Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Bạn nghĩ gì về: “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”?

Nguyễn Hữu Quý

Đã có khi nào bạn ngồi một mình để suy ngẫm về cụm từ này, mà nó đã rất đỗi thân thuộc với mọi người Việt Nam?

Ngay sau khi cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, quốc hiệu nước ta từ đó là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ; kèm thêm vào Quốc hiệu trong tất cả các loại giấy tờ là cụm từ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”. Rồi, sau khi nước nhà thống nhất, tại ĐH Đảng toàn quốc lần thứ IV tổ chức vào năm 1976, quốc hiệu nước ta lại thay đổi, mang tên CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, nhưng cụm từ kèm theo bên dưới thì vẫn không thay đổi, vẫn là “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”. Tuy vậy, khái niệm độc lập, Tự do, Hạnh phúc như chúng ta đã thấy, hình như ngày càng có những vấn đề thời sự buộc chúng ta phải quan tâm, quy nghĩ. Hãy thử xét kỹ xem sao.

ĐỘC LẬP:

Theo thiển ý của người viết, Độc lập ở đây là nói về Quốc gia. Một Quốc gia gọi là ĐỘC LẬP, có nghĩa là không bị ngoại bang xâm lược, đô hộ; Quốc gia độc lập có nghĩa là vẫn giữ vững được bờ cõi, cương vực rõ ràng, không bị các quốc gia khác xâu xé, cướp mất…

Trên thế giới này, có lẽ Việt Nam nói riêng và các nước giáp Trung Hoa nói chung, có thể là các quốc gia phải trả giá đắt nhất cho sự ĐỘC LẬP của mình. Bởi vì, dân tộc Trung Hoa, với dòng máu Đại Hán, luôn luôn tìm cách mở rộng lãnh thổ, bằng cách xâm lăng lân bang nhằm sáp nhập vào lãnh thổ của họ…

Nếu như hai từ TRUNG HOA được hiểu là đế chế do Tần Thủy Hoàng (259-210TCN) sau khi tiêu diệt các nước chư hầu thời Chiến Quốc để lập nên đế quốc Trung Hoa[1] [nhà Tần] vào những năm 238 TCN; thì đến nay, lãnh thổ Trung Quốc đã mở rộng hơn lên 5-7 lần. Nói về điều này để người Việt luôn luôn nhớ rằng, không một phút lơi là với bọn phương Bắc, cho dù chúng núp danh dưới bất kỳ mỹ từ nào (?!). Ông cha ta xưa đã rất tuyệt vời trong việc giữ vững nền độc lập thì ngày nay không có lý do gì, thế hệ cháu con không thể làm tốt hơn; việc khuất tất trong việc giữ gìn nền độc lập sẽ bị lịch sử lên án, phỉ nhổ...; bài học về Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… vẫn mãi mãi còn đó!



Đế quốc Trung Hoa thời nhà Tần, mà ngày nay diện tích đã rộng hơn đến 5-7 lần
do sự xâm lăng các lân bang ghép vào lãnh thổ - luôn luôn nhắc nhở người Việt không ngừng cảnh giác, cho dù chúng núp dưới bất kỳ những mỹ từ nào?!

Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, dân tộc VN hiểu về giá trị của ĐỘC LẬP; chính vì thế, lịch sử của dân tộc VN được khái quát là LỊCH SỬ CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM (mà chủ yếu là từ phương Bắc). Người Việt Nam, lớp lớp các thế hệ, đã phải trả giá hàng chục triệu người cho danh hiệu cao quý, mang tính tồn - vong này.

Nhưng vượt lên tất cả; khái niệm ĐỘC LẬP còn được hiểu đó là QUYỀN TỰ QUYẾT; ở đây được hiểu là, người VN phải được tự quyết định vận mệnh dân tộc của mình, bằng trí tuệ của toàn dân tộc. Phụ thuộc ngoại bang về quyền tự quyết, hoặc để ngoại bang xâm hại quyền tự quyết, là đồng nghĩa với việc mất độc lập.

Như vậy, có thể hiểu ngắn gọn: ĐỘC LẬP là TOÀN VẸN LÃNH THỔ VÀ QUYỀN TỰ QUYẾT.






Nghĩa trang Trường Sơn - một trong hàng trăm nghĩa trang trên đất nước Việt Nam; đại diện cho hàng triệu người của nhiều thế hệ đã ngã xuống vì nền độc lập.

 TỰ DO, HẠNH PHÚC.

Đây là quyền thiêng liêng của cá nhân – con người. Chính vì vậy, ngay phần mở đầu của Bản tuyên ngôn độc lập, được Hồ Chủ tịch đọc tại Quảng trường Ba Đình vào sáng ngày 02/9/1945, Người đã mượn lời bất hủ từ bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776. Hồ Chủ tịch đã mở đầu “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ bằng đoạn như sau:

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra một chân lý mang tầm nhân loại, với ý nghĩa vĩnh hằng, bất biến: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO!

VIỆT NAM HÔM NAY CÓ LÀ NƯỚC ĐỘC LẬP?

Không biết đã có mấy người đặt ra câu hỏi này? Đây có vẻ như câu hỏi của thời đại hôm nay đang đặt ra cho toàn thể người Việt Nam còn lương tri, còn nghĩ đến đất nước phải trả lời (?!).

Nhìn về biên cương, biển đảo, lãnh thổ chúng ta đang để cho người Tàu gặm nhấm từng phần.

Còn tệ hơn nữa, khác với truyền thống cha ông, chúng ta hôm nay còn tạo điều kiện để người Tàu có cơ hội xâm lược trong tương lai (?!).

Nhưng đau lòng hơn tất cả vẫn là, hơn 700 toà báo, tạp chí đã phải im lặng trước sự ngang ngược của lãnh đạo Bắc Kinh; các báo chí được gọi là “lề phải” đang dần dần không có người đọc, để đến nỗi, nhà báo Trương Duy Nhất phải dùng đến một câu “Tuyên truyền phản động” để làm tiêu đề cho một bài viết trên Blog của mình [tất nhiên chỉ để nói cho một vấn đề cụ thể, nhưng cũng không quên nhấn mạnh rằng Im lặng nhường thế trận cho địch]. Chỉ trong vòng một ngày bài đó đã có hơn 140 bình luận của người đọc. Thiết nghĩ, các Tổng biên tập các tờ báo, tạp chí… cũng nên ghé thăm xem độc giả ngày nay họ nói gì về báo gọi là “lề phải”.

Ngay cả đến các trang mạng, các trang Blog cá nhân, một khi dám nêu lên những chuyện liên quan đến TQ để khơi dậy lòng tự hào và truyền thống Việt… cũng bị “đánh” tơi bời; như vậy là, giặc phương Bắc đã thực sự khống chế tiếng nói của những người yêu nước Việt Nam thật rồi.

Vậy Việt Nam ta có còn độc lập?

Đâu là các bậc nhân sỹ, trí thức; những người được xã hội và Nhà nước vinh danh là GS-TS, Viện trưởng, Viện phó…; Đâu rồi các “nhà nghiên cứu văn hóa”; “nhà nghiên cứu lịch sử”, những “nhà giáo ưu tú” v.v…, các vị đang nhận những đông lương, cho dù có là lương hưu đi nữa, nhưng là tiền thuế của nhân dân Việt Nam cả đấy; các vị để cho đất nước thế này sao?

Phải chăng đất nước ta có rất nhiều thế hệ cầm bút, mà cả cuộc đời chỉ quen nói tô hồng, chiều theo ý kiến chỉ đạo… để hôm nay không còn đủ dũng khí và trí tuệ nhìn vào sự thật?

22.01.2011

NHQ

[1] Nguyenhuuquy2 Blog

[2] http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30196&cn_id=119997

[3] Truongduynhat

Tấc giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét