LÊ MAI
Năm 2011, tính theo lịch ta, khởi đầu bằng một ngày khá đặc biệt – ngày Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất hai tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên đất Hương Cảng. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này có thể là một sự trùng hợp lịch sử, song nó còn là thông điệp gửi đến cho tương lai, ĐCS sẽ tiếp tục lãnh đạo dân tộc này, đất nước này như thế nào hầu đưa đất nước vươn lên, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của người sáng lập?
Câu hỏi không dễ trả lời – dẫu một kỳ ĐH của ĐCS vừa kết thúc. Hiển nhiên, ánh sáng của các chính sách sẽ chiếu rọi khắp nơi trên cả nước. Song giờ đây, khi mùa xuân sắp về, nhìn ra ngoài khung cửa, chỉ thấy mênh mông mờ mịt một màu xám ngắt, cộng với cái lạnh tê tái từ phía Bắc, vượt qua đèo Hải Vân cao vút lỗ châu mai tràn vào. Bầu trời thành phố vẫn đầy mây mù, chưa thấy tín hiệu nắng lên. Năm nay, hình như thiếu đi cái vẻ tất bật, rộn ràng của những ngày giáp Tết? Người đi lại trên đường phố hình như thưa vắng hơn? Chợ búa hình như ít người hơn? Mua bán hình như ít tấp nập hơn? “Siêu lạm phát B52 rải thảm trên toàn bờ cõi. Sông dài cá lội biệt tăm. Anh hùng kẻ gian đánh tráo lộn sòng”? Cái không mấy thay đổi, có lẽ là những câu khẩu hiệu mừng đảng, mừng xuân giăng khắp phố phường?
Nói đến đảng, nhất là ĐCS, luôn luôn phải thận trọng, suy nghĩ thấu đáo, nhất thiết không thể tuỳ tiện. Tôi không dám lạm bàn. Thế là tôi nhớ đến một bài viết của Trần Bạch Đằng – nhà cách mạng lão thành, nhà nghiên cứu uyên bác về “nỗi thèm khát nóng bỏng”. Ông muốn nói thèm khát cái gì?
Ấy là những năm kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ, các ông Lê Duẩn, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Trần Bạch Đằng…luôn được các ba, các má, các chị thương yêu, đùm bọc, chở che. Nhiều khi, họ gọi các nhân vật lẫy lừng ấy bằng “thằng” – một cách gọi thân mật, thân thiết rất Nam Bộ.
Hãy đọc hai câu thơ của Trần Bạch Đằng viết về Lê Duẩn:
Má gọi bằng thằng và cười ấm áp
Anh bồi hồi như mọi tầm cao
Hai câu thơ nói lên lòng tin cậy, sự mến thương, bình đẳng của người dân đối với Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ lúc bấy giờ và cũng nói lên cảm xúc sâu lắng của Bí thư Xứ ủy. Nhà thơ phải rất cao tay và rất hiểu “nhân vật” mới có thể viết được như vậy. Trong trường hợp này, được người dân kêu bằng “thằng” – như Lê Duẩn, thật không dễ dàng. Và dĩ nhiên, đó là một niềm vui, một phần thưởng từ người dân.
Đáng mừng là lúc bấy giờ có nhiều người thuộc “đẳng cấp thằng”: Thằng Ba Duẩn, thằng Ba Khiêm (Ung Văn Khiêm), thằng Tám Hà (Hà Huy Giáp), thằng Hai Hùng (Phạm Hùng)…
Vẫn lời Trần Bạch Đằng:
“…khi cùng bơi xuồng với anh Ba Duẩn, ghé xin nước uống một nhà trên bờ kênh.
- Tao biết mầy là thằng Ba Duẩn – chủ nhà trao gáo nước mưa cho anh Ba và bảo:
- Mầy là chỉ huy cao hơn hết ở xứ Nam này, ai cũng phục, vậy tại sao mầy để thằng con của hương hào Lẹ làm chủ tịch xã?
….
- Tôi sẽ giải quyết vụ này! – Anh Ba tự xem có lỗi, đã hứa, phải qua phiên dịch của tôi vì giọng Quảng Trị của anh rất khó nghe. Chủ nhà cười rạng rỡ:
- Tao biết tụi bây quang minh chánh đại mà!”
Cuộc đối thoại thật thú vị. Một người dân “tao, mầy, thằng” với Bí thư xứ uỷ Nam Bộ và ông Bí thư lập tức giải quyết thắc mắc của người dân. Không gì có thể nói nhiều hơn chi tiết ấy.
Câu chuyện trên gợi cho chúng ta trả lời câu hỏi, phải chăng nỗi thèm khát nóng bỏng của Trần Bạch Đằng là giá mà bây giờ đảng viên được người dân gọi bằng “thằng” với tất cả sự tin yêu, quý mến? Thế nhưng, đáng buồn là hiện thực rất phũ phàng, người dân hiện nay cũng gọi không ít cán bộ, đảng viên bằng “thằng” song không phải là “thằng” theo nghĩa Nam Bộ…
Lại có một cách gọi khác cũng không kém phần độc đáo của Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), một nhân sỹ miền Nam, từng là một nhân vật khét tiếng trong giới giang hồ (Bình Xuyên), đã đi theo kháng chiến vì dân tộc. Sau khi Bảy Viễn về thành, Mười Trí viết thư cho Hồ Chí Minh, gửi qua Phạm Hùng. Đó chính là “Bức tâm thư kính gửi anh Hồ Chí Minh” độc đáo của Mười Trí. Trong thư, Mười Trí gọi Hồ Chí Minh là “anh” và xưng là “thằng em của anh”: “thằng em của anh là Mười Trí gửi thư này chúc anh mạnh khỏe…thằng em của anh xin hứa chắc với anh là thằng em của anh sẽ tiếp tục kháng chiến cho tới thắng lợi cuối cùng”.
Các nhân vật trong đoàn Phạm Hùng toát mồ hôi khi đọc thư Mười Trí, vì nó có vẻ “giang hồ” quá. Nhưng sau khi phân tích kỹ, cả đoàn đều đồng ý chuyển thư này lên Hồ Chí Minh. Vì đây chính là khẩu khí, phong cách, tâm hồn của một người từng trong giới giang hồ theo kháng chiến. Họ phải rất quý, rất phục ai đó, họ mới xưng hô như vậy. Đó cũng là một nét độc đáo của văn hóa VN, con người VN.
Hai câu chuyện đều nói lên mối quan hệ giữa người dân và lãnh đạo. Khi người lãnh đạo hiểu dân, thực sự vì dân, người dân sẽ quý họ, không một “lý luận” nào có thể thay thế điều đó – “lý luận giáo điều” càng không thể!
Bây giờ, chúng ta trở về với hoa trái mùa xuân. Những chậu quất bày đầy dọc phố, trái vàng rực nằm lẫn trong lá xanh, mùa xuân về rồi đấy nhỉ. Hoa tầm xuân xanh biếc, hoa cúc vàng rực, hoa lay ơn đỏ, hoa lan lá xanh với bông trắng…Có lẽ cái lạnh năm nay làm cho hoa mai – loài hoa đặc trưng của Tết miền Nam, nở muộn…
Đất trời đang sang xuân. Dù hoa nở muộn, mùa xuân vẫn cứ về, cũng như đất nước này, dân tộc này vạn đại tươi xanh.
(Lê Mai’s blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét