, dập tắt mọi tiếng nói phản biện của dân để đấu tranh cho công bằng bác ái, mọi tiếng nói đòi dân chủ đều bị vùi dập và chụp mũ cho rằng là phản động và chống phá nhà nước. Chính những việc làm cụ thể của họ cho thấy họ đã mạo nhận là đại diện của dân và tự cho mình là người dẫn dắt đưa đường chỉ lối cho dân tộc này phải theo con đường thiển cận của một số người cốt cũng chỉ duy trì quyền lực của chính họ. Họ chính là người đã bao che dung túng cho một thế lực bán nước hại dân, tham quyền cố vị, đục khoét cướp bóc nhũng nhiễu nhân dân. Chúng còn dàn xếp, mua bán, mặc cả với nhau để đưa những thằng con đứa cháu bất tài vô dụng trong con mắt của nhân dân nhưng đối với họ thì lại là “đủ tài đủ đức” vào những ví trí quyền lực trong đảng và chính quyền nhằm duy trì thế lực cá nhân như Nguyễn Thanh Nghị là con của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Anh con của Nguyễn Văn Chi và Nông Quốc Tuấn con của Nông Đức Mạnh. Đó chính là những thối nát của chính thể này mà người dân cần phải loại bỏ và thay thế bằng một chính thể thực sự đặt lợi ích của nhân dân và tổ quốc lên trên hết. Thời cơ đã có, lòng dân không phải là không huy động được, nhưng liệu cuộc cách mạng thực sự có xảy ra? Người dân Việt Nam còn do dự và trông chờ điều gì mà chưa tiến hành cuộc cách mạng như trong tâm của họ vẫn mong mỏi?



II. Những Bài Toán:

1. Lực Lượng Lãnh Đạo:

Bất kỳ một cuộc cách mạng nào cũng đều phải có chủ trương đường lối (hay còn gọi là cương lĩnh chính trị) rõ ràng, trong đó phải nêu cao được cái chính nghĩa và nguyện vọng của toàn dân, mục tiêu phấn đấu cũng như con đường tiến cho xã hội và dân tộc Việt Nam thì mới huy động được lòng người đi theo. Phải có một lực nòng cốt để làm điểm tựa cho công cuộc cách mạng phát triển vững mạnh, phải có độ ngũ tiên phong dám chấp nhận hy sinh tất cả để cách mạng được thành công. Không có cuộc cách mạng nào là không có sự mất mát hy sinh, đầu rơi máu chảy, đó chính là cái giá cho cuộc cách mạng. Nếu không có đội ngũ nòng cốt tiên phong và dám chấp nhận hy sinh thì sự mơ tưởng tới thành công sẽ trở nên hão huyền. Nếu chỉ tung hô kêu gọi rồi chui vào chăn nằm để chờ phản ứng của người khác rồi mới tính chuyện chui ra thì chắc chắn cũng sẽ chẳng bao giờ có được cuộc cách mạng. Cần phải có những lực lượng như vậy có những hành động cụ thể thì mới mong dẫn dắt được cách mạng tới thành công cuối cùng.

Điểm qua một số đảng phái chính trị của người Việt hiện nay chủ yếu lại nằm ở nước ngoài, tất nhiên một phần vì trong nước không cho phép thành lập các đảng phái chính trị. Nhưng trong mắt người dân trong nước chưa thực sự tin cậy vào các đảng phái này vì họ cho rằng “nằm bên đó mà nói thì nói gì mà chẳng được”. Một số đảng phái cũng có những hành động gây được tiếng vang trong nước, cũng làm cho người dân trong nước ngỡ ngàng nhưng vẫn chưa chiếm được niềm tin trọn vẹn của người dân. Chương trình hành động của các đảng phái đó là nhỏ lẻ và chủ yếu theo phương châm đánh song rồi rút. Cũng có những đảng viên của các đảng này về Việt Nam hoạt động nhưng rõ ràng đã không phát huy được sức mạnh và chưa đẩy lên thành một phong trào rộng khắp. Tại sao lại như vậy? Đó chính là cốt lõi của vấn đề.

Hầu hết các đảng phái chính trị ở nước ngoài cũng đều nêu bật lên được là sẽ đấu tranh cho dân chủ, công bằng xã hội và pháp trị, nhưng rồi người dân vẫn nghe thấy hơi hướng của sự thù ghét CS và muốn quay về chế độ cộng hòa như ở Miền Nam trước năm 1975 chứ chưa thực sự đặt lợi ích dân tộc và tổ quốc lên trên hết. Tất nhiên mỗi đảng đều phải có cương lĩnh chính trị khác nhau, có xu hướng phấn đấu khác nhau và để ra con đường đi cho đảng của mình theo các phương thức khác nhau. Nếu các đảng này không lấy đại cục làm trọng, không lấy lợi ích dân tộc và quốc gia lên hàng đầu để gạt bỏ những khác nhau đó, hợp sức nhau lại trở thành một khối thống nhất phấn đấu cho sự nghiệp chung thì mãi mãi cũng chỉ là những đảng phái lưu vong bên ngoài lãnh thổ Việt Nam mà thôi.

Cần có sự thống nhất và đoàn kết giữa các đảng phái chính trị này thì mới mong phát huy hết được sức mạnh và qua đó mới có được sự đồng lòng đoàn kết của toàn dân trong nước. Mỗi đảng chỉ muốn xây dựng một lực lượng riêng cho mình thì cũng sẽ trở thành những lực lượng nhỏ lẻ rất dễ bị bẻ gãy. Tất cả các đảng phái này đều có xu hướng chung là lật đổ chế độ đảng trị này để xây dựng một xã hội theo cách của mỗi đảng thì tại sao các đảng phái chính trị này lại không liên minh với nhau để phấn đấu cho mục đích chung đó đã? Chỉ khi cuộc cách mạng thành công thì mỗi đảng mới có cơ hội để thể hiện được vai trò cũng như xu hướng phấn đấu của mỗi đảng được.

Đối với trong nước phải kể tới khối 8406, xét cho cùng thì họ cũng chính là một đảng phái. Chẳng qua do luật pháp Việt Nam không cho phép thành lập đảng của họ nên mới lấy tên là khối. Nhân dân ghi nhận tấm lòng kiên trung bảo vệ chính kiến và xả thân vì sự tự do, dân chủ, chấp nhận con đường tù đày gian khổ chứ không chịu khuất phục trước cường quyền tàn bạo như Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác nữa. Ngoài ra một trường hợp thật đặc biệt khác nữa mà không thể kể tới đó là tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ cùng các tấm gương sáng khác như bác sỹ Nguyễn Đan Quế. Những hy sinh mất mát của những người con ưu tú này sẽ được sử sách ghi danh, mặc dù nhân dân vẫn biết những người con của họ không hành động chỉ vì việc ghi lại sử sách mà họ phấn đấu cho những điều cao cả hơn, tốt đẹp hơn cho cả dân tộc và đất nước. Họ chính là những người tiên phong trong đội ngũ tiên phong chấp nhận hy sinh để cho cách mạng đi tới thành công cuối cùng. Nhưng tại sao những lời kêu gọi của họ vẫn chưa được sự đồng tình ủng hộ của đại bộ phận người dân?

Trong thời gian qua mọi người đều thấy có rất nhiều lời kêu gọi xuống đường nhằm lật đổ chế độ độc đảng để xây dưng một xã hội tự do hơn, công bằng hơn, dân chủ hơn của các tổ chức cũng như cá nhân khác nhau nhưng không được sự ủng hộ lớn lao từ nhân dân, chính vì vậy mà có những lời kêu gọi đã chìm mà không gây được tiếng vang nào. Tất cả đều do các tổ chức này, cá nhân này không cùng nhau hợp lực, không thể hiện sự đoàn kết nhất trí cùng nhau thì sẽ trở thành những lực lượng nhỏ lẻ đơn độc. Phải biết cùng nhau hành động, chỉ cần đưa ra được một lời hiệu triệu thống nhất thì lòng dân mới quy về một mối, mới phát huy được sức mạnh của cả một dân tộc.

Nếu cả hai bộ phận này, cả các đảng phái ngoài nước cùng đoàn kết với các tổ chức cũng như các cá nhân có lòng nhiệt tâm cách mạng và khao khát phấn đấu cho một xã hội văn minh, công bằng, tự do và dân chủ thì chắc sẽ sẽ trở thành một lực lượng hùng hậu, mạnh mẽ mà có thể đối chọi với cường quyền tàn bạo sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đàn áp cùng các lực lượng vũ trang “còn đảng còn mình”.

Ngoài đội ngũ tiên phong làm nòng cốt cho cuộc cách mạng thì vẫn phải cần tới sự ủng hộ, đồng lòng và đoàn kết của đại bộ phận nhân dân trong nước. Xin nhắc lại một câu của người xưa: “Đưa thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Điều này cho thấy sức mạnh của toàn dân là một sức mạnh vô song, nó còn mạnh mẽ hơn bất cứ thứ súng đạn nào hiện nay trên thế giới. Khi tất cả các đảng phái chính trị của người Việt ở hải ngoại cùng đoàn kết với các tổ chức, cá nhân trong nước thì mới có thể kêu gọi được cả dân tộc. Nếu không kêu gọi được lòng dân, không lấy được niềm tin của nhân dân, không được sự ủng hộ của nhân dân thì những lời kêu gọi xuống đường đó sẽ mãi cũng chỉ là lời kêu gọi chứ không thể biến thành một cuộc cách mạng thực sự được. Đảng CS trước đây làm cuộc cách mạng thành công được cũng chính là nhờ phần lớn kêu gọi được sức mạnh của toàn dân đó.

2. Lòng Dân:

Người dân Việt Nam là một trong những dân tộc chịu nhiều đau thương tang tóc nhất thế giới. Trong suốt chiều dài bốn ngàn năm lịch sử thì phần lớn là đấu tranh giữ nước. Chiến tranh triền miên, người dân luôn sống trong lam lũ, nghèo đói lầm than. Hết giặc ngoại xâm này đến ngoại xâm khác, hết giặc ngoại xâm thì lại đến nội xâm. Lịch sử Việt Nam thật là hào hùng nhưng cũng đầy bi thương. Thịt nát xương tan, đầu rơi máu chảy, nhà cửa ruộng vườn tan hoang thì thời kỳ nào cũng có không vì lý do này cũng vì lý do khác.

Thời nay, sau cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài mà người dân đã phải gánh chịu quá nhiều đau thương, khổ cực, mất mát. Chính sách mở cửa mới gần đây làm cho người dân cảm thấy dễ thở hơn và tạm chấp nhận cuộc sống như vậy vì dù sao cuộc sống cũng có được cải thiện đáng kể cho dù chính sách đó cũng chỉ nhằm đánh lừa nhân dân tránh rơi vào con đường nội chiến lúc đó. Thật không may cho cái đảng CS này đã không duy trì được mãi như vậy và bắt đầu quay lại phản lại nhân dân, phản lại đất nước chỉ để nhằm duy trì tính độc tôn của đảng ở đất nước này nên người dân nhận ra là mình đã bị lừa. Không chỉ có người dân mà ngay cả những người trước đây chấp nhận cảnh tù đầy, tên bay đạn lạc nhằm xây dựng cho được cái chế độ này cũng đã mất niềm tin với chính cái đảng của họ và không ít trong số họ cũng bị oan nghiệt, bất công đổ xuống đầu. Chính vì điều này mà người dân giờ luôn hồ nghi với mọi điều. Ai cũng biết là cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ bản cái thể chế hiện tại, nhưng đó chỉ dừng lại ở việc nói với nhau chứ chưa thực sự ý thức được phải cùng nhau đứng lên làm điều đó. Họ thật khó chấp nhận việc tiếp tục hy sinh, đổ máu và mất mát thêm nữa, nhưng mặt khác họ cũng thật khó chấp nhận những bất công hàng ngày đang diễn ra trước mắt họ khi mà đồng tiền và thế lực đánh đổ tất cả những lý lẽ trên đời.

Lòng dân đang rối bời giữa cái chung với cái riêng. Một khi họ thấy thiếu tin tưởng thì họ sẽ chẳng đi theo cách mạng cho dù mục tiêu của cách mạng đó có cao cả đến đâu đi chăng nữa. Nếu có theo thì cũng chỉ đi theo cầm chừng, thuận lợi thì theo, khó khăn gian khổ thì bỏ. Chỉ có những ai đã chịu cảnh bất công, mất nhà mất đất, và thực sự khao khát thay đổi thể chế này mới thực sự sẵn lòng theo cách mạng tới cùng. Nhưng để bảo đảm cho cuộc cách mạng thành công thì vẫn phải cần đến sức mạnh của toàn dân nên việc xây dựng lòng tin với dân vẫn phải được tiến hành mạnh mẽ và rộng khắp để cho toàn dân hiểu được sự chính nghĩa của cuộc cách mạng này. Có được điều này thì cách mạng chẳng còn phải sợ điều gì nữa.

3. Sự Ủng Hộ Của Cộng Đồng Quốc Tế:

Ngoài sức mạnh nội lực thì cuộc cách mạng này vẫn cần đến tiếng nói ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Các phong trào dân chủ tại Việt Nam trong thời gian qua ít nhiều cũng được sự quan tâm và lên tiếng bảo vệ của cộng đồng quốc tế. Nhưng ở đây lại là một cuộc cách mạng thực sự nên càng phải cần tới sự ủng hộ to lớn của cộng động quốc tế cả về tinh thần lẫn vật chất.

Cuộc cách mạng này (nếu xảy ra) không thể thắng lợi trong ngày một ngày hai, có thể phải kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng thậm chí trong vài năm. Những chi phí cho cuộc cách mạng kéo dài như vậy liệu nội lực có thể cáng đáng nổi. Chỉ cần tính suất ăn hàng ngày cho những người tham gia chính để tiền hành cách mạng cũng đã là một con số không hề nhỏ. Nên sự ủng hộ giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất từ cộng đồng quốc tế là rất cần thiết. Nhưng tổ chức nào, đảng phái nào đủ uy tín để đứng ra thay mặt cho cuộc cách mạng để tiếp nhận sự ủng hộ giúp đỡ đó? Và những sự ủng hộ giúp đỡ đó liệu có được sử dụng đúng mục đích, phân chia công bằng tới toàn bộ những người tham gia cách mạng hay lại trở thành tài sản riêng của một tổ chức hay đảng phái nào đó về sau? Thành quả cách mạng (nếu thành công) phải là của toàn dân chứ không phải chỉ riêng một tổ chức nào hay đảng phái nào vì công cuộc cách mạng này cần sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân thì mới thể hiện đó là nguyện vọng khát khao của toàn dân, có được như vậy mới phát huy hết được sự mạnh của toàn dân.

Chính vì vậy những câu hỏi này cần phải có những câu trả lời minh bạch trước toàn dân ngay cả trước khi cuộc cách mạng này được tiến hành. Để làm được điều đó thì trước tiên các đảng phái chính trị cũng như các tổ chức cần quy về một mối, đoàn kết đứng dưới một ngọn cờ duy nhất để đấu tranh cho sự nghiệp chung.

4. Giặc Nội Xâm Và Ngoại Xâm:

Ai cũng thấy rõ chính thể hiện nay thân Trung Quốc, thuần phục dưới gót chân của Trung Quốc. Mà Trung Quốc lại chỉ xem Việt Nam là một nước cờ nhỏ trên bàn cờ quốc tế để đưa ra làm điều kiện đàm phán có lợi cho Trung Quốc. Âm mưu thôn tính Việt Nam đâu chỉ có thời nay mà đã kéo dài suốt hơn 4 ngàn năm lịch sử của Việt Nam. Ngày nay cũng cho thấy rõ bản chất xấu xa đó như lưỡi bò ở biển Đông, các đường biên giới trên đất liền cũng bị mòn vẹt vào sâu lãnh thổ Việt Nam do chính quyền thối nát hiện nay dâng hiến. Không những vậy họ còn rinh người Trung Quốc vào những chỗ xung yếu nhất của tổ quốc ta. Đó chính là hiểm họa tiềm ẩn khi tiến hành cuộc cách mạng.

Trước sức mạnh của toàn dân, ai cũng biết rõ cái chế độ độc đảng này không tự dưng bàn giao lại đất nước cho nhân dân, họ cũng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để tìm cách dẹp tan cách mạng nhằm duy trì chế độ của họ nên không loại trừ khả năng họ sẽ cầu viện sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc. Đây là một tình huống hết sức nguy hiểm cho không chỉ cách mạng mà cho cả dân tộc Việt Nam cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Bài toán này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng khi tiến hành cách mạng.

5. Mỹ Và Cuộc Cách Mạng Ở Việt Nam:

Tại sao lại là Mỹ mà không phải là nước khác? Ngay từ ngày khởi đầu cuộc cách mạng do CS phát động mà đứng đầu là ông Hồ Chí Minh cũng đã được nước Mỹ quan tâm giúp đỡ. Nhưng dần cuộc cách mạng đó đã chọn con đường CS thân Liên Xô cũ và Trung Quốc nên không còn nhận được sự giúp đỡ của Mỹ. Sau đó chính phủ Mỹ và nhân dân lại hết sức giúp đỡ chính quyền miền Nam trước năm 1975. Đó chính là những cột mốc quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà nhân dân Việt Nam cần trân trọng.

Sau khi đã chọn con đường tiền lên CSCN của Việt Nam thì chẳng thể chọn người bạn đồng hành nào khác là Liên Xô cũ và Trung Quốc cả. Việt Nam đã coi Liên Xô là thành trì vững chắc của cách mạng Việt Nam và đã đi theo đất nước đó mấy chục năm. Trong chiến tranh Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc cũng đóng góp đáng kể cho cuộc chiến đó nhưng không phải là đã hết lòng giúp đỡ “chí tình chí nghĩa” thực sự như hồi đó vẫn rêu rao. Vẫn còn nhiều toan tính, dùng Việt Nam làm con bài đàm phán cho lợi ích của chính họ. Rồi bản chất của mối quan hệ này cũng được phơi bày.

Ngay sau khi Việt Nam chấm dứt chiến tranh, đất nước còn nghèo đói, hậu quả của chiến tranh là rất nặng nề vậy mà ông anh cả của phe XHCN đã xiết nợ, bắt tầu bắt hàng của Việt Nam để trả nợ cho sự giúp đỡ chí tình đó. Còn người anh Trung Quốc thì sao? Nếu không nhầm thì chính Tổng thống Dương Văn Minh đã thú nhận rằng đã nhận được điện từ phía Trung Quốc yêu cầu cầm cự thêm vài ngày nữa thì quân Trung Quốc sẽ có mặt khắp miền Nam để giải nguy cho cho chế độ cộng hòa. Thật là một ông anh thân thiết phải không? Ngay sau đó thì lập tức cho thuyền bè tầu chiến bắn giết bộ đội của ta để chiếm giữ các đảo của Trường Sa và đến nay chiến sự vẫn đang tiếp diễn. Bộ mặt thật đó chắc người dân Việt Nam không bao giờ quên. Nên cuộc cách mạng này không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ hai quốc gia này mà còn phải coi đó như là một hiểm họa cho đất nước mãi mãi về sau.

Điểm lại những nước lớn trên thế giới mà Việt Nam có thể trông cậy được thì chỉ còn lại nước Mỹ. Chỉ có nước Mỹ mới là đối trọng nặng ký với Trung Quốc trong tình hình hiện nay. Nếu nhận được sự đồng tình ủng hộ toàn tâm từ chính phủ và nhân dân Mỹ thì Trung Quốc có ý định xâm lấn thì cũng phải biết dè chừng và càng không dám làm liều được. Hiện Mỹ đã có lực lượng thường trực đang tập trận với Hàn Quốc nên đó cũng sẽ là một lực lượng đáng kể để nhanh chóng can thiệp nếu Trung Quốc bành trướng trên biển Đông hoặc nhảy vào can thiệp ở Việt Nam. Chính vì vậy mà cuộc cách mạng cần có sự đồng thuận và ủng hộ hết mình từ chính phủ Mỹ.

Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã có những chính sách rất mềm mỏng đối với chính quyền CS hiện nay. Một mặt vẫn bảo vệ những nhà nhân quyền và dân chủ ở trong nước, nhưng mặt khác vẫn không thể hiện sự quyết chí ép chính quyền CS ở Việt Nam phải tuân thủ triệt để các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết như về các vấn đề nhân quyền, tôn giáo, tự do báo chí, dân chủ … Ngay bản thân tùy viên chính trị của đại sứ quán Hoa Kỳ bị hành hung khi tới thăm linh mục Nguyễn Văn Lý, một tiền lệ tồi tệ và chưa từng có trong quan hệ ngoại giao quốc tế vậy mà khi các chính khách đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC thì lại không được sự đồng thuận cao.

Điều này chứng tỏ chính sách hai mặt của chính phủ Mỹ đối với chính quyền CS hiện nay ở Việt Nam. Dù sao Mỹ vẫn đang tìm thấy lợi ích của Mỹ từ chính quyền CS hiện nay. Chính vì sự lập lờ này mà người dân Việt Nam nói chung và những chiến sỹ đấu tranh cho tự do và dân chủ cũng như tôn giáo gặp rất nhiều khó khăn và đến nay vẫn chưa thể trở thành một lực lượng đáng kể trong nhân dân. Chính vì sự nhỏ lẻ này mà tầm ảnh hưởng của các tổ chức trong nước cũng như các đảng phái ở hải ngoại cũng chưa nhiều trong đời sống chính trị cũng như tinh thần của người dân Việt Nam.

Muốn tranh thủ được sự ủng hộ của nước Mỹ thì trước tiên tất cả các đảng phái chính trị, các tổ chức cũng như các cá nhân có lòng khao khát cách mạng phải đoàn kết lại đứng dưới một ngọn cờ duy nhất đó là dân tộc và tổ quốc. Đừng vì cái tôi và cái riêng của mỗi đảng mà xây dựng cho mình một mặt trận đấu tranh riêng. Càng xé lẻ thì lực lượng đấu tranh càng mỏng, lòng dân cũng bị xé lẻ và sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế cũng xé lẻ theo. Chính lúc này đây cần nhất sự đoàn kết một lòng của tất cả các đảng phái, tổ chức, cá nhân để đi trên cùng một con đường đấu tranh cho sự thắng lợi cuối cùng và thể hiện rõ đó chí là ý chí của cả một dân tộc, nguyện vọng chính đáng của toàn dân thì mới có thể nhận được sự ủng hộ triệt để của nước Mỹ.

6. Hậu Sự:

Nếu tất cả những bài toán trên đều được giải thì cuộc cách mạng này chắc chắn thành công và chỉ còn lại một bài toán nhỏ nữa đó là đóng quan tài tiễn biệt chế độ CS ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam sẽ tin tưởng và đồng lòng xuống đường để lật đổ chính quyền CS đương thời.

Những kẻ gian ác, tham nhũng phải bị nghiêm trị, những đồng tiền mà họ cướp được phải trả lại cho dân và cho chính quyền mới để sử dụng hiệu quả vì lợi ích của dân và đất nước. Những số tài sản bất minh của những kẻ cầm quyền phải được thu hồi. Tình trạng tuồn tiền ra nước ngoài phải được ngăn chặn. Các tài khoản của bọn quan tham phải được phong tỏa, dự trữ ngoại tệ và vàng của chính thể cũ phải được bảo quản để chuyển giao cho chính quyền mới của nhân dân. Tất cả những kẻ có tội với dân đều phải đem ra xét xử công minh. Những người có công với cách mạng phải được khen thưởng và vinh danh xứng đáng. Tất cả những việc đó đều phải được tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc tỉ mỉ. Nhưng những việc làm đó không được xa lầy vào việc trả thù riêng, tránh việc nồi da nấu thịt điêu tàn. Phải thể hiện rõ chính sách hòa hợp dân tộc thực sự. Mái nhà tổ quốc Việt Nam phải là nơi cho tất cả người Việt Nam, không phân biệt thành phần giai cấp, đảng phái chính trị, sắc tộc hay tôn giáo.



III. Lời Kết:

Ông Hồ Chí Minh xưa cũng có những câu nói bất hủ và đáng được quan tâm nhất là vào lúc này:

Đoàn Kết, Đoàn Kết, Đại Đoàn Kết
Thành Công, Thành Công, Đại Thành Công

Hãy đoàn kết xuống đường để đấu tranh và xây dựng một tổ quốc Việt Nam văn minh hơn, dân chủ hơn, tự do hơn, công bằng hơn, bình đẳng hơn, giàu đẹp hơn.

Hà Nội ngày 9 tháng 3 năm 2011

Minh Dâu
danlambao1.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét