Từ khi sang Mỹ, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người Việt sống ở đây. Có lần, tôi tình cờ gặp một anh chàng Việt kiều. Sau màn chào hỏi, tay bắt mặt mừng khi gặp được người đồng hương nơi xứ lạ, anh ấy dè dặt hỏi tôi bằng thứ tiếng Việt có phần ngọng nghịu do lâu ngày không dùng đến: “Em có ngại nói chuyện với anh không?”. Từ khi sang Mỹ, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người Việt sống ở đây. Có lần, tôi tình cờ gặp một anh chàng Việt kiều. Sau màn chào hỏi, tay bắt mặt mừng khi gặp được người đồng hương nơi xứ lạ, anh ấy dè dặt hỏi tôi bằng thứ tiếng Việt có phần ngọng nghịu do lâu ngày không dùng đến: “Em có ngại nói chuyện với anh không?”. Tôi ngạc nhiên: “Không, tại sao anh lại hỏi vậy?”. “Vì em là du học sinh, còn anh thì vượt biên”. Tôi đáp: “Thế thì có gì khác nhau đâu? Chúng ta đều bỏ nước ra đi mà”.
Thực vậy, khi thấy con số học sinh, sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học ngày càng tăng, nghe đâu lên tới 13,000 người chỉ riêng cho năm ngoái, là tôi hiểu ngay rằng làn sóng vượt biên từ những năm 70-80 đến giờ vẫn còn tiếp diễn mạnh mẽ. Có khác chăng, trước kia người ta vượt biển bất chấp nguy hiểm tới tính mạng, thì nay người ta tìm cách ra đi một cách hợp pháp, an toàn hơn. Nhưng mục đích và bản chất của chuyến đi đó thì vẫn không thay đổi.
Tuy chưa có thống kê bao nhiêu phần trăm học sinh, sinh viên ở lại nước ngoài và bao nhiêu người trở về, nhưng chắc chắn con số người ở lại không nhỏ và hầu hết họ đều là trí thức, có bằng cấp, học vị đàng hoàng. Nếu như trước đây, sau cuộc chiến 1975, những người ra đi được gọi là tỵ nạn chính trị, thì giờ đây, những người ra đi có thể được coi là tỵ nạn tinh thần, tỵ nạn trí tuệ bởi nhiều người trong số họ có điều kiện kinh tế khá ở trong nước và ra đi không vì mục đích tiền bạc. Đi tìm một cuộc sống tinh thần tốt hơn, một môi trường nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ tốt hơn mới là mục đích của họ.
Tôi có người anh họ từng là Đảng viên, nhưng vì không đủ nhẫn tâm và thủ đoạn trong cuộc tranh đua chức quyền và địa vị nên bị chèn ép, buộc phải bỏ việc nhà nước, ra ngoài làm ăn buôn bán. Lâu ngày không gặp, tự nhiên một hôm anh ấy bảo: “Anh đưa cháu lớn sang Mỹ học, cô quan tâm, dạy dỗ nó giúp anh”. Tôi hỏi: “ Sao anh lại quyết định cho cháu đi du học? Nó còn ít tuổi quá!”. Mặt anh đanh lại, lời nói chắc nịch: “Anh muốn nó ra nước ngoài sinh sống, ở đây càng ngày càng bất công, không thề chịu nổi nữa. Cho dù phải bán hết nhà cửa để lo định cư ở nước khác anh cũng sẽ làm cho bằng được”.
Khi biết tôi có ý định sống ở nước ngoài, đã có người dè bỉu: “Sống lưu vong thì hay ho gì, mình ở nước mình vẫn là sướng nhất”. Đúng vậy, tôi không ca ngợi cuộc sống ở nước ngoài, vì đó là lựa chọn bất đắc dĩ của tôi. Có ai muốn xa quê hương, gia đình, người thân đâu? Nhưng rõ ràng, đất có lành thì chim mới đậu. Hơn nữa, sống ở trong nước mà luôn luôn cảm thấy ngột ngạt hoặc phải chịu làm thân sâu bọ thì sống làm gì? Còn anh bạn Việt kiều tôi gặp thì nói đơn giản: “Nhà này không hợp thì mình đi tìm nhà khác để ở, thế thôi”. Nhưng vấn đề ở chỗ, sao cái nhà ấy lại không hợp với nhiều người đến thế? Mà ngay cả những người ở lại trong nước hay quay về thì hầu hết đều do không đủ điều kiện để ra đi, không đủ điều kiện để so sánh sự khác biệt giữa Việt Nam với nước khác, không tìm được kế sinh nhai ở nước ngoài hoặc do còn nhiều ràng buộc ở Việt Nam.
Báo chí Việt Nam từng tung hô, ca ngợi những người như Giáo sư Ngô Bảo Châu hay Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn vì đã làm rạng danh Việt Nam trên thế giới. Tuy họ đều được ăn học chủ yếu ở nước ngoài và mang quốc tịch nước đó, nhưng họ vẫn khiêm tốn nói rằng thành công của họ là nhờ nền Giáo dục nước nhà đã phát hiện và bồi dưỡng tài năng từ khi còn tấm bé. Vẫn biết uống nước phải nhớ nguồn, nhưng hiển nhiên ai cũng hiểu điểm khởi đầu đó chưa đủ để tạo nên nhân tài. Cái gốc tuy quan trọng, nhưng quả ngọt lại nằm ở trên ngọn và đương nhiên, nước khác đang được hưởng quả ngọt nhân tài đó chứ không phải Việt Nam. Việt Nam đã không đủ sức nuôi dưỡng nhân tài cho đến ngày đơm hoa kết trái, thậm chí không đủ sức để niú giữ chân họ bởi một lý do giản đơn: cá lớn thì phải ra biển lớn. Ao tù nước đọng sẽ chỉ làm con cá đó ngạt thở mà chết. Lẽ ra, đó phải là điều đáng xấu hổ cho Việt Nam chứ không nên tự hào như báo chí đã viết khi nói về những người Việt thành danh trên thế giới.
Mấy tháng trước, một chị bạn về nước chơi, kể cho tôi nghe hiện tượng các cô gái có chút nhan sắc, học thức và duyên dáng nếu có điều kiện đều thích lấy người nước ngoài cả vì các cô ấy “chê” đàn ông ở Việt Nam gia trưởng, độc đoán. Mà hầu hết các cô ấy đều có điều kiện kinh tế khá chứ không phải lấy chồng vì tiền đâu nhé. Chị bạn cười buồn: “Chảy máu nhan sắc đấy em ạ”. Việt Nam mình hết “chảy máu chất xám”, “chảy máu tài nguyên”, giờ lại đến “chảy máu nhan sắc” nữa thì không biết non sông gấm vóc, nòi giống Lạc Hồng rồi sẽ đi về đâu?
Nước Mỹ, ngày… tháng… năm…
Giấc mơ xanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét