Posted by truongthondlb1
Đức Tâm -Phải chăng cái gọi là mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » đã đến ngày tàn ?
Đó là câu hỏi mà giới phân tích đặt ra, trước phong trào phản kháng trong thế giới Ả Rập hiện nay. Bên cạnh những bình luận, nhận định về nguyên nhân dẫn tới những cuộc nổi dậy tại Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen …thì còn có tranh luận về mô hình phát triển.
Từ nhiều năm nay, một số chuyên gia thường nói đến mô hình phát triển được gọi là « Đồng thuận Bắc Kinh ». Mô hình này chủ trương phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và duy trì chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo. Tại nhiều nước đang phát triển, mô hình này được thể hiện cụ thể như sau : chủ nghĩa tư bản đi kèm với sự hiện diện của cảnh sát, mật vụ khắp nơi, một chế độ công an trị.
Các thành công về kinh tế của Trung Quốc, nơi mà đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1949 đến nay đã tạo thêm tính chính đáng cho mô hình này. Sau ba thập niên cải cách, phát triển, mở cửa kinh tế, Trung Quốc đã trở thành đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ về kinh tế và trong tương lai, cả về quân sự.
Đối với các chính thể chuyên quyền, độc đoán thì đây là giải pháp mầu nhiệm, phù hợp hơn là nền dân chủ « theo kiểu phương Tây » : Vừa phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập vào nền kinh toàn cầu, vừa duy trì được sự độc quyền lãnh đạo đất nước. Chính vì vậy, mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » đã được sao chép, áp dụng, tại nhiều quốc gia đang phát triển – hay còn gọi là các nền kinh tế phương Nam và kể cả Nga.
Thậm chí, một số chuyên gia Mỹ, châu Âu cũng tán dương, ca ngợi mô hình này. Năm ngoái, 2010, giáo sư Stefan Halper, thuộc đại học Cambridge – Anh Quốc – còn có một tiểu luận nhan đề « Đồng thuận Bắc Kinh hay mô hình chuyên quyền Trung Quốc sẽ ngự trị thế kỷ XXI ra sao. Theo vị giáo sư này, mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » là một gỉai pháp khả tín, thay thế cho mô hình « Đồng thuận Washington ». Trường hợp của Trung Quốc cho thấy là chỉ cần tự do kinh doanh đầu tư và độc đảng lãnh đạo, không cần phát triển các quyền tự do phổ cập khác của công dân.
Dường như thành ngữ « Đồng thuận Bắc Kinh » do nhà tư vấn người Mỹ Joshua Cooper Ramos nhào nặn ra vào năm 2004 để đối lập với cái gọi là « Đồng thuận Washington ».
Mô hình « Đồng thuận Washington » được nói đến nhiều vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đề cao phương thức lãnh đạo quản lý một cách dân chủ nhất, tự do kinh doanh đầu tư, tự do trao đổi thương mại quốc tế. Hoa Kỳ và đặc biệt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF, cổ vũ cho mô hình được coi là các bên cùng có lợi, phù hợp với nền kinh tế của các nước nghèo, đang phát triển, với nước Nga và các quốc gia Trung Đông Âu trong thời kỳ phi Sô viết hóa.
Theo phân tích của nhà báo Alain Franchon, trên báo Le Monde, thì tại Ai Cập, có lẽ chính quyền Mubarak cũng nghĩ như vậy. Thế nhưng, cuộc nổi dậy của giới trẻ Ai Cập tại quảng trường Tahrir – Giải phóng, ở thủ đô Cairo đưa ra một thông điệp rõ ràng : Mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh » không phải là một giải pháp màu nhiệm, không bảo đảm ổn định chính trị trong tương lai, cho dù chế độ chuyên quyền có tạo thuận lợi phát triển kinh tế, nhưng không có gì chắc chắn là mô hình này mang lại hạnh phúc cho người dân. Nói tóm lại, những giá trị được quảng bá, tuyên truyền của mô hình « Đồng thuận Bắc Kinh », được thể hiện qua các chế độ bạo quyền của Ben Ali tại Tunisia, hay Mubarak tại Ai Cập, có những giới hạn của nó.
Báo Le Monde trích đăng xã luận của tờ Thời báo Matxcơva, « Bất kể những ồn ào mà các nhà phân tích chính trị đã gây ra vào năm ngoái liên quan đến việc mô hình dân chủ phương Tây bị mất ảnh hưởng và về sự vươn lên của mô hình chuyên quyền độc đoán (bao gồm Trung Quốc, Singapore, v.v.), lịch sử lại không đứng về phía chuyên quyền độc đoán, bởi vì theo định nghĩa, chuyên quyền độc đoán không có tính chính đáng và bản chất của nó là bất ổn định ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét