Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Chưa thể có báo cáo sâu về Đường sắt cao tốc trong năm 2011

"Việc trình dự án trong năm 2011 là mong muốn của Bộ Giao thông, hay nói cách khác là chủ đầu tư. Nhưng nghiên cứu có hoàn thành được trong năm 2011 hay không, vẫn chưa thể khẳng định".

TS. Khuất Việt Hùng – Viện Trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông, người tham gia phản biện báo cáo đầu tư dự án ĐSCT Bắc - Nam trả lời PV Bee xung quanh dự kiến báo cáo nghiên cứu sâu về đường sắt cao tốc (ĐSCT) năm 2011.

3 năm nữa mới xong nghiên cứu sâu

Báo cáo đầu tư về ĐSCT trình Quốc hội vừa rồi đã nhận được rất nhiều phản biện và góp ý. Vậy bản nghiên cứu sâu lần này tiếp thu những phản biện và góp ý đó như thế nào?

Lần này tôi không tham gia cùng JICA là làm nghiên cứu khả thi nhưng rất hi vọng chúng tôi sẽ được mời để tham gia góp ý kiến khi có dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi. Lần trước khi Chính phủ trình Quốc hội chỉ là báo cáo đầu tư. Vì vậy những số liệu, tính toán của báo cáo trước đây sơ sài hơn rất nhiều báo cáo bây giờ.

Theo đề nghị của nhiều chuyên gia khác nhau, phải nghiên cứu lại, chi tiết hơn. Trong đó phải xem xét đến những yếu tố liên quan đến công nghệ, những đánh giá tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu, phân tích mối liên hệ giữa đường sắt cao tốc với phát triển hệ thống đô thị dọc tuyến đường…

Tất nhiên, nghiên cứu này phải vừa cụ thể, lại vừa tổng thể. Tức, nghiên cứu trên cơ sở định hướng phát triển toàn tuyến, nhưng phần nghiên cứu khả thi sẽ nghiên cứu cụ thể đoạn Hà Nội – Vinh và TP. HCM – Nha Trang. Sau khi có kết quả nghiên cứu từ hai tuyến trên, có thẩm định, đánh giá, trong đó có mời thẩm định độc lập. Sau đấy mới tổng hợp, lập báo cáo để Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ xem xét, cân nhắc để trình Quốc Hội.

Với chừng đó việc phải làm, theo anh, mục tiêu trình Chính phủ nghiên cứu sâu năm 2011 như tuyên bố mới đây của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có vẻ như hơi gấp?

Việc trình dự án trong năm 2011 là mong muốn của Bộ Giao thông, hay nói cách khác là chủ đầu tư. Nhưng nghiên cứu có hoàn thành được trong năm 2011 hay không, vẫn chưa thể khẳng định. Vì thực tế, hai tuyến này rất phức tạp, có độ dài lớn, yêu cầu phải nghiên cứu tỉ mỉ.

Vậy để có một bản báo cáo sâu hoàn chỉnh, cần thời gian bao lâu?

Nhanh phải mất 3 năm. Còn nếu đơn giản chỉ là trình thử để xin chỉ đạo tiếp, hoặc để đảm bảo tính thời sự, có thêm số liệu cụ thể, chi tiết hơn trình Quốc hội mới có thể kịp trong năm 2011.



Để VN có đường sắt trong năm 2020 là không thể !


Nhật Bản muốn làm theo lộ trình, Việt Nam muốn làm cả

Anh đánh giá thế nào về thời gian dự kiến vận hành một số đoạn đường sắt cao tốc vào năm 2020?

Không chỉ tôi, mà nhiều chuyên gia đều đánh giá, chúng ta không thể có đường sắt cao tốc vận hành vào năm 2020 được. Nếu chúng ta quyết làm hai đoạn Hà Nội – Vinh, và TP.HCM – Nha Trang thì sớm nhất phải là năm 2025, bình thường thì phải năm 2030 chúng ta mới có thể có. Còn toàn tuyến thì năm 2040 là sớm.

Cũng phải nói thêm rằng, phía Nhật Bản họ cũng đề nghị việc thực hiện phải có lộ trình, chỉ nên làm từng đoạn một. Và làm xong một đoạn để chúng ta đánh giá, tiếp nhận về công nghệ xây dựng, điều hành… rồi sẽ làm những đoạn tiếp theo. Đấy là thành ý của họ, ta không nên hiểu sai. Việt Nam cứ muốn làm cả.

Theo tôi, chúng ta nên làm trước đoạn Hà Nội – Hải Phòng, hoặc TP.HCM – Biên Hòa. Đây là những đoạn ngắn, khi hoàn thành chúng ta có thể đánh giá được. Hơn nữa, nếu có muốn lựa chọn công nghệ khác cho toàn tuyến Bắc – Nam thì cũng không hề bị ảnh hưởng. Nếu để thử nghiệm mà thử đoạn Hà Nội – Vinh hoặc TP.HCM – Nha Trang thì dài quá.

Xong nghiên cứu khả thi mới quyết được xây 1 đoạn hay toàn tuyến

Báo cáo sâu lần này có tính đến chuyện đó không, tức là những thay đổi về số vốn, nguồn vốn, hay thời gian thực hiện không?

Vấn đề số vốn thì chắc chắn sẽ thay đổi, vì nguyên tắc là trong nghiên cứu khả thi là 1 thì vốn thực hiện phải là 1,4 đến 1,5. Trừ khi trong nghiên cứu khả thi đã có tính và nhân hệ số bù. Còn về thời gian thực hiện và đưa vào sử dụng, còn tùy thuộc vào việc quyết định xây dựng một đoạn, hai đoạn hay toàn tuyền… Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào nghiên cứu khả thi.

Theo kinh nghiệm nghiên cứu, và thực tế của tôi, tôi hoàn toàn có thể đoán được thời gian thực hiện, vốn sẽ có thay đổi. Thậm chí là thay đổi cả công nghệ. Báo cáo trước đây cũng có đề cập đến công nghệ của Đức, Pháp… để so sánh, nhưng so sánh đấy là chưa đủ.

Lần này họ so sánh kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt, việc xuất hiện công nghệ Trung Quốc, giá thành thấp hơn cũng là cái hay để người Nhật phải xem xét lại, đây cũng là cái lợi thế cho Việt Nam khi đàm phán với phía Nhật, tránh hiện tượng độc quyền về mặt công nghệ. Tất nhiên, nếu Nhật cấp vốn ODA họ sẽ có thế mạnh nhất định.

Với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, xây ĐSCT sẽ rất khó khăn. Còn nếu phụ thuộc hoàn toàn vào ODA Nhật Bản, liệu sẽ có những rủi ro gì?

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 chúng ta có thể sử dụng ODA cho phần hạ tầng. Sau đấy chúng ta chọn một vài đoạn có hiệu quả khai thác cao nhất, rồi thương mại hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mua đầu máy, toa tàu để khai thác. Như vậy ta có thể giảm một phần ODA.

Hoặc chúng ta có thể đầu tư dần dần, hoàn thiện từng đoạn một, với mức phát triển kinh tế là 6 - 7%/năm thì tương lai ta có thể tự làm. Khi ta có đủ tiềm lực, những đoạn còn lại có thể tự bỏ vốn để đầu tư.

Lê Việt

Nguồn: Bee

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét