Hiệu Minh
Họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: White House
Cánh nhà báo đùa, hệ thống dịch của Nhà Trắng có vấn đề khi dịch từ “nhân quyền – human right” cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong cuộc họp báo với Obama chiều 19-01-2011. Đám hacker nói vui, hệ thống dịch nhập từ Trung Quốc bị hack, đã “điều khiển” cụm từ “nhân quyền made in USA” không đến tai bác Hồ Cẩm Đào.
Người Mỹ có câu “No free lunch – không có bữa ăn nào miễn phí”. Ăn tối với Obama chắc gì đã sướng như người ta đồn đại.
Bác Hồ Cẩm Đào được Obama chiêu đãi bữa tối sang trọng “vừa là đối tác vừa là đối thủ”. Có ăn thì phải họp báo, được ăn được nói mà. Há miệng mắc quai, chả lẽ không nói gì với báo chí. Trong chuyện này không hiểu Tàu thâm hay Cao bồi thâm.
Trong tiếng Anh từ “Press” vừa là báo chí vừa là ép buộc. Tới thăm xứ sở cờ hoa, lãnh đạo quốc gia phải đối mặt với nền báo chí tự do (Free Press), dễ bị press (bị hỏi những câu hóc hiểm), gây ra không ít lúng túng.
Chính khách trực diện với báo chí Tây cũng như người ta đấu tay không với hổ, báo hay sư tử. Cánh nhà báo không “ăn thịt” ai, nhưng những câu hỏi “đá gà, đá vịt” có thể “xé xác” sự nghiệp một nhà chính trị, nhấn chìm hình ảnh quốc gia.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng (19-1), nhà báo của AP hỏi Obama “Can you explain to the American people how the United States can be so allied with a country that is known for treating its people so poorly, for using censorship and force to repress its people? Ngài giải thích với dân Mỹ thế nào khi mà Hoa Kỳ có thể làm đồng minh với một quốc gia nổi tiếng về cách đối xử thậm tệ với nhân dân thông qua cách sàng lọc và đè nén dân tộc mình”.
Rồi anh hỏi bác Đào “I’d like to give you a chance to respond to this issue of human rights. How do you justify China’s record, and do you think that’s any of the business of the American people? – Tôi cũng muốn dành cho ngài cơ hội để trả lời về nhân quyền. Tôi muốn trao cho Ngài cơ hội trả lời về vấn đề nhân quyền. Ngài làm thế nào để biện minh (justify) cho những hồ sơ về nhân quyền của TQ. Và liệu đó có phải là việc của dân Mỹ hay không?”
Xem trên CNN thì thấy Obama trả lời, người phiên dịch đã dịch. Mọi con mắt đổ dồn về phía bác Hồ Cẩm Đào.
Nhưng bác này im lặng, vẫn nụ cười tươi trên môi, với vẻ mặt dường như câu hỏi nhạy cảm chưa từng được hỏi. Hóa ra ông bảo, hệ thống dịch có vấn đề nên không nghe được câu hỏi về nhân quyền. Chính khách có tầm nên biết “ù tai” đúng lúc.
Đúng lúc đó, microphone phỏng vấn đã chuyển cho hãng Xinhua. Hy vọng chẳng ai hỏi nữa. Khôn khéo vô cùng.
Nhưng rồi cái microphone chết tiệt lại đưa về cho cánh nhà báo dai như đỉa của phương Tây. Anh chàng bên Bloomberg lại nhắc nhở “Người bạn tôi đã hỏi câu về nhân quyền nhưng ngài (Đào) chưa trả lời. Tôi băn khoăn là liệu bây giờ, ngài đã có câu trả lời?”.
Cuối cùng ông Đào phải đối mặt với câu hỏi hiểm hóc dù đã đổ lỗi cho hệ thống dịch. Ông thừa nhận, cần làm nhiều hơn để cải thiện nhân quyền ở Trung Quốc. Đất nước hàng tỷ dân đang phát triển, còn nhiều vấn đề trong kinh tế và xã hội phải đương đầu.
Người ta đang tìm ra nguyên nhân của lỗi kỹ thuật trên. Tại sao hệ thống dịch lại trục trặc đúng vào từ “nhân quyền”. Phải chăng hệ thống dịch made in China đã “điều khiển” cụm từ “nhân quyền made in USA” không đến tai vị khách.
Sau chuyến bay dài vượt Thái Bình Dương, rất có thể ông Đào bị jet lag (trái giờ), tai bị ù khi máy bay hạ cánh, nên không nghe nổi câu hỏi tế nhị thường thấy trong mối bang giao Đông Tây. Hoặc ở nước ông, người ta không nhắc đến từ này, cánh lập trình IT không đưa vào hệ thống.
Vấn đề nhân quyền có thể kiểm soát được ở một quốc gia 1,5 tỷ dân “không ai được nói, không được bàn và không được hướng tới”. Nhưng ra thế giới bên ngoài, câu chuyện lại khác.
Trung Quốc từng là cái nôi văn minh từ 5.000 năm trước. Thời cơ đó lại đang về với đất nước này. Muốn trở thành trung tâm tinh hoa (Trung Hoa) trong thế giới hiện đại thì họ cần bộ hồ sơ, lý lịch (record) trong sạch, trong đó có nhân quyền.
Trong lúc họp báo, Obama thừa nhận vấn đề nhân quyền đôi khi gây ra căng thẳng giữa hai quốc gia này. Chủ tịch Hạ viện mới của Đảng Cộng hòa không dự tiệc tối chiêu đãi Hồ Cẩm Đào tại Nhà Trắng.
Obama nói rằng, ông tin vào công lý và nhân quyền khi người dân đủ sống, có nhà ở, có điện dùng. Ông chào đón nhân quyền Trung Quốc. Và Hoa Kỳ muốn việc trỗi dậy của Trung Quốc được thưc hiện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp củng cố an ninh và hòa bình quốc tế. Thay vì trở thành nguồn gốc của xung đột tại Á châu hay những nơi khác trên thế giới.
Obama giỏi thiệt khi dùng từ “nhân quyền Trung Quốc”. Ông muốn đảm bảo cho lần sau, hệ thống dịch của Nhà Trắng không còn bị mắc lỗi khi gặp “human right made in China” khi đón tiếp các vị khách do “jet lag dễ bị nặng tai” đến từ châu Á.
H.M
20-1-2011
Nguồn: Hieuminh Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét